Tokiwa-so: Căn gác nhỏ làm nên mộng lớn

XUÂN TÙNG 19/04/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Tòa nhà Tokiwa-so được xây dựng vào năm 1952, với hai tầng làm bằng gỗ đứng khiêm nhường tại quận Toshima của thành phố Tokyo, chỉ tồn tại không quá ba thập kỷ. Nhưng đấy là nơi những tên tuổi lớn nhất của manga từng miệt mài theo đuổi đam mê.

Sự ra đi của Motoo Abiko đánh dấu một mất mát nữa cho lứa mangaka Tokiwa-so, một nhóm họa sĩ từng chia nhau những căn gác 7,5 mét vuông của tòa nhà cùng tên, trải qua những ngày tháng bần hàn trước khi khẳng định tên tuổi của mình trên khắp nước Nhật. Ngôi nhà đó sau này sẽ trở thành ngôi đền thiêng của truyện tranh Nhật Bản.

Ngôi đền thiêng của manga

Tòa nhà Tokiwa-so được xây dựng vào năm 1952, với hai tầng làm bằng gỗ đứng khiêm nhường tại quận Toshima của thành phố Tokyo, chỉ tồn tại không quá ba thập kỷ. Câu chuyện cũng sẽ bình thường như bao tòa nhà khác trong lịch sử, nếu không nhờ có những tên tuổi xán lạn của làng manga Nhật từng sống dưới mái nhà này: Osamu Tezuka, người đặt nền móng cho truyện tranh Nhật hiện đại, bộ đôi Fujiko Fujio, Shotaro Ishinomori, Fujio Akatsuka (Tensai Bakabon), và Hideko Mizuno (Margaret).

 
 Mô hình tòa nhà Tokiwa-so. Ảnh chụp màn hình từ Google Arts and Culture

Osamu Tezuka, còn được biết đến với cái tên “Vị thánh của manga Nhật”, cũng là người đầu tiên làm nên huyền thoại Tokiwa-so. Vào năm 1953, một năm sau khi tác phẩm để đời Astro Boy của ông được xuất bản, Tezuka dọn tới căn gác huyền thoại trong khoảng một năm nhằm tập trung sáng tác. Nhờ tiếng tăm của mình trong làng manga, ông cũng nhanh chóng chiêu mộ được Hiroo Terada (Uniform number 0), và bộ đôi Fujiko Fujio. Các tác giả trẻ như Ishinomori và Mizuno cũng tìm đến nơi này khi mới chân ướt chân ráo từ tỉnh lẻ lên.

Trái với vị thế đại diện cho văn hóa Nhật ở thời điểm hiện tại, manga vào thập niên 1950 vẫn chưa hề phổ biến, và vị thế của các mangaka trong xã hội Nhật vẫn còn chưa được công nhận. Loại hình xuất bản này thường xuyên vấp phải chỉ trích như một thứ thuốc độc “khiến trẻ em trở nên lụn trí và lười biếng” (Hội giáo viên và phụ huynh học sinh Nhật Bản đã vận động nhằm cấm truyện tranh trong nhà trường vào năm 1955). Giữa tình cảnh này, những tác giả trẻ mới đôi mươi như bộ đôi Fujiko Fujio hay Ishinomori hẳn đã thở phào nhẹ nhõm khi tìm ra được đoàn người cùng chí hướng, giúp họ tránh khỏi con mắt dòm ngó của thiện hạ để tập trung sáng tác.

Vào những năm 1954-1955, khuôn viên nhỏ nhắn của Tokiwa-so nhanh chóng được lấp đầy bởi những tuyên ngôn và tham vọng của thế hệ trẻ. Terada thành lập “Shin Manga-tou” (Đảng truyện tranh mới), với những đường lối mới mẻ, mạnh bạo nhằm đưa nghệ thuật manga thoát khỏi vị thế yếu kém trong mắt công chúng Nhật. Các thành viên, chủ yếu đến từ Tokiwa-so, nhanh chóng tham gia và đặt mục tiêu chung “làm việc chăm chỉ và vẽ những bộ manga xuất sắc”. Họ dành hàng chục tiếng đồng hồ mỗi tuần để đáp ứng lịch đăng bài gắt gao mà các biên tập viên tạp chí đưa ra, cùng khuyến khích nhau cố gắng trong không khí cạnh tranh đầy tình bằng hữu.

Không chỉ thành công trong nội bộ, mô hình Tokiwa-so cũng nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nhà xuất bản: Sống chung với đàn anh, các tác giả trẻ có nhiều cơ hội gặp gỡ các đại diện tạp chí hay lui tới Tokiwa-so để họp bàn tác phẩm. Các biên tập viên cần truyện đăng giờ chót cũng thích tìm tới Tokiwa-so như một cách đi “chợ ý tưởng” trước giờ họa báo ra nhà in.

 
 Phim The Manga Apartment (1996) về Tokiwa-so.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Những nỗ lực của nhóm họa sĩ trẻ nổi lên giữa lúc Nhật Bản đang gồng mình đứng dậy sau Thế chiến thứ 2. Trong thời buổi “tranh tối tranh sáng”, khi gánh nặng nợ nần và băng đảng yakuza tồn tại cùng với sự trỗi dậy của Honda và Sony, nước Nhật đang khát khao một điểm tựa để tiếp tục cố gắng và ước mơ. Manga, theo một cách nào đó, chính là thứ họ cần tìm, và những nghệ sĩ tài hoa tại Tokiwa-so đã sẵn sàng để cung cấp chúng.

Astro Boy, với bản truyện tranh ra mắt năm 1952 và anime (phim hoạt hình) xuất hiện 10 năm sau đó, đã in sâu hình ảnh robot toàn năng đến từ một nước Nhật tương lai vào trí tưởng tượng của lớp lớp người trẻ xứ Phù Tang. Tất nhiên không thể không kể đến Doraemon. Dù không giấu giếm khía cạnh viễn tưởng của mình, các tác phẩm manga trên cũng mang đầy màu hy vọng về một phép mầu tương lai - thứ đã ít nhiều trở thành sự thật với những đường tàu siêu tốc hay người máy khiến cả thế giới trầm trồ kinh ngạc.

Sức hút mới của làng truyện tranh Nhật cũng ít phần nào đến từ sự cấp tiến đến táo bạo của các tác giả Tokiwa-so. Osamu Tezuka được coi là cha đẻ của “cuộc cách mạng manga” khi sử dụng các khung hình một cách sáng tạo để mô phỏng chiều di chuyển như thể các khuôn hình trong phim hành động. Ông cũng dẫn đầu việc phá cách thể loại khi sử dụng manga cho hàng loạt thể loại từ khoa học viễn tưởng đến tâm lý xã hội, góp phần đưa manga ra khỏi chiếc hộp “truyện thiếu nhi”. Hideko Mizuno, họa sĩ nữ duy nhất trong dàn Tokiwa-so, được coi là tác giả của bộ truyện shoujo (dành cho thiếu nữ) đầu tiên có vai chính là nam giới.

 
 Góc làm việc tại Tokiwa-so được phục dựng. Ảnh: Keisuke Tanigawa

Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, không khó hiểu khi các họa sĩ Tokiwa-so nhanh chóng gặt hái được thành công chỉ vài năm sau khi nhóm được thành lập. Trong những căn gác nhỏ, Fujio Akatsuka đã làm nên cú đột phá Nama-chan trước khi tạo ra tác phẩm để đời Tensai Bakabon với tổng cộng năm mùa phim kéo dài đến tận 2018; Shinichi Suzuki tìm được thành công trong vai trò đạo diễn; mỗi thành viên của bộ đôi Fujiko Fujio và Osamu Tezuka cũng đưa thành hình các tác phẩm mà sau này sẽ đưa tên tuổi họ ra ngoài thế giới.

Lúc này căn buồng chật ở Toshima đã không còn đáp ứng được nhu cầu. Trong các năm từ 1955 đến 1961, lần lượt các họa sĩ cùng rời đi để lấy vợ, hoặc tìm một không gian sáng tác rộng rãi hơn. Căn nhà bị phá dỡ vào 1982, nhưng mối tương liên của các họa sĩ vẫn bền chặt đến cuối đời, và tinh thần khao khát cống hiến của một thời của họ vẫn còn được người đời sau lưu truyền mãi.

Vườn ươm tương lai

Dù tòa nhà gốc đã không còn, khu vực Toshima vẫn được những người đam mê truyện tranh coi như “vùng đất thiêng”, thu hút nhiều người tham quan từ khắp nước Nhật. Các công trình kỷ niệm thế hệ mangaka lừng danh cũng được dựng lên khắp quận - bia ghi nhớ, quán cà phê lưu niệm, và mới đây (tháng 9-2020) là cả một tòa Tokiwa-so được phục dựng công phu, cách địa điểm ban đầu chỉ 300m.

 
 Tòa nhà được phục dựng thành bảo tàng. Ảnh: laprensalatina.com

Bước chân vào không gian này, người xem cảm tưởng như mình vừa du hành ngược thời gian: vẻ ngoài dầm gỗ, bốt điện thoại, thậm chí cả tiếng kẽo kẹt khi bước chân lên cầu thang, cũng được điều chỉnh để tái hiện nơi chốn mà các họa sĩ huyền thoại từng cư trú.

Theo Kato Tsuyoshi, giám đốc sáng tạo đứng sau dự án phục dựng, mọi chi tiết đều được tính đến để trải nghiệm Tokiwa-so được tái hiện bằng cả năm giác quan. Sao phải kỳ công như vậy? “Tokiwa-so là một nơi chốn đặc biệt với người hâm mộ, và chúng tôi không muốn làm phật lòng họ. Chúng tôi muốn tạo ra cảm giác có người sống, như thể các cuốn truyện manga vẫn còn đang được viết nên tại đây. Vì thế, khi có người nhận xét trên Twitter rằng “toilet trông như đang có mùi thật”, chúng tôi coi đó là một lời khen”.

Không chỉ có phần nhìn, mà phần “lõi” của cuộc sống Tokiwa-so cũng đang được bảo tồn. Đơn vị quản lý tòa nhà phục dựng cũng đang thực hiện đồng thời một dự án mang tên Shiunso, nơi cung cấp các căn buồng nhỏ với giá thuê giảm một nửa cho các nghệ sĩ manga thời nay. Tòa nhà Shiunso, nơi họa sĩ Fujio Akatsuka từng sống và làm việc sau khi rời Tokiwa-so, được kỳ vọng tiếp nối tinh thần của không gian cũ, trở thành “vườn ươm” mới cho các tài năng trẻ trong quá trình khẳng định bản thân mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận