Tôi cũng từng học thêm…

ĐẶNG ANH 31/10/2011 19:10 GMT+7

TTCT - Tôi đọc đi đọc lại bài viết “Năm nay tôi dạy thêm” của tác giả N.T.K.Q. rất nhiều lần. Cứ mỗi lần như thế, tôi dừng lại rất lâu trước những đoạn tác giả viết.

Phóng to
Một lớp học miễn phí của thầy giáo Nguyễn Văn Thu trên đường Phan Đình Phùng (Quảng Nam) - Ảnh: Hoài Nhân

Đọc mà không khỏi cảm giác xót xa xen lẫn đau đớn.

Tình thầy, nghĩa cô

Ngày xưa khi còn là học sinh cấp III, tôi cũng đi học thêm. Tôi học ở một trường miền quê nên chuyện học thêm không gắt gao, cạnh tranh và tồn tại những “vết đen” như bây giờ. Học sinh đi học thêm thường là quá yếu, học sinh giỏi luyện thêm hoặc là học trò “cưng” của thầy cô nên được chiếu cố. Tôi dùng từ “cưng” nghĩa là được thầy cô yêu mến, nhưng điều đó không có nghĩa trên lớp được ưu ái mà có khi ngược lại, còn bị thầy cô “soi” liên tục.

Trường hợp của tôi khác tất cả điều trên. Tôi ôn thi đại học khối A nhưng mê môn văn vì cô giáo giảng bài quá hay. Vậy nên tôi xin học thêm để được nghe cô giảng. Dĩ nhiên cô chẳng chịu dạy. Tôi nghĩ ra cách sẽ thi đại học khối D nên phải ôn văn, năn nỉ mãi cô cũng chịu dạy tôi và hai đứa bạn với điều kiện không lấy học phí.

Các bạn tôi cũng đi học thêm các môn khác như toán, lý, hóa, sinh, nhưng trong lớp không hề có khoảng cách giữa đi học thêm và không đi học thêm, cũng không có chuyện “đì”. Nói chung, chúng tôi may mắn được sống trong không khí giáo dục có thể nói là “đúng chuẩn” về đạo đức với những thầy cô tâm huyết và yêu nghề. Thế nhưng cả khóa tụi tôi ra trường không có lấy một đứa thi sư phạm vì sợ... lương thấp.

Hãy tin còn nhiều thầy cô tốt

Đến khi tôi trở thành sinh viên, cuộc sống xa nhà vất vả, có tháng chẳng đủ tiền ăn, phải ăn mì gói cả tuần, cô giáo biết chuyện nhất định gọi tôi lên trường bằng được và dúi 500.000 đồng vào túi. Tôi được thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp mà không hề phải tốn bất kỳ quà cáp hay vật phẩm gì, ngược lại thầy còn hỗ trợ tôi về tài liệu, thậm chí dắt học trò (là tôi) đi uống nước, ăn cơm...

Có lẽ tôi quá may mắn khi gặp toàn thầy cô tốt. Tôi vẫn luôn tin rằng thật sự còn những người thầy, người cô tâm huyết với nghề, chứ không phải chỉ vì một hai hiện tượng cá biệt mà vội nghĩ rằng “thời nay là vậy”.

Thật sự dạy thêm về bản chất không có gì là xấu. Đó là nhu cầu cần thiết cho những học sinh yếu cần cải thiện kiến thức và cho những học sinh muốn học thêm ngoài giờ để nâng cao năng lực... Tại sao tất cả hệ lụy từ dạy thêm, học thêm đều bị cho rằng từ phía thầy cô là phần nhiều? Còn rất nhiều lý do khác: các ông bố bà mẹ chạy đua việc học của con, muốn nhồi nhét kiến thức cho con, muốn con đạt điểm cao; một số trẻ đi học thêm hay ỷ lại, kênh kiệu với bạn bè và có cung ắt có cầu, có người cần học thêm ắt có người dạy thêm.

Tìm thêm việc phụ để nâng cao thu nhập là một việc làm chính đáng. Thiết nghĩ đã theo nghề giáo, hiếm ai có ước mơ “nhà lầu, xe hơi”. Nhưng trước áp lực cuộc sống, áp lực của đồng tiền thời “bão giá”, khó ai có thể giữ sự thanh cao, sĩ khí để nghe con khóc vì thiếu sữa hay sống một cuộc đời thiếu thốn vật chất trong khi với tâm huyết và tài năng, họ xứng đáng được nhận nhiều hơn thế.

Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, đừng để những thầy cô tâm huyết mang tiếng oan, cũng đừng để những người thầy phải đắn đo giày vò vì một việc mà họ có quyền được làm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận