Tình thư vờ vĩnh, chiến tranh thật

SÁNG ÁNH 19/02/2022 03:00 GMT+7

TTCT - Chúa “mọi” Attila là một nhà ngoại giao cự phách. Ông bám lấy một bức tình thư và khởi sự một cuộc chiến tranh kinh hoàng...

 
Chúa Attila trong tranh của Eugene Delacroix (thế kỷ XIX).

 Đối với văn hóa Tây phương của thế kỷ V và cho đến ngày nay, không có hình ảnh bạo chúa nào “lý tưởng” hơn chúa của tộc Hun là Attila (sinh năm 406, làm vua năm 434, mất năm 453). 

Người Hun xuất hiện trong lịch sử, tức là trong lịch sử của Tây Âu cuối thế kỷ IV, khi tộc du mục này vượt sông Volga. Họ từ đồng cỏ Kazakhstan (ngày nay) tràn sang Đông Âu, lập nên một đế triều phía Bắc của đế quốc La Mã. Đế triều này trấn tại Hungary ngày nay, cai trị một liên minh các bộ lạc rợ Đức, hưng rồi phế trong chỉ 100 năm.

Họ để lại cho hậu thế cái danh cướp cạn kinh hoàng: “Đi qua đâu là đến cỏ cũng không thể mọc lại”. Chúa Attila, khi sang đến nước Pháp, trước thành Troyes, tự xưng “Ta là ngọn roi của Thượng đế”. Cái danh này được gắn liền với ông, và vào thời kỳ đó của Kitô giáo, mang ý nghĩa: con chiên của Chúa phạm tội lỗi nên Attila được Trời sai xuống để trừng phạt.

“Người Hun vượt mọi định nghĩa về sự man rợ. Chúng có tay chân ngắn, chắc chắn và cổ dày. Chúng xấu xí và méo mó đến mức cứ tưởng là một loài thú hai chân” (sử gia Ammenius Marcellinus biên).

Họ bị gọi là ngoại đạo (Kitô), sống trong lều và xe kéo, ăn thịt sống, mặc rách rưới và ở bẩn không thể tả. Chúa Attila của họ “thấp bé với ngực ngang và đầu to; mắt ông ta híp, râu thưa và bắt đầu bạc, mũi tẹt và nước da ngăm đen"(sử gia Priscus biên) - tức là chẳng phải George Clooney, cũng không phải Brad Pitt. Y cũng chẳng phải trai tân mà có vợ rồi, nhiều vợ là khác, và đa thê là một điều Kitô La Mã không chấp nhận. Chàng Ngâu đó người mọi, mũi tẹt, mắt híp, lùn và đen, già và xấu, đã nhiều lần yêu, có nhiều vợ nhưng mà lại ít râu.

Vào năm 450, ông Attila này đã 44 tuổi. Có một hoạn quan từ Ravenna, lúc đó là thủ đô đế quốc La Mã miền Tây, lén đến gặp ông và trao một lá thư tình. Nàng Chức Nữ - tác giả tình thư ấy - đã một lần dang dở và 32 tuổi. Năm nàng 17, không chồng mà bụng chửa vượt mặt, phải sang Constantinople, là thủ đô của đế quốc La Mã miền Đông, để hạ sanh kín đáo. Tác giả của “bầu tâm sự” này đã bị mất đầu. 15 năm sau sự việc này, Chức Nữ bị em trai ruột của cô mang ra gả chồng.

Chức Nữ tên là Honoria và là con nhà danh giá. Cha cô là đại đế, ông ngoại cô cũng làm đại đế, cô có tới hai chú bác cũng làm đại đế, em trai cô thì là đương kim đại đế Valentinian 3. Đó là về phần gia thế. Nhan sắc của cô thế nào thì cũng khó biết, nhưng nếu tin vào tranh cổ thì cô có mũi cao và mắt to, sau khi người yêu bị giết thì từ đó cô buồn. 

Honoria trên đồng vàng solidius, 1 đồng này là 6,4 g vàng

 

Valentinian 3 thấy chị cứ đi ra đi vào thở dài nên đính hôn chị luôn cho một anh cả đụt nhà giàu và nhà quê là Herculanus. Giờ là gái một con không chồng mà chửa, nàng cũng khó gả được cho vua này vua kia. Sách ghi là nàng than với em trai rằng ông chồng tên Hercule mà không… khỏe chút nào! Hôn phu này hiền lành phục phịch, chẳng làm chính trị mà cũng chẳng cầm quân, không đe dọa được vị thế của thằng em rể đại đế.

Nhưng chồng thế thì chán chết. Không biết nhờ ai, Honoria bèn gửi cho Attila một lá thư cầu cứu kèm một cái nhẫn đeo tay làm bằng. Thế là:

Người Hun thích gái hun bấy bá

Atti cần vợ Atti la

Theo sử gia Jordanes 100 năm sau (năm 550) thì Honoria nổi hứng ẩu, phụ nữ mà, mắt mơ màng nhìn về Danube xa xăm. Nhưng Jordanes là thầy tu thì biết gì về đàn bà đâu. Thuở đó, ông này cũng như nhiều người, nghĩ là phụ nữ nào có lý trí mà chỉ hành động theo bản năng, ám ảnh bởi xác thịt và dục vọng: “Anh ấy lùn mà vai ngang! Anh ấy to… đầu! Anh ấy chân đi hai hàng!” nên cứ thế mà mô tả giản đơn.

Từ trái sang phải: công chúa Honoria, mẫu hậu Gallia và đại đế Valentinian 3 của La Mã. Cả nhà này ai cũng mắt to, lẽ nào lại có thằng rể mắt híp.

 

Nhưng chúa “mọi” Attila là một nhà ngoại giao cự phách. Ông bám lấy thư “cầu cứu” và nhẫn của Honoria mà bày ra cơ hội nhận lời “cầu hôn” của nàng. Từ 20 năm qua, giặc Hun là một vấn nạn cho đế quốc La Mã. Họ tiến về hướng Tây và Tây Bắc châu Âu, sau khi bị đế quốc Ba Tư Sassanid chặn lối miền Nam. Đi tới đâu họ tàn phá và đẩy các tộc rợ Đức đằng trước sang biên giới của đế quốc La Mã, gây rối loạn. 

Đại đế em Valentinian 3 tức giận nhưng cũng biết sợ, toan gửi chị cho chàng Ngưu bên kia sông Danube xanh xanh là xong chuyện. Đã thế thì chị sang đó mà sống với thằng mắt híp râu thưa, tôi nói trước, cả đời nó chưa bao giờ tắm! (Nhưng chỗ này cần chú thích minh oan: người La Mã rất sạch và thích tắm cả ngày, tắm hơi, hồ lạnh, hồ ấm và hồ nóng, thị trấn nào cũng có nhà tắm công cộng huy hoàng ở ngay trung tâm).

Vấn đề là mẫu hậu lại can, bà này bảo mày gửi ngay chị mày cho nó thì nó biết mày sợ, nó đánh mày luôn chứ nó không tha. Valentinian 3 bèn nghe theo mẹ, bắt chị cưới Hercule cù lần, Honoria đi về nhà chồng mà thổn thức hát hết cỡ 10 bài không tên.

Năm 451, Attila động binh đánh La Mã và rợ Goth - đồng minh của La Mã tại Pháp. Huyền sử kể phép lạ này phép lạ kia, như nữ thánh Geneviève vì cầu nguyện nên cứu được thành Lutetia (Paris) - nhưng thật ra thành này lúc đó chưa có tháp Eiffel và là một hòn đảo lụt lội giữa sông Seine, lại không tiện hướng tiến quân về miền Nam của các đạo Hun.

Phép lạ khác là giám mục thành Metz đang đọc kinh thì bị chặt phăng đầu. Đầu ông lăn xuống đất mà vẫn còn đọc tiếp khiến quân Hun phải hãi. Đốt phá một số thành khác nhưng bất phân thắng bại ở vùng Champagne nên Attila rút quân về.

Sang năm 452, Attila nhắc lại lời cầu hôn. Ông đòi phải chia ngay cho Honoria một nửa đế quốc La Mã là hồi môn để chàng xuống ngựa và chui vào mùng. Valentinian 3 nói người ta đã có chồng rồi, anh về đi thôi. Attila đưa nhẫn ra bảo ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên, nhẫn này có trước khi lấy chồng và đã thế thì tao đánh. Quân Hun tràn qua tàn phá miền Bắc Italy. May sao họ lại tha cho Rome, khi Giáo hoàng Leo 1 đích thân đến gặp Attila.

Giáo hoàng Leo 1 gặp chúa Attila. Tranh Raphael (1514), dài 7,5 m trên trần Vatican. Leo 1 cưỡi ngựa trắng bên trái, Attila cưỡi ngựa đen ở giữa dưới cờ đỏ, nhìn lên Thánh Paul và Thánh Peter cầm kiếm trên trời.

 

Các ghi chép đương thời về cuộc gặp gỡ này đã mất. Huyền sử kể là hai thánh Peter và Paul hiện ra ở trên trời cầm kiếm để che chở Giáo hoàng. Attila bỏ giấc mơ người đẹp Honoria và rút quân về. Lý do thế tục là tại miền Đông, La Mã thành Constantinople mang quân đánh ngược để cứu bạn. Miền Bắc Italy năm đó lại mất mùa nên dù có chiếm cũng không nuôi đủ được quân Hun. Dịch bệnh lại xuất hiện nên Honoria ơi, tình yêu kiếp này đành cúi đầu, chúc em vui bên chồng, anh đi!

Về Hungary, năm 453, vì buồn rầu mà Attila lấy Ildico - là một trang tuyệt sắc tuy chẳng công chẳng chúa gì hết. Tối tân hôn, chú rể quá chén lăn đùng ra sặc máu mũi và ngộp thở chết, khiến sau người Hun có thành ngữ “đẹp sặc máu mũi” luôn. Phần Honoria thì ta không biết, có lẽ mất vào năm 455, sau 5 năm nhìn anh chồng Hercule mà thở ngắn dài.

 
 Bức tranh "Cái chết của Attila", họa sĩ Ferenc Paczka (1856-1925)

 Như thế chấm dứt một tình sử ngang trái, tuy ta có thể nói là Honoria chỉ muốn nhờ Attila để thoát khỏi xếp đặt của ông em đại đế chứ cũng chẳng thương yêu gì một tên xấu và đen mà chưa từng gặp. Phần Attila thì lấy cớ đó mà chinh chiến thôi, vì đời ta là chinh chiến khôn nguôi, còn vợ đẹp thì ta có rồi và cưới thêm vợ mới kìa còn đẹp hơn. Honoria là ai? Tóm lại, chuyện tình Attila với công chúa La Mã chỉ là chuyện thêu dệt. Ấy thế nhưng mà tình yêu là nguyên cớ cho chiến tranh thì nghe dễ vào hơn. Lịch sử cứ thế mà thổn thức.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận