Tình yêu, cái chết, robots và những giấc mơ

DƯƠNG LIỄU 21/08/2021 18:05 GMT+7

TTCT - Họ là hai “anh lớn” trong giới làm phim. Tim Miller là đạo diễn kiêm nhà sản xuất lừng danh của bộ phim siêu anh hùng Deadpool và Thor. Còn David Fincher từng 40 lần được đề cử giải Oscar, trong đó có Fightclub - bộ phim luôn nằm trong top những phim đáng xem của các bảng xếp hạng. Khi đã có đủ vinh quang và ổn định chuyện cơm áo gạo tiền, hai người bạn bắt tay nhau để cùng làm chủ đề họ muốn: một series dài kỳ với nhiều tập khác nhau, thể loại phong phú đa dạng, khiến khán giả tha hồ trải nghiệm và nhà làm phim tha hồ thể nghiệm. Series ấy có tên Love, Death + Robots (Tình yêu, Cái chết và Robots).

 
 

 MỘT SERIES CỦA NHỮNG GIẤC MƠ NGẮN

Trong suốt hai mùa với 26 tập phim, chỉ vỏn vẹn 2 tập có cảnh quay của các diễn viên thật và cảnh thật, còn lại đều là kỹ xảo. Các studio đồ họa tranh thủ khoe mọi kỹ thuật mà họ có, nhiều studio trong số đó muốn thoát khỏi việc chỉ được giao làm trailer game và trailer phim: họ muốn bước ra ánh sáng để tự tay làm một sản phẩm “ra tấm, ra món” của riêng mình. 

Khoa học viễn tưởng, máy móc tương lai là những thứ dễ bị từ chối để được làm thành phim màn ảnh rộng vì lý do kinh phí, nhưng đã trở nên dễ thực hiện hơn khi một tập phim chỉ có thời lượng trung bình từ 10 - 20 phút. Quả là một trải nghiệm mới với người xem vốn đã mệt mỏi khi phim ảnh hiện nay dài dằng dặc hai tiếng đồng hồ (và hơn thế nữa). 

Với Love, Death + Robots, người ta có thể thấy kỹ xảo thì tuyệt đẹp, cảm xúc thì cô đọng. Chẳng hạn, cả một cuộc vật lộn giữa sống và chết của một phi hành gia trong tập Helping Hand (Giúp một tay) diễn ra có vài phút, hết sức căng thẳng hồi hộp và vẫn... vừa đủ.

 
 Ảnh: Cảnh trong The helping hand

 Mỗi tập của Love, Death + Robots là một hành trình riêng, thường là về một thế giới tương lai, khi máy móc trở nên gần gũi với người hơn bao giờ hết, công nghệ đã có thể đưa con người đi tới bất kỳ nơi đâu.

Cũng có những tập chỉ nói về sự khám phá những điều kỳ diệu nho nhỏ trong cuộc sống, như chuyện một chiếc tủ lạnh chứa thế giới khác trong tập Ice Age (Kỷ Băng hà) chẳng hạn.

Một số tập phim khai thác các bối cảnh lịch sử, như Secret War (Chiến tranh mật) kể về những người lính Hồng quân đi làm một nhiệm vụ bí mật. Thật hiếm khi thấy quân đội Hồng quân nói tiếng Anh mà lại không phải là phản diện, cũng không đến nỗi nhàm chán đóng khung một loại hình mẫu kiểu ai cũng chỉ biết cầm mỗi khẩu AK-47 vốn nhan nhản trong phim Mỹ. Sự khác biệt này là nhờ đội ngũ sản xuất đa dạng sắc tộc, văn hóa và được tự do thể hiện nội dung.

THỜI GIAN XEM VỪA ĐỦ, THỜI GIAN NGẪM THÌ NHIỀU

Sự tự do, không phải chạy theo trào lưu, luôn có cơ hội đem đến những điều mới lạ và sâu sắc. Sau những bộ phim “bom tấn” hoành tráng nhưng dễ quên, Love, Death + Robots đem đến những viên thuốc đậm đặc: ngắn gọn nhưng làm ta nghĩ ngợi rất lâu.

Trong tập Zima Blue (Màu xanh Zima), biên kịch đã chọn một câu hỏi triết học cổ xưa “Ý nghĩa của cuộc sống là gì?” mà nhiều triết gia lỗi lạc đã đưa ra đáp án riêng, từ Aristotle, những triết gia của chủ nghĩa khắc kỷ, hiện sinh, chủ nghĩa hư vô tới các triết gia hiện đại...

 Nhân vật chính trong Zima Blue cũng tìm kiếm điều tương tự suốt cuộc đời mình; ông vượt qua những điều kiện khắc nghiệt nhất, tìm đến những nơi chốn xa xôi nhất, sáng tác những thứ vĩ đại nhất, chỉ để tạo ra tác phẩm cuối cùng - thứ có ý nghĩa nhất với cuộc đời ông.

 
  Zima Blue

 Bộ phim gây ấn tượng mạnh với phong cách vẽ art deco, sử dụng các thiết kế nhân vật bằng hình khối và cách phối màu đơn sắc, tạo nên một thế giới space opera (thế giới khi con người vươn tới vũ trụ và các hành tinh) trọn vẹn. Có thể nói, Zima Blue đạt được cả độ chỉn chu về hình họa, thẩm mỹ lẫn câu chuyện và câu hỏi nó gieo lại trong lòng người xem, buộc họ tự vấn về điều mình mong muốn nhất.

Zima Blue có ít nhiều tương đồng với huyền thoại khoa học viễn tưởng Ghost In The Shell (Bóng ma trong vỏ bọc) 1995 - bộ phim hoạt hình dựa trên truyện tranh Nhật Bản cùng tên. Cả hai phim đều khai thác mục đích tồn tại của một cá thể một cách sâu thẳm nhất.

The Drowned Giant (Người khổng lồ chết đuối), tập cuối trong mùa 2 của series, thì còn táo bạo hơn khi chuyển thể một kịch bản gần như bị “bít cửa” nếu tìm cách đưa lên màn ảnh rộng. Tập phim dựa trên tác phẩm văn học của nhà văn Anh James Graham Ballard - một tác giả nổi tiếng với các tác phẩm mang màu sắc phản địa đàng hiện đại, những truyện ngắn về tiến bộ của xã hội đi kèm vô số méo mó kỳ dị.

 
 The Drowned Giant

 Sau những màn đuổi bắt hồi hộp, máy móc hiện đại thót tim suốt cả mùa 2, The Drowned Giant đưa người xem về một thế giới chậm rãi và lắng đọng, như cảm giác sau khi chui ra từ khoang tàu lượn của trò chơi mạo hiểm.

The Drowned Giant giữ được những chi tiết mấu chốt trong tác phẩm gốc nhưng vẫn tạo được nét riêng qua cách kể nhẹ nhàng, những đoạn phim đặc tả cận cảnh, mang tới không gian gần gũi. Những cảnh có đông người luôn ở góc rộng, một sự tương phản rõ ràng. Sự hồ hởi của đám đông, sự tham lam, sự vô tình, dẫu bớt khắc nghiệt hơn so với truyện gốc... làm nổi bật nhiều khoảng lặng xúc cảm. Lời thuật bình thản theo suốt hành trình từ lúc mới tìm thấy cái xác, nỗi e dè khi tiếp cận, sự tò mò khám phá, rồi tới chán nản và lãng quên... dẫn dắt ta vào luồng suy nghĩ miên man về cái chết và sự sống, sự hư ảo và mong manh của một cuộc đời, sự vĩnh hằng của thời gian. Màu phim ám xanh lạnh lẽo, chỉ được sưởi ấm bằng những dải ánh sáng cuối cùng như thể xác quyết rồi cái chết sẽ lại được tiếp diễn bởi sự sống.

THẾ GIỚI ĐÃ KHÁC XƯA CỦA KỸ XẢO

Một bộ phim dài vài tiếng với kỹ xảo có thể ngốn một núi tiền và khiến các studio đồ họa phá sản như trường hợp của The Lord of the rings hay Life of Pi. Nhưng thời lượng 10 - 20 phút lại giúp giảm chi phí phô diễn đồ họa đi nhiều. Vì vậy, việc tận hưởng Love, Death + Robots nhất định phải đi kèm chiêm ngưỡng từng giây đáng đồng tiền bát gạo.

Một trong những lợi thế công nghệ hàng đầu hiện nay là sử dụng texture (chi tiết bề mặt) trong kỹ xảo. Texture hiện tại đã trở nên hết sức chi tiết, rõ đến cả nếp nhăn trên da hay chuyển động của cơ mặt. Mức độ chi tiết này sâu tới mức hoàn toàn có thể khiến người xem quên mất tất cả những nhân vật trên phim đều là ảo. 

Sự chỉn chu trong từng khung hình của tập Lucky13 (Số 13 may mắn) với từng vết xước, lọn tóc, từng giọt mồ hôi lấm tấm khiến ta không khỏi nhớ lại mà thương cho những màn kỹ xảo xấu thậm tệ của Hollywood trong Justice League (2017) khi nhà sản xuất dùng kỹ xảo để xóa râu của diễn viên Henry Cavill khiến khuôn miệng diễn viên méo mó biến dạng.

Tuy nhiên, trong Love, Death + Robots cũng không thiếu studio lười biếng: họ chỉ sao chép và dán lại các texture, tạo thành những mảng da hay mảng tường y hệt nhau. Nếu tinh ý, ta có thể thấy những khuôn miệng nói chuyện nhưng hàm thì hầu như không chuyển, bước chân đến phía trước nhưng không có độ nặng của cơ thể. Tất cả những điều này dù không làm ảnh hưởng đến nội dung, nhưng với những người xem tinh tế, họ khó mà bỏ qua. 

 
 The Witness

 Ngay cả trong tập phim được giải thưởng là The Witness (Nhân chứng), mọi chi tiết đồ họa đều ở mức đáng kinh ngạc nhưng bộ ngực của nhân vật nữ lại tung tẩy như bóng bay. Đây là điểm yếu lớn nhất của kỹ xảo hiện nay, bởi khi dựng hình ảo, người ta có máy móc hỗ trợ để tạo một mô hình xương với các chuyển động, nhưng vẫn dừng ở mức đó: những bộ xương được gắn thêm da và quần áo. Kỹ xảo tốt nhất hiện nay vẫn không thể mô phỏng nổi những thứ chịu tác động của trọng lực như cân nặng, cơ bắp, mỡ...

Thông thường, các studio sẽ sử dụng motion capture - kỹ thuật bắt chuyển động từ người thật - để xây dựng chuyển động cho nhân vật ảo, tránh được những lỗi ngô nghê như dáng đi đứng cứng đờ. Kỹ thuật này được những tác phẩm “bom tấn” như AvatarThe Lord of the rings sử dụng. Song trong series này, có studio ứng dụng, studio khác lại không. 

Như trong The Drowned Giant, tất cả chuyển động đều do phần mềm đồ họa dựng, song vì không có motion capture từ người thật, nhân vật dễ dàng lộ ra những khuyết điểm điển hình như bước đi nhẹ nhàng như không có trọng lượng, sống lưng luôn thẳng đuột.

Studio làm The Drowned Giant là Blur Studio, từng được giao trọng trách làm trailer cho nhiều tựa game khổng lồ như Star Wars, Call of Duty. Họ chắc chắn dư sức làm motion capture nhưng lại chọn cho mình thử thách khó khăn hơn. Sự “cứng đầu” này không đem lại một tác phẩm hoàn hảo nhưng là minh chứng cho thấy sự khác biệt giữa người và máy. Ngay cả với sự tân tiến hiện nay, máy móc vẫn chưa có khả năng tái tạo lại sự phức tạp trong cách chúng ta di chuyển, nói năng. 

Không rõ đây có phải là lựa chọn “chơi lớn” hết mình của nhà sản xuất, để xem họ có thể làm đến mức độ nào, hay chủ ý cho ta thấy khoảng cách giữa máy móc với con người ở thời điểm hiện tại.

 
 Tập Fish Night

 Mong muốn đem lại một thế giới khoa học viễn tưởng với những câu chuyện u tối và đa dạng, David Fincher và Tim Miller đã ấp ủ dự án này từ cuối những năm 2000 và ký được hợp đồng với Hãng phim Paramount. Nhưng kinh phí luôn là tảng đá ngáng chân họ. Phải đợi đến khi Tim Miller thành công với Deadpool, một phim siêu anh hùng hài hước và dùng nhiều kỹ xảo, hai người mới quyết tâm đưa Love, Death + Robots dứt áo ra đi khỏi Paramount, tới Netflix - nơi mà David Fincher nói rằng: “Họ cho phép ta làm bất cứ thứ gì ta muốn”.

Tuy nhiên, sự tươi mới này của Love, Death + Robots sẽ sớm trở nên nhàm chán nếu series này không đến được với những thứ nghiêm túc, sâu sắc hơn, gắn kết với người xem hơn. Mơ mộng và tưởng tượng chỉ hấp dẫn khi đừng trên mây quá lâu. Và dẫu Love, Death + Robots mở ra một cánh cửa cho các nhà làm phim độc lập và cho những người đam mê thể loại khoa học viễn tưởng, nó cũng dẫn ta vào một mối lo mới: bị đánh lừa bởi những thước phim quá sống động và giống thật, một ngày nào đó, ta sẽ chẳng còn cần tới các diễn viên thật vì họ đều có thể bị thay thế bởi diễn viên ảo, giống viễn cảnh từng được nhắc đến trong phim Simone (2002), hay rồi ta sẽ thấy một phim mà Michael Jackson đóng cùng Sophia Loren không chừng. 

Có được thì có chưa được

Thời lượng ngắn là một rào cản cho biên kịch khi họ phải tái hiện hết các vấn đề về tình yêu, giới tính, nỗi trăn trở hay tâm sự của các nhân vật. Ở series này, ta vẫn thấy đâu đó những vấn đề cơ bản của phim truyền hình Việt Nam, như kể lể dài dòng, giải quyết mâu thuẫn chỉ qua một câu nói... Thông điệp về nữ quyền, tự do, bình đẳng được thể hiện khá giáo điều, như trong một phim giáo dục giới tính hạng xoàng.

Nhiều chi tiết trở nên gấp gáp và khiên cưỡng, khiến ta không tránh khỏi cảm thấy như phải đọc một cuốn sách chi chít chữ thay vì được xem những ngôn ngữ điện ảnh súc tích.

 Ví dụ, việc một cô gái đồng tính bị bắt cóc, lạm dụng và đánh đập, phá hủy cơ thể thừa sống thiếu chết được diễn tả lại vỏn vẹn trong hai câu nói nhệ tênh, trong tập Sonnie’s Edge (Lợi thế của Sonnie). Vẫn thấy có những câu thoại kể lể, giải thích dài dòng, như thể sợ người xem sẽ không thể hiểu tường tận.

 
 Tập Sonny Edge

The Dump (Bãi rác) là một thí dụ khác, cả tập phim chỉ đóng vai trò minh họa cho lời kể chuyện của nhân vật chính về việc đã gặp một “người bạn” lạ kỳ với sức mạnh đặc biệt thay vì truyền tải cảm xúc qua những khung hình chắt lọc và sống động.

Bóng ma mang tên Holywood không dễ gì xóa bỏ, ngay cả những người làm bộ phim này muốn mặc sức trong sáng tạo. Ta vẫn bắt gặp những mẫu hình quen thuộc trong phim siêu anh hùng, những kẻ ác lẫn thiện đơn giản và dễ quên. Dẫu có muốn coi robot là đồng tác giả của tác phẩm này, với nhiều tập thực sự có sự tỏa sáng của công nghệ, ta vẫn biết hành trình thể nghiệm này chỉ mới bắt đầu.

 
 Tập Fish Night

Các nhà làm phim có những quyết định táo bạo, ví dụ trong tập Fish Night (Đêm của cá), studio Platige Image dùng những nét vẽ hoạt họa 2D để đắp lên khung xương 3D của nhân vật, sẵn sàng hy sinh độ choáng ngợp của công nghệ giống người thật để tạo nên những mảng màu rạng rỡ vốn chỉ có trong phim hoạt hình. Series được người xem đón nhận tích cực, nhận 10 giải thưởng các loại từ Emmy, British Academy Scotland đến Annie cho những tập phim xuất sắc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận