​Trái tim ngủ đông

VIỆT LINH 06/10/2014 23:10 GMT+7

TTCT - Bạn hẳn rất ngại xem bộ phim dài hơn ba giờ, nhưng hẳn bạn cũng thèm xem khi biết phim nhận giải vàng ở Cannes...

Diễn viên Haluk Bilginer và Melisa Sozen trong vai Aydin và Nihal - Ảnh: Filmdivider
Diễn viên Haluk Bilginer và Melisa Sozen trong vai Aydin và Nihal - Ảnh: Filmdivider

Năm mươi lăm tuổi, từ kỹ sư qua mỹ thuật, từ nhiếp ảnh qua điện ảnh, từ phim ngắn đầu tay năm 1995 đến Giấc ngủ mùa đông (Winter sleep, Cành cọ vàng Cannes 2014), đạo diễn Thổ Nhĩ Kỳ Nuri Bilge Ceylan đã có tám tác phẩm, hầu hết được giải ở các LHP lớn.

Winter sleep là câu chuyện của Adyn, cựu diễn viên kịch về vùng núi Cappadacio (*) mở khách sạn hang động cho du khách, vừa viết xã luận cho báo địa phương. Sống cùng ông là cô vợ trẻ Nihal gốc nông thôn và em gái Necla, trí thức thành phố mới ly dị. 

Chuyện khởi đầu bằng việc đứa trẻ ném kính xe Adyn để trả thù việc ông xiết đồ đạc gia đình nó vì bố nó nợ tiền thuê nhà. Từ sự cố - mà chi tiết cậu bé ngất xỉu khi bị buộc hôn tay xin lỗi kẻ sỉ nhục bố nó khiến khán giả chấn động - một dây chuyền phản ứng sau đó buộc Adyn phải đối diện với phán xét của người thân.

Chỉ qua vài phút phim đầu tiên đã cho thấy một thiên nhiên kỳ vĩ, một xã hội phân hóa qua diễn xuất tuyệt kỹ của diễn viên. Tiếp tục thấy một Adyn hiểu biết nhưng ngạo mạn, ích kỷ, bị dân chúng và cả thân nhân xa lánh.

Khâm phục tài trí của anh, Necla chê Adyn trí thức nửa mùa, ưa phê phán kẻ khác nhưng thật ra vô cảm với những gì ngoại thân. Nihal thừa nhận chồng lịch lãm, quân tử, nhưng lên án ông dùng chính những phẩm chất đó để hạ thấp vợ, ban ơn với những ai chung sống. 

Ngoài kia đông đến, du khách rời khách sạn, bỏ lại bên trong nơi đáng ra là mái ấm ba con người với những oán giận che giấu giờ trỗi dậy. Aydin không phải nhân vật phản diện nhưng là con người có trái tim ngủ đông.

Từng là diễn viên, Aydin đóng tinh xảo đủ các vai trong cuộc sống. Nhẹ nhàng nhưng xa cách, con người đó tự xem mình như một tiểu vương trong tiểu quốc riêng. Aydin chế nhạo thế giới xung quanh, chế nhạo cả người vợ thiện tâm hay sầu muộn nhìn ra cửa sổ, không biết con chim đang rắp tâm bay đi... 

***

Nếu bằng câu chuyện của Aydin, Ceylan khắc họa được cuộc sống mạnh mẽ, khắc nghiệt đặc trưng của vùng Cappadocio, thì qua các tác phẩm Uzak, Climates, Three monkeys, Once upon a time in Anatolia được giải Cannes trước đó, Ceylan khẳng định phong cách điện ảnh độc đáo làm nên từ sức mạnh cảm xúc.

Khẳng định ông là bậc thầy của tiết tấu tư lự, đối thoại cô đúc, hình ảnh gợi đúng trạng thái nhân vật. Được quay trong rừng núi Anatolia, phim tất nhiên có những khung hình tuyệt mỹ về thiên nhiên hoang vắng lộng lẫy, nhất là trường đoạn bắt ngựa hoang với vẻ đẹp nên thơ, bi tráng.

Nhưng sức mạnh trọng tâm của phim không ở ngoại cảnh, mà là những khung hình đối thoại nội cảnh - như hai màn đấu khẩu giữa Aydin với vợ, với em mà mỗi màn lâu hơn 20 phút - qua đó Ceylan triển thiên nghệ thuật điện ảnh của ông sang hướng kịch nghệ và văn học. 

Không giấu giếm chịu ảnh hưởng văn học và sân khấu Nga, Ceylan cho biết kịch bản Winter sleep phóng tác ba truyện ngắn của Chekhov, trong đó có truyện Vợ tôi đã ám ảnh ông từ niên thiếu.

Phim cũng cho liên tưởng vở kịch Ba chị em của văn hào Nga, bởi như Chekhov, Ceylan quan tâm đến tất cả những gì không nắm bắt được, những gì sâu thẳm nhất của tâm hồn con người.

Không chỉ có Chekhov, một trong những cảnh rúng động nhất của phim tuồng như bước ra từ Thằng ngốc của Dostoyevski. Đó là cảnh bố cậu bé ném vào lửa xấp tiền Nihal mang tặng, bởi đó là hành động duy nhất cho phép ông - trước mắt con - lấy lại nhân phẩm đã bị Aydin chà đạp.

Bộ phim dài nhất đoạt giải Cannes được hầu hết giới phê bình ủng hộ. Le Monde của Pháp khen phim “mê hoặc”, Télérama thì gọi “3 giờ 15 phút hạnh phúc toàn vẹn”... - nhưng cũng có đánh giá phim cổ điển, không mang gì mới cho điện ảnh.

Vâng, Winter sleep cổ điển nhưng cổ điển toàn hảo, kinh điển; và điều quan trọng là mang tới cho người xem ngập tràn cảm xúc - điều không đương nhiên ở các tác phẩm cách tân. Cũng có ý trách đạo diễn làm phim quá dài, đặc biệt những màn hội thoại vượt ngưỡng chịu đựng của khán giả.

Điểm (cho rằng) yếu này chính là điểm mạnh của Ceylan: 3 giờ 15 phút không sao, không sex, không máu nhưng cường độ rung cảm không phút giây nào suy giảm. Chủ tịch giám khảo Jane Campion nói trước khi xem phim bà khá ngại với chủ đề cũng như thời lượng, song “tiết tấu của nó tuyệt đến độ tôi có thể ngồi xem thêm hai tiếng nữa”. 

Người viết bài này cùng rất nhiều khán giả của khán phòng đã không (thể) đứng lên khi đèn bật sáng, cứ ngồi lại khá lâu để... lặng im (và sau đó bàn/cãi về nó). Trong cái lặng im chỉ dấu sang chấn cảm xúc, người viết tự hỏi không biết khán giả trong nước sẽ phản ứng sao trước những màn đối thoại dằng dặc, máy yên, người yên?

Hẳn không ít ý kiến cho đó không phải điện ảnh. Vâng, hai màn đấu khẩu tuyệt tác của Ceylan không là phim theo cách hiểu thông lệ, đó còn là... sách, là tranh. Là cuộc giao thoa mê hoặc của điện ảnh và văn học mà khi chiêm ngưỡng, giống như một lạc thú.

(*): Cấu trúc nham thạch mềm nên thay vì tìm kiếm nguyên vật liệu xây dựng, người dân vùng Cappadocio đã đục khắc hang động thành nhà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận