Truyện ngắn: Cuộc gọi cuối ngày

HOÀNG MY 16/05/2019 16:05 GMT+7

Năm nay có tang chồng. Nhã phân vân có nên chia sẻ thông tin ấy với nam chính hay không. Chẳng phải quá vô lý sao, tự mua dây buộc mình, đặt bản thân vào nỗi lo sợ lấp lửng

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

Nhã ngồi bó gối trên căn gác nhỏ rí. Có một cái tủ lớn bằng loại gỗ thường đầy vết xước, phía ngoài chất đầy các thứ đồ dùng linh tinh. Mảng tường hẳn đã lâu không được sơn phết, trông loang lổ cũ kỹ. Thế nhưng, lại không có cảm giác nhớp nháp, mà sạch bóng, mát rượi hơi quạt, trong một buổi trưa hâm hấp nóng của thành phố phương nam này.

Cái chỗ bé xíu, ngoằn ngoèo, tận dụng này y hệt nơi ngày xưa vợ chồng con cái Nhã từng sống. Hồi đó cả nhà còn ở quận 10. Má chồng Nhã đau ốm triền miên. Bố chồng bữa ăn nào cũng phải có vài ly rượu. Hàng xóm dữ tính và vô lý. Người ta không ưa Nhã chỉ vì cô có công ăn việc làm, hằng ngày mặc đồ văn phòng ngang qua mấy sòng tứ sắc trong ngõ. Chồng Nhã cuối cùng hứng chịu sự ghét bỏ đó bằng một trận tấn công xô xát tới mức chảy máu đầu, phải khâu sáu mũi. Gia đình Nhã dọn đi...

Hồi tưởng tới đó thì chị đồng nghiệp bước ra, kêu tới lượt Nhã. Hóa ra ông thầy còn khá trẻ, bảnh bao và hiện đại, chứ không mù mờ bí hiểm. Trên cái bàn gỗ thấp giữa thầy và Nhã đang bày sẵn mấy lá bài to gần bàn tay, có vẻ được làm bằng tre trúc, gợi cảm giác nằng nặng. Thầy bắt đầu bằng màn hỏi tuổi. Không biết giờ sinh à? Chắc là chiều tối hả? Coi nào...

Nhã lúng túng tua lại mấy lời mẹ thường kể lể. Sáng hôm ấy tôi vừa đút cơm cho đứa lớn, vừa đau bụng đẻ đứa nhỏ, mà ông vẫn thản nhiên đi nhậu. Hay là đu theo gái? Ông có quan tâm chăm sóc con cái đâu. Thật quá tệ bạc mà. Nhã tự hỏi, vậy cái “đứa nhỏ” trong ký ức của mẹ có phải là mình không nhỉ?

Thầy nhoay nhoáy vuốt cái màn hình cảm ứng. Nhã đoán là thầy đang đọc tử vi của cô, ở mức căn bản nhất. Bói toán bây giờ cũng nhờ công nghệ mà kiếm ăn. Như ông thầy bói trẻ này đang buông vài câu thăm dò đúng sai:

- Nếu sinh vào chập tối thì không thể gãy đổ được. Mà sao lại thấy cảnh đứt đoạn nhân duyên thế này?

Nhã giật mình trước sự băn khoăn đấy. Ai đó từng sành sỏi bảo, thầy bà hơn nhau ở chỗ thấu được tương lai. Chứ đã dám hành nghề đồng bóng kiếm cơm, nếu không phải phường lừa lọc, thì nhất định phải nắm được quá khứ và những điều hiển nhiên của thân chủ. Ví như, có chồng chưa, con mấy đứa, gia đạo thế nào, công việc ra sao. Còn phán chuyện mai này chính là cách để phân biệt “trình” của thầy bói.

- Năm nay không hên rồi. Đừng bày biện làm ăn mua bán. Số cô chẳng quá thiếu thốn chuyện tiền nong, nhưng cũng không giàu to được. Cố mà làm gì. À, năm nay sẽ có tang chồng.

Nhã ngước lên, thảng thốt. Bất cứ người đàn bà nào nghe câu đó hẳn đều thảng thốt. Thầy nhìn vào mắt Nhã:

- Mọi thứ đều theo trình tự. Đến cuối đời sẽ cô độc một mình. Bắt đầu từ việc năm nay có tang chồng.

Những lời chắc chắn. Khẳng định.

Nhã thẫn thờ khi leo xuống cái cầu thang khá dốc. Trên đường về, Nhã gọi cho mẹ, hỏi xem mình được sinh ra buổi nào trong ngày. Mẹ Nhã hơi khựng trước khi trả lời: Khoảng chừng chín giờ sáng. Lúc đó ba mày còn đang bận nhậu. Mới mở mắt ra thì đã say sưa. Đàn bà đi biển mồ côi, lấy phải thằng chồng ham mê rượu chè thì đúng là tàn mạt cả đời...

Nhã khẽ thở dài trước khi cúp máy. Bài trường ca ấy, Nhã đã quen nghe từ tấm bé. Thuở đó đất rộng người thưa, chỉ cần bước chân ra vườn là có thể hái được mớ rau trái, bắt được con tôm con cá con cua đồng cho bữa ăn hằng ngày nên người ta hồn nhiên thả mình cho những đam mê của tứ đổ tường chăng? Chẳng phải. Ngay cả khi phải bươn bả từ sáng đến tận chiều muộn ở văn phòng, thì người ta vẫn sẵn sàng bán luôn khoảng thời gian ít ỏi còn lại cho bia bọt quán xá đấy thôi. Nếu biết anh ham ăn nhậu như này, ngày đó tôi đã chẳng lấy anh. Cả hồi tuổi trẻ đã khổ vì ba tôi, ai ngờ lại vớ phải anh nữa chứ. Đúng là số phận mà!

Mấy lời cay đắng ấy, trong một trận xào xáo ồn ào, Nhã đã buông ra với chồng. Gằn từng từ một. Chồng Nhã im lặng, không phản bác, chẳng ý kiến hay giải thích chống chế gì. Giống như những năm sau này, anh cứ lừ đừ như một cái bóng trong nhà. Kệ mọi thứ cho một tay Nhã coi ngó.

Chồng Nhã làm kỹ thuật trong ngành viễn thông. Lương bổng tàm tạm. Từng có lúc, Nhã thấy chồng vất vả quá, muốn phụ đỡ một tay mà chẳng biết cần bắt đầu từ đâu. Thiện ý ấy dần mai một sau những đêm chồng đi nhậu khuya, những cuộc gọi không hồi đáp, những mâu thuẫn giải quyết bằng cách im lặng cho qua đầy bức bối... Chồng mình không biết thu vén sắp xếp, bản thân còn không chăm sóc được, thì có thể lo cho ai. Sống mà chẳng có bất kỳ dự định hoài bão nào. Ý nghĩ ấy ngày càng lớn, thuận với sự bất mãn và nguội lạnh trong lòng Nhã...

Câu tiên đoán đeo riết trong đầu. Nhã chợt nhớ ra, chồng cũng gần năm mươi rồi. Người ta bảo, đàn ông tuổi bốn chục mà chưa có sự nghiệp rõ ràng, thì cả đời làng nhàng không khá được. Tới giai đoạn trung niên sầm sập rồi, sức khỏe lẫn sự hứng khởi trong công việc bắt đầu trượt vào cái dốc bên kia cuộc đời. Không thể nỗ lực, phấn đấu, tranh đua với tụi trẻ nổi đâu.

Mấy năm sau này, Nhã hầu như thui thủi một mình. Chồng bám dính lấy cái máy tính xách tay, bất kể thứ bảy hay chủ nhật, lễ tết hay ngày thường. Nhiều đêm, Nhã nằm với con trong căn phòng nhòe nhoẹt ánh đèn vàng, nghe dưới nhà tiếng ho húng hắng, giữa khuya vắng vang lên mồn một. Một năm, chắc phải quá nửa thời gian chồng thức đêm cày việc. Dân kỹ thuật sao liên quan tới sổ sách, văn bản, thư từ nhiều thế không biết nữa. Đã hơn hai giờ sáng rồi. Nhã trở mình quần quật. Chỉ cần một tiếng động nhẹ thôi cũng khiến Nhã thức dậy, hiếm khi dỗ được giấc trở lại. Nằm đợi trời sáng chưa bao giờ là cảm giác dễ chịu. Nhã ôm lưng thằng con trai nhỏ đã ngủ say, đọc báo linh tinh trên điện thoại. Nhã đếm cừu, từng đàn, từng đàn. Sao cái giường cứ rộng rinh lạnh lẽo thế nào dù luôn đầy đủ chăn nệm? Hay khi người ta đã chẳng còn nhiều tham vọng bay nhảy thể hiện nữa, thì chỉ ước ao một giấc bình yên, bên cạnh ai đó gọi là bạn đời? Chỉ riêng Nhã, cuối cùng sẽ là cô độc, như lời gã thầy bói đã phán, thật ư?

Nhã ngồi dậy, bước xuống cầu thang. Chồng Nhã đang lơ ngơ nhìn vào màn hình. Nhã hỏi trỏng mà không mong câu trả lời:

- Sao không lên lầu mà ngủ với con đi, sắp sáng rồi.

Im lặng. Nhã tiếp tục:

- Thức hoài như vầy có khi đột quỵ chứ chẳng đùa đâu. Anh chợp mắt chút đi.

Người được nhắc tới lừng khừng rồi cũng đóng máy. Chỉ chừng mươi phút sau, Nhã đã nghe tiếng thở đều khó nhọc bên cạnh thằng con trai lớn. Dường như chồng Nhã chỉ cần ngả lưng là chìm ngay vào cơn mê mệt.

Hôm sau là cuối tuần. Nhã đi chợ, mua một ít cá bống nhỏ. Loại này kho tiêu, bỏ thêm nhiều hành ớt, vốn là món hảo của chồng. Thêm cà pháo để muối xổi. Ổi và xoài xanh. Nhã hí húi làm bếp. Xong rồi cũng bỏ qua lăn tăn để gửi chồng một tin nhắn: Anh về sớm mà ăn cơm, nhà có cá bống kho khô đấy.

Tin nhắn hồi đáp đến khá lâu sau đó: Ok, cảm ơn em!

Đó có vẻ như là sự kết nối đầu tiên, sau khoảng thời gian rất lâu hai vợ chồng Nhã sống trong ơ hờ mặc kệ. Tựa hồ một cây cầu nhỏ mà người ta rất cẩn trọng mới dám bước qua. Cuối cùng thì nhận ra, hóa ra bấy lâu bản thân đã quá giữ kẽ, thu mình trong nỗi phòng vệ vu vơ chẳng đáng...

Nhã mạng hỏa, thi thoảng hay tự giễu mình là “nóng tính võ công cao”. Chuyện chẳng to tát nhưng tâm tính vẫn cứ xui khiến đùng đoàng lên. Cũng vì thế mà nhà cửa dần bớt vui, trở nên lặng lẽ ngột ngạt một cách vô thức. Giờ, mỗi lúc gần lên cơn, Nhã chợt nhớ về lời bói toán. Bỗng dưng tự kiềm chế, dịu giọng lại. Ai biết được tương lai mai này. Lỡ đâu...

Năm nay có tang chồng. Nhã phân vân có nên chia sẻ thông tin ấy với nam chính hay không. Chẳng phải quá vô lý sao, tự mua dây buộc mình, đặt bản thân vào nỗi lo sợ lấp lửng. Nhưng im lìm ôm nỗi bí mật kia thì hơi quá sức Nhã. Nhắc chồng dè chừng hoặc chuẩn bị? Kiểu như nên cẩn thận hơn, đừng đi đêm về hôm nữa, nguy hiểm lắm. Đừng có vạ vật ngủ dưới sàn lạnh lẽo, trên đầu là cái quạt trần quay phà phà. Đừng uống rượu hút thuốc bất chấp thế kia...

Nhã loay hoay tự hỏi, nếu điều đó thành sự thật, mình sẽ phải làm gì, đối diện ra sao? Thao thức, Nhã hình dung ra sự sắp xếp của mấy mẹ con sau biến cố ấy. Đưa chồng về quê, nằm bên bà nội sắp nhỏ, hay thiêu rồi gửi vào chùa? Chắc chọn phương án hai, vì tụi nhóc còn có thể ra vào thắp nhang, nhớ về ba chúng. Thời buổi thế giới phẳng, nhanh lắm. Vụt qua là khuất hẳn. Là lãng quên liền. Một mình Nhã sẽ gánh trọn việc đưa đón dạy dỗ hai thằng con trai nghịch ngợm. Chở một lúc hai đứa trên xe máy liệu có ổn không? Khoản tiền hơn chục triệu hằng tháng chồng vẫn đưa, một mình Nhã có quàng nổi? Mình sẽ bán nhà mua chung cư nhỏ hay cứ sống ở đây? Việc cần đàn ông trong gia đình có nhiều không, sao bấy lâu Nhã chẳng nhớ tới? Cảm xúc của một người đàn bà góa bụa thế nào? Có bị soi mói tấn công không? Nhã thật chưa tưởng tượng hết...

Nhã vốn không phải mẫu người âm lịch, tin vào cái việc quét nhà ra rác ấy, nhưng lòng vẫn gờn gợn ám ảnh. Tại sao cái hôm ngồi bó gối chờ thời trên căn gác gỗ kia, Nhã lại bất giác nghĩ tới chồng cơ chứ. Rồi nhận ra chồng mình cả đời cực nhọc quá. Vui chơi giải trí hay nghỉ dưỡng đều là xa lạ. Anh hầu như chẳng có món đồ gì đáng giá. Cả xe lẫn điện thoại đều xài lại đồ cũ của vợ. Quần áo ít ỏi, có một cái đồng hồ điện tử chắc đánh rơi cũng không ai nhặt. Chẳng bù với Nhã. Những năm sau này, công việc của Nhã thuận lợi, có nhiều cơ hội gặp gỡ giao thiệp, Nhã dần dà thay đổi quan niệm sống, biết yêu chiều bản thân nhiều hơn. Dù không chủ đích so sánh, nhưng Nhã vẫn nhiều phen chạnh lòng, thất vọng về người đàn ông bên cạnh. Thấy tâm hồn mình như khép lại trước khách trọ chung nhà. Chán ngán. Sao mà chồng cứ lẹt đẹt lùi xùi hoài. Người đâu chậm lụt kinh khủng. Nhã không buông tay đã là một cố gắng rồi. Cứ bổn phận mà sống với nhau, giữ cha cho con, nắm níu mái gia đình vốn đã trống trải mục ruỗng hết à?

Nhã thấy mình lén quan sát chồng. Gò má hóp lại. Hai quầng mắt bụp xuống. Đầu tóc sơ sài, nhìn mà nản. Nghĩ cũng tội. Thiếu ngủ triền miên như thế, hỏi sao chẳng sa sút. Thôi thì Nhã dậy sớm, tranh thủ chở đứa nhỏ đến trường rồi mới đi làm, khỏi phải kêu chồng dậy đưa. Thiếu ngủ thật ra khổ lắm. Nó bào mòn sức khỏe lẫn sự tỉnh táo, trí nhớ, năng lực của người ta. Mỗi khi chủ động nhắn tin cho chồng, Nhã dần bớt đắn đo. Nhắc ăn trưa. Nhắc nhớ về sớm. Nhắc cuối tuần này cùng cả nhà ra ngoài chơi chút. Nhã chịu khó mua hoa về cắm vào bình. Làm siêng nấu thêm vài món ngon. Mua hoa quả tươi. Nhã biểu con mang nước cam ra bàn làm việc cho ba. Nhã mở tủ áo của chồng, loại bỏ đi các thứ cũ kỹ sờn rách, châm thêm đồ mới. Nhã làm tất cả những điều ấy trong tâm trạng phân vân. Kỳ cục.

Hết ngày tới tuần. Hết tuần đến tháng. Hết tháng là quý. Hết vài quý là năm gần trôi qua. Nhã thắc thỏm với thời gian. Nhiều lúc, Nhã tự trách bản thân tiền mất tật mang, tự chuốc bất an vào người. Phải như đừng có cuộc xem bói ấy, thì gia đình Nhã... Mỗi cuối ngày, đứng trong căn bếp, Nhã đều lắng chờ tiếng xe quen. Hình dung ra mình buông mớ xà lách rau thơm đang ngâm nước muối, đon đả chạy ra. Chồng Nhã tươi tỉnh, nét mặt lẫn dáng người anh có vẻ đầy đặn hơn, chắc nhờ nhiều bữa cơm nhà. Anh đưa Nhã cái túi giấy âm ấm. “Là hạt dẻ rừng em thích đấy, lâu lắm anh mới gặp người ta bán lại”. Tiếng chân huỳnh huỵch đưa bóng của hai thằng con trai đang xuống cầu thang. Một đứa hào hển:

- A, ba về rồi! Mình ăn cơm đi mẹ, tụi con chơi xong đói quá!

Những ấm êm dịu ngọt ấy bị tiếng chuông điện thoại ngắt ngang. Nhã giật bắn người nhìn đăm đăm cái số lạ trên màn hình. Ai gọi vào giờ này chứ? Nhã run rẩy bấm trả lời, nghe văng vẳng cái câu ma quỷ kia trong tâm tưởng mình:

- Alô?

- Xin lỗi, chị có phải là vợ của anh Toàn không ạ?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận