Toàn cầu không xa xôi

TTCT - “Tại sao người Pháp lại ghét người Trung Quốc? Có phải vì họ giận dữ khi thấy Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy?”... “Tại sao phải quan tâm tới người nghèo? Họ có gì mà người giàu cần?”... Người đọc có thể tìm ra những lời đáp lý thú cho loại câu hỏi này trong Công dân toàn cầu (*) của Mark Gerzon.

Phóng to

1. Không bằng những lý thuyết cao siêu, Mark Gerzon, cố vấn Liên Hiệp Quốc về những vấn đề lãnh đạo toàn cầu, đã bắt đầu câu chuyện tưởng rất vĩ mô của mình một cách hết sức thực tiễn: từ thắc mắc của sinh viên Trung Quốc tại Đại học Trung Sơn, nơi ông từng được mời thỉnh giảng tháng 5-2008.

“Giáo dục là năng lực đón nhận mối liên hệ tiềm ẩn giữa các hiện tượng”

Không lâu trước đó, Olympic Bắc Kinh khởi đầu không mấy vui vẻ ở Pháp, khi ngọn đuốc Olympic được rước ngang Paris bị tấn công. Tại buổi thỉnh giảng, câu hỏi “Vì sao người Pháp ghét Trung Quốc?” đã được sinh viên Trung Quốc đặt ra. Mark Gerzon giải đáp: “Có hai cách nhìn nhận phổ biến đối với cuộc xung đột hiện nay giữa Trung Quốc và Tây Tạng. Một số cho rằng vấn đề là do hành vi bạo lực của những người biểu tình Tây Tạng. Số khác cho rằng các chính sách của Trung Quốc mới có vấn đề”, rồi ông hỏi ai cho rằng chính sách của Trung Quốc có vấn đề thì giơ tay. Không một cánh tay nào.

Ông hỏi tiếp: “Nếu bạn cho rằng người Tây Tạng mới là vấn đề, vui lòng giơ tay”. Hàng loạt cánh tay giơ lên. Khi đó, Mark Gerzon mới cho biết: “Cách đây vài tháng, tại một đại học ở Mỹ, tôi đã đặt câu hỏi y như thế này và kết quả hoàn toàn trái ngược với hôm nay. Mỗi sinh viên Mỹ đều thấy Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước tình hình này, không ai cảm thấy đó là lỗi của người Tây Tạng”.

Các sinh viên Trung Quốc đã bàng hoàng ngồi im. Sau đó, họ thống nhất với ông rằng các lớp học, nơi tất cả suy nghĩ đều y hệt nhau, chưa chắc đã đem đến nền giáo dục tốt nhất. Chỉ khi nhìn vấn đề ở tất cả khía cạnh, bằng lý trí và trái tim, người ta mới có thể thật sự nhìn xa!

2. Thế giới ngày nay chưa thật sự phẳng, phản bác Thomas Friedman, Mark Gerzon khẳng định. Là bởi sự khác nhau giữa các nền văn hóa đã khiến mặt phẳng này còn rất gập ghềnh. Thế nhưng nhân loại trên nền văn hóa gập ghềnh đó đang phải đối mặt với những vấn đề toàn cầu. Môi trường của chúng ta đang là vấn đề toàn cầu. Biến đổi khí hậu cũng thế. Cựu lãnh đạo Gaddafi có thể sẽ không bị tiêu diệt nếu kịp thức tỉnh từ “Mùa xuân Ả Rập”.

Trở thành công dân toàn cầu đã là một yêu cầu bức bách để phát triển. Bạn có thể biết mình đang là công dân toàn cầu 1.0 hay 5.0 theo một bảng phân loại thú vị của Mark Gerzon. Không phải để đánh giá, mà để biết bạn đã chuẩn bị tới đâu nếu muốn thành công, cho dù bạn là chính khách hay một doanh nhân. Bởi trong một thị trường đầy cạnh tranh, người giành được khách hàng chắc chắn không phải là người hẹp hòi, định kiến về văn hóa, mà phải là người có nhiều kết nối và sáng tạo.

Sudansu Palsule, chuyên gia Ấn phụ trách huấn luyện cho khách hàng từ Mumbai đến Atlanta, đúc kết thành công của ông xuất phát từ một thứ “kiến thức thật sự, loại kiến thức của vũ trụ, được tạo ra ở các biên giới, chúng nổi lên ở nơi mà các nền văn hóa va chạm với nhau. Chúng ta hãy gặp nhau ở đó, ngay biên giới”.

3. Làm sao bạn có thể tận dụng khả năng của mình để vượt qua được các biên giới chia cắt? Thật thú vị khi lời đáp xuất phát từ hai bán cầu não! Bán cầu não trái suy nghĩ, còn bán cầu não phải cảm nhận. Khi bán cầu não trái “tắt” vì đối diện với thách thức, bán cầu não phải sẽ cảm nhận được chúng ta đang co lại và siết chặt, cảnh báo chúng ta đang “đóng cửa tâm trí”. Để thoát khỏi cái nhìn hạn hẹp, phiến diện, bạn cần sử dụng cả hai bán cầu. Chỉ khi đó, chỉ số trí tuệ toàn cầu của bạn mới thật sự cao.

Công dân toàn cầu chỉ ra những điều tưởng nghịch lý: có thể tăng kiến thức bằng cách bao gồm cả việc làm thế nào để... không biết, là bởi “không biết không có nghĩa là bạn không biết, mà có nghĩa là ta không gắn chặt mình vào điều đã biết,... có khả năng giữ kiến thức mình một cách nhẹ nhàng, suy nghĩ vượt lên trên giới hạn của sự - đã - biết”; hay để trở thành công dân toàn cầu, người ta cần suy nghĩ như người thiểu số...

Chỉ khi tư duy vượt khỏi khuôn khổ cá nhân, nhóm phái, quốc gia, mà trên nền tảng đa văn hóa và thế giới quan toàn trái đất, một doanh nghiệp, một đất nước mới có nhiều cơ hội phát triển.

__________

(*): Nguyên tác: Global Citizens, Mark Gerzon. ThS Đinh Thụy Mỹ Quỳnh dịch, NXB Trẻ, tháng 10-2011.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận