Truyện ngắn: Ngày về

ĐINH NGA 20/03/2006 00:03 GMT+7

TTCT - Con đường từ khu ký túc xá đến xưởng may dài 300m, băng qua năm căn nhà nhỏ vuông vức có những mảnh sân đất nâu xỉn vào mùa hè và trắng xóa vào mùa đông. Có 13 cây hoa không biết tên là gì, xanh um vào mùa hè, lá vàng ruộm vào mùa thu, trơ thân gầy guộc vào mùa đông, cho đến khi tuyết tan thì chỉ sau một đêm đã bung đầy những cánh hoa vàng mong manh.

 
Minh họa: Hoàng Tường

Hoa nở trước khi lộc nõn đâm đầy cành. Ngoài cổng xưởng may có một hàng phong du xinh xắn. Chiếc lá phong xòe như bàn tay thiếu nữ, có đủ sắc màu nhưng tôi yêu nhất khi lá có màu đỏ rực. Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa/ Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa. Tôi biết đó là thơ của Tế Hanh. Những câu thơ hay và rung động lòng tôi như thế đều do mẹ đọc cho tôi chép vào sổ tay, khi tôi là một cô học sinh giỏi văn nhất trường. Mỗi khi đi dưới hàng phong du, tôi cố tình đi thật chậm, nhón chân trên thảm lá và chờ đợi một bàn tay đỏ xinh chao nghiêng xuống vai.

Cuộc sống vất vả khiến cô gái phải thường xuyên làm những phép tính. Phép tính cho gia đình, cho chính mình, phép tính của ngày hôm nay và cả ngày mai. Vì hoàn cảnh mà cô phải làm phép đếm ngược, cô gọi là “phép trừ”, cứ trừ dần dần, trừ được ngày hôm nay để cho nhanh đến ngày mai, để mau chóng đến ngày đoàn tụ với gia đình. Biết bao nhiêu con người không được sống với hiện tại mà chỉ mong nó chóng qua như thế?

Mong sớm đến ngày về, nhưng rồi ngày về cũng đột ngột hiện ra như một mối đe dọa. Bao nhiêu là thành kiến định kiến, bao nhiêu là thái độ thiếu cảm thông thiếu bao dung đang chờ ở đằng trước. Liệu cô và những người như cô có thể vững vàng mà đối mặt được hay không?

Những lời thủ thỉ như là tâm sự, như là tự thú, cầu mong lòng bao dung và thông cảm của người đời. Cùng lúc, đó cũng là thái độ tự thức tỉnh của những người trẻ.

      HỒ ANH THÁI

Hàng phong du dài 27 bước chân luôn cho tôi thêm nguồn động lực mạnh mẽ để bắt đầu một ngày làm việc dài 12 tiếng trong xưởng may. Và khi trở về căn phòng 16 mét vuông bức bối cùng ba người bạn khác, tôi thường nằm trong góc đăm đăm nhìn qua cái cửa chớp nhỏ xíu để thảng hoặc tìm cho mình một vì sao nhỏ bé. Giấc ngủ chập chờn đến trong cơn mệt mỏi rã rời và những giấc mơ ngày trở về.

Tôi đã ở Kumi được gần ba năm. Đó là khoảng thời gian thực hiện hợp đồng lao động được chạy vạy với cái giá 50 triệu. 30 triệu cho công ty ở Việt Nam, sẽ được hoàn lại nếu khi về nước tôi vẫn làm việc cho công ty; còn 20 triệu kia là để chi cho “suất được đi” của tôi. Số tiền ấy với gia đình một bà giáo già một nách bốn con nhỏ là quá sức. Nhưng nếu được qua Hàn Quốc làm trong ba năm tôi sẽ có 10.000 đôla.

Khi về, trả hết nợ 50 triệu tôi vẫn còn hơn 100 triệu, và khoảng nửa năm sau tôi sẽ được công ty trả lại 30 triệu nữa. Con số được vạch tính kỹ càng với niềm khấp khởi mong mỏi sẽ có được dàn máy tính của hai thằng em đang học cấp III. Và cả tôi nữa với ước mơ được lên giảng đường đại học. Tôi đã khao khát biết bao được trở thành cô giáo dạy văn bay bổng và yêu nghề như mẹ, thế mà vừa tốt nghiệp cấp III tôi đã phải xếp giấy bút, giã từ miền quê sông nước, trở thành công nhân của khu công nghiệp.

Tôi ra đi và tự nhủ khi nào hai thằng em lớn thêm, kinh tế gia đình ổn định mình sẽ thi vào trường cao đẳng sư phạm của tỉnh. Rồi tôi sẽ trở thành cô giáo như ai... Và với số tiền ấy tôi còn mua được cho mẹ tôi một đôi khuyên vàng, đôi khuyên giống như của hồi môn mà bà nội cho mẹ nhưng đã phải bán đi vì căn bệnh hiểm nghèo của cha tôi. Mẹ hay nói rỉ rả về ước mơ có được đôi khuyên vàng tròn vành vạnh và to bằng chiếc lắc tay của trẻ sơ sinh mà bây giờ các cô gái không còn đeo nữa. Chỉ để khi thằng Tiến lấy vợ mẹ sẽ có của hồi môn cho con dâu.

Mẹ dứt khoát bán rẻ mảnh đất sau nhà với giá 30 triệu. Còn 20 triệu để lo đi, hai mẹ con tôi vượt 170 cây số lên Sài Gòn làm giấy vay nợ anh rể với tiền lãi theo đúng thời giá ngân hàng. Chị Hai rưng rưng nước mắt đứng sau cánh cổng tiễn hai mẹ con tôi về sau khi dúi vào tay tôi sợi dây chuyền hơn một chỉ vàng Tây. Sợi dây ngày xưa mẹ cho chị lấy chồng đã bị anh rể nhăn mặt bảo không được đeo vì mỏng mảnh quá.

Tôi vẫn còn giữ sợi dây chuyền vàng ấy, giấu kỹ trong lớp áo lót không rời. Những khi được ra ngoài vui chơi mua sắm, dù bị mê hoặc với những áo quần, mỹ phẩm tôi cũng không dám nghĩ đến sẽ bán nó đi. Tôi chờ ngày trở về đưa tận tay chị Hai. Ngày đó không còn xa nữa...

Mỗi sáng sớm, khi lập cập lội bộ trong đám tuyết trắng xóa, đi qua những ngôi nhà cửa đóng bình yên say giấc, tôi lại nhẩm tính ngày về. Những phép trừ từng ngày, từng ngày được tôi nhẩm tính như một học trò nhỏ lần đầu tiên làm phép tính. Nó được đánh dấu bằng cái giá buốt của mùa đông. Khi run rẩy cởi áo quần ra, nhúng chiếc khăn vào chậu nước lạnh giá để lau mình, tôi lại lập cập tự bảo với mình chỉ còn thêm một chục, không, cũng phải ba chục lần như thế này nữa thôi, tôi sẽ được về nhà thỏa thích tắm nước mưa trong đêm mùa hè mát rượi của vùng đồng bằng châu thổ quê hương.

Đó là những buổi chiều thứ bảy khi những công nhân người Hàn Quốc về nhà, ký túc xá thường bị mất điện một cách ngẫu nhiên, và chúng tôi phải ở trong tình trạng chỉ dám lau mình qua loa bằng nước lạnh cho khỏi hôi hám, bứt rứt vì ngoài trời âm vài độ C và tuyết đang rơi lặng lẽ...

Đêm, chúng tôi ôm nhau ngủ. Có đứa khóc vì lạnh. Tôi nghe tiếng bạn nấc nhè nhẹ sau lưng mình, hay chỉ là những đợt run rẩy vô thức trong cơn mê? Tôi cũng muốn khóc nhưng nước mắt dường như cũng không thể chảy ra được. Khóe mắt tôi như bị đóng băng.

Ngày về được trừ dần theo những bữa ăn lạnh tanh, hăng hăng toàn mùi gia vị, nhất là vị cay xé, trong căngtin xưởng may. Những bữa ăn được tính từng phút giây, đôi khi chỉ vì cười nói vài ba câu với một người mà không còn kịp uống nước vì tiếng kẻng báo giờ đã gióng giả xối vào tai. Tôi 21 tuổi, còn chưa hết giai đoạn dậy thì mà bụng đã hằn những ngấn, tay nổi đường gân xanh chằng chịt và lưng còng xuống, mắt mờ đi, tóc bết vào da đầu vì thiếu ánh nắng.

Tôi dường như nhìn thấy chính xác chân dung của mình khi nhìn sang cô bạn đang cúi gằm bên bàn may. Một phút nhói lòng, tủi hổ. Đôi khi tôi thấy mình may mắn vì có những phút giây lơ đãng, suy tư nhìn lại chính mình trong khung cảnh bức bối, ồn ã và đầy cảnh giác của xưởng may này. Nơi mà chỉ cần ai đó ngừng tay hay ngẩng đầu lên để chựng một nhịp máy thì ngay lập tức từ xó xỉnh nào đó tay giám sát ló đầu ra chửi xối xả bằng ngữ điệu cao vút của người Hàn Quốc. Tôi gọi ông ta là ngài “a... ta... da...”.

Ông ta trợn mắt, chống nạnh “a... ta... da...” liên hồi, tôi vẫn cúi mặt bình tĩnh may. Ông ta dúi đầu tôi xuống nhịp nhàng với ngữ điệu “a... ta... da...” của mình. Tôi đau nhưng muốn bật cười. Tôi không hiểu ông ta dùng những lời lẽ như thế nào với mình. Tôi cố tình không muốn hiểu. Nhưng dần dà ông ta cũng nói được vài ba câu chửi thề của người Việt, chửi ngọng nghịu và tục tĩu, càng làm tôi buồn cười hơn.

Tôi chỉ cách cho người bạn của mình: cứ nghe ông ta “a... ta... da...” hay “đ.m” bằng một nhịp điệu trầm bổng của người Hàn thì sẽ không thấy buồn, không thấy tủi hổ nữa. Tôi chỉ buồn khi thấy một vài người Việt mình học thói quen cúi gập mình mà chào tay tổ trưởng, tay tổ trưởng lại cúi gập mình chào ông giám đốc. Nó hình thành một đường zich zăc gãy gập chướng mắt.

Rồi một buổi sáng, khi đi ngang qua những hộp giấy vun đầy những trái táo đỏ tươi, tôi òa lên hít hà vui mừng. Một giỏ táo xinh xinh có khoảng bảy trái, giá chỉ 4.000 đồng tiền Việt. Táo ngọt và tươi vì vừa được hái xuống. Vừa cắn những miếng tươi giòn, vừa ngắm những cây táo chiu chít trong vườn, tôi vừa nhẩm tính phép trừ của mình.

Chỉ còn một tuần nữa thôi. Hôm nay đã là ngày cuối cùng ở xưởng, tuần sau chúng tôi sẽ được nghỉ xả hơi để đi Seoul mua sắm lo liệu cho ngày về. Từ Kumi lên Seoul cũng mất hơn năm tiếng đồng hồ. Tôi đi cho biết thành phố đô hội từng rực rỡ trong những bộ phim Hàn đang hút hồn phụ nữ VN chứ thật lòng không dám nghĩ sẽ mua những gì.

Ba năm dằng dặc và khổ ải của tôi đổi lấy được hơn 100 triệu chia đều cho bốn ước mơ nên không có phần cho một bộ mỹ phẩm Hàn chính hiệu, hay một chiếc áo mốt mà Song Hye Kyo đã mặc. Tôi ngập ngừng cười tách khỏi đám bạn, ngập ngừng gọi chụp vài pô hình lấy toàn cảnh mình đứng bên đường phố Seoul làm kỷ niệm, sau đó chọn một góc ngồi ngắm phố xá.

Những hình ảnh này có thể suốt đời tôi không bao giờ còn nhìn thấy nữa. Với Hàn Quốc thế là đã quá đủ. Tôi đang ngồi thì có một cô gái trẻ bỗng tiến lại gần, rồi ngập ngừng nói bằng tiếng Việt:

- Chị là người VN phải không ạ!

Tôi mừng rỡ vì gặp đồng hương, người mới từ quê nhà sang đây, trên đôi má đỏ au kia dường như còn vương chút nắng rực rỡ của miền Nam. Cô gái tự nhiên khoe mình là sinh viên, đi du lịch cùng gia đình. Cô gái nói nhận ra tôi là người Việt mình vì đôi mắt tròn vo và có lẽ có đến ba bốn mí nổi rõ.

Còn con gái Hàn da trắng, mặt tròn và mắt một mí. Rồi cô vô tư nhận xét nói chung là người Việt mình đi đâu cũng dễ nhận ra vì một kiểu ngồi hay cử chỉ rất VN, có thể là hơi quê mùa, thiếu tự tin; và còn vì một vẻ đẹp nhẫn nhịn, đôn hậu... Rồi cô gái chỉ đám bạn công nhân đang vui vẻ chụp hình bên những chiếc xe hơi bóng loáng đậu dọc phố mà nói:

- Chị thấy họ không, không phải em nghe họ nói chuyện rồi mà nhận ra họ là người Việt mình đâu, mà em thấy cách họ chụp ảnh đấy. Người nước ngoài họ đi du lịch thường thích tìm hiểu và ghi nhận những hình ảnh về nơi họ đến, còn người mình chỉ toàn lo chụp hình mình, chỉ cốt để cho biết mình đã từng đến đó...

Tôi không trả lời, nhìn cô gái còn trẻ quá, nhưng cách nói của cô có vẻ chững chạc, người lớn. Trên cổ cô có đeo một chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ xíu, ăn mặc rất đẹp, ra dáng là một cô gái nhà giàu. Tôi muốn nói cô hãy thông cảm cho các bạn của mình, hay cả những người VN khác nữa. Tại sao lại phải chấp nhất những chi tiết như thế. Nhưng cô gái nhỏ vẫn tiếp tục nói ý nghĩ của mình:

- Em nghi mấy chị đó là công nhân xuất khẩu lao động quá chị ha? Em có đọc báo thấy viết về họ nhiều lắm, có nhiều cô qua đây “cặp” với mấy ông nhà giàu để kiếm tiền. Rồi chuyện họ còn gian lận, ăn cắp thẻ gọi điện quốc tế nữa... làm xấu hổ cho người VN.

Tôi ngồi lặng đi, tái tê. Hình như có ai đó gọi cô gái và cô chào tôi mà đi, chẳng kịp hỏi tôi là ai hay giới thiệu mình là ai. Giọng Sài Gòn dễ thương và có chút hơi hướm quê nhà mới nguyên của cô gái đang cứa vào lòng tôi. Và tôi lại nhẩm tính phép trừ ngày về. Lần đầu tiên tôi thấy mình đối diện với một nỗi hãi hùng khi nghĩ đến ngày về. Cô bạn cùng phòng của tôi chưa bao giờ mơ đến ngày về.

Tôi biết nó đã cố gắng muốn làm quen với tay giám sát, tay tổ trưởng, thậm chí cả tay bảo vệ nữa. Và sau những mưu tính, những bẽ bàng, cuối cùng nó cũng đạt được ý định: ngày mai sẽ không phải là ngày về của nó như tôi. Liệu những người hàng xóm có nghĩ về tôi như thế không. Họ có nói bóng gió trước mặt mẹ tôi về một đứa con gái ba năm ở Hàn Quốc biết đâu sẽ cặp với một người nào đó đáng tuổi cha chú hay không.

Và báo chí nữa, những bài phóng sự dài về những chuyện làm trái hợp đồng, ăn cắp thẻ... ấy liệu có làm cho mọi người ở quê hương nhìn chúng tôi ngày trở về với một đôi mắt khác hay không. Tôi nhói lòng nhớ đến mẹ. Đêm giao thừa mẹ đã đi bộ hai cây số sang nhà ông Bảy ngồi đợi từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối để tôi điện thoại về chúc tết.

Tôi nghe tiếng mẹ gọi con ơi, rồi suốt bảy phút đồng hồ hai mẹ con chỉ biết khóc. Cái thẻ ăn cắp ấy đã cho tôi và những người bạn của tôi được khóc, và để cho tiếng khóc của chúng tôi bay về với quê hương. Có phải mọi lỗi lầm cũng nên được nhìn dưới nhiều góc độ mà phán xét. Và dẫu có lỗi lầm chăng nữa vẫn có một điều gì đó đáng để bao dung, tha thứ...

Chỉ còn một tuần nữa thôi là đến ngày về. Tôi bỗng nhớ lời mẹ dặn: “Con đi ráng giữ gìn sức khỏe và cố gắng làm việc vì ước mơ của mình nghen con. Mẹ nghèo không lo được cho con...”. Tôi đã sống, đã làm việc vì ước mơ được đứng trên bục giảng ngày trở về. Tôi sẽ trở về với ước mơ và cả trái tim còn nguyên vẹn.

Cây bút trẻ Đinh Nga (sinh năm 1980) đã tốt nghiệp cử nhân báo chí (2002), hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, hiện công tác tại tập san Dưới Mái Trường (Sở GD-ĐT Đồng Nai). Có truyện ngắn và thơ đăng trên Tuổi Trẻ, Phụ Nữ Chủ Nhật, Văn Nghệ Đồng Nai, Mực Tím, Áo Trắng... Đã in: tập truyện ngắn Lá vỡ (NXB Kim Đồng).

Nga kể: “Đầu tiên, tôi đặt cho truyện ngắn của mình cái tên Giọt nước mắt của ngày về. Và đó không hẳn là một truyện ngắn được sáng tác, mà là câu chuyện của một người em gái tôi quen.

Câu chuyện em kể với tôi không có một giọt nước mắt nào, em kể bằng chất giọng hồn nhiên như người đi xa về kể chuyện. Nhưng tôi nghe mà muốn rơi nước mắt.

Khu công nghiệp ở Đồng Nai không ít lần đưa tiễn những cô gái vừa giã từ màu áo trắng học trò đi xuất khẩu lao động như thế, và có người đi đã không hẹn ngày về...”.

 

 Minh họa: Hoàng Tường

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận