Trách nhiệm của những lời tuyên bố

LÊ TRỌNG NHI 18/03/2013 05:03 GMT+7

TTCT - Cuộc đua “giành giật” giá trị và vị thế giữa VÀNG - VND - USD, hay là câu chuyện tỉ giá hối đoái có liên quan mật thiết với giá vàng đầy bất trắc đã trở thành kinh niên trong đời sống kinh tế Việt Nam.

Ứng xử với tỉ giá

Phóng to
Tăng hay giữ tỉ giá, Nhà nước phải có trách nhiệm với từng đồng mà người dân chắt chiu tiết kiệm được - Ảnh: Thanh Đạm

Trong chính sách kinh tế và tiền tệ, vấn đề tỉ giá hối đoái là một loại vấn đề nếu không quản lý - điều hành tốt rất dễ trở thành vấn nạn và đại nạn cho toàn nền kinh tế.

Phá giá hay không?

Có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về vấn đề tỉ giá. Nhiều chuyên gia có tên tuổi ủng hộ phá giá tiền đồng (VND) như TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và nguyên vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng Ngân hàng Nhà nước. Hay TS Nguyễn Đức Thành - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách - cũng khuyến nghị phá giá VND để hỗ trợ xuất khẩu...

Ông Lê Minh Hưng, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngày 27-12-2012 trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đã bác bỏ ý kiến tỉ giá VND sẽ có biến động mạnh (ổn định trong biên độ giao dịch chứ không phá giá) trong năm 2013. Gần đây, ngày 21-2, một ngày sau biến động tỉ giá và vàng, với vai trò người của cơ quan làm và điều hành chính sách tiền tệ, phó thống đốc xác nhận lại: “Ngân hàng Nhà nước kiên quyết ổn định tỉ giá và đủ tiềm lực để thực hiện điều này... Cả chục năm nay, nền kinh tế phải trả một giá rất đắt mỗi khi điều chỉnh giảm giá trị VND... Trong đó, quan trọng nhất là ổn định được tâm lý kỳ vọng thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người nắm giữ VND, từ đó khơi thông dòng chảy ngoại tệ vốn bị găm giữ từ rất lâu...”. Ông Sanjay Kalar, giám đốc đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ngày 11-2 sau khi được biết có những ý kiến và khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc phá giá VND đã có một nhận định và khuyến nghị rất khác: “Việc làm cho tiền đồng mạnh hơn trong con mắt của công chúng cũng rất quan trọng”.

Ai là người thua cuộc?

Những tranh luận và ý kiến khác nhau về vấn đề tỉ giá hối đoái cũng như những vấn đề khác trong chính sách tiền tệ là các câu chuyện kinh tế vĩ mô và của giới chuyên môn, là cần thiết và cần khuyến khích trong một xã hội mà môi trường tranh luận chưa được hoàn toàn mở rộng như hiện nay.

Tuy nhiên, với một xã hội và nền kinh tế còn nhỏ, yếu, chưa kết nối được những kênh và chuỗi hệ thống tạo giá trị bền vững và nhất là còn thiếu hụt trầm trọng những chuyên gia kinh tế thực thụ, giới nghiên cứu chuyên sâu có tâm có tầm, những ý kiến hoặc khuyến nghị về các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt với vấn đề tỉ giá hối đoái phải rất thận trọng và có trách nhiệm nghề nghiệp. Quan trọng hơn, đó là trách nhiệm lương tâm.

Giá đô lình xình, giá vàng chao đảo, tiền đồng lao đao trong ngày 20-2 không phải hiện tượng mà là sự kiện - sự kiện tổn thương và tổn thất. Cuộc đua mở màn đầu năm, qua sự điều hành - quản lý của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan khác, dường như và không quá đáng để nhận thấy đâu đấy là một tín hiệu đáng ngại của kế hoạch củng cố và nâng cao vị thế của VND trong nền kinh tế đang có nhiều chứng tật như hiện nay.

Tóm lại, bên thua cuộc đua tỉ giá hối đoái, lần này cũng như những lần trước đây, chính là đại đa số người dân bình thường chứ không phải ai khác. Người dân lương thiện, người dân cần cù lao động thu nhập thấp và tính mỗi ngày một, người dân đang vay tiền đồng để gieo trồng lúa, người dân có tài khoản tiết kiệm tiền đồng, người dân đang dự định chuyển một phần tiết kiệm bằng vàng sang tiền đồng... Trách nhiệm giữ vững giá trị VND cho nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước cũng chính là trách nhiệm với tài sản gắn kết và khoản tiết kiệm tiền đồng của từng người dân.

Nói một cách khác, đến khi nào nền kinh tế Việt Nam vẫn còn loay hoay với câu chuyện vàng trong đời sống rất thật của người dân và thiếu vắng những địa chỉ phản biện với những chuyên gia thực thụ và giới nghiên cứu chuyên sâu có tâm có tầm, nền kinh tế và xã hội sẽ phải tiếp tục đón nhận nhiều lần nữa câu chuyện tương tự. Một nền kinh tế thị trường mà đại đa số người dân thường trực lo lắng với đồng tiền của chính mình thì đó là một nền kinh tế gì?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận