Trung Quốc trong "cơn sốt" di sản văn hóa

CẢNH CHÁNH 03/05/2011 19:05 GMT+7

TTCT - Nếu căn cứ theo nghị quyết do Đại hội di sản thế giới thông qua năm 2005, mỗi nước một năm chỉ được đề cử hai hồ sơ, trong đó có một hồ sơ là di sản thiên nhiên, Trung Quốc phải mất ít nhất cả trăm năm vì nước này hiện có khoảng 200 hồ sơ.


Dãy địa hình Danxia - Ảnh: Baidu

Mãi đến năm 1985 Trung Quốc mới chính thức gia nhập Công ước di sản thế giới, nhưng đến nay nước này đã có 40 di sản thế giới, chỉ đứng sau Ý và Tây Ban Nha. 

Theo tờ Nhân Dân nhật báo, hiện Trung Quốc có khoảng 200 hồ sơ xin UNESCO công nhận di sản thế giới, trong đó có 100 di sản đã hoàn thành hồ sơ trong danh sách dự bị đề cử, chưa kể những hồ sơ không được nhà nước thông qua nhưng đang nỗ lực hoàn thiện. 

Được và mất

Sau khi được công nhận di sản thế giới, việc đầu tiên là hầu hết các địa phương đều tăng giá vé vào tham quan, từ mấy chục NDT lên mấy trăm NDT/người, nên nguồn thu từ vé tăng lên chóng mặt, chiếm 80-90% thu nhập của các khu di sản. 

Thành phố cổ Bình Dao, tỉnh Sơn Tây, sau khi được công nhận di sản văn hóa thế giới, năm 1998 nguồn thu từ vé tham quan của thành phố cổ từ 180.000 NDT vọt lên 5 triệu NDT, tăng gấp 30 lần.

Còn phố cổ Lệ Giang, tỉnh Vân Nam, có nguồn thu từ du lịch đạt 1,3 tỉ NDT, chiếm 50% GDP của Lệ Giang. Nguồn thu từ tiền vé của hang đá Long Môn, tỉnh Lạc Dương, từ 10 triệu NDT tăng lên 27 triệu NDT.

Chính những con số biết nói đã khiến các địa phương thi nhau xin công nhận di sản thế giới với những khoản đầu tư lớn và thời gian chờ đợi dài đằng đẵng. Chẳng hạn khu du lịch Thạch Lâm, tỉnh Vân Nam, mất 15 năm lập hồ sơ, đầu tư để phù hợp với yêu cầu, đến năm 2008 mới được công nhận di sản văn hóa thế giới. 

Dãy địa hình Danxia trải dài sáu tỉnh ở nước này tốn gần 1 tỉ NDT; thành cổ Đăng Phong, tỉnh Hà Nam mất 12 năm theo đuổi với chi phí 800 triệu NDT.

Tuy nhiên, đầu tư lỗ là điều các địa phương không lường trước được khi lập hồ sơ xin công nhận di sản thế giới. Đó là trường hợp Ngũ Đài Sơn, tỉnh Sơn Tây, sau khi được công nhận di sản đã tụt giảm hơn 200 triệu NDT doanh thu từ du lịch năm 2008 so với năm 2006.

Trong khi đó để được công nhận, Ngũ Đài Sơn đã cho tháo dỡ khách sạn, hàng quán, trả lại vẻ thanh tịnh nơi cửa Phật cho Ngũ Đài Sơn, với số vốn đầu tư hơn 2 tỉ NDT. Năm 2007, Lệ Ba, tỉnh Quý Châu, được công nhận di sản thiên nhiên thế giới sau 12 năm nỗ lực, nhưng cái giá phải trả quá đắt: nợ đến 200 triệu NDT, trong khi mỗi năm nguồn ngân sách của huyện Lệ Ba nhỏ bé chỉ có 286 triệu NDT, chưa kể trong vòng 10 năm tới phải đầu tư 630 triệu để bảo vệ di sản. 

Tương tự, kiến trúc Điêu Lâu ở Quảng Châu được công nhận vào năm 2007, nay chính quyền đang đau đầu về chi phí hàng trăm triệu NDT để bảo tồn.

Chính vì khai thác quá mức, không chú trọng bảo vệ mà thành cổ Bình Dao đã xuất hiện vết nứt, một bức tường thành bị đổ. Thậm chí đã có di sản bị UNESCO cảnh cáo như Thiên Tử Sơn ở huyện Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam, xây khách sạn với diện tích mấy chục ngàn mét vuông, hình thành chợ trên trời, thành phố trong phố núi, năm 2001 phải chi hơn 300 triệu NDT để cải tạo lại.

Nghệ thuật cắt giấy, một trong những di sản văn hóa của Trung Quốc - Ảnh: Baidu

“Di sản không phải là cái máy ATM”

Ông Lưu, một cán bộ thành phố Bắc Kinh, cho biết: “Năm xưa, khi Cố Cung, Trường Thành được công nhận di sản thế giới, người dân rất vui mừng và tự hào. Nhưng mấy năm gần đây số lượng di sản được công nhận ngày càng nhiều, người dân cũng ngày càng hờ hững với vấn đề này”.

Cô Dương, chuyên gia du lịch, cho rằng việc xin công nhận di sản thế giới chẳng khác nào đầu tư mạo hiểm hoặc công trình lấy thành tích. Thực tế nhiều khu di sản thế giới không hoàn thiện như cô nghĩ.

Đài truyền hình CCTV từng chỉ trích chính quyền địa phương xem các di sản thế giới là một cái máy ATM không hơn không kém. Họ dẫn chứng năm 2007 thành cổ Lệ Giang thu vào 165 triệu NDT, nhưng chỉ chi 20 triệu cho việc duy tu kiến trúc cổ, còn lại không biết dùng vào việc gì.

GS Quách Thế Hữu thuộc đại học luật cho rằng ở một mặt nào đó, việc xin công nhận di sản thế giới chẳng khác nào cuộc chiến giành giật quê hương các vị danh nhân, lấy cớ bảo vệ văn hóa để làm kinh tế. Đằng sau việc xin công nhận di sản chỉ nhằm lấy tiếng, thu hút đầu tư, rất ít chính quyền địa phương xin công nhận di sản vì mục đích bảo vệ văn hóa thuần túy. 

Tân Hoa xã cho rằng cần cảnh giác xu hướng các địa phương quá chú trọng việc xin công nhận di sản văn hóa thế giới mà xem nhẹ công tác quản lý bảo vệ di sản.

Phát biểu trên tờ Nhân Dân nhật báo, ông Đổng Diệu, chuyên gia bảo vệ Trường Thành, cho rằng việc xin công nhận di sản thế giới dù còn nhiều bất cập, nhưng cũng có lợi cho việc bảo vệ di sản văn hóa Trung Quốc.

Ông ví dụ về Trường Thành, dù có sự phá hoại khi khai thác du lịch nhưng thực tế đã tác động lớn đến ý thức bảo vệ Trường Thành và khai thác bền vững bảo bối văn hóa của nước này. Cho dù được công nhận di sản hay không, quá trình lập hồ sơ xin công nhận di sản thế giới sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức bảo vệ, biết tôn trọng quy luật phát triển của nền văn hóa, tìm được sự cân bằng giữa việc khai thác và bảo vệ di sản.

Ông Thiền Tế Tường, cục trưởng Cục Văn vật quốc gia Trung Quốc, nhấn mạnh cần có thái độ khoa học và nghiêm túc khi lập hồ sơ xin công nhận di sản thế giới. Đây là một lựa chọn sáng suốt nhưng không phải duy nhất. Theo Bộ trưởng văn hóa Tôn Gia Chánh, cần đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện cơ chế bảo vệ, nhất là di sản văn hóa phi vật thể.

Theo điều tra của tờ Thanh Niên Trung Quốc ở 1.784 người, 53% cho biết không đi tham quan du lịch chỉ vì danh hiệu di sản thế giới, 62% cho rằng không đáng để đầu tư lớn cho việc công nhận di sản thế giới.

Kinh nghiệm phương Tây

Các nước phương Tây cũng từng lên cơn sốt di sản văn hóa thế giới. Danh mục di sản thế giới được thành lập từ năm 1976, đến năm 2008 đã có 145 quốc gia với 878 di sản được công nhận.

Kinh phí lập hồ sơ công nhận di sản thế giới là một khoản đầu tư không nhỏ. Các nước phương Tây chủ yếu dựa vào số kinh phí được cấp bởi Quỹ Di sản thế giới, các công ty khai thác di sản hay vận động doanh nghiệp tài trợ, trường hợp xin ngân sách nhà nước thường rất hiếm và phải qua xét duyệt rất gắt gao. 

Do chi phí đầu tư quá cao, nhiều nước đã không còn mặn mà với việc xin công nhận di sản thế giới. Từ năm 1995, Mỹ không còn tích cực xin công nhận di sản, chính phủ quay sang bảo vệ các di sản đã có. Năm 2008, nước Anh tuyên bố không đề cử công nhận di sản thế giới với lý do là nguồn thu từ di sản thế giới không đủ để làm tốt công tác bảo vệ.

Tây Ban Nha có 42 di sản thế giới, trường học có dạy môn bảo vệ di sản thế giới nhằm giúp các em biết tôn trọng, bảo vệ di sản thế giới. Ngoài ra, Tây Ban Nha còn có nhiều trường đào tạo phục chế bảo tồn di tích. Canada có 15 di sản thế giới với những quy định rất nghiêm ngặt, chẳng hạn di dời một cục gạch trong khu kiến trúc cổ cũng phải trình chính quyền thành phố.

Núi Phú Sĩ ở Nhật Bản cao 3.776m, nhưng quốc lộ chỉ xây dựng đến độ cao 2.000m, không xây bậc tam cấp, không cho leo núi khi thời tiết không thích hợp, với tôn chỉ bảo vệ cảnh quan tự nhiên. Ngoài ra, các nước còn có quy định rất chặt chẽ về giá vé tham quan, thường nguồn thu từ vé vào cổng chiếm khoảng 15-20% tổng thu nhập của khu di sản.

Top 10 di sản văn hóa thế giới Trung Quốc do THX bình chọn

1. Trường Thành Bắc Kinh

2. Cố Cung Bắc Kinh

3. Hang đá Mogao, Cam Túc

4. Lăng Tần Thủy Hoàng, Tây An

5. Di chỉ người Bắc Kinh, Chu Khẩu Điếm

6. Khu nghỉ dưỡng Thừa Đức, Bắc Kinh

7. Khổng miếu, Khổng phủ, Khổng lâm, tỉnh Sơn Đông

8. Cung Potala Tây Tạng

9. Quần thể kiến trúc núi Võ Đang

10. Phố cổ Lệ Giang, tỉnh Vân Nam


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận