Truyện ngắn: Khảm hải muôn trùng

NÔNG QUANG KHIÊM 20/11/2020 23:11 GMT+7

TTCT - Người Tày sống ở miền núi, không có biển. Nhưng lại có hát khảm hải, tức vượt biển. Biển ở đây là không có thật, đó là biển khổ luân hồi...

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

Sau một tuần bỏ bản đi, chú Khảnh lại dắt díu vợ con về, hóa ra chú bán trâu, lợn, gà lấy tiền đi chữa bệnh cho Sương. Tiền chú Khảnh vay ngân hàng, anh em nội ngoại để đi học đại học trước đây vẫn chưa trả xong, giờ chữa bệnh cho con, tiêu tốn hết gia sản, nhà chú Khảnh lâm vào cảnh túng bấn. Chú Khảnh nộp hồ sơ xin làm ở xã, mấy xã gần đều không có hồi âm.

Có lần bố tôi nhờ chú Khảnh sang giúp dọi lại mái nhà, trong bữa cơm, rượu ngà ngà say, chú Khảnh than: “Trước đây thầy giáo em có nói, giá trị sống có thể thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh, giai tầng, nhưng có những giá trị vĩnh cửu là cái thiện và lòng tự trọng. Thế mà giờ người ta đánh rơi lòng tự trọng nhiều quá, nào chạy việc, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy cả chỗ mai táng. Buồn quá anh ạ, rồi cái gì cũng phải ệ, thứ nhất quan hệ, thứ hai tiền tệ, thứ ba hậu duệ... mình không có những thứ đó...”. Bố tôi động viên: “Chú đừng nghĩ vào lối cụt thế, đó chỉ là một thành phần rất nhỏ, như mấy cái cây mối mọt trong rừng, phải vững lòng đi lối của mình”. Chú Khảnh cầm chén lên dốc cạn. Chú càng ngày càng hay uống rượu. Người chú quắt lại như con cá tép dầu khô, tóc lúc nào cũng rối bù, xơ xác. Chú làm đủ mọi việc có thể kiếm ra tiền như tìm tổ ong khoái bán cho kẻ ngâm rượu, đào củ bách bộ bán cho người làm thuốc nam, lên rừng lấy nứa bán cho dân đan rọ tôm, nhặt quả trẩu, đánh lươn. Cơm, áo, gạo, tiền dồn hết lên chú Khảnh.

Ông nội tôi làm thầy pựt (1), bố tôi con nhà nòi, nối dõi ông nội, là thầy pựt nổi tiếng trong vùng. Trong bản có người muốn cầu an, cầu trường thọ, giải hạn, gọi vía hay cầu tự đều tìm đến mời bố tôi làm pựt. Thỉnh thoảng bố tôi lại nghỉ đánh rọ về làm pựt. Cái nghề làm phúc, nhưng mọi nhà thành tâm, lễ lạt chu đáo nên cũng có đồng ra đồng vào. Tuy có một điều làm bố tôi suy nghĩ là đang có các luồng văn hóa khác lạ mò đến bản. Thanh niên bản bây giờ thích hát nhạc mới, nhạc thương mại, vừa gào vừa nhảy càng thích, nhiều người không còn thuộc hát khắp, hát cọi, hát pựt. Bản sắc dân tộc đang mờ dần. Ở bản chỉ có bố tôi theo nghề thầy pựt. Bố tôi bảo, đó là tinh thần, là hồn cốt người Tày mình, phải giữ.

Bố tôi để ý đến chú Khảnh vì chú mê hát pựt, giọng chú truyền cảm, ngân vang ấm áp. Giờ thấy chú Khảnh lâm vào cảnh lao đao, bố tôi muốn lấy hát pựt để làm chỗ dựa tinh thần cho chú, cũng có thể bố tôi còn có ý sâu xa hơn là truyền nghề làm pựt cho chú Khảnh. Nhân có cuộc hát pựt trong bản, bố tôi nói khéo: “Hay chú theo anh hát pựt, nhiều đám quá, có cả những đám ở các xã bên, anh đi không xuể...”. Chú Khảnh suy nghĩ hồi lâu rồi bảo: “Hát pựt không thể là nghề kiếm ăn được anh ạ. Với lại sau này, khi người ta gọi em đi làm, em sẽ dành toàn tâm toàn ý cho công việc”. Đợi mãi, vẫn chưa có nơi nào gọi chú Khảnh đi làm.

Chiều tối nay thím Khảnh sang tìm bố tôi, mắt thím đỏ hoe. Bố tôi hỏi có việc gì, thím bảo chú Khảnh bỏ nhà đi rồi. “Chú Khảnh đi đâu? Đi làm gì?”, bố tôi lo lắng. Thím Khảnh sụt sịt: “Sáng dậy em vẫn tưởng anh ấy đi lên rừng nhặt nhạnh kiếm tiền như mọi khi, nhưng đến chiều không thấy anh ấy về, em mới để ý thấy cái túi pác lặt không còn treo trên cột, anh ấy đi mang theo cả vòng bạc cưới, cả bộ xà tích cùng cái cối giã trầu bằng bạc của bà nội. Toàn kỷ vật sống chết cũng phải giữ...”. Nghe đến đây bố tôi đã đoán ra mọi chuyện, ông thốt lên: “Hoàn cảnh cũng khiến chú Khảnh bỏ rơi lòng tự trọng rồi ư?”. Thím Khảnh nhìn bố tôi: “Anh nói gì em không hiểu?”. “Chắc chú Khảnh đi chạy việc thôi, thím đừng lo, sau này chú ấy khắc chuộc những thứ đó về”. Thím Khảnh ngừng khóc: “Chồng em thế đấy, có gì chẳng bao giờ bàn với vợ con. Một tấm vải đen có một đốm trắng, thì đốm trắng ấy sẽ bị nhuốm đen chứ không thể loang trắng hết tấm vải được anh ạ. Nhiều lần em bảo với anh ấy rồi, không thể cứ ngồi ở nhà mà đợi việc”. Nói rồi thím Khảnh chào bố tôi ra về. Bố tôi nhìn theo thím Khảnh, mặt bố buồn đến thảm hại.

Chừng một tháng sau chú Khảnh có quyết định làm chuyên viên văn phòng ủy ban xã. Chú thím hớn hở bắt gà làm cơm mời bố tôi sang ăn mừng. Có trình độ, thông minh, làm việc hết mình, mới nhận việc, chú Khảnh đã hoàn thành tốt mọi việc. Chủ tịch xã, sếp của chú Khảnh là ông Hách, bạn học cùng chú Khảnh từ lớp một đến hết cấp ba. Trước chú Khảnh học giỏi nhất lớp, ông Hách học dốt nhất lớp, ông Hách luôn tìm cách nịnh nọt chú Khảnh để chú cho chép bài. Nếu không có chú Khảnh thì ông Hách chắc hẳn đội sổ cả mười hai năm. Học hết cấp ba, ông Hách thi trượt trung cấp chuyên nghiệp, phải đi học sơ cấp, sau đó học lên trung cấp quản lý nhà nước hệ tại chức. Chú Khảnh học đại học kinh tế hệ chính quy. Giờ ông Hách là lãnh đạo, chú Khảnh là nhân viên, mọi sự đảo ngược. Vì muốn thể hiện mình hơn chú Khảnh nên mọi việc chú Khảnh làm đều bị ông Hách chê bai. Lo chú Khảnh vượt mặt nên ông Hách luôn thể hiện cái uy của người lãnh đạo bằng việc chửi, bất kể đúng hay sai, không cần biết người nghe có tâm phục khẩu phục hay không. Bàn ghế không thẳng hàng, sân ủy ban nhiều lá rụng, nước phích không đủ nóng, bóng điện, máy tính hỏng, vân vân và vân vân đều lỗi chú Khảnh. Những việc chú Khảnh làm được như xây dựng đề án xã du lịch cộng đồng thành công, vận động dân hiến đất làm đường, bỏ nuôi gia súc dưới gầm sàn, vân vân và vân vân đều bị ông Hách lờ đi hoặc nhận công về mình. Công việc rõ mồn một ra đấy, mọi người đều nhìn thấy tâm huyết và tài năng của chú Khảnh nên ở xã ai cũng yêu quý, nể phục chú. Càng thế ông Hách càng coi chú Khảnh như cái gai trong mắt, nơi để ông trút bỏ mọi bực dọc, trong khi chú Khảnh phục vụ ông Hách hết lòng. Đồng nghiệp chú Khảnh chọn cách không làm gì để không mắc lỗi, còn với chú Khảnh, làm hay không làm đều bị mắc lỗi.

Đi làm một thời gian chú Khảnh càng ít nói và uống rượu nhiều hơn. Chú nhẫn nhịn mọi thứ, tất cả vì yêu công việc, vì cơm áo vợ con. Nhưng hôm nay ông Hách bắt chú Khảnh làm một việc mà chú không thể chấp nhận nổi. Nguyên do vì bão lũ, mất mùa liên miên nên nhiều hộ dân lâm vào cảnh khốn khó, không có tiền nộp thuế và các loại phí khác. Tuy chẳng đáng là bao nhưng trong hoàn cảnh này tiền để mua gạo còn không có, lấy đâu ra. Ông Hách bảo chú Khảnh là người gần dân nên giao nhiệm vụ cho chú xuống từng hộ, nhà nào có gà bắt gà, có chó bắt chó, có sắn nhổ sắn. Chú Khảnh phải mang những thứ đó ra chợ bán, lấy tiền trừ vào tiền thuế cho các hộ dân. Chú Khảnh nói: “Nộp thuế là nghĩa vụ của mỗi người dân nhưng không thể thu bằng cách đó anh ạ...”. Ông Hách đùng đùng nổi nóng, mắt vằn lên quát: “Sắp đến kỳ bầu lại chủ tịch xã rồi, thuế không hoàn thành, huyện còn nhìn tao ra cái gì nữa, hay mày muốn tao mất uy tín, mất chức để mày leo lên...”. Chú Khảnh đi về, miệng lẩm bẩm: “Không thể được, không thể làm thế được!...”. Hôm ấy về chú Khảnh uống rượu cả đêm, người say mềm. Sáng hôm sau chú vẫn lẩm bẩm: “Không thể được, không thể làm thế được! Hách ơi mày sai rồi, nếu không vì cơm áo vợ con, tao không nhịn mày đến bây giờ...”.

Ông Hách đến nhà tôi, tưởng đến tìm chú Khảnh, tiện đường thì rẽ qua, nhưng không, ông Hách tìm bố tôi, mời bố tôi về làm pựt. Bố tôi hỏi: “Nhà có người ốm hay gặp vận hạn gì sao?”. Ông Hách xua tay, cười gượng: “Là thế này, mấy hôm nữa xã bầu lại chức danh chủ tịch ấy mà, em muốn nhờ thần linh ủng hộ cho cái chức be bé đó, là cầu tước, cầu may thôi...”. Mặt bố tôi bỗng sắt lại: “Làm pựt cầu chức tước ư? Nghề pựt chỉ có cầu an, cầu trường thọ, giải hạn, gọi vía hay cầu tự, cầu phúc. Từ xưa tới giờ đã có ai cầu chức tước?...”. Ông Hách vừa sốt sắng vừa khẩn khoản: “Thì bác cứ làm pựt bình thường rồi cầu cho em vài câu...”.

Không thể tin nổi bố tôi lại gật đầu kèm theo một câu thật dõng dạc: “Được! Chú cứ về chuẩn bị lễ”. Hôm làm pựt, ông Hách bắt chú Khảnh đến để chuẩn bị đồ lễ. Khách đến dự lễ đông lắm, cả ủy ban xã, các trưởng bản, anh em, họ hàng ngồi kín nhà. Làm pựt chỉ tiến hành về đêm, lúc đã ăn cơm tối xong, cuộc hát kéo dài đến sáng. Các mâm lễ được bày ra. Đèn, hương trên bàn thờ và các mâm lễ được thắp lên. Bố tôi bắt đầu mặc áo, đội mũ, trong vai Quan Slay đưa các lễ vật lên dâng lễ Tổ để cầu theo ý nguyện của gia chủ. Bố tôi ngồi xếp bằng tròn, chân xóc mác rính (2), tay múa quạt, miệng hát. Tiếng nhạc xóc và lời hát uyển chuyển, lúc rộn rã, lúc khoan thai theo từng trường đoạn. Muốn dâng được lễ Tổ phải vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả. Hành trình đi dâng lễ qua đồng Mụ Sa A Mụ Nùm, đến đồng cỏ cứa, vực trâu đằm, vịt lội, qua rừng già chó sói, đến nơi ở của Dạ Dìn...

Hát đến đây, trong bản tiếng gà đã gáy eo óc, báo hiệu sang ngày. Bố tôi nghỉ một lúc rồi như nhập đồng, tiếp tục vào hát đoạn khảm hải. Làm pựt có nhiều trường đoạn, nhưng trường đoạn khảm hải là hay nhất, hấp dẫn nhất. Lúc này bố tôi không còn trong vai Quan Slay nữa mà trong vai Sa Dạ Sa Dồng, một nô lệ chèo thuyền, vượt biển, đưa lễ vật lên dâng Tổ. Mọi người chăm chú, mê mải nghe bố tôi hát, nhiều người lẩm nhẩm hát theo. Nỗi lòng người nghe cùng xót thương cho cuộc đời của Sa Dạ Sa Dồng. Lời hát tha thiết, cảm động khiến nhiều người rơi nước mắt: “Khổ không chết mới sống/ Chèo đi thôi chèo đi/ Nước biển đỏ như máu/ Nước biển nóng như lửa/ Cay đắng lắm đời Sa Dồng vượt biển...”. Người Tày sống ở miền núi, không có biển. Nhưng lại có hát khảm hải, tức vượt biển. Biển ở đây là không có thật, đó là biển khổ luân hồi, biển khổ dưới âm ty đầy ma quỷ, tương ứng với những gian nan mà con người phải trải qua ở trần gian.

Chú Khảnh ngồi xuống cạnh bố tôi từ lúc nào. Mắt chú đỏ rưng rưng, giọng hát chú Khảnh buồn buồn ngân vang hòa cùng giọng hát bố tôi. Chú Khảnh cùng hát khảm hải mà như đang kể về nỗi thống khổ của mình: “Chao ơi! Trời đất ơi!/ Cay đắng lắm, cực nhục thay/ Thân phận nỗi này, sống chết làm sao/ Đời hóa thành Sa Dạ sang sông/ Kiếp người làm Sa Dồng qua biển/ Tôi thấy cay cho phận tôi lắm/ Tôi thấy đắng cho phận tôi nhiều/ Trời đất ơi, cha mẹ hỡi/ Sinh con về nỗi khổ con mang/ Lấy nước mắt rửa mặt/ Đêm ngày chảy hai hàng.../ Bao giờ mới được quản cửa nhà/ Bao giờ mới lo toan chồng vợ.../ Thân tôi khổ đến chết/ Dưới bãi chẳng sợi rơm/ Cổng vườn không vỏ trấu...”.

Đang hát, chú Khảnh như bị ma nhập, người chú run lên bần bật, mặt đỏ phừng phừng. Bất chợt chú Khảnh đứng phắt dậy, leo thoăn thoắt lên cột nhà sàn, rồi đi như chạy trên các xà nhà. Mọi người há hốc mồm kinh ngạc. Một lúc, chú Khảnh nhảy bụp xuống, ôm lấy đám gai pựt mà nhà ông Hách chuẩn bị để bố tôi khửn tắng (3). Chú đặt đám gai pựt lên ghế và ngồi chồm chồm lên như thầy pựt khửn tắng. Những chiếc gai pựt sắc nhọn, tua tủa không hề đâm vào thịt da chú Khảnh. Mấy cụ già dự lễ ồ lên. “Slay (4) nhập rồi! Nó có căn làm thầy pựt”. Bố tôi bấm đốt ngón tay, rầm rầm khấn. Bố nhấp một ngụm nước thanh táo rồi thổi phù lên người chú Khảnh. Chú Khảnh bỗng ngã đùng ra. Chú dần trở lại bình thường, nhìn mọi người ngơ ngác. Lúc này bố tôi mới lên tiếng: “Tổ, Slay đã chọn chú Khảnh là truyền nhân. Căn đến rồi, làm sao thoái thác...”. Chú Khảnh đứng dậy, đi đến trước mâm Slay, cúi lạy, miệng khấn: “Từ mai con xin rũ bỏ bụi trần, tiền tài, danh vọng để theo nghề hát pựt...”. Ông Hách nhìn chú Khảnh, mặt nóng lên, các cơ mặt căng ra, giật giật.

Khảm hải đã xong, lễ vật đã được dâng lên Tổ, Slay. Bố tôi bắt đầu khấn cầu: “Con thỉnh mười gốc thánh/ Thỉnh tới chín gốc Slay/ Mời Slay xuống trần thế giải vận/ Mời Slay xuống gia đình cầu may/ Cho gia chủ Hoàng Văn Hách/ Từ nay đi về trước/ Từ nay bước về sau/ Cái ốm không đến đòi/ Cái bệnh chẳng tới quấy/ Làm mọi việc như ý/ Nghĩ cái gì cũng xuôi/ Biết trọng dụng nhân tài/ Sống có tình có nghĩa/ Không cậy quyền cậy thế/ Không ức hiếp chửi rủa/ Biết lo cho dân làng/ Như thế mới được an/ Sung sướng chảy về mình/ Lo sầu bay tan biến/ Nhà Slay xuống giải vận cho an/ Nhà Slay xuống giải hạn cho may...”. Nghe đến đây mặt ông Hách từ nóng giần giật chuyển dần sang tái tím. Trong những người đến dự lễ, nhiều người có vẻ hể hả vì chẳng ai dạy được ông Hách, thì hôm nay, lời hát pựt dạy ông. Bố tôi lấy mào làng (5) châm lửa đốt. Tay bố lại nhúng cành thanh táo vào bát nước, vẩy về phía ông Hách. Cứ sau một cái vẩy, ông Hách lại cúi rạp người xuống lạy tạ. Tiếng gà đã rộn lên báo hiệu trời sáng. Đêm hát pựt kết thúc, mọi người lục tục ra về. Riêng ông Hách làm lễ xong mà như người mất vía.

Hôm sau chú Khảnh viết đơn xin nghỉ việc ở xã. Chú bảo với bố tôi vẻ đầy tự tin: “Xã ta là xã văn hóa, rồi sẽ thành điểm du lịch cộng đồng không thể thiếu của huyện. Khi ấy những đêm hát pựt sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch...”. Bố tôi trầm ngâm, có lẽ bố tiếc cho một người tài bị bỏ rơi, nhưng cũng yên tâm vì chú Khảnh tìm lại được chính mình.

Khách du lịch chưa thấy ai, chỉ có lời hát pựt khảm hải của bố tôi và chú Khảnh đêm đêm vẫn ngân vang. Tiếng hát âm âm vọng vào vách núi, mênh mang tan trên mặt hồ: “Chao ơi! Trời đất ơi!.../ Tôi thấy cay cho phận tôi lắm/ Tôi thấy đắng cho phận tôi nhiều.../ Dưới bãi chẳng sợi rơm/ Cổng vườn không vỏ trấu...”.■

Chú thích:

(1): Một nghi lễ hát diễn xướng trong cầu cúng của người Tày;

(2): Bộ nhạc xóc bằng đồng;

(3): Lễ nhập đồng nhảy ngồi trên những chiếc gai nhọn;

(4): Tổ nghề;

(5): Hình nhân được yểm bùa chú.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận