Trang web ý kiến dân, tại sao không?

TTCT - Nhà nước gần đây khuyến khích lấy ý kiến đóng góp của người dân, nhưng cần tổ chức, thiết kế sao cho đơn giản và thuận tiện. Hơn nữa, cần làm sao để người dân đừng mang tâm lý “chẳng biết họ có đọc ý kiến của mình không?”.

Ý kiến của người đại biểu nhân dân trong các cuộc họp HĐND nhiều lúc vẫn chưa phản ánh đầy đủ tâm tư của người dân - Ảnh: T.T.D.

Kho dữ liệu ý kiến

Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội do Bộ Chính trị ban hành là một bước tiến mới thúc đẩy và nâng cao quyền tự do dân chủ của người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng cũng như giám sát việc thực thi luật pháp và các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên để thu hút trí tuệ, sức lực của đông đảo tầng lớp nhân dân cũng như khuyến khích người dân tích cực đóng góp ý kiến của mình, cần có những quy định cụ thể về việc lấy ý kiến nhân dân cũng như có những cải tiến trong quy trình tiếp thu, phản biện ý kiến đóng góp của người dân.

Một số cơ quan, đoàn thể cũng có trang web và cũng có đăng ý kiến của người dân nhưng rải rác và không thường xuyên. Cần có cách làm có sức thuyết phục hơn và thậm chí là đủ hấp dẫn để tạo hứng thú nơi người góp ý kiến.

Cần có một trang web riêng để đăng tải công khai, minh bạch tất cả ý kiến đóng góp cũng như những ý kiến tiếp thu, đánh giá, phản biện. Nơi đó trở thành kho dữ liệu ý kiến. Trang web tiếp nhận ý kiến đóng góp này được phổ biến rộng rãi để mọi người đều biết và có thể truy cập vào xem một cách thuận tiện dễ dàng.

Cần tăng cường sự đối thoại trong việc tiếp thu và phản biện. Những ý kiến không được tiếp thu cần được phản biện để người dân thấy ý kiến của mình được quan tâm xem xét, được tôn trọng và “tâm phục, khẩu phục”.

Lắng nghe và tôn trọng

Trên thực tế, thời gian qua đã có nhiều dự thảo về luật pháp, về các văn kiện đường lối của Đảng và Nhà nước được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân. Nhưng sau đó việc tổng kết, đánh giá quá trình đóng góp ý kiến của người dân khá chung chung, những ý kiến không được tiếp thu sửa đổi không có sự phản biện chặt chẽ, và người dân cũng không biết có thể xem ý kiến đóng góp của mình cũng như những giải trình tiếp thu cụ thể của ban soạn thảo ở đâu.

Báo chí, truyền hình và các phương tiện truyền thông chỉ đưa tin vắn tắt những nội dung chính của dự thảo được tiếp thu sửa đổi. Chính vì vậy, tâm lý “chắc gì ý kiến của mình sẽ được ban soạn thảo đọc và quan tâm xem xét, mình có góp ý hay không thì cũng vậy thôi” là có thực.

Để có thể làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải chủ động trong thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội mà Bộ Chính trị vừa ban hành.

Ví dụ để giám sát việc thực thi các chính sách cứu trợ thiên tai bão lũ, chính sách hỗ trợ người nghèo, người dân ở các vùng khó khăn cần yêu cầu các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân thực hiện công việc này phải đăng tải danh sách cụ thể những người được cứu trợ công khai trên trang web.

Trang web này phải được tuyên truyền và phổ biến rộng rãi để các cơ quan chức năng và chính người dân có thể giám sát, theo dõi. Làm được như vậy sẽ hạn chế tối đa việc xà xẻo, bớt xén đau lòng mà báo chí đã nêu trong thời gian qua.

Ngoài ra cần có các cuộc đối thoại giữa người dân với chính quyền và chuyển tải lên trang web để đóng góp của người dân cần đi vào thực chất, và tôn trọng những ý kiến trái chiều, khuyến khích những ý kiến mang tính sáng tạo, không hô hào, lấy thành tích...

Một khi người dân thấy các ý kiến đóng góp của mình được lắng nghe, được tôn trọng, họ sẽ chủ động, nhiệt tình đóng góp tâm sức vào việc xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi đó Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội mới làm tốt chức năng giám sát và phản biện của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận