Tôi không tin vào những mối quan hệ chỉ tồn tại trên Internet

PHAN XUÂN LOAN (*) 15/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - Cuốn sách tiếp theo tiểu thuyết nổi tiếng Cô đơn trên mạng chuẩn bị ra mắt độc giả Nga hè 2020. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trích dịch và giới thiệu cuộc phỏng vấn Janusz Wisniewski của Kênh truyền hình quốc tế RT (Nga) nhân dịp này.

Nhà văn Janusz Leon Wisniewski. Ảnh: kresy24.pl
Nhà văn Janusz Leon Wisniewski. Ảnh: kresy24.pl

“CÁC MỐI QUAN HỆ THỰC QUAN TRỌNG HƠN”

* Một điều lý thú là hôm nay chúng ta trò chuyện trực tuyến về cuốn sách tiếp theo tiểu thuyết Cô đơn trên mạng của ông. Trước đây ông từng nói câu chuyện này đã kết thúc rồi. Điều gì khiến ông nghĩ lại?

- Đây là một câu chuyện dài. Các nhà xuất bản đã bán Cô đơn trên mạng với số bản in rất lớn (chỉ riêng ở Ba Lan đã bán hơn 300.000 bản - ND)... Dĩ nhiên họ muốn tiếp tục! Hai năm sau khi cuốn tiểu thuyết phát hành ở Ba Lan, tôi đã được yêu cầu viết phần tiếp theo, nhưng lúc đó tôi nghĩ phần tiếp theo không cần thiết. Đó là một câu chuyện riêng của tôi. Tôi đã viết nó trong khoảng thời gian rất buồn vì những vấn đề cá nhân.

Sau đó, các nhà xuất bản cũng quên đi - hay là họ không muốn gây áp lực với tôi. Thế rồi năm 2017, một cô giáo ở Ba Lan mang cuốn sách này đến xin chữ ký. Tôi bắt đầu đọc lại. Thành thật mà nói, chỉ khi đó tôi mới đọc lại toàn bộ cuốn sách, trước đó tôi chỉ đọc lại các đoạn mà biên tập viên yêu cầu viết lại. Tôi cố tình không đọc lại tiểu thuyết, bởi tôi biết mình sẽ muốn thay đổi mọi thứ.

Và lần này tôi nhận thấy hành động trong cuốn sách diễn ra vào năm 1996, con trai của nữ nhân vật chính đã 20 tuổi - giờ cậu ta đã là người trưởng thành. Tôi nghĩ sẽ biến cậu ta thành một sinh viên, phải lòng một phụ nữ thú vị nào đó và sẽ viết phần tiếp theo từ góc nhìn của thế hệ mới. Các nhân vật chính sẽ là cậu con trai đó và người phụ nữ của cậu.

Ở Nga, sách sẽ do Nhà xuất bản AST ấn hành... Tôi biết mọi người đang chờ đợi nó: tôi đã nhận được thư. Ở Nga, cuốn sách sẽ có tên Cô đơn trên mạng: Trở lại ban đầu. Ở Ba Lan, nó là Đoạn kết của cô đơn hay Kết thúc cô đơn.

* Các nhân vật của ông, không chỉ trong Cô đơn trên mạng, thường không trò chuyện trực tiếp với nhau, mà qua các bức thư. Theo ông, nếu họ gặp nhau không phải trên Internet (nơi có thể cân nhắc từng từ trước khi gửi tin), liệu quan hệ của họ có khác đi?

- Tôi viết cuốn sách ấy vào đầu kỷ nguyên Internet. Tôi là tác giả đầu tiên chỉ ra rằng trên Internet người ta không chỉ tìm kiếm thông tin - ở đó có thể nảy sinh tình cảm. Dĩ nhiên khó thể nói quan hệ của các nhân vật sẽ ra sao trong bối cảnh khác. Mối quan hệ trên Internet diễn ra ở một cấp độ khác. Từ ngữ đóng vai trò lớn, không phải ngoại hình hay điều gì khác.

* Dĩ nhiên ông biết về sự tồn tại của Tinder và các ứng dụng khác cho việc hẹn hò “chớp nhoáng”. Theo ông, điều gì quyết định sự phổ biến này? Có thật là sẽ dễ dàng hơn để mọi người quen nhau, giao tiếp trực tuyến? Hay Tinder có tính biểu tượng - là viên thuốc trị bệnh cô đơn toàn cầu, chữa trị sự phức tạp trong việc xây dựng quan hệ trong thế giới thực?

- Con người không còn thời gian. Họ sống rất gấp. Và họ nhận ra có thể tìm thấy tình yêu trên Internet. Nhưng tôi không tin vào những mối quan hệ chỉ tồn tại trên Internet. Các mối quan hệ thực sự, nghiêm túc trên Internet có động lực riêng của mình. Đầu tiên là từ ngữ. Sau đó ai đó muốn nghe giọng của người kia. Rồi nhìn anh ấy hay cô ấy, gửi bức ảnh đầu tiên. Và cuối cùng tất cả muốn chạm vào nhau. Và thế là mối quan hệ thực sự bắt đầu.

Các nhân vật trong cuốn sách của tôi cũng giao tiếp với nhau trên Internet, nhưng rất ít. Thế hệ trẻ biết rằng các mối quan hệ thực quan trọng hơn các mối quan hệ ảo.

* Cô đơn trên mạng là cuốn sách buồn. Ông đã viết nó, đặc biệt là để vượt qua nỗi buồn. Còn những cảm xúc nào là quyết định khi ông viết phần tiếp theo?

- Tôi viết phần tiếp theo vào khoảnh khắc rất hạnh phúc trong đời. Nhưng đó cũng là một cuốn sách buồn. Các nhân vật chính yêu nhau, hạnh phúc, nhưng trong cuốn sách có nhiều chuyện tình buồn không liên quan đến các nhân vật chính.

* Ông viết phần tiếp theo mất bao lâu?

- Gần hai năm. Cao trào trong công việc với cuốn sách đến vào thời điểm tôi quyết định nghiêm túc thay đổi cuộc sống của mình: sau 30 năm sống ở Đức, tôi trở về Ba Lan. Cần phải kết thúc tất cả các dự án.

Ngay lúc đó, một người rất gần gũi với tôi đã ra đi - vợ cũ của tôi. Tôi rất buồn vì cái chết của cô ấy. Tại thời điểm tuyệt đối bi thảm này, tôi không muốn viết sách, vì thế nên tôi viết rất lâu.

Tại nhà hát “Nhà Baltic” ở Saint Petersburg có vở Cô đơn trên mạng được diễn từ năm 2009 đến nay. Họ đã yêu cầu tôi chuyển bản thảo phần hai để bắt đầu dựng kịch. Tôi rất náo nức chờ đợi những ý tưởng của họ.

Tôi có hỏi giám đốc nhà hát: “Sao các ông diễn vở Cô đơn trên mạng lâu vậy?” và ông ta trả lời: “Vì mọi người cứ đến”. Đó là điều dễ chịu nhất cho tác giả.

* Ông có thích vở kịch không?

- Có. Dĩ nhiên là tôi được mời đến buổi diễn ra mắt. Tôi còn nhớ đó là vào ngày 20-2-2009. Không ai biết tôi ngồi trong nhà hát. Tôi ngồi như một khán giả bình thường, ghế số 13 ở hàng thứ năm. Tôi nhớ những giọt nước mắt của mình khi xem vở kịch. Cũng hay là trong nhà hát tối và không ai nhìn thấy. “Nhà Baltic” thật giỏi, họ đã diễn hay đến khó tin.

Ở Ba Lan có một bộ phim quay theo cuốn sách nhưng tôi rất không thích nó... Vì thế tôi đã không tin là có thể dựng kịch. Nhưng họ (“Nhà Baltic”) đã làm thật tuyệt. Tôi nghĩ họ cũng sẽ dựng tốt phần hai Cô đơn trên mạng: Trở lại ban đầu. Tôi đang trông đợi nó.

* Liệu những người hâm mộ ông có thể hi vọng vào phần thứ ba - thêm một cuốn nữa cho loạt sách?

- Tôi biết là không bao giờ có thể nói “không bao giờ”. Về lý thuyết thì có khả năng đó, bởi nhân vật chính trong phần đầu của cuốn thứ hai không xuất hiện nhiều. Cuộc sống của anh ta, mà tôi biết rất nhiều, chưa được mô tả hết: tôi cho rằng nó không quan trọng lắm lúc này.

"Cô đơn trên mạng" đã được chuyển thể sang phim

“TÔI VẪN KHÔNG CẢM THẤY MÌNH LÀ NHÀ VĂN”

* Ông biết các ngôn ngữ Ba Lan, Anh, Đức và Nga, sách của ông nổi tiếng trên thế giới. Ông có đọc sách mình ở các thứ tiếng khác? Ông có luôn thích bản dịch?

- May thay, tôi nói được tiếng Anh và tiếng Đức, nhiều năm sống ở Đức và Mỹ. Ở Mỹ, tôi đã viết hai luận văn tiến sĩ. Hiện giờ tôi buồn nhớ nước Nga vì tôi không có cơ hội nói tiếng Nga. Tôi đọc sách Nga, nghe đài phát thanh Nga để không mất tiếp xúc với ngôn ngữ, để đừng quên nó.

Tôi viết sách khoa học về hóa học và khoa học máy tính bằng tiếng Anh và tiếng Đức. Nhưng tôi chỉ có thể viết về cảm xúc bằng ngôn ngữ tôi học được ở nhà, từ cha và mẹ. Bản dịch tiếng Nga của Yuri Chaikov, theo tôi, rất tốt. Điều đó không có nghĩa là nó lý tưởng: tôi không nên đánh giá bởi với tôi, tiếng Nga là ngoại ngữ.

Sách của tôi cũng được dịch ra tiếng Việt, tiếng Trung, Albania - cũng là những bản dịch tôi không thể đánh giá. Tôi còn không phát âm được tên cuốn sách của mình bằng tiếng Việt nữa là! Tôi tin các nhà xuất bản đã làm việc với các dịch giả giỏi.

* Ông tích cực giữ liên lạc với các độc giả của mình. Ông có quan tâm đến sự thấu hiểu của họ đối với các tác phẩm của ông?

- Ban đầu thì không. Sau thành công của Cô đơn trên mạng, tôi bắt đầu nhận thư: 18.000 bức trong ba năm. Tôi không trả lời chúng.

Mạng xã hội đầu tiên, nơi tôi bắt đầu giao tiếp với độc giả của mình, chắc các bạn không tin đâu, đó là (mạng xã hội Nga) Vkontakte. Nhà xuất bản của tôi khuyên tôi nên tạo một trang trên Vkontakte để mọi người nắm được thông tin về những cuốn sách mới, những cuộc gặp, các chuyến đi ở nước Nga. Trang của tôi vẫn còn đó đến tận giờ...

* Ông đã viết là ông nghĩ cần có thêm phần hậu truyện cho Cô đơn trên mạng, khi biết độc giả cảm nhận tiểu thuyết như thế nào.

- Nhà xuất bản cho rằng sẽ tốt hơn nếu tôi hoàn thành cuốn sách sao cho độc giả không đoán ra được chuyện gì đã xảy ra với nhân vật chính. Đó là lần ra mắt của tôi, nên tôi đồng ý. Sau đó, khi họ yêu cầu tôi công bố các bức thư và bình luận chúng, tôi nói giờ đã đến lúc viết phần kết thật sự của cuốn sách này. Họ đồng ý. Thế là xuất hiện Cô đơn trên mạng. Bộ ba.

* Phản ứng của độc giả phần lớn là có thể dự đoán được, hay cứ mỗi lần ông lại phát hiện nhiều điều bất ngờ?

- Đầu tiên tất cả đều bất ngờ. Tôi là một nhà hóa học, nhà khoa học máy tính vô danh sống ở thành phố Frankfurt am Main, chuyên viết sách khoa học vốn chỉ có chừng 50 người trên thế giới đọc, bởi chỉ họ mới hiểu chúng. Vậy mà tôi in cuốn sách về tình yêu được nhiều người đọc đến thế. Phải nói là tôi không ngờ, đôi khi tôi còn nghĩ đó là chuyện xảy ra với một tác giả nào đó khác. Tôi bắt đầu được mời đi đến những cuộc triển lãm sách, bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác.

Các nhà khoa học thường làm việc trong tĩnh lặng. Một số có thể nổi tiếng nếu nhận được giải thưởng Nobel, nhưng trong đời thường họ không cần phải dịch chuyển trong không gian truyền thông, trả lời phỏng vấn, gặp gỡ mọi người. Bây giờ tôi hiểu đó là một phần cuộc sống của nhà văn. Nhưng đến nay tôi vẫn không cảm thấy mình là nhà văn. Tôi gọi mình là tác giả của những cuốn sách.

* Chúng tôi muốn biết đại dịch đã ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của ông? Ông sống trong cách ly suốt thời gian này?

- Trong suốt thời gian cách ly tôi sống trong căn nhà nhỏ ở một ngôi làng không xa Gdansk. Việc cách ly cũng không còn căng thẳng như lúc đầu. Nhưng hiện vẫn chưa được đi du lịch. Tôi muốn đi Berlin, nơi con gái út tôi đang sống, hay đến Mainz - chỗ con gái lớn, nhưng hiện giờ thì không thể. Tôi cũng muốn bay đến Nga để gặp độc giả, tham gia hội sách ở Nga dự kiến diễn ra đầu tháng 9.

Nhưng thành thật mà nói, việc tự cách ly này đối với tôi cũng chẳng phải quá khủng khiếp. Trong suốt 30 năm qua, mỗi sáng tôi chỉ đi bộ... 60m bởi căn hộ của tôi chỉ cách viện 60m, tôi làm việc một mình, chỉ nói chuyện với máy tính. Sau đó, khi trở về nhà, ở đó, tôi cũng một mình, làm việc với sách vở.

Ông làm gì khi bị buộc phải ở nhà?

- Ngay trước đại dịch tôi và người đồng hành đã đi du lịch hai tuần ở New Zealand và Úc. Chúng tôi kịp trở về trước khi đóng cửa biên giới và giờ đây chúng tôi viết sách về những đất nước này. Điều này rất thú vị, vì cuốn sách chỉ ra cái nhìn về cùng một sự việc của đàn ông và đàn bà. Chúng tôi đã ký hợp đồng với nhà xuất bản, sách sẽ sẵn sàng trước cuối năm nay...

* Ông có thể cho lời khuyên gì với những người cảm thấy khó khăn về tâm lý, cảm xúc khi phải chịu đựng tình trạng đại dịch hiện nay?

- Tôi đã viết về nỗi cô đơn, nó xuất hiện trong nhiều tác phẩm: trong các tuyển tập truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết. Bây giờ đang là thời gian rất khó khăn cho những người cô đơn. Trước đây họ cũng từng như thế nhưng họ có thể ra ngoài, giao tiếp với người khác.

Lời khuyên của tôi là hãy tin rằng sau đại dịch này con người sẽ đánh giá lại các mối quan hệ cá nhân. Và những ai chỉ bây giờ mới cô đơn sẽ hiểu cô đơn là như thế nào, trên nguyên tắc. Sau đại dịch, mong là sẽ có ít người cô đơn hơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận