Trò chuyện với gáy người

PHẠM GIA HIỀN 01/01/2017 06:12 GMT+7

TTCT - Mất xe máy, với một thị dân, không hẳn đã là thảm họa. Ở ngày thứ ba sau khi mất xe, tôi nhận ra rằng việc cứ cắm đầu lao đi trên đường là một thói quen hủy diệt mọi giác quan, kể cả một phần thị giác.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Khi đội mũ bảo hiểm vào và nổ máy kéo ga, không còn nghe thấy, ngửi thấy, cảm thấy gì nữa. Mắt cũng chẳng thấy thế giới xung quanh như thế nào, mọi thứ trôi đi tuồn tuột hoặc tắc nghẽn gầm gừ đến khi đến được đích. Mỗi ngày tối thiểu một chuyến đi, một chuyến về, như những xác chết trên chính yên xe của mình.

Mất xe máy, tôi chọn đi xe ôm. Xe ôm luồn lách được, không sợ tắc đường. Xe ôm lúc nào cũng sẵn. Xe ôm rẻ. Và xe ôm thân thiện, hầu như lúc nào cũng sẵn sàng trò chuyện. Tôi thấy mình như gã cao bồi cùng chiến hữu cưỡi trên con ngựa gầy, rong ruổi bụi bặm chuyện trò. Gió thổi bên tai là thật, tiếng người nói với mình là thật, mùi mồ hôi khét nồng là thật, mu bàn tay cháy nắng đen thui là thật.

Cuộc sống trở lại với tôi bằng những chuyến xe ôm.

1. Tôi bế cu con lên xe, ông ngoái lại, dặn kéo mũ cho con kẻo nắng, sắp xếp rồi còn nhún nhún xe xem hai bố con ngồi chắc chưa, rồi mới nhẹ nhàng vào số. Tôi hỏi về cái giọng miền Nam nằng nặng của ông, hóa ra ông gốc Bình Định.

Hồi chiến tranh, ông theo cách mạng, bám thắt lưng địch mà đánh mấy năm ròng rã. Gần đến lúc hòa bình thì ông bị thương nặng, phải đưa ra Bắc cứu chữa. Nằm quân y viện một năm thì đất nước thống nhất, ông làm đám cưới luôn với cô y sĩ vẫn chăm sóc mình. Không về quê cũ, ông chuyển về quê vợ ở Thanh Hóa.

Vợ chồng hiếm muộn, chạy chữa khắp nơi mãi đến năm 1986 mới có mụn con đầu. Vạn sự hanh thông, hai năm sau họ có con trai nữa. Hai anh con trai lớn lên khôi ngô, học giỏi, đều vào Đại học Bách khoa, rồi ra trường ở lại Hà Nội làm việc. Mọi sự cứ thế diễn ra, ai ngờ vài năm trước vợ ông bệnh nặng, chạy chữa thì tốn kém.

Ông bàn với hai con bán nhà bán vườn, quyết cứu bà. Bà qua được, nhưng từ đó mất sức lao động. Ông bà chuyển lên thành phố, thuê nhà ở cùng con. Ông đi xin việc, quyết không phiền đến hai anh con trai vẫn còn nhiều khó khăn.

Thấy có ngân hàng tuyển bảo vệ, ông nộp hồ sơ. Giám đốc nhìn mấy giấy tờ thời lính, ký luôn hợp đồng dài hạn, dặn ông chỉ cần làm một ca. Ông thấy việc nhàn, bèn tranh thủ chạy thêm xe ôm. Tôi xin số điện thoại của ông, nói con độ này hay đi xe ôm lắm, để con làm khách quen của chú. Ông cho số, rồi bảo ừ cậu cứ gọi, tui còn chạy được thì chạy.

Hôm rồi bác sĩ nói tui thoái hóa đốt sống lưng, còn ráng quá sức coi chừng nằm một chỗ. Khó ghê cậu ơi...

2. Ông dựng xe ngay đầu ngõ nhà tôi. Tôi để ý thấy dường như lúc nào ông cũng ở đó, nghĩa là rất ế khách. Cũng phải, ông bất lợi đủ bề: xe ông cũ, bẩn, cái mũ bảo hiểm cho khách đầy những gàu và tóc rối, quần áo ông lôi thôi, bốc mùi.

Tướng ông nhỏ thó, mặt dơi tai chuột, miệng lại hôi xì mùi thuốc lào. Khi tôi chặc lưỡi leo lên xe ông chở mới biết rằng tác phong chạy xe của ông mới là điều kinh khủng nhất. Khách ngồi chưa yên vị, ông đã dồn số thốc ga phóng bay bay.

Ông luồn lách, tạt đầu ôtô, phi lên vỉa hè, vượt đèn đỏ và sẵn sàng đi ngược chiều. Tôi hốt hoảng nói ông không cần vội như thế nhưng thây kệ, ông vẫn cứ cắm đầu lao đi. Ngồi sau xe ông, mặt tôi nóng vì xấu hổ, cảm thấy mọi người trên đường đều đang lườm nguýt, chửi xéo mình.

Thế mà vừa xuống dốc cầu vượt, tự nhiên ông phanh lại rồi đi rề rề. Chờ cho xe sau vượt lên, ông lại thốc ga tới, nói như quát: “Gạt cái chân chống lên, ngã vỡ mặt giờ!”. Rồi ông lại cắm đầu chạy, như thể nếu chậm một chút thì tay lái xe kia sẽ đuổi kịp để nói một lời cảm ơn.

3. Hãng điều tài xế gần nhất đến đón tôi. Cô gái hơi mập, da ngăm đen, cười tươi khoe hàm răng trắng bóc. Cô tự gọi mình là “kế toán thợ đụng”, nghĩa là không làm cố định, mà khi nào có nơi cần tính toán sổ sách thì gọi cô đến, làm xong thì nghỉ.

Việc như thế thu nhập cũng không tồi, thường chỉ bận vào tuần cuối tháng. Ba tuần còn lại, cô đăng ký chạy xe ôm theo tổng đài. Cô chưa gặp trường hợp nào khách nam sàm sỡ, nhưng đồng nghiệp nữ khác thì có rồi. “Vì bữa đó ông ấy say, đàn ông các anh say lên chán lắm” - cô thở dài.

Chồng cũ của cô cũng thường say, đánh cô vài lần, cô quyết chia tay. Một mình nuôi con, lại chọn nghề xe ôm kiếm sống, cô trông già hơn tuổi nhiều. Tôi đến nơi, mấy anh bạn đã ngồi uống bia đợi, nghển cổ ra nhìn cô, có ý đùa trêu tôi. Cô vẫn đậu xe ở đó, đợi khách khác gọi, cười tươi nói vọng vào: “Em là xe ôm anh ơi, em đưa bạn anh tới thôi, là xe ôm thôi nhé!”.

4. Cậu trai mặt búng ra sữa, gáy còn thơm mùi xà phòng tắm, thở dài khi tôi hỏi về số tiền đã kiếm được trong ngày. “Còn thiếu hơn trăm nữa mới đủ tiền nhà anh ạ, mà hôm qua em đã khất rồi”. Sinh viên thì muôn đời đi làm thêm.

Chạy xe ôm thì nhanh có tiền hơn, cho những khoản gấp gáp. Câu chuyện từ lúc ấy cứ quẩn quanh về tiền. Cậu học trung cấp du lịch, xác định luôn là sau khi ra trường sẽ chỉ làm hướng dẫn viên cho khách đi Thái Lan.

“Anh của em mỗi lần đưa khách đi kiếm 500 đô, chưa kể hoa hồng mua đồ lưu niệm, tháng đi hai lần là ngon rồi anh”. Tôi không biết bình luận gì, ậm ừ cho qua chuyện. Cậu lại bảo anh làm phóng viên thích nhỉ, được đi khắp nơi. Tôi đáp: “Sau này em làm hướng dẫn viên còn đi nhiều hơn anh”. “Em không đi nhiều nơi đâu, em chỉ đi Thái Lan thôi - cậu nhắc lại, cương quyết - Nghìn đô một tháng đấy anh ạ”.

Thế nào mà cái xe Vespa cũ kỹ của tôi lại tìm thấy được. Tôi chấm dứt hai tháng triền miên xe ôm. Ngồi lên cái xe thân quen, nghe tiếng nó nổ “pành pành” quả là dễ chịu. Nhưng rất lâu về sau, tôi cứ nhớ mãi những cuộc nói chuyện nhìn vào gáy người ta.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận