Tôi đã thấy tranh của Gauguin như thế nào 

ROMEN GARY (PHÁP) 01/04/2016 21:04 GMT+7

TTCT - Khi dừa mất giá, cô quay về đây, vẽ nhái tranh của Gauguin, ký hợp đồng bán cho Úc trị giá hàng trăm nghìn frans và sống bằng nghề đó

nop
nop

Càng ngày tôi càng cảm thấy chán chường cuộc sống đô thị phồn vinh giả tạo, nơi chủ nghĩa vật chất đã đẩy con người tới chỗ biến mọi mối quan hệ trở nên thực dụng một cách trắng trợn. Tôi là người luôn hướng tới sự thanh cao. Cả về không gian và tâm hồn. Vậy nên tôi đã quyết định xin nghỉ việc, tìm một nơi thật xa xôi hẻo lánh, nơi chưa từng biết tới nền văn minh méo mó của thị dân, để giữ cho tâm hồn thanh thoát tới hết đời.

Xem bản đồ thế giới, tôi phát hiện ra một hòn đảo nhỏ nằm trên Thái Bình Dương, gần đường xích đạo có tên Taratora, trong quần đảo Markiz.

Vừa đặt chân lên đảo, tôi nghĩ mình đã tới thiên đường. Phong cảnh ở đây, dù có phải tả hàng nghìn lần thì cũng không cạn được nguồn cảm xúc dâng trào. Những hàng dừa rợp bóng, một ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà mái tranh yên bình và trên hết là người dân bản địa vô cùng chất phát, vô tư. Tôi luôn coi trọng tính cao thượng trong mỗi con người, coi đó là giá trị cao quý nhất không tiền bạc nào sánh nổi.

Tính hiếu khách và vô tư của dân làng đã giúp tôi tìm được căn lều hợp ý cùng tất cả những vật dụng thiết yếu mà không tốn đồng nào. Đôi khi tôi cũng thấy chạnh lòng cho sự vô tư tới mức ngô nghê của họ.

Tuy vậy, tôi vẫn hết sức biết ơn những người này, đặc biệt là với một người mà tôi có may mắn được tiếp xúc thường xuyên hơn. Đó là một phụ nữ trạc 50 tuổi, nghe nói là con gái một thủ lĩnh nào đó đã từng cai trị hơn 20 đảo nhỏ trong vùng biển này. Phong thái của chị ta luôn đĩnh đạc, ung dung, tính tình cởi mở khiến tôi dốc hết bầu tâm sự vì sao tôi lại có mặt ở đây.

Vài tuần trôi qua êm ả. Một ngày nọ, tôi nhận được gói mứt dừa do chính tay chị làm. Mứt dừa rất ngon, nhưng điều làm tôi chú ý chính là miếng vải gói mứt. Đó là một mảnh từ chiếc bao bố dệt thô với những vệt màu lạ mà thoạt nhìn khiến tôi thấy ngờ ngợ.

Càng ngắm tôi càng sửng sốt và tôi chợt nhận ra: đây chính là một bức tranh của danh họa Gauguin. Tôi không phải là người am tường hội họa, nhưng ngày nay, có những tên tuổi mà khi nhắc tới ai cũng phải biết. Khó có thể tả hết sự bàng hoàng xúc động khi tôi nhận ra giá trị của miếng vải gói mứt dừa này.

Phải nói là mặc dù có nhiều đức tính tốt như hiếu khách và vô tư, thổ dân ở đây rất thờ ơ với những giá trị mà thế giới văn minh đề cao. Nghĩ vậy, tôi quyết định tới gặp chị.

- Chào chị, cảm ơn chị đã gửi mứt dừa rất ngon cho tôi. Nhưng tôi cũng rất thích mảnh vải gói mứt. Nó có những sắc màu vui vẻ lạ kỳ. Chị còn mảnh nào nữa không?

- À, cái đó thì tôi còn cả đống - chị thản nhiên nói - Từ thời ông tôi để lại.

- Cả... đống? - tôi lắp bắp hỏi.

- Một người Pháp nào đó đã tặng cho ông tôi. Để tôi xem chúng nằm ở đâu.

Chị đưa tôi tới khu lều phơi cá. Lẫn lộn trong mớ đồ đạc lổn nhổn dưới đất là một mớ vải bao bố với những màu sắc mà thoạt nhìn tôi đã nhận ra ngay. Đầu gối tôi như muốn khuỵu xuống, phải cố gắng lắm tôi mới giữ được vẻ bình thản.

Lạy Chúa tôi! Cả một kho báu của nhân loại sẽ bị quên lãng nếu tôi không tình cờ phát hiện ra. Chắc chúng phải đáng giá 30 triệu frans chứ chẳng ít!

- Nếu anh thích thì cứ lấy!

Trong tôi nổ ra cuộc đấu tranh gay gắt. Vẫn biết người dân ở đây vô cảm với tiền bạc, họ sẵn sàng cho đi những thứ rất giá trị, nhưng đồng thời các chuẩn mực của văn minh lại không cho phép tôi chỉ nhận mà không đáp lại gì dù ít ỏi. Tôi tháo đồng hồ đưa cho chị, nói:

- Vì có chuyện cấp bách, tôi phải về Pháp gấp. Đáp lại lòng tốt của chị, tôi xin tặng chị chiếc đồng hồ vàng này.

- Chúng tôi ở đây không cần dùng đồng hồ, chỉ cần nhìn mặt trời là đủ. Anh khỏi áy náy.

Lúc này, tôi đành đưa ra quyết định khó khăn nhất:

- Vậy tôi có ít tiền, mong chị nhận để làm những việc có ích cho dân làng.

- Anh đã nói vậy thì tôi đành chấp nhận.

Sau đó, trong khi tôi đang hồi hộp, bồn chồn ngồi chờ tàu thủy tới đón thì tay chủ quán nước tới bắt chuyện:

- Cô gái đó dễ thương đấy.

Tôi làm ra vẻ không nghe thấy. Nhưng hắn ta nói tiếp:

- Hẳn cô ấy đã tặng cho anh bộ tranh nhỉ?

- Tranh nào? - tôi chợt tò mò.

- Tranh cô ấy vẽ. Cô ấy đã theo học nghệ thuật trang trí ở Paris. Khi dừa mất giá, cô quay về đây, vẽ nhái tranh của Gauguin, ký hợp đồng bán cho Úc trị giá hàng trăm nghìn frans và sống bằng nghề đó. Này ông, ông có bị làm sao không mà mặt tái nhợt thế?!■

T.Dũng (st)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận