Tô Hoài - "Vùng cổ tích một thời Hà Nội"

NGUYỄN VĂN THỌ 04/10/2010 06:10 GMT+7

TTCT - Nhiều nhà văn viết về đất và người Hà Nội, song có lẽ không ai viết kỹ và hay về đất Thăng Long như nhà văn Tô Hoài.


Tháp Rùa ở Hà Nội - Ảnh: Hoài Linh


Từ tác phẩm nổi tiếng Dế mèn phiêu lưu ký Tô Hoài viết thời trai trẻ tới những tác phẩm sau này khi đã về già như Cát bụi chân ai, Chiều chiều và các bài báo tản mạn, những dư địa chí về Hà Nội... thì đất và người, mảnh đất nơi ông sinh ra và gắn bó, luôn luôn được ông kể vừa rộng vừa sâu, vừa khái quát vừa cụ thể, chi li từng chi tiết.

Tô Hoài tới nay viết hơn 150 đầu sách. Ngoài Dế mèn phiêu lưu ký - ban đầu là những câu chuyện ngắn in từng kỳ, tưởng chuyện tầm phào, sau kéo dài trở thành một tác phẩm lớn, mang tư tưởng thời đại và nhờ thế được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ, nhiều nhà phê bình trong và ngoài nước đều đánh giá Cát bụi chân aiChiều chiều là hai cuốn sách quan trọng nhất của ông khi đã về già.

Cái duyên đối với Hà Nội là một phần, song việc sống lăn lộn với Hà Nội bao nhiêu năm đã giúp ông tái dựng Hà Nội ở hai cuốn sách này cực kỳ sinh động và hấp dẫn. Câu chuyện về con người, đường phố ở đó rất đa tầng, lại nhặt nhạnh từ nhu cầu vệ sinh tối thiểu tới nếp ăn thói ở đều được ông kể ra rành rọt.

Có người nói họa sĩ Bùi Xuân Phái làm nên Phố Phái bằng cọ và màu, còn Tô Hoài dựng phố phường Hà Nội qua bút mực. Từng trang văn của ông là sự chắt chiu, gom nhặt tiếng nói dân dã của một thời Hà Nội, với sự biến chế tinh tế tới dung dị chứ không làm điệu chữ.

Tiếng nói của Tô Hoài trong hai cuốn sách này là tiếng nói chia sẻ, bao dung, thông cảm chứ không phải tiếng nói người ngoài cuộc, xóc óc về cái tồn tại của thời bao cấp, lúc chiến tranh. Nó hệt như nếp ở còn lại, chỗ phường xóm bao che đùm bọc của con người Hà Nội, sống lâu đời ở 36 phố phường tới tận hôm nay. Có được những trang văn như vậy, ngoài văn tài, ông còn nhờ vào thực tế của tám năm làm tổ trưởng dân phố.

 Tô Hoài có tài nhớ những việc tận đẩu tận đâu như câu chuyện quanh hồ Hale, bờ hồ hoặc một góc phố, căn nhà, cửa hiệu nào đó ngay cả khi chúng không tồn tại nữa, cả những bầy chim bị vặt trụi lông vẫn thảm thiết kêu bên khu bách thảo nhờ ông dựng lại, nhìn thấu, làm độc giả Hà Nội không chỉ nhớ tới nao lòng mà còn đớn đau, thổn thức.

Tô Hoài tái hiện trong hai cuốn sách kể trên nhiều số phận, đặc biệt là nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã gắn bó quá nhiều với Hà Nội như Xuân Diệu, Phùng Quán, Nguyễn Tuân, Phan Kế An... Chính nhờ sự mô phỏng hết sức chi tiết ấy, người đọc nhận ra chân dung cá tính từng người, kể cả những hệ lụy do quá trình lịch sử để lại, qua con mắt của Tô Hoài.

Ông kể bằng lời lẽ ôn tồn, nhẩn nha - một cách giao tiếp, ứng xử đặc trưng của người Hà Nội. Cố gắng khách quan khi viết về bè bạn, chẳng khi nào lộ liễu nhận xét, song qua những chi tiết ông nêu ra vô tình đã khắc họa rất sinh động từng nhà văn, nhà thơ cụ thể mà không rơi vào thái độ bàng quan lạnh lẽo.

Thậm chí có những chi tiết đã làm nhiều người đọc rơi nước mắt, ví dụ như khi ông kể về Nguyễn Bính đánh mất đứa con trai độc nhất trên đường phố Hà Nội nhộn nhạo trong một chiều nhập nhoạng, ở cơn tỉnh cơn say.

Rong chơi và thích lang thang đây đó là thói chơi của con người Hà Nội gốc, vốn từ xưa đến cả hôm nay và chính điều đó để cho Tô Hoài quan sát và chiêm nghiệm mà làm nên nhiều bài viết rất dí dỏm, vừa mang tính văn hóa vừa có tính lịch sử về Hà Nội. Những bài báo của Tô Hoài ở mảng dư địa chí mãi mãi là những tài liệu khảo cứu không thể thiếu cho lớp con cháu sau này.

Tô Hoài có tài nhớ những việc tận đẩu tận đâu như câu chuyện quanh hồ Hale, bờ hồ hoặc một góc phố, căn nhà, cửa hiệu nào đó ngay cả khi chúng không tồn tại nữa, cả những bầy chim bị vặt trụi lông vẫn thảm thiết kêu bên khu bách thảo nhờ ông dựng lại, nhìn thấu, làm độc giả Hà Nội không chỉ nhớ tới nao lòng mà còn đớn đau, thổn thức.

Có thể nói Tô Hoài là một thời chưa xa vắng (*) của Hà Nội. Ông là một khúc quanh để chiều chiều nhìn lại (*), là một vùng cổ tích mà trong sự phát triển và thay đổi của Hà Nội hôm nay nếu thiếu Tô Hoài, hẳn Hà Nội mãi mãi mất đi một góc chiếu, soi tỏ một thời Hà Nội dấu yêu...

__________

(*) Những chữ in nghiêng là trích trong các tác phẩm của Tô Hoài

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận