"Tôi viết về một làng quê hấp hối..."

HUNGTHUAT 08/01/2013 21:01 GMT+7

TTCT - Giải thưởng “Sách Nga” 2012 trị giá 1,5 triệu rúp vừa được trao cho Nông dân và teenager (*) của Andrey Dmitriyev.

Câu chuyện xoay quanh việc nhân vật chính - nông dân Paniukov, cho cậu trai thành phố Gera, đang thất tình và phải trốn lính, tá túc ở nhà mình.

Phóng to
Nông dân và teenager đoạt giải “Sách Nga” 2012 - Ảnh: Lenta

* Ông hãy kể về việc hình thành tiểu thuyết, nó ra đời thế nào?

- Thoạt đầu tôi chẳng có ý định nào cả, chỉ là một đống rác rời rạc trong đầu, tất cả những suy nghĩ có thể có về nước Nga, những lo âu về tình hình đất nước. Một lần nọ, khi tôi và bạn bè đang trò chuyện trong bếp, thật lạ, chúng tôi đang nói về những cơn đau thần kinh xương thì vú nuôi con trai tôi nghe chuyện đã nói: "Vậy thì xà phòng cho người chết". "Cái gì?" - tôi hỏi. "Thì còn gì nữa, ai cũng biết là lấy xà phòng đã dùng để rửa ráy người chết chà lên vùng da bệnh thì khỏi ngay ấy mà".

Chẳng hiểu sao cái chuyện ngu ngốc ấy lại ngay lập tức tạo ra quanh nó một chủ đề. Từ lời đáp của vú nuôi con tôi mọi thứ đã xuất hiện. Trong quyển sách cũng có những cảm xúc ấu thơ của tôi, từ làng quê mà tôi đã nhiều lần đi về.

Phóng to
Nhà văn Andrey Dmitriyev - Ảnh: Itar Tass
* Có thể nói về một xung đột xã hội nào đó trong tiểu thuyết không, về mâu thuẫn giữa hai thế giới thành thị và thôn quê, hay ông quan tâm nhiều hơn tới cái chung của các nhân vật ở hai thế giới này: sự hỗn loạn, bất động, cảm giác cô đơn...?

- Tôi không phải là nhà xã hội học, bản chất tôi là nhà thơ. Dĩ nhiên sự cô đơn và cảm xúc với tôi quan trọng hơn, vì thế những thế giới này với tôi trên thực tế đã tồn tại độc lập với nhau và bằng một cách tuyệt vời nào đó lại hòa hợp cùng nhau. Nếu bạn để ý sẽ thấy trong tiểu thuyết không có mâu thuẫn giữa các nhân vật. Nói chung họ chẳng có việc gì với nhau cả. Và họ hoàn toàn có thể sống cùng nhau.

Ở đó chỉ một lần nổ ra xung đột, khi Paniukov nói: "Chúng tôi đã là nô lệ và sẽ là nô lệ". Điều đó đánh động tâm thức của Gera, cậu hoang mang bỏ đi. Paniukov cũng bối rối và quyết định phải làm gì đó trong đời chứ không thể ngồi chờ đợi. Cần gì phải gây xung đột giữa họ? Xung đột của thành thị và nông thôn đã được nghĩ ra bởi văn học làng quê thập niên 1970 rồi.

Theo Tin Tức, chỉ riêng với mô tả xuất sắc nông dân Paniukov - không phải là hình tượng thời thượng trong văn học Nga hiện đại - đã là một thành công lớn của tác giả.

* Nhưng cũng chính vì Nông dân và teenager mà giờ đây người ta bắt đầu nói về ông như người thừa kế "những tác giả làng quê"?

- Không đúng. Văn học làng quê là một chuyện và văn học viết về làng quê là chuyện khác. Nếu tôi viết về người sống ở thôn quê không có nghĩa tôi là người thừa kế dòng văn học làng quê... Trong tác phẩm của tôi chỉ có một làng quê hấp hối. Không còn gì nữa. Vì thế văn học làng quê chỉ là một huyền thoại nào đó, huyền thoại không phải trong ý nghĩa bịa đặt mà trong ý nghĩa một cấu trúc nào đó đã hoàn tất, một hình dung đã kết thúc về thế giới...

Huyền thoại văn học làng quê được lập nên trong hai tác phẩm viết vào thập niên 1950: truyện ngắn Mùi bánh mì tuyệt vời của Yuri Kazakov và truyện Nông trại Matrena của Solzhenitsyn. Đó là các tác phẩm hay nhất khi văn học làng quê còn ở đỉnh cao, trước khi trượt vào tình trạng hoàn toàn bài ngoại và ngu ngốc. Nhưng tôi không phải người kế thừa dòng văn học đó.

* Ông viết những áng văn về con người, nhân vật của ông sống ở nước Nga, nông thôn hay thành thị. Ông có thử tưởng tượng thay đổi không gian của câu chuyện, thí dụ ở Kiev chẳng hạn (nhà văn đang sống ở Kiev - ND)?

- Tôi không hình dung Kiev như một đề tài của mình, vì tôi chưa sống nhiều với nó. Còn liên quan tới làng quê Nga thì vấn đề không phải ở chỗ đối lập giữa nông thôn và thành thị. Làng quê Nga khác nhau. Mùa xuân rồi tôi đến chơi ở gia đình người bạn tại một ngôi làng Chuvash.

Một làng quê khác hẳn với làng quê tôi từng mô tả. Ở đó có khoảng ba nghìn nóc nhà - một đời sống khác. Nó không phải là làng quê hấp hối dù ở đó cũng ít công việc và người ta phải lên Kazan hay Hạ Novgorod kiếm sống, nhưng dù sao họ vẫn quay về. Đó là ngôi làng đa sắc tộc, tôi sống trong gia đình người Tatar, trong khi nhà láng giềng là người Chuvash, theo những tín ngưỡng Nga cổ xưa.

Tôi có cảm giác cuộc sống chảy ra từ đó. Còn trong tiểu thuyết của mình, tôi viết về ngôi làng ở tây bắc Nga... vùng quê ruột thịt của tôi, ngôi làng đang chết dần.

MINH NHIÊN trích dịch (Theo Lenta)

___________

(*): Tựa sách dùng từ , được Nga hóa từ "teenager" (thiếu niên, tiếng Anh)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận