Tìm và kiếm

DUYÊN TRƯỜNG 19/12/2013 22:12 GMT+7

TTCT - 1. Chuyện này chép ở sách Tàu. Chuyện mang tên Khắc chu cầu kiếm (Đánh dấu thuyền tìm gươm): Có người nước Sở đi đò qua sông.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Khi ngồi trên đò vô ý đánh rơi thanh gươm xuống nước, anh ta bèn đánh dấu ngay vào mạn thuyền và nói: gươm ta rơi ở chỗ này! Khi thuyền vào đến bến đậu, anh ta cứ theo chỗ đánh dấu mà lặn xuống sông tìm gươm.

Lời bàn của người xưa: Thanh gươm rơi xuống sông thì ở ngay chỗ rơi. Nếu muốn tìm gươm tất phải lặn ngay xuống chỗ rơi mà tìm. Cớ sao lại đánh dấu vào thuyền, đợi đến lúc thuyền đậu vào bến mới lặn xuống bến mà tìm gươm?

Than ôi! Người cố chấp bất thông, chỉ câu nệ cái đã nắm chặt trong tay chứ không hiểu được chữ “thời” là gì: mọi thứ đã chảy, đã trôi, đã chuyển... hết cả rồi!

2. Chuyện này chép ở sách Tây.

Chuyện mang tên Tìm vật dưới đèn kể rằng: Có người trên đường về nhà, băng qua đoạn đường tối om bỗng thấy một người khác đang lom khom tìm kiếm vật gì đó dưới ánh đèn đường. Nhìn dáng vẻ lo lắng hoảng hốt của người đang tìm kiếm, người qua đường dừng lại, tỏ ý muốn giúp một tay.

- Xin hỏi anh đang tìm gì? - người qua đường hỏi.

- Chìa khóa xe! Không có chìa khóa xe làm sao tôi về nhà được? - người tìm kiếm đau khổ trả lời.

- Thế anh làm rơi chỗ nào? Mà sao lại làm rơi?

Người tìm kiếm chỉ vào khoảng tối xa xa và bảo: Chỗ đó đó! Lúc nãy tôi mở ví nên vô tình đánh rơi chùm chìa khóa!

Người qua đường kinh ngạc: Thế sao không đến chỗ đó mà kiếm?

Người tìm kiếm trả lời: Chỗ đó không có ánh đèn làm sao mà kiếm được chứ!

Lời bàn của người đời nay: Quái lạ, chỗ cần thì không tìm, mà chỗ tìm lại không cần. Nơi chúng ta kiếm tìm bề ngoài xem ra rất dễ tìm thấy, rất dễ có được cái mình mong muốn, ta sẵn sàng lao vào tìm kiếm với bao nhiêu hi vọng, bao nhiêu cả quyết, nhưng hóa ra ở chỗ sáng lại chưa chắc thấy cái cần tìm.

3. Chuyện này chép ở xứ ta.

Chuyện do ông Hoàng Cầm kể bằng thơ, về một cuộc tìm kiếm chiếc lá mang tên Diêu bông. Để được “chị” gọi là chồng, “em” đã một đời đi tìm, đi kiếm cái chiếc lá mơ hồ... “Hai ngày sau. Mùa đông sau. Ngày chị lấy chồng. Ngày chị ba con... Lá nằm trong tay, ta tưởng là lá mà đâu phải lá!

Từ thuở ấy/ Em cầm chiếc Lá/ đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu bông hời.../... ới Diêu bông...! Tiếng gọi Diêu bông ơi hời hóa thành tiếng khóc không lệ của một cuộc kiếm tìm không bao giờ đạt được bởi trên cõi đời này làm gì có lá Diêu bông...

Bi kịch đời người chính là mải miết tìm kiếm cái không bao giờ tồn tại, không bao giờ có thực: Em đi trăm núi nghìn sông/ Nào tìm thấy lá Diêu bông bao giờ!

Cái không có, đã đành không thể tìm ra, nhưng có cái hiển nhiên vẫn không tìm thấy nốt: ai cũng thấy có, ai cũng biết có, chắc chắn hiện hữu, hơn nữa ngày càng sinh sôi, ngày càng nảy nở, thế mà tìm mãi, kiếm mãi vẫn chưa ra...

Đó là một cuộc tìm kiếm khổng lồ, qua nhiều năm tháng, tiêu tốn không ít tiền của, huy động bao nhiêu trí tuệ, tâm sức của mọi tầng lớp xã hội, cả người đang sống lẫn người đã khuất, từ nghị quyết, diễn văn, hội nghị đến dự án, chương trình, cuộc vận động, với sự tham gia của báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, truyền miệng, cả khẩu hiệu trong nhà lẫn cờ xí ngoài trời: cuộc tìm kiếm cái đang hoành hành đất quê ta từ lúc còn là “một bộ phận nhỏ” cho đến khi trở thành “một bộ phận không nhỏ” vẫn chưa kết thúc!

Lời bàn: Thực lòng chả biết bàn gì. Chỉ nghe nói phải tìm kiếm tiếp tục, tìm kiếm không ngừng, tìm kiếm mãi không thôi! Thế hệ này tìm không được thì thế hệ sau, lực lượng này tìm không được thì lực lượng khác! Không bao giờ được từ bỏ ý chí, không bao giờ được xa rời mục đích cuối cùng: nhất định phải tìm cho ra cái “bộ phận đã không còn nhỏ” đó!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận