Truyện ngắn "Có những quyển sách dành riêng cho người không đọc"

MS 120 (TRÍCH) 30/08/2010 04:08 GMT+7

TTCT - Mày ạ, không coi trọng điều gì cũng là một kiểu sống mất cân bằng.

 1. Ngổ Ngáo lại đi, như một con ngựa quen chân không cách gì dừng lại được. Cứ mười lăm ngày, một tháng lại thấy Ngổ Ngáo nhét vài bộ đồ vào balô con. Có khi nghe nó nói đi Tây nguyên, có khi lại nghe nó ra vùng biển.

Mỗi lần về lại Sài Gòn, nó chẳng kể gì ngoài bảo: “Thoải mái quá!”. Tôi không thể tưởng tượng được Ngổ Ngáo làm gì trong những chuyến rong ruổi một mình ấy. Nên khi nghe Ngổ Ngáo ngỏ lời rủ đi, tôi lập tức gật đầu.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

- Sao lần này mày muốn tao đi chung? - tôi thắc mắc.

- Vì mày là bạn tao mà quá “gà”, quá “mờ mịt”! Xấu hổ với “ban đại diện” lắm, con ạ!

Tôi lập tức cau mày. Ngổ Ngáo hất mặt:

- Mày thôi ôm cái “tôi” mà sống đi! Tao rủ mày vì tao muốn mày thấy! Mày thử biến khỏi Sài Gòn vài ngày xem! Chẳng ai chết cả. Tao không biết mày nghĩ gì, chứ tao chỉ nghĩ con người cứ tưởng những mối quan hệ xung quanh đang ràng buộc mình, nhưng thật ra là tự bản thân họ buộc mình với những mối quan hệ.

- Vậy những lần đi trước là lúc mày muốn tự cắt đứt những mối quan hệ hả?

Ngổ Ngáo không trả lời.

- Mày thường muốn một mình, sao bây giờ lại muốn dắt tao theo?

- Vì mày muốn viết.

Tôi nhìn xoáy vào mặt Ngổ Ngáo nhưng nó đã quay đi. Tôi hạ giọng, nghe rõ vẻ khó khăn trong câu nói của mình:

- Mày cũng muốn viết mà!?

Ngổ Ngáo đứng dậy rồi cúi người lấy cái balô khoác lên vai. Nó hất mặt ra hiệu cho tôi xuất phát. Ngổ Ngáo không trả lời câu hỏi của tôi.

Khi muốn trốn tránh, người ta thường im lặng.

Lẽ ra, Ngổ Ngáo nên có thái độ này cho câu hỏi của Tử Tế năm Ngổ Ngáo hai mươi tuổi.

Nhưng đời mỗi người năm hai mươi hai tuổi làm sao hoàn toàn giống năm hai mươi tuổi.

Năm hai mươi tuổi, Ngổ Ngáo không biết ước mơ thật sự của mình là gì. Có lúc Ngổ Ngáo đã nghiêm túc nghĩ suy về bản thân nhưng rồi lại không nghĩ ra. Ngổ Ngáo muốn đi tìm, nghĩ nếu cứ đi hoài thì chắc sẽ tìm được thôi.

Lại thêm một chuyến đi nữa sau ngày Tử Tế hỏi Ngổ Ngáo: “Thật ra Ngổ Ngáo muốn gì?”. Tôi đã nhìn thấy gương mặt của Ngổ Ngáo khi vô tình gặp lại Tử Tế. Gương mặt của đau khổ và bất lực. Muốn níu giữ nhưng không thể níu giữ. Muốn quay lại nhưng không thể quay lại. Một người tưởng đầy dũng khí như Ngổ Ngáo đối với tình cảm lại hóa yếu hèn. Khi người ta thật sự yêu và thấy thất vọng về bản thân thì cũng là lúc người ta tự biến mình thành gánh nặng. Ngổ Ngáo đã như thế...

Tử Tế là người mà Ngổ Ngáo thương yêu và cả kính trọng. Tử Tế từ tốn, nhạy cảm và quan tâm Ngổ Ngáo không điều kiện. Tử Tế luôn bên cạnh Ngổ Ngáo, chấp nhận mọi hành động điên khùng của Ngổ Ngáo. Vì thế mà mọi yêu thương Ngổ Ngáo đổ về Tử Tế, đau buồn cũng đổ về Tử Tế, cả căm hận cũng đổ về Tử Tế... Nhưng... lòng người dù sâu nhưng vẫn có đáy.

Sau cái lần Ngổ Ngáo vung tay đánh cô bạn học và bị tạm giam, Tử Tế đã hỏi: “Thật ra Ngổ Ngáo muốn gì? Sao Ngổ Ngáo không chịu lớn? Để người khác bận tâm mãi về mình mới làm Ngổ Ngáo hài lòng sao?”. “Buồn cười lắm mày ạ - Ngổ Ngáo nói với tôi - Tao không quá ngu ngốc nhưng lúc đó sao tao không thể tìm được câu trả lời hay ho nào thay cho câu: Không chịu được thì cút!”.

Tử Tế “cút” thật. Mất tăm. Biệt tích. Chỉ cần nhác nhìn thấy bóng Ngổ Ngáo là Tử Tế lặng lẽ quay đi. Tử Tế “cút” thật. Cứ như cố tình xóa hình ảnh Ngổ Ngáo trong lòng Tử Tế, xóa luôn cả hình bóng Tử Tế trong lòng Ngổ Ngáo. Mỗi lần nghĩ lại câu chuyện của Ngổ Ngáo, tôi thường thắc mắc: chia tay là một chuyện đau lòng, cá tính như con trai vậy Ngổ Ngáo có khóc không?

- Mày có từng khóc không? - tôi bất chợt hỏi.

- Hửm?

Ghe chạy ì ì. Tiếng máy ghe lớn quá nên chắc Ngổ Ngáo không nghe.

- Mày có bao giờ khóc không? - tôi hỏi lại.

Ngổ Ngáo có vẻ ngạc nhiên nhưng gương mặt nhanh chóng bình thản trở lại:

- Tao không phải đá sỏi. Hơn nữa, người ta không nhìn thấy đá sỏi khóc nên tưởng nó không biết khóc thôi!

Ừ! - tôi khẽ khàng, không dưng thấy lòng nhẹ nhõm.

- Tao... - Ngổ Ngáo bất chợt lên tiếng trong khi vẫn tựa đầu vào thành ghế và nhắm mắt - ... phải đi! Vì mềm yếu trong lòng tao đang thức dậy.

2. Tôi và Ngổ Ngáo đi miền Tây mà không xác định đích đến. Ngồi trên ghe, tai gắn phone, Ngổ Ngáo lơ mơ nghe nhạc. Đôi khi tôi thấy buồn cười sự mâu thuẫn điên khùng của Ngổ Ngáo. Đi sông nước, nghe nhạc rock và ngắm nhìn những vườn cây xanh mướt mát dọc bờ sông.

Ghe khách dừng lại ở bến ngã ba sông. Bến thật đông và nhộn nhịp. Có ai đó khều vai, tôi quay lại. Người phụ nữ có nước da bánh mật nhoẻn cười:

- Tụi em xuống đây hông? Đây là bến cuối rồi! Giờ chị phải dong ghe vô tận trong bưng lận. Nhà chị trong trỏng.

Tôi nhìn quanh, thấy còn sót mỗi hai đứa. Ngổ Ngáo tháo tai phone, nhoẻn một cái đáp lễ:

- Đây là bến nào vậy chị?

Chị Da Bánh Mật nhìn Ngổ Ngáo vẻ kinh ngạc. Chắc chị Da Bánh Mật thấy lạ, làm gì có người đi mà không biết nơi mình cần đến chứ.

- Tụi em không phải dân ở đây phải hông? Phải em lạc đường hông? Em nói chỗ nào em muốn tới đi, để chị kêu ông xã chở đi cho!

Ngổ Ngáo vội vàng xua tay:

- Thôi được rồi chị! Cho tụi em lên đây cũng được? Có gì em gọi điện thoại kêu người quen ra đón.

- Được hông? Hổng ấy em nói địa chỉ đi, chị hỏi giùm em cho! Ở đây chị cũng quen nhiều lắm.

“Nhiệt tình quá!” - Ngổ Ngáo ghé tai tôi thì thầm rồi vội vàng đứng dậy, xốc lại balô, nhanh chân rảo bước ra mũi ghe:

- Thôi, không sao! Anh chị cứ về trước đi! Tụi em tự biết đường mà!

Tôi và Ngổ Ngáo leo lên bến, khẽ cười vì lòng nhiệt tình dành cho người xa lạ. Lâu rồi tôi mới thấy. Tại nơi tôi ở không có “nó” hay tại “nó” đang dần trở thành hàng hiếm?

Chúng tôi bước vào một quán cóc. Nhìn cái bạt màu xanh bệu bạo, tôi đoán quán cũng “có tuổi” lắm rồi.

- Cho hai ly cà phê đá đi chị!

Có cái đầu nhô lên sau cái bàn chưng đầy chai nước ngọt:

- Cà phê đá hả cưng? Chờ chút nghen! Cái giọng chả chớt. Tôi cười thầm. Về tới đây rồi mà sao không khí Sài Gòn vẫn thấy thế nhỉ? Chị Gái bán cà phê cóc mà mặc đồ như bà chủ shop thời trang kiêm luôn shop mỹ phẩm. Nếu Chị Gái Fashion (*) không hỏi “Cà phê đá hả cưng?” thì tôi đã đoán chị làm nghề uốn tóc, trang điểm hay gì gì đó rồi.

Tôi nhìn ra bến sông. Ở dưới gốc cây bần, một đám người lố nhố. Một chiếc ghe chở hàng đi qua, đám người nhốn nháo. Người trên bờ, kẻ dưới ghe, kỳ kèo một lúc thì vài người leo lên ghe, đám đông lại trở về im lặng.

- Mấy người đó đang làm gì vậy chị?

Ngổ Ngáo hỏi khi Chị Gái Fashion bưng ly cà phê ra. Chị Gái Fashion thấy Ngổ Ngáo bắt chuyện thì kéo ghế ngồi cạnh:

- Vậy cưng đến đây chi?

Ngổ Ngáo cười:

- Em tới thăm bà con! Lần đầu nên thấy lạ!

- Vậy hả? Hèn chi... Để chị nói cưng nghe, người ta hay kêu chỗ này là chợ người ngã ba sông. Mấy cái ghe chở hàng cần người bốc dỡ, ngang qua đây thì dừng lại tuyển người.

- Sao người ta không thuê luôn người đi theo ghe cho tiện - tôi thắc mắc.

- Trời ơi, em ơi, mướn người theo luôn chi cho tốn tiền ăn, tiền lương tháng? Qua đây tuyển vài người, người ta làm xong chuyến hàng, trả tiền rồi “rã sòng”, hơi đâu...

Tôi ngẩn người, không hỏi nữa. Chị Gái Fashion quạt phành phạch một hồi rồi không thấy chúng tôi đả động gì nữa thì bỏ vào nằm võng. Ngổ Ngáo nhìn đám người ngoài kia, lẩm bẩm: “Chợ người ngã ba sông sao?”. Vừa chầm chậm uống ly cà phê có mùi khét lẹt, Ngổ Ngáo vừa nhìn ngó đám người dưới gốc cây bần.

- Chị Gái! - Ngổ Ngáo quay đầu vào trong gọi.

- Gì cưng?

- Tụi em muốn xin đi làm được không? Ủa! - Chị Gái Fashion nhổm dậy - Sao em nói em đi tìm người quen...

Ngổ Ngáo cười:

- Dạ, đúng là em đi tìm người quen. Em mới gọi điện thoại, người quen nói em đi lộn chỗ xa quá rồi, phải đi ngược lại. Tụi em thì không còn đủ tiền nên chắc phải tìm việc làm, chừng đủ tiền mới có thể đi khỏi đây được!

Tôi nhìn Ngổ Ngáo, không hiểu nó đang suy nghĩ cái gì trong đầu.

Chị Gái Fashion bán cà phê nhìn Ngổ Ngáo, con mắt lá răm hình như có nhiều phần nghi ngại:

- Vậy hả? - Chị Gái Fashion ngập ngừng - Mấy cưng ốm quá, sợ làm không nổi.

- Nhìn em vậy thôi chớ em cũng khỏe lắm đó! Em ăn nhiều nhưng do tạng người em không mập nổi thôi!

Chị Gái Fashion lần khần một chút rồi nhóng miệng về hướng gốc bần, gọi lớn:

- Anh Cỏ Hoang! Anh Cỏ Hoang ơi! Anh Cỏ Hoang!

“Cỏ Hoang à? Tên nghe là biết “đồng ruộng” rồi!” - Ngổ Ngáo lại nghiêng người nói nhỏ vào tai tôi. Tôi nhướng mắt nhìn theo. 

Từ trong đám đông, người con trai có nước da đen bóng đứng dậy. Đôi mắt anh ta... trời đất, tôi chưa từng thấy người con trai nào có đôi mắt đẹp đến vậy. Một đôi mắt hoang nhưng không phải cái hoang dại như Ngổ Ngáo, mà là cái hoang hoải buồn. Anh ta hình như là người Kinh lai Khmer. Ngổ Ngáo cũng ngẩng nhìn đến lúc anh chàng đến gần.

- Kêu gì mà sát rạt vậy chời?

- Bữa nay có thiếu người không?

Cỏ Hoang chống một tay vào cây cột dựng quán, một tay chống hông:

- Hỏi chuyện trời ơi! Bà thừa biết chỗ tui làm gì thiếu người! Dư thì có! Việc thì ít mà không biết người đâu quá chời!

Nói rồi Cỏ Hoang hất mặt về phía đám đông lố nhố dưới gốc bần:

- Đó, nhìn coi, sáng giờ bao nhiêu ghe đi qua rồi mà còn chừng đó người nằm sải lai đó. Ngáp gió riết mà muốn trẹo quai hàm cả đám kia kìa... Mà hỏi chi?

Chị Gái Fashion hất mặt về phía chúng tôi:

- Mấy cưng này lỡ đường? Muốn làm kiếm tiền để về lại nhà người quen!

Cỏ Hoang quay qua, ánh mắt anh chạy từ gương mặt chúng tôi đến chân rồi lại chạy ngược từ chân lên mặt:

- Vác đồ nổi không chời?

- Vác không nổi thì kiếm đồ nhẹ cho tụi nó chuyển. Mấy ghe trái cây cũng được. Chuyển trái cây chắc vừa sức với tụi nó - Chị Gái Fashion trả lời.

- Giỡn hoài! Trái cây mới nặng đó! Lớ quớ làm hư giập của người ta, người ra bắt ăn thấy cha!

Tôi muốn phì cười nhưng cố kìm lại. Chẳng có ai chưa xin được việc làm mà cứ cười sảng khoái cả. Anh chàng nói chuyện thật ngộ. Ngổ Ngáo giả vờ buồn. Có lẽ Ngổ Ngáo diễn thật và sống động quá làm anh chàng động lòng. Cỏ Hoang khoác tay:

- Thôi! Kiếm chỗ cho hai nhỏ đó ngủ đi! Mai tính!

Nói rồi anh quay lưng te tái đi về phía cây bần. Ngổ Ngáo cúi mặt, cố giấu nụ cười. Chị Gái Fashion quay sang, đập nhẹ vai Ngổ Ngáo:

- Thằng chả nói vậy là được rồi đó! Yên tâm! Mai thế nào chả cũng kiếm ghe có việc nhẹ nhẹ cho mấy cưng! Tối nay mấy cưng cứ ngủ trong quán chị! Không lo!

3. - Tao muốn viết!

- Hửm! - tôi sực tỉnh, kéo dừng cảm xúc đang trôi, nghiêng đầu nhìn Ngổ Ngáo.

- Tao muốn viết! - Ngổ Ngáo lặp lại.

Tôi cười nhẹ:

- Thì mày viết đi!

- Tao không thể... Bởi vì tao đã để lòng mình không coi trọng điều gì cả. Vì không coi trọng nên chẳng thể theo đuổi đến cùng. Tao không thể! Mày ạ, không coi trọng điều gì cũng là một kiểu sống mất cân bằng - Ngổ Ngáo nhếch mép - Mày không giống tao. Mày có thể viết vì mày biết cách tự cột mình vào cuộc sống mình. Còn tao... xung quanh không có dây buộc!

- Mày vẫn còn bị ràng buộc đấy chứ! - giọng tôi nhẹ thênh.

- Sao?

- Nếu mày còn nghĩ tới viết thì mày vẫn còn bị ràng buộc đấy chứ! Mày bức bối chỉ vì cái mày muốn viết không phải là những trang bản thảo mày đọc xong là chỉ muốn xé nó đi - tôi cười cười, cố hài hước - Như cái kiểu “em tham vọng nhưng em không có khả năng”.

Ngổ Ngáo gật gật:

- Khổ thật, mày nhỉ!

- Ừ!

Đúng là khổ thật. Tại sao con người ta lại có những giấc mơ mà “thực” đến mức như có thể vói tay ra một cái là chạm được ngay. Ngổ Ngáo cũng muốn viết, viết một cái gì đó thật trọn vẹn. Ngổ Ngáo luôn tỏ ra không cần ước mơ đó chỉ vì quá khao khát về nó.

Ngổ Ngáo đã tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi của Tử Tế năm hai mươi tuổi: “Thật ra Ngổ Ngáo muốn gì?”. Ngổ Ngáo đã tìm được câu trả lời nhưng Ngổ Ngáo không thể nói với Tử Tế được. Bởi vì những gì Ngổ Ngáo viết ra từ trước đến giờ chỉ là những câu chuyện nhàn nhạt. Những câu chuyện ấy vô vị đến mức mà khi đã hoàn thành rồi, Ngổ Ngáo không hề muốn đọc lại.

Nói một cách văn vẻ thì đó là bi kịch.

“Hò ơ... vận bạc tình bất hữu, nhơn phi nghĩa bất giao... Qua nguyền thưởng bậu một dao... Răn người lòng dạ... hò ơ... răn người lòng dạ mận đào lố lăng...”... Có tiếng hò lan theo gió, bất giác Ngổ Ngáo mỉm cười. Ngổ Ngáo nhìn tôi, hất hất đầu về phía tiếng hò vọng lại. Là cảm giác này sao? Cái buồn thê thiết của tiếng hò vang dài trên con sông rộng là như thế này sao? Ngổ Ngáo nghiêng nghiêng đầu, hướng mắt về nơi tiếng hò trôi lại. Đôi chân tôi như bị lôi đi.

“Hò ơ... Tiết Đinh San mắc nơi Dũ Lý, Tiết Nhơn Quý bị mũi tên thần. Gió đông nam thổi liệt ngọn bần... hò ơ... xin em quay thuyền lại cho anh phân trần đôi câu...”, câu hò thứ hai vừa dứt thì chúng tôi cũng đã tìm được chủ nhân của nó. Một người con trai đen trũi đang nằm ngửa trên sàn ghe, chân vắt chữ ngũ, ngửa mặt nhìn trời.

- Là anh hả?

Người con trai vừa cất giọng hò mùi mẫn là Cỏ Hoang. Cỏ Hoang nhướng mắt nhìn ngược lên, nhác thấy chúng tôi đứng trên bờ thì ngồi dậy:

- Ra đây chi? Mũi mòng không!

- Tại anh hò hay quá! - Ngổ Ngáo chỉ tay vào lòng ghe - Tụi tôi xuống ghe chơi được không?

- Xuống ghe? - Cỏ Hoang nhăn mặt - Thôi, dưới này có gì đâu mà coi! Con gái con đứa đêm hôm đi xuống ghe con trai, người ta dị nghị...

Ngổ Ngáo bật cười, không đợi Cỏ Hoang đồng ý, Ngổ Ngáo kéo tôi bước luôn xuống ghe.

- Nè, nè mấy cô kia...

Ngổ Ngáo thản nhiên ngồi bệt xuống, hai chân khoanh tròn như kiểu người ta ngồi thiền:

- Tụi này là con gái, tụi này không sợ, sao anh lại sợ?

Cỏ Hoang đỏ bừng mặt, anh ấp úng:

- Tui lo... lo... cho mấy cô thôi... Tui là con trai... có... mất mát... gì đâu... mà... sợ...

Tôi thấy buồn cười. Anh chàng này thật lạ. Thời buổi này con trai con gái thấy nhau thì hút lấy nhau. Ngủ với nhau một đêm cũng đã không còn coi là to tát. Thế mà anh chàng này... Phản ứng của anh chàng giống như những bậc phụ huynh của tôi và Ngổ Ngáo, “con gái liệu mà giữ thân, chữ trinh đáng giá ngàn vàng”. Ngàn vàng? Vậy sao... mỗi ngày vào mạng, tôi vẫn thấy những tin offline (**) trôi nổi rao bán “cái ngàn vàng” với giá... chưa tới năm phân. “Ngàn vàng” hay “năm phân” tùy thuộc vào chủ nhân sở hữu và giá trị của một vật, một việc tăng giảm tùy thời gian, tùy nhu cầu. Thế thôi!

Bây giờ gặp Cỏ Hoang, tôi cảm thấy hình như không phải mình đang đi xa thành phố mà là xa thời hiện tại tận mấy mươi năm. Không dưng trong lòng lại có chút vui thú.

- Xin lỗi, cho tụi này ngồi nhờ một chút! Năm phút thôi, tụi này sẽ về.

Cỏ Hoang nhìn Ngổ Ngáo một thoáng, rồi im lặng. Anh lại tiếp tục hò, lời lẽ thật u buồn. “Hò ơi... ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng oán, hò... ơi... bậu gieo tiếng oán để rồi bậu thôi”...

- Anh bị thất tình hả? - Ngổ Ngáo bất chợt hỏi.

Cỏ Hoang giật mình, lúng túng quay mặt đi!

- Ai nói!

- Anh nói!

Cỏ Hoang trợn mắt, sửng cồ:

- Tui nói hồi nào?

- Anh đã nói qua những bài anh hò đấy thôi! Nghe buồn quá!

Im lặng là một cách thừa nhận.

- Anh bị thất tình phải không?

- Ừa! - Cỏ Hoang thành thật.

- Sao thế?

- Hỏi mắc cười! Thì bị người ta phụ chứ sao!

- Sao bị người ta phụ?

- Thì mình không được như người ta mơ ước!

- Người ta mơ ước cái gì?

- Thì... - bỗng Cỏ Hoang quay lại sửng cồ - Mắc chi mà tui phải nói với cô?

Ngổ Ngáo cười. Ngổ Ngáo là thế. Một khi đã nắm được tâm trạng của ai rồi thì muốn truy đến tận cùng, cứ như đã nắm được một đầu sợi dây thì nhất thiết phải tìm ra đầu dây còn lại nằm ở đâu vậy.

- Vì anh muốn nói, còn tôi muốn nghe. Có người nói thì phải có người nghe, còn có người nghe rồi thì tất nhiên phải nói.

Cỏ Hoang ngẩn người một lúc thì quay mặt làu bàu:

- Kỳ cục!

- Nói đi! Người ta của anh mơ ước gì?

- Được rời bỏ ngã ba sông - giọng Cỏ Hoang nhẹ thênh thênh.

Tôi nhìn Cỏ Hoang, thảng thốt. Cỏ Hoang tránh cái nhìn của tôi, anh nhích người ra mép ghe, thọc hai chân xuống, đòng đưa.

- Người ta muốn rời bỏ ngã ba sông! Người ta nói với tui người ta chán cái nhốn nháo của chợ người, chán cảnh ăn cơm bữa nay mà lo bữa mai, chán cảnh mặc vải chưa được ba con nước đã muốn bục rách, chán cảnh cổ trơn tay trụi... - Cỏ Hoang quay qua nhìn chúng tôi, cười một cái - Người ta chán nhiều như thế, tui làm sao mà giữ...

- Sao anh không đưa người ta đi?

Cỏ Hoang thở dài:

- Vì tui thương mấy điều mà người ta chán! Thương đứt ruột - Cỏ Hoang chỉ ngón tay ra giữa sông - Tui cũng thương cái đoạn sông đó...

- Thương sông ư? - Ngổ Ngáo kinh ngạc. Cỏ Hoang gật đầu, đôi chân vẫn còn đòng đưa:

- Tía má tui nằm ngoài đó...

Ngổ Ngáo thần người nhìn ra mặt sông đen thâm thẫm. “Thương sông ư?” - tôi nghĩ. Cỏ Hoang chắc cũng chẳng hơn tuổi của chúng tôi là mấy, còn người ta của Cỏ Hoang chắc cũng đương hai mươi. Cả Cỏ Hoang và người ta của Cỏ Hoang đều có ước mơ, dù có là ước mơ rất đỗi bình thường nhưng đó cũng là ước mơ.

Khi con người ta hai mươi, dù có là ai cũng nuôi cho mình một ước mơ ư? Nhưng ước mơ của người ta thực tế là thế, còn ước mơ của tôi và Ngổ Ngáo sao xa xôi và viển vông quá thể. Tôi và Ngổ Ngáo đi tìm điều xa xôi và viển vông đó đến bao giờ đây.

- Chị Gái cũng đẹp đó! Sao anh không yêu đại chỉ đi! Thấy chỉ cũng thích ở đây - tôi gợi chuyện.

Cỏ Hoang giật mình, xua tay rối rít:

- Đâu có được! Mấy cô đừng nói bậy, chết tui... Cổ đang chờ chồng.

Tôi và Ngổ Ngáo đưa mắt nhìn nhau. Thời buổi này mà còn cảnh “hòn vọng phu” sao? Mà người chờ lại là Chị Gái Fashion.

- Chỉ có chồng rồi hả? Chồng chỉ đi đâu mà chỉ phải chờ?

Cỏ Hoang gãi đầu:

- Ai biết chồng cổ đi đâu mà nói? Chỉ biết theo ghe đi chuyến mà mấy năm rồi chưa về.

- Trời, đi ghe chuyến chớ có phải đi vượt biên đâu mà đi mấy năm?

- Ừ thì dzậy! Tui nghe đồn... - Cỏ Hoang lại gãi đầu - Ghe của ảnh bị chìm...

Tôi và Ngổ Ngáo nhìn nhau, không biết nói gì.

Gương mặt của một người không quy số phận và tính cách của người đó theo suy nghĩ của người nhìn.

Cái mà Chị Gái Fashion đang đợi có lẽ không phải là ngày chồng chị trở về, mà là ngày niềm tin trong lòng mình sẽ tắt. Cái đó thì ngay cả chị cũng còn không biết đến chừng nào.

- Anh có hay đọc sách không? - Ngổ Ngáo hỏi một câu chẳng ăn nhập gì với vấn đề.

- Đọc gì?

- Sách! - Ngổ Ngáo lặp lại, thái độ nghiêm túc lạ lùng. Tôi hiểu ý nghĩa câu hỏi của Ngổ Ngáo vì chính tôi cũng đang muốn biết.

Cỏ Hoang cau mày:

- Không. Tui không biết chữ. Mà đọc mấy cái đó có té ra gạo ra mắm đâu!

Thật buồn. Buồn thật đó. Có lẽ trong những trang viết sau này của tôi và Ngổ Ngáo có hình ảnh của Cỏ Hoang, của người con gái rời bỏ Cỏ Hoang, có cả ngã ba sông với chợ người, có Chị Gái Fashion bán cà phê chờ chồng với giọng nói nhão nhoẹt... Nhưng mà Cỏ Hoang không bao giờ đọc sách.

Thật là vô dụng.

Cỏ Hoang lại cất giọng hò. Ngổ Ngáo đứng dậy, lặng lẽ nhìn anh rồi bước lên bờ, tôi cũng đứng dậy theo, lí nhí chào Cỏ Hoang rồi bước theo Ngổ Ngáo, lững thững đi về quán cà phê. Gió sông ào vào đánh rối tung mớ tóc.

Chị Gái Fashion bán cà phê còn thức. Chị phe phẩy cái quạt, vừa nhìn thấy chúng tôi thì nhổm dậy:

- Đi đâu về đó mấy cưng?

- Tụi em ra bờ sông!

- Giờ này tối thui ra đó chi?

- Đi hóng gió thôi!

- Ờ! - Chị Gái Fashion nằm xuống, lại phe phẩy quạt.

Ngổ Ngáo nhìn chị một cái rồi cũng lại võng ngửa người nằm xuống, ngó trời. Không gian lồng lộng, tiếng mũi vo ve và tiếng hò của Cỏ Hoang lúc gần lúc xa.

- Chị có thường đọc sách không? - Ngổ Ngáo lặp lại câu hỏi khi nãy, lần này là với Chị Gái Fashion.

- Đọc gì? Sách hả? Thôi thôi... - Chị Gái Fashion xua quạt phành phạch - Nhìn mấy cái đó là chị chóng mặt nhức đầu... Mà cưng hỏi chi?

- Không, tự nhiên em nghĩ tới...

Chị Gái Fashion cười:

- Cưng ngộ ghê! Khi không hỏi mấy chuyện đó. Ở đây hổng ai rảnh mà đọc mấy cái đó đâu, cưng ơi!

Cỏ Hoang không đọc sách. Chị Gái Fashion cũng không đọc sách. Nhưng chúng tôi lại muốn viết sách, nhất là viết về họ.

Ngổ Ngáo và tôi đang làm điều mà người khác không hề cần sao?

___________

(*): Thời trang.(**): Tin nhắn được gửi khi người nhận không ở trên mạng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận