Trên gương mặt người khác

BÙI DIỆP 11/05/2009 10:05 GMT+7

TTCT - Trong lúc đỗ xe dưới một gốc bàng bên lề đường để chờ vợ vào chợ, hắn nhìn thấy gương mặt mình nơi một người đàn ông xa lạ.


Minh họa:  Nguyễn Ngọc Thuần

Giây phút ấy làm hắn cảm thấy khó chịu. Một cảm giác thoáng qua. Như lần hắn dị ứng với mùi hoa sữa, cái mùi hương làm nên hồn thu Hà Nội nhưng nó làm cho hắn choáng váng, bứt rứt. 

Gương mặt hắn lúc đó cũng nhăn nhó trông dị dạng như lúc này đây: hai cánh mũi mỏng phập phồng, chun chun như mũi sóc đánh mùi chuối chín trong vườn, đôi mày rậm, trễ xuống làm cho hốc mắt thêm sâu và u buồn che phân nửa đôi con ngươi lờ đờ như mắt cận thị quên đeo kính...

Trời ơi. Rõ ràng là lúc này đây, hắn nhìn thấy gương mặt mình in chồng lên khuôn mặt của một người đàn ông xa lạ.

*** 

Đấy là một người đàn ông tuổi ngoài bốn mươi, trạc hắn, đang bày bán bên lề đường mớ thuốc nam. Chẳng một ai thèm quan tâm. Người phụ nữ đi cùng, chắc là vợ anh ta, ngồi bó gối trên một cái bao nhựa lơ đãng nhìn người qua đường mà không một lời mời chào. Gương mặt chị tròn, bẹt, nhão nhoét và xanh mướt như người thiếu máu kinh niên, trông vừa buồn cười vừa tội nghiệp. 

Thấy hắn chăm chăm nhìn, người đàn ông bán thuốc nam chột dạ nên cứ lúi húi tháo mấy vòng dây chùm bao, miếng bát (những loại cây thân thảo mọc hoang dùng làm thuốc) ra khỏi ghi đông chiếc xe đạp cà tàng có hơn vài chục tuổi. Sau cùng, anh tháo chiếc túi vải đen xỉn, cẩn thận mở miệng túi, bóp nhẹ từng cái lưng con dông rồi lôi ra từng con một. Người vợ nhận từng con vật từ tay ông chồng rồi bẻ cụp xương sống con vật nhỏ bé tội nghiệp.

Nhân lúc không có khách, hai vợ chồng người bán thuốc nam đem lột da mớ dông đã bắt được khi vào động hái thuốc. Thấy cảnh người đàn bà thản nhiên chặt đầu từng con vật vô tội, máu tuôn ướt đẫm khúc gỗ me mà chị vẫn dùng làm đòn ngồi bán hàng, hắn trân mình ngó sang chỗ khác. 

Một chiếc xe kem đang hát bài Đôi ngả chia ly trờ tới. Anh hàng kem lựa vài loại thuốc. Câu chuyện bán mua giữa họ câu được câu chăng. Giọng nam ca sĩ xe kem nhại theo giọng ca sĩ C.L. nổi danh một thời, nghe sướt mướt: Em ơi, nếu mà sau này, ước nguyện không thành, thì đành đôi ngả chia ly, chớ đừng u buồn mà chi, ớ ờ ưm ừm ừm ưm... 

Nhìn cảnh người vợ anh hàng thuốc mơ màng theo điệu bôlero của bản tình sầu, hắn thoáng băn khoăn. Những ý nghĩ chợt đến thật vớ vẩn: không biết đằng sau gương mặt phụ nữ như vô cảm kia có một khoảng trời kỷ niệm nào không, có còn sót lại chút u uẩn nào cho một mối tình dĩ vãng? Mà chị ta khái niệm thế nào về tình yêu nhỉ? Làm sao hắn xác tín một điều rất mơ hồ là nếu có ai đó bảo rằng bản nhạc xe kem đang cuốn người phụ nữ bí ẩn và quái đản kia về vùng kỷ niệm, hay là chị đang tưởng niệm cho một mối tình chết yểu? Trong trạng thái mơ màng, chị ta làm xổng con dông que to nhất. 

Người phụ nữ đuổi theo con vật có bộ da sặc sỡ và tuyệt đẹp. Rõ ràng chị thấy nó chạy vào cửa hàng thời trang nhưng không dám vào. Thấy chị cứ xớ rớ trước cửa hiệu nhà mình, ông chủ, một người đàn ông trung niên, dáng vẻ bảnh bao nheo mắt cười nhìn chị nhà quê chẳng rõ thân thiện hay có ngụ ý. Chỉ bấy nhiêu thôi. 

Nhưng cảnh ấy đã làm cho anh chồng bỗng nhiên “lên máu” đến mức dồn tất cả sự phẫn uất lên những sinh vật vô tội kia. Anh ta chém nhiều nhát dao vào đầu con vật đang quằn quại trên khúc gỗ cho đến khi nó chết cứng đơ anh vẫn chưa thôi. Tay anh cũng đã bị rách. Máu người và máu vật trộn lẫn vào nhau, đỏ lòm rồi bầm tím. Nhìn thấy chồng vẫn không thôi hằn học băm dao vào vũng huyết nhầy nhụa, người vợ chụp lấy nắm lá thuốc nhai vội vàng để rịt vết thương cho chồng. 

Từ chỗ lá cầm máu trên tay người đàn ông thoảng một mùi hương quen thuộc: mùi lá của loài hoa dại quê hắn, hoa ngũ sắc. Cái mùi lá quê làm hắn chợt nhớ đến con bé Thương hàng xóm. Lá ấy. Hoa ấy. Tuổi thơ hai đứa suốt ngày rong chơi với những lùm cây ngũ sắc mọc vô tư trên những động cát bạt ngàn. Rồi hình như hắn nhớ ra rằng những ngày vui trẻ con ấy thật ít ỏi. Năm chưa xong bậc tiểu học, chú Nhớ, ba của Thương, bị tử nạn trong một chuyến đi đào dông với ba hắn, cũng vào độ tháng ba có mưa dông. Hình như lúc đó ba hắn bảo chú Nhớ chết là vì bị “ma dông” hè (*), sụp hang, cát lấp. 

Khi ba hắn phát hiện thì đã muộn. Ở quê cát này có nhiều người chết trong khi đào hang dông nên người ta tin là có “ma dông”. Cũng không hiểu sao từ dạo đó Thương bị mẹ cấm không cho sang chơi nhà hắn. Thi thoảng, hai đứa bé chỉ gặp nhau ngoài động cát. Những mùa hoa ngũ sắc cứ thơm mênh mang và dải băng tang cứ cài mãi trên áo cô bạn. Tuổi thơ của chúng đẹp nhưng buồn... 

***

Hình như cái mùi hương hoang dã có tác dụng làm dịu lại những cơn tâm chấn bạo liệt nhất trong lòng người đàn ông đầy vẻ hoang dại kia. Môi anh ta hãy còn run run nhưng đã thoát ra khỏi hai hàm răng như hai gọng kềm và đôi mắt thâm quầng bí hiểm cũng đang dịu lại. Đôi mắt đang hằn học và rực lửa hận thù kia là của hắn sao? Hắn chưa từng ân oán, nợ nần với ai thì sao lại mang nhiều nỗi căm phẫn, uất hận đến vậy? Ngày còn bé, mẹ bảo gương mặt hắn giống hệt ba, nhất là đôi mắt. Mẹ thương ba cũng vì đôi mắt: thật thà, trong sáng và rất hồn nhiên. 

Đấy là ký ức của mẹ về thời trai trẻ của ba. Đến khi hắn lớn lên thì ba hắn đã là một con người khác, một gương mặt khác và một đôi mắt nhiều u uẩn. Đúng hơn đó là một người đàn ông trầm uất. Lặng lẽ ăn. Lặng lẽ ngủ. Lặng lẽ khóc cười. Mẹ bán đi gần hết ruộng vườn chạy chữa cho ba nhưng vô vọng. Mẹ đã biết chắc về một kết quả bi đát? Mẹ hiểu rõ nguyên nhân căn bệnh của ba? Chỉ mình mẹ biết. 

Mẹ không muốn kể cho hắn nghe về câu chuyện đau lòng từ một sự ngộ nhận khủng khiếp. Mẹ sợ chuyện đời ám ảnh con trai. Đúng ra là mẹ sợ phải nhìn nỗi trầm luân trên gương mặt con trai. Nhưng mẹ cũng tin vào thuyết nhân quả nhà Phật. Không thể nào khác được. Chính cái không khí nằng nặng và u ám của gia đình đã cướp dần sự vui tươi và hồn nhiên của hắn. 

Cho đến lúc đã là một thanh niên trưởng thành thì hắn cũng nhận ra mình đã mang gương mặt người cha tự khi nào. Có điều trong gương hắn không thấy mắt mình lóe lên những ánh nhìn hốt hoảng đằng sau cái vẻ bối rối như thôi thúc cho một lần sám hối từ đôi mắt người cha tội nghiệp.

Nhiều lần hắn muốn hỏi mẹ hay một ai đó về bí mật của ba nhưng không thể. Hắn linh cảm mơ hồ rằng ba hắn đã làm một chuyện gì tội lỗi ghê gớm. Chỉ mình ông biết. Chỉ mình ông chịu. Sau nhiều năm tiều tụy, héo hon trong triền miên trầm uất, người cha rồi cũng mang theo điều bí mật xuống mồ.

Ba mất được ba ngày, mẹ kêu người bán nốt mảnh ruộng cuối cùng. Mẹ cả quyết đến độ hắn cũng không dám hỏi lý do. Trọn số tiền bán đất mẹ sắm vàng rồi mang cả sang nhà Thương. Hai người đàn bà tội nghiệp ôm nhau khóc thật nhiều. Mẹ hắn quỳ lạy bàn thờ chú Nhớ rồi quay sang lạy mẹ Thương. Mẹ năn nỉ thế nào thím Nhớ cũng không chịu nhận số vàng. Đêm đó về nhà mẹ khóc thật nhiều. Rồi mẹ ốm liệt giường. Nhưng điều kỳ lạ đã xảy ra: thím Nhớ và Thương sang thăm nom chăm sóc mẹ. Hai dải băng tang của mẹ con thím Nhớ như lưỡi dao vô hình chém đứt lìa tình hàng xóm giữa hai nhà cũng được đem đốt. Chuyện gì? Chỉ có hai bà mẹ biết.

Nhiều năm sau, lúc chuyện buồn của hai gia đình đã tan vào quên lãng. Lúc hai người đàn bà góa bụa quấn quýt với nhau như người ruột thịt thì mẹ hắn lâm bệnh nặng. Mẹ bỏ hắn mà về nằm bên động cát trong một ngày tháng mười nhiều mưa gió. Sinh thời mẹ rất thích món gỏi dông trộn lá me non, nhưng chưa lần nào trong ngày giỗ mẹ hắn sắm được món ấy vì tháng mười dông nằm hang trốn biệt. Thương lấy chồng rồi xa xứ. 

Hắn đi làm rồi lập nghiệp ngoài phố. Mình thím Nhớ quản cả hai ngôi nhà. Những lần về quê cứ thưa dần, thưa dần. Hơn nữa hắn không muốn trở lại nơi có quá nhiều kỷ niệm đau buồn. Nhiều lần hắn nghĩ giá mà quê nhà chỉ có Thương và những ngày thơ dại với những động cát tràn trề hoa ngũ sắc. Giá mà chỉ có nụ cười tuổi thơ hồn nhiên khô rang trong nắng. Giá mà...

Bức màn bí mật của hai gia đình rồi cũng vén lên. Dù trong những ngày cuối đời thím Nhớ có trối trăng lại với hắn và Thương rằng thím đã tha thứ tất cả khi kể lại câu chuyện đau lòng này, nhưng hắn vẫn không thể nào tin nổi. Làm sao hắn có thể tin rằng chính lòng ghen tuông mù quáng và ích kỷ đã ám thị lên gương mặt cha hắn để rồi trong đôi mắt xét nét và huyễn hoặc của ông luôn tưởng tượng ra cảnh vợ mình ngoại tình với người bạn láng giềng. Và cho đến một ngày con quỷ thù hận lẩn trốn đâu đó trong lòng người chồng nhiều nghi kỵ kia có dịp ra tay. 

Giá mà hắn đừng chứng kiến cảnh ghen tuông của người chồng xa lạ kia. Giá mà hắn chưa từng nghe mẹ kể về thuyết nhân quả nhà Phật...

Nhìn cảnh người đàn ông mang gương mặt của mình, hay đúng hơn là gương mặt của cha mình, đang thỏa lòng ghen tuông, hắn chợt thở dài. Máu từ bàn tay anh ta hãy còn nhỏ xuống mớ thịt dông. Người đàn bà vẫn lơ đãng ngồi nhìn người qua đường. Bài hát Đôi ngả chia ly đã rẽ sang ngã khác. Những điều ấy chỉ thoáng qua như chớp tháng ba nhưng bây giờ thì hắn hiểu. Nỗi đau khổ của hai bà mẹ. Dải băng tang vì sao cứ đeo mãi trên ngực áo mẹ con Thương cho đến lúc ba hắn chết mới thôi. Hắn hiểu vì sao ba hắn là kẻ sát nhân tội nghiệp. Giá mà...

 Có lẽ bắt đầu từ sự ghen tuông, một trạng thái cảm xúc mang tính hủy diệt và tự hủy diệt, câu chuyện được gỡ dần ra. Giọng kể trầm và nhẹ. Nếu lướt qua tưởng như không có gì. Mọi điều dường như chỉ mới dừng lại ở mức khơi gợi. Một vài chi tiết nhỏ, một vài nhân vật thấp thoáng như cái bóng... 

Tác giả tìm được một điểm khởi đầu: đấy là chợt thấy mình trong gương mặt người khác. Rồi ở gương mặt người khác ấy lại thấy hiện lên gương mặt người cha với những uẩn khúc, với kỷ niệm và cả nghi án... Câu chuyện khép lại và người đọc nhớ đến một câu thơ của nhà thơ Rasun Gamzatov (Daghestan): Thì ra thế, loài người trên trái đất/ Giống nhau nhiều, khác nhau ít mà thôi.

Chỉ còn một điều này có thể nói thêm: sống ở quê nhà Phan Rang, hơn 20 năm nay Bùi Diệp vẫn cặm cụi hết trồng nho, trồng lúa lại hoa màu... Nghề nào cũng lận đận nên cứ buồn là viết. Bùi Diệp viết cũng nhiều...

Nhà văn Hồ Anh Thái

______________

(*) “ma dông” hè: “ma dông” là oan hồn người chết trong lúc đào hang bắt dông quay lại lôi kéo, nhấn chìm những người đi đào dông trong hang cát cho đến chết. Đây là một điều mê tín thường dùng thêu dệt cho những cái chết oan uổng của người làm nghề săn bắt dông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận