"Tôi không dạo chơi trên con đường thảm đỏ"

(WIKIPEDIA) 23/04/2012 20:04 GMT+7

TTCT - Cuộc chiến Serbia - Bosnia (1992-1995) đến nay vẫn là đề tài gây tranh cãi. Thế nhưng nữ diễn viên nổi tiếng Angelina Jolie lại thử sức lần đầu tiên trong vai trò đạo diễn bằng đề tài “hóc” này, để đón nhận những luồng dư luận trái ngược.

TTCT trích giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của cô nhân buổi công chiếu bộ phim tại Liên hoan phim Berlin vừa qua.

Phóng to
Angelina Jolie và Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle tại Berlin nhân cô sang Đức dự Liên hoan phim Berlin 2012 - Ảnh: justjared.com

* Trong buổi chiếu ra mắt ở Berlin, chị đã trải qua những thời khắc khó khăn: phía này là không khí đón tiếp nồng hậu của ban lãnh đạo liên hoan phim, nhưng phía kia là cuộc công kích của báo chí Serbia, gọi phim của chị là "tuyên truyền của Mỹ". Từ Serbia, dư luận xã hội chỉ trích phim của chị đã mô tả những người Bosnia như "một dân tộc văn minh" trong khi người Serbia là "những nông dân man rợ"...

- Phản ứng như thế đối với phim của tôi không khó hiểu: những vết thương chiến tranh để lại vẫn chưa lành sẹo... Nhưng tôi không tuyên truyền cho người Mỹ và nói chung tôi không tuyên truyền cho ai hết. Tôi chỉ cố mô tả người Serbia và người Bosnia sao cho trung tính nhất... Nhưng tôi mong các bạn hiểu là bộ phim của tôi nói về những phụ nữ Bosnia, về những cuộc tấn công của binh lính Serbia nhắm vào họ. Vì thế không thể nào có sự khách quan tuyệt đối ở đây.

Chiến tranh - bản thân nó đã rất nặng nề. Nó gắn với sự vi phạm những quyền cơ bản của con người. Báo chí Serbia không muốn hiểu điều đó. Vì thế tôi đã sẵn sàng trước những phản ứng kiểu này, cũng như những cuộc tranh luận mà đề tài này gợi ra.

* Chị muốn thay đổi gì khi đưa ra đề tài đau thương này nhiều năm sau chiến tranh?

- Tôi nào có thể thay đổi gì. Nó không nằm trong khả năng của tôi. Nhưng tôi có thể bắt đầu cuộc đối thoại giữa những con người, và nếu may mắn giữa chính khách các nước. Và nếu ngày mai trong chương trình tin tức bạn nghe thấy đâu đó nổ bom và người ta lại chết thì có thể bạn sẽ nhớ lại bộ phim của tôi cũng như những hậu quả nào mà con người phải gánh chịu từ cuộc chiến đó. Và nếu (tôi) may mắn nữa thì không chỉ bạn hiểu được nỗi đau của họ, mà cả những ai chịu trách nhiệm vì cuộc xung đột đó.

* Ý tưởng về bộ phim đã xuất hiện thế nào?

- Trong thời gian hoạt động với tư cách đặc sứ Liên Hiệp Quốc, tôi phải đi lại nhiều, nhất là những vùng chiến sự và khủng hoảng, trong đó có Nam Tư cũ. Mặc dù khi đó còn trẻ, nhưng tôi nhớ đã bị các câu chuyện người dân kể về chiến tranh gây chấn động ra sao. Tôi thường ghi lại những cảm xúc đó.

Đề tài cuộc xung đột Serbia - Bosnia ám ảnh tôi khá lâu nên tôi quyết định viết thành kịch bản. Nhưng tôi không hề nghĩ tới chuyện dựng thành phim mà chỉ muốn trút gánh nặng lên trang giấy. Nhưng rồi Brad (nam diễn viên Brad Pitt, bạn trai Angelina Jolie, mới đây cả hai vừa đính hôn - ND) bắt gặp và bảo tôi không được xếp xó nó mà phải đưa ra công chúng...

Đầu tiên tôi gửi kịch bản sang Nam Tư để những người từng trải qua sự kiện này kiểm tra lại, nhưng tôi giấu tên mình. Và phản hồi khá tích cực. Nó chứng minh là tôi đã quyết định đúng và tôi phải quay bộ phim này. "Vì sao"? Bởi vì tôi đã 36 tuổi, và vì sự nổi tiếng với tôi không phải là cuộc dạo chơi trên con đường thảm đỏ, mà là khả năng cống hiến cho một việc thật sự quan trọng, chẳng hạn giúp đỡ những người cần giúp đỡ.

Chính sự nổi tiếng trao cho tôi ưu thế đó, khiến nhiều người lắng nghe tôi, thậm chí cả những ai bình thường xem nhẹ nỗi thống khổ của thường dân. Khác với nhiều người, trong cuộc sống thường nhật tôi có thể cho mình sự tiện nghi và dư thừa. Nhưng tôi không đắm mình trong phù hoa đó, mà muốn tỏ ra biết ơn tất cả những ưu đãi bao bọc quanh mình.

* Dẫu sao thì phần lớn thời gian chị sống ở Los Angeles. Cái nhìn của chị về Hollywood đã thay đổi thế nào dưới ảnh hưởng của hoạt động chính trị xã hội?

- Sự ích kỷ, quá quan tâm tới những vấn đề của mình đã nhường chỗ cho những vấn đề toàn cầu quan trọng hơn, chẳng hạn: "Liệu tôi có thể lặng ngắm một cách tiêu cực hay tự hài lòng với cuộc sống của mình, khi xung quanh mình có bao nhiêu nỗi đau khổ?", hay "Tại sao dân phương Tây sống trong nhà riêng, đi lại bằng ôtô, sử dụng những kỹ thuật tân tiến nhất, trong khi trên Trái đất có những nơi người ta thậm chí không có nước uống và thức ăn?".

Như tôi đã nói, tôi muốn biết ơn vì những ưu đãi mình có được, chứ không xem nó như điều đương nhiên phải có. Thế nhưng tôi cũng sẽ không lên án Hollywood. Mặc cho sự hào nhoáng của nó, Hollywood đã và đang làm được nhiều điều tốt. Nó giáo dục nhiều thế hệ con người. Nó dạy chúng tôi biết nổi giận trước sự bất công và tính vô nguyên tắc.

Điện ảnh đưa khán giả vào một thế giới khác, một thế giới có thể không chỉ tích cực và tốt đẹp mà cả nghiệt ngã nữa. Nó không chỉ giải trí mà còn dạy người ta không được thờ ơ trước nỗi khổ của kẻ khác, dạy người ta chủ nghĩa nhân đạo và sự thấu hiểu.

* Ðề tài phim của chị rất xa với cái được gọi là "kinh điển Hollywood". Tại sao một phụ nữ lại có dũng khí quay một bộ phim đề tài nam giới: chiến tranh? Tại sao chị lại chọn chủ đề khắc nghiệt đó cho bộ phim đầu tiên mình đạo diễn?

- Đó là ý định của tôi - chỉ ra sự nghiệt ngã của thế giới này. Tôi muốn khán giả bị sốc bởi những bạo lực mà con người sống trong chiến tranh phải chịu đựng. Tôi cũng muốn công chúng cảm thấy khó chịu, nặng nề, u uất.

Làm sao bạn có thể cảm thấy khác được một khi người ta giết và cưỡng hiếp phụ nữ? Tuy nhiên, tôi chống chủ nghĩa tự nhiên. Thí dụ tôi không bao giờ cận cảnh những thi thể trẻ em, cơ thể trần trụi... Nhưng có lúc nào đó tôi cũng phải quên các quy tắc, bỏ qua công chúng - nếu không sẽ không có được hiệu ứng mà tôi muốn có cho công việc của mình.

* Vậy chúng tôi có nên chờ đợi chị thay đổi vai tuồng của mình để bắt đầu quay những bộ phim chính trị?

- Tôi sẽ chỉ quay phim nếu có gì đó để kể. Còn ngược lại, tôi sẽ vẫn ở bên kia ống kính máy quay. Bởi chính nghề diễn viên, chứ không phải đạo diễn, là năng khiếu đích thực của tôi.

Ở vùng đất máu và mật ngọt kể về cuộc tình của chàng trai Serbia Daniel (do Goran Kostic thủ diễn) với cô gái Hồi giáo người Bosnia Ajila (do Zana Marjanovic đóng). Khi chiến tranh Serbia - Bosnia bùng nổ do những mâu thuẫn địa chính trị đan xen với xung đột sắc tộc, tôn giáo, Daniel - dưới áp lực của cha và cộng đồng - phải chỉ huy cuộc chiến ở địa phương mình mà cô gái anh yêu nằm trong số những người phải tiêu diệt.

Những nỗ lực của anh nhằm bảo vệ cô đều vô hiệu, bởi trong chiến tranh những chuẩn mực con người như lòng nhân đạo, sự tỉnh táo, thấu hiểu... đều vô nghĩa.

Các đánh giá về bộ phim của Angelina Jolie rất trái ngược nhau. Tháng 3-2012, website đánh giá phim của Rotten Tomatoes dựa trên 74 nhà phê bình đã chấm điểm cho bộ phim là 5,9/10.

Chẳng hạn, nhà văn Jake Coyle viết trên AP thừa nhận Angelina Jolie "đã đem sự nổi tiếng của mình để đánh động dư luận về những đe dọa hòa bình của tội ác chiến tranh và sự thanh lọc sắc tộc", nhưng cho rằng bộ phim đã "đặt chính trị lên trên câu chuyện và nhân vật", và "chuyện phim được kể trong một bối cảnh chưa đầy đủ của một cuộc xung đột tổng thể".

MINH NHIÊN trích dịch
(Theo Kommersant.ru)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận