"Tôi viết về sự gãy vỡ nền tảng của con người"

TRẦN Q.TÂN DỊCH 20/02/2014 01:02 GMT+7

TTCT - Cuốn tiểu thuyết gần nhất của chủ nhân giải Nobel văn chương, Adieu, mon livre!, cũng như những trước tác ông xuất bản tại Nhật, làm rung lên lời vang vọng trước tai họa nước này vừa trải qua, tạo thêm sức nặng cho đề tài cốt yếu mà ông theo đuổi: sự đổ vỡ nền tảng của con người.

Mỗi lần ra mắt cuốn sách mới, Kenzaburo Oe luôn nghĩ nó sẽ là tác phẩm cuối cùng. Nhưng liệu điều đó có thật sự đúng với tiểu thuyết gần đây nhất của ông? Trong Adieu, mon livre! (Tạm biệt, cuốn sách của tôi!), một nhân dạng kép của tác giả, nhân vật Chôkô Kogito, nhà văn luống tuổi đã về hưu, trăn trở suy nghĩ về cơn khủng hoảng đất nước ông đang trải qua và liên tưởng đến giai đoạn cuối đời mình.

Cũng như Kogito và nền văn minh mà nhân vật này hiện thân, liệu nước Nhật của Oe có đứng trước ngưỡng cửa của suy tàn? Nhân dịp bản tiếng Pháp vừa ra mắt, nhà báo Philippe Pons của Le Monde đã phỏng vấn khôi nguyên giải Nobel văn chương 1994 tại Tokyo.

TTCT trích giới thiệu.

* Adieu, mon livre! ra mắt tại Nhật năm 2005, theo ông nói là tiểu thuyết cuối cùng của mình. Một nhà văn biết được chính xác rằng ông ta viết cuốn sách sau cùng ư?

- Tôi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên năm 22 tuổi. Giờ đây tôi đã 78 tuổi. Trong suốt những năm ấy, đã ba lần tôi viết trở lại sau khi quyết định sẽ ngừng viết tiểu thuyết và cuốn mình đang viết là quyển cuối cùng. Trong những khoảng thời gian từ 3-5 năm, tôi chỉ viết bài cho các chuyên khảo hay tạp chí, sau đó được gom lại trong tuyển tập (Ghi chép về Hiroshima, 1965, Ghi chép về Okinawa, 1970).

Trong những “tao đoạn” ấy, tôi đọc thơ viết bằng tiếng Anh. Tôi chọn một tác giả và đọc ngấu nghiến tất cả tác phẩm của họ. Nhờ đó mà tôi biết đến William Blake, William Butler Yeats, T. S. Eliot… Thế rồi, bị ảnh hưởng bởi những nhà thơ này, tôi viết tiểu thuyết trở lại.

Tôi đã nghĩ, thật sự Adieu, mon livre! sẽ là quyển sách cuối cùng. Nhưng tôi vẫn tiếp tục viết các tiểu luận về xã hội, tích lũy những ghi chép của riêng mình...

* Ngày trước, ông nói rằng mình không hiểu một đoạn trong phần Hỏa ngục, Thần khúc của Dante: “Ngươi có hiểu là tất thảy tri thức của chúng ta/ sẽ tuyệt diệt vào thời khắc/ cánh cửa dẫn đến tương lai bị đóng lại mãi mãi”...

- Sau thảm họa Fukushima, tôi từ bỏ những việc tôi đang làm. Một trăm ngày sau biến cố, tôi bắt tay vào một tác phẩm khác, đã bắt đầu xuất hiện trên tạp chí. Qua công việc này, được Edward Saïd gọi là “phong cách cuối đời” của người sáng tạo trong tác phẩm On Late Style của ông, tôi phúc đáp một phần câu hỏi của Dante. Sau sự kiện 11-3-2011, tôi đã hiểu Dante rõ hơn.

Giờ đây, tôi có cảm giác rằng nước Nhật đang trải qua một trong những thời khắc mà cánh cửa tương lai dường như bị khép lại: những tri kiến chúng ta có được về thế giới và xã hội dường như bị tước hết ý nghĩa. Adieu, mon livre! lần theo con đường nội tâm của chính tôi, nhưng cũng trùng hợp với thảm họa tập thể mà nước Nhật đang trải qua.

* Edward Saïd muốn nói điều gì?

- Saïd, sinh cùng năm với tôi (1935), bị thôi thúc bởi một chứng bệnh. Ông ấy nói về “sự căng thẳng vừa bất ổn vừa không hài hòa” và về một “dạng sản sinh tác phẩm không vụ lợi” vào cuối đời. Ông ấy hiểu rằng có những người, trái với các nghệ sĩ ngày càng chín muồi theo tuổi tác, suy sụp trong cuộc khủng hoảng, trong tình trạng bệnh tật, trong sự co quắp.

Cũng như Ibsen hay Beethoven với những tác phẩm cuối đời của họ. Từ sự kiện 11-3, tôi cảm nhận trong xã hội Nhật có các triệu chứng báo trước về một cái kết, vô tình tương ứng với giai đoạn cuối cuộc đời tôi. Chính cảm xúc cá nhân ấy mà tôi muốn trở lại ở địa hạt khác: các bản văn sẽ tạo nên một tập hợp mới cho phong cách cuối đời của tôi.

* Cụ thể hơn?

Kenzaburo Oe - Ảnh: wikimedia.org
- Milan Kundera từng nói về “sự trở lại yếu tính” của nhà văn vào giai đoạn cuối đời. Tôi sẽ tiếp tục sống đoạn đời còn lại với suy nghĩ rằng đạo đức của yếu tính bao hàm việc để những thế hệ kế cận một thế giới xứng đáng được sống.

* Trong đề từ của Adieu, mon livre!, ông dẫn lời T.S.Eliot: “Tôi không nghe nói về sự thông thái của tuổi già, nhưng nghe nhiều về chứng điên của họ”...

- Không nên hiểu chứng điên ở đây theo nghĩa thông thường. Đó là chứng điên nhẹ nhõm, chứ không phải điên cuồng kích động. Về phần mình, tôi gắn bó với những thứ nhỏ bé trong cuộc sống, nhưng cũng tin rằng không cần từ bỏ việc bảo vệ những lý tưởng to lớn, chẳng hạn lập trường hòa bình của hiến pháp Nhật.

* Trước khi tự kết liễu bằng thuốc ngủ, nhà văn Ryunosuke Akutagawa (1892-1927) có nói đến “nỗi bất an mơ hồ” mà mình trải qua. Trường hợp của nhà văn này cũng thế, hai thảm họa dường như xảy ra cùng lúc: biến cố cá nhân và biến cố tập thể (nước Nhật đắm chìm trong chủ nghĩa quân phiệt). Ông bộc lộ biến cố kép ấy trong Adieu, mon livre!?

- Akutagawa dùng tính từ “mơ hồ” với ý thức toàn diện về điều ông cảm thấy. Quyển sách của tôi không được thôi thúc bởi cảm xúc lập lờ mà rất rõ ràng và tinh yếu. Nhưng như vậy không có nghĩa rằng đối mặt với nó dễ hơn “nỗi bất an mơ hồ” của Akutagawa.

* Ông luôn dấn thân vào những cuộc chiến của thời đại mình - nền dân chủ, chủ nghĩa hòa bình, phong trào chống hạt nhân… Còn hơn cả chính trị, sự dấn thân của ông dường như đứng trước nghĩa vụ đạo đức.

- Chính xác. Tôi chưa bao giờ tham gia các hoạt động của một đảng phái chính trị nào. Theo nghĩa đó, tôi không phải một nhà văn dấn thân. Nhưng sự gãy vỡ nền tảng của con người là đề tài tinh yếu cho tất cả những gì tôi đã viết và nằm ở trọng tâm những trận chiến tôi tham dự.

* Cũng như lần đầu tới thăm Hiroshima, ông phát hiện sự khủng khiếp của hành động ném bom hạt nhân, nó mãi ghi dấu vào sự suy tưởng của ông, thảm họa ở Fukushima cũng trở thành đề tài ám ảnh vào giai đoạn cuối đời của ông chứ?

- Những nạn nhân của thảm họa hạt nhân ở Hiroshima vẫn tiếp tục tham gia các phong trào nhằm ngăn chặn thảm cảnh tương tự. Song, Fukushima đã tạo ra những nạn nhân mới của năng lượng hạt nhân. Ở trường hợp Hiroshima, người Nhật hiểu rõ sự khủng khiếp của vũ khí hạt nhân nhưng họ không cảm thấy mối nguy ẩn hiện từ các trung tâm hạt nhân.

Sau khi gánh chịu thảm họa 11-3-2011 và những hậu quả, họ đã đòi hỏi chấm dứt hạt nhân và bắt đầu giải trừ nó. Có phải ký ức về Fukushima đã kêu gọi sự xóa bỏ? Đó là câu hỏi đau đáu, nằm ở trọng tâm “phong cách cuối đời” của tôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận