"Tom và Jerry" trên đường đua

LÊ TẤN 27/07/2013 00:07 GMT+7

TTCT - Như trò mèo đuổi chuột trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng, việc phát hiện doping ở Tour de France vừa kết thúc là cuộc đấu trí giữa các đội đua và lực lượng kiểm tra doping, trong đó Tom thường chậm hơn Jerry một bước.

Phóng to
Áo vàng cuộc đua 2013 Christopher Froome (Anh) của đội Sky bước vào xe kiểm tra doping sau chặng thứ 15 dài 242,5km - Ảnh: Reuters

Chỉ trong hai ngày tranh tài, phân nửa đoàn đua đã bị kiểm tra nhờ nỗ lực của các nhân viên chống doping. Ngay khi “chân dung máu” trong hộ chiếu sinh học của tay đua cho thấy có biến đổi đáng ngờ, họ sẽ bị kiểm tra tiếp đến 21g30 và lặp lại lúc 6g sáng hôm sau. Chiến thuật “quấy rối” này chưa cho ra kết quả xét nghiệm dương tính nào, nhưng đã bị một số tay đua phản ứng vì thành tích thi đấu của họ bị ảnh hưởng.

Liên đoàn Xe đạp quốc tế (UCI) cho phép áp dụng hộ chiếu sinh học để theo dõi biến đổi về chân dung hồng cầu và nội tiết tố của các tay đua, từ đó giúp phát hiện việc sử dụng chất cấm. Tại Tour de France, Cơ quan chống doping của Pháp (AFLD) đã tập trung kiểm tra nước tiểu và máu. Nhưng vấn đề là một số bác sĩ đội đua biết điều chỉnh những biến đổi sinh học của tay đua trước khi các nhân viên kiểm tra vào cuộc.

Để giúp tay đua có hộ chiếu “sạch”, giải pháp rất đơn giản: sử dụng các liều doping thật nhỏ, rất hiệu quả đối với chất EPO lẫn cách truyền máu. Ngày nay, chẳng ai dùng cả túi máu nửa lít để tiêm cho tay đua mà sử dụng những túi thật nhỏ và dễ dàng phi tang dấu vết. “Các đội mang theo cả máy xay vào khách sạn để nghiền nhỏ các túi đựng máu sau khi sử dụng rồi quẳng vào bồn cầu. Lực lượng kiểm tra sẽ phải cắt nguồn nước khi ập vào khách sạn” - một chuyên gia tiết lộ.

Theo chủ tịch AFLD Bruno Genevois, việc chưa phát hiện các trường hợp dương tính doping ở giải năm nay không cho phép kết luận rằng những biện pháp gian lận đã giảm hẳn. “15 ngày sau khi giải kết thúc, lúc đó mới biết toàn bộ kết quả phân tích nước tiểu và máu. Và đừng quên rằng hộ chiếu sinh học cũng quy định những thời hạn khác. Được UCI đồng ý, chúng tôi sẽ bảo quản những mẫu máu trong vòng bốn năm để phân tích hậu kiểm” - ông Bruno giải thích trên Le Monde.

Như vậy, phải chờ vài ngày, hoặc thậm chí vài năm để biết được ai dính doping tại Tour de France 2013. Nhưng kẻ gian lận luôn đi trước một bước. “Sẽ không bao giờ loại trừ được doping vì người ta luôn hóa giải được các phương pháp phát hiện. Các trường hợp dương tính với EPO ngày càng hiếm, nhưng biện pháp tự truyền máu là rất khó phát hiện. Tay đua có thể “sạch” lúc 6g sáng sau khi được truyền máu lúc 23g đêm trước” - Michel Audran, giáo sư dược tại ĐH Montpellier-I, lưu ý.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận