Tìm một người bạn trong tuổi già

THỦY TIÊN DỊCH 06/06/2017 03:06 GMT+7

TTCT - Một câu chuyện mà bà Iraida Konstantinova Kireeva, 80 tuổi, kể cho nhà văn Dmitriy Frolovskiy ở Matxcơva (Nga).

Minh họa

Vào tháng 6 qua, khi không còn vướng bận gì ở Novaya Usman, tôi thường lang thang ở ngoài trời cả ngày. Novaya Usman là một ngôi làng nhỏ ở miền Bắc nước Nga gần thành phố Voronezh, nơi tôi đã sống hơn một thập kỷ.

Tôi bây giờ đã 80, ở độ tuổi mà khó có thể đi bộ trong khoảng thời gian dài, nên tôi sẽ ngồi trên một băng ghế gỗ (lavochka) gần nhà và ngắm người đi đường qua lại. Tôi cũng hoài niệm về khoảng thời gian ở Almaty, cách đây cả nghìn dặm xa. Khi không chịu nổi khắc khoải, tôi trở về nhà.

Tôi trải qua thời niên thiếu ở miền Bắc Kazakhstan. Cùng với nhiều gia đình Nga dưới thời Stalin, gia đình tôi đã bị đày đến thảo nguyên gần Aktyubinsk vì cha tôi từng là lính phục vụ Sa hoàng và là một kulak, một từ dùng để chỉ tầng lớp tư sản.

Khi tôi 12 tuổi, cha mẹ tôi đều qua đời. Tôi và anh chị em mình sống trong căn nhà ọp ẹp thiếu vật dụng lẫn quần áo ấm.

Chính vì thế, tôi không hề biết đến sợ hãi và không ngại khó. Khi lớn hơn và có thể làm việc, tôi làm đầu bếp với những ca 12 tiếng, và vẫn đủ sức để khiêu vũ mỗi đêm. Đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất của đời tôi.

Tôi khá nổi tiếng: các chàng trai quý tôi và luôn mời tôi nhảy cùng họ. Tôi chắc hẳn đã làm nhiều trái tim tan vỡ.

Công việc đưa tôi đến vị trí bếp trưởng của Xô viết tối cao, đó là khi tôi chuyển đến Almaty, thủ phủ của Kazakhstan. Tôi làm việc ở đó gần 40 năm trước khi nghỉ hưu.

Almaty đã trở thành mái ấm duy nhất của tôi, nhưng cuộc sống trở nên khó khăn sau sự sụp đổ của khối Liên Xô. Gia đình tôi gốc Nga, khi người dân Kazakhs tôn trọng người lớn tuổi với mọi sắc tộc, giới thanh niên chúng tôi luôn phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc.

“Orys! Orys!”, họ hét lên khi xe buýt dừng lại. “....! Cút về Nga đi!”, bản thân tôi đã chứng kiến nhiều điều ghê rợn khác mà tôi không muốn đề cập đến ở đây. Cứ như vậy, dân Đức ở Almaty trở về Đức, người Do Thái quay lại Israel và người dân Nga chúng tôi trở về Nga.

Kể cả khi đã sống nhiều năm tại Novaya Usman, tôi vẫn gặp khó khăn trong việc kết bạn. Mọi người dường như đều xa lạ, còn tôi thì đã quá già để thay đổi. Tôi như một kẻ bị lưu đày, chìm dần vào xoáy nước sông Lethe như các nhà thơ đã viết.

Một ngày tháng 6 nọ, khi đang lê bước về phía lavochka với một chiếc gối mềm trong tay, tôi gặp một người đàn ông. Ông ta bước chậm rãi, dựa vào cây gậy chống và mặc một chiếc áo khoác kaki Liên Xô cũ mèm. Mặt đường rải rác những ổ gà sùng sũng nước mưa khiến người đàn ông đi lại thêm khó khăn.

Ông ấy bắt gặp tôi đang nhìn và chuyển hướng sang tôi.

“Tôi ngồi đây được chứ?”, ông hỏi.

“Vâng, dĩ nhiên rồi”, tôi đáp.

Ông ấy ngồi trên băng ghế và chúng tôi trò chuyện ngay tức thì. Đó là một người rất thông minh và lôi cuốn. Chúng tôi bàn về tình hình chính trị mới nhất trên kênh Russian-24 trong suốt một tiếng đồng hồ.

Suốt những năm ở Novaya Usman, thật hiếm có ai đề cập đến những vấn đề không phải là tin tức địa phương hay những lời đồn thổi nhảm nhí. Đó là một sự khuây khỏa bất ngờ - tôi chưa từng thích thú trò chuyện với ai như thế bao giờ.

Khi về nhà, tôi rất phấn khích rằng tôi đã tìm được người để trò chuyện sau hơn một thập kỷ cô đơn. Tôi gặp ông ấy vài lần trong tuần, chúng tôi thường nói chuyện trong một tiếng hoặc lâu hơn thế.

Chúng tôi không bao giờ nói về bản thân, sức khỏe hay gia đình. Tôi biết rằng ông ấy là một cựu sĩ quan từng phục vụ tại Adygea, một nước cộng hòa ở vùng Tây Kavkaz, trong suốt đời mình và ông mắc bệnh tiểu đường. Chỉ vậy thôi. Chúng tôi không hỏi tên nhau, và cũng chưa bao giờ có ý định đó.

Những cuộc gặp mặt của chúng tôi diễn ra được khoảng hai tháng. Tôi rất vui khi được trò chuyện với ông ấy, cho đến cuối tháng 8, tôi đang ngồi trên lavochka như thường lệ, khi người đàn ông ấy đến. Ông không ngồi cùng mà chỉ đứng trước mặt tôi.

“Tôi là một người trầm lặng và không ưa gì cãi cọ”, ông ấy nhẹ giọng. “Mọi người bắt đầu bàn tán, và vợ tôi bắt đầu nổi cơn ghen. Bà ấy cấm tôi nói chuyện với bà”.

“Được thôi”, tôi gật đầu đồng ý. “Tôi hiểu rồi”.

Tôi dõi theo ông ấy bước dọc con phố. Bóng ông dần biến mất phía sau những khối nhà kiểu Xô viết xám xịt.

Tôi tự phỉnh phờ bản thân với ý nghĩ rằng mình vẫn có thể khiến người khác ghen tức, kể cả khi tôi đã già, rất lâu sau đó. Những hồi ức về thanh xuân và những đêm dài khiêu vũ hiện lên trước mắt khi tôi du hành ngược thời gian.

Nhưng những cảm xúc ấy không kéo dài lâu. Tôi nhận ra rằng mình đã đánh mất người bạn duy nhất trong nhiều năm qua. Chúng tôi chẳng bao giờ nói chuyện nữa.■

(theo The New York Times)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận