​“Tư cách” nào cho chợ Long Biên?

ĐỨC HOÀNG 22/07/2015 17:07 GMT+7

TTCT - Trên khắp châu Á, những cuộc luận chiến về việc giữ hay không giữ những cái chợ truyền thống bởi ý nghĩa văn hóa của chúng đã kéo dài nhiều thập niên. Nhiều người tin rằng những cái chợ ấy đại diện cho một di sản tinh thần cần bảo vệ. Nhiều người khác khẳng định rằng không, tất cả những gì họ cần là một đô thị hiện đại.

Chợ Long Biên từng được Conde Nast Traveler xếp vào danh sách bảy chợ trời hấp dẫn nhất thế giới.

Ảnh: Đỗ Mạnh Cường

Từ bến Nứa đến chợ Long Biên

“Rồi chợ Long Biên mọc lên ngay chân cầu. Của chìm của nổi các tỉnh xuôi về thành phố lên đậu cả vào chợ. Thì thuở xa xưa đã vậy. Bởi thế mấy cái phố mép sông mới có tên từ thuở nào là Hàng Khoai, Hàng Nâu, Hàng Đậu và các chợ Gạo, cái bến Nứa mới trên bến dưới thuyền”.

Tô Hoài đã viết như thế trong một truyện ngắn cho thiếu nhi từ nhiều năm trước. Chắc khó có ai dám nhận mình hiểu Hà Nội hơn Tô Hoài - người đã chứng kiến sự hình thành, phát triển của đô thị này suốt từ thập niên 1930.

Chợ Long Biên, nếu xét đến tư cách hành chính, mới hình thành cách đây vài chục năm. Nhưng như Tô Hoài đã viết, nó chỉ là một trong số những biểu hiện tất nhiên của một vùng sông Hồng nơi đã tạo ra Kẻ Chợ. Hoạt động của một cái “chợ đầu mối” vốn đã hình thành ở đây từ hơn một thế kỷ trước.

Hà Nội thuở xưa được khởi sinh và mở rộng ra quanh “cái rốn” thương mại này, từ khi cầu Long Biên còn chưa xây. Có tác giả còn tin rằng người Việt gọi nơi đậu ôtô là “bến xe”, cùng một từ với nơi đậu thuyền, thật ra cũng bởi ngày trước điểm đỗ xe đầu tiên của Hà Nội chính là bên bến Nứa - chỗ cửa chợ Long Biên bây giờ.

“Nhịp điệu trong sự hỗn loạn” ở ngôi chợ đặc biệt này. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường

Chỗ ấy không chỉ bán tre nứa, mà là nơi người ở quê mang lên mọi thức họ có, “có chuyến đẩy về cả bè củ nâu đem xuống bán dưới bến Nứa ngoài Kẻ Chợ” (Chiếc áo tế - Tô Hoài), là nơi con người hạnh ngộ và chia ly, như cô lái đò của Thanh Tịnh mỗi lần qua bến Nứa lại cất tiếng gọi khách mơ hồ để chờ một người vĩnh viễn không gặp.

Trong những bức ảnh của toàn quyền Pháp Armand Rousseau, dễ thấy chợ rau quả đã tràn từ chợ Đồng Xuân/Bắc Qua ra tận bến Nứa.

Vài năm trước, chợ Long Biên được Conde Nast Traveler, tạp chí du lịch hàng đầu nước Anh, xếp vào danh sách bảy chợ trời hấp dẫn nhất thế giới. Chợ chỉ họp vào ban đêm, với màu xanh rau củ, tạo thành một cái “chợ mát ban đêm” như cách gọi của Thạch Lam.

Bây giờ, chợ Long Biên không còn gắn với hoạt động giao thương trên dòng sông Hồng, nhưng lại là một trong những không gian thương mại hiếm hoi còn mang dấu tích của thời đại “Kẻ Chợ” dọc bờ sông Hồng.

Chữ “kẻ” trong từ “Kẻ Chợ” - nhiều nhà nghiên cứu tin rằng ban đầu không phải để gọi nơi chốn mà để chỉ người, tương tự là từ “Kẻ Mơ” giờ vẫn đang được dùng để chỉ một vùng chợ Mơ làm đậu nổi tiếng. Nếu coi chữ “kẻ chợ” là danh từ chỉ người thì hiểu rằng nó được dùng để chỉ những người dân buôn bán, xô bồ dân dã.

Thì bây giờ chợ Long Biên vẫn thế, giữ được tinh thần của một cái “chợ lớn” xưa cũ, sự dân dã chưa bị đồng hóa bởi những mô thức thương mại tân thời. Nó vẫn hoạt động với cùng nhịp điệu, thanh âm và phương thức của thời đại Armand Rousseau - thời đại bến Nứa.

Khi Bộ Công thương xếp chợ Long Biên vào danh sách chợ đầu mối cần di dời, người ta nhận ra rằng cái chợ này rất quan trọng về mặt tinh thần. Cùng danh sách di dời là rất nhiều chợ lớn khác, nhưng chợ Long Biên được đặc biệt chú ý. Và có người đặt ra câu hỏi: Liệu có thể coi chợ Long Biên là một loại di sản được không?

Chợ Đồng Xuân hay chợ Bến Thành rất dễ nhận được tư cách của di sản bởi vì chúng là những cái chợ có kiến trúc, là những công trình hữu hình bằng vật chất, được đối xử ngang hàng với nhiều công trình cổ kính khác. Nhưng chợ Long Biên mới được “công nhận hành chính” hơn 20 năm và là một chợ trời, rất khó phân định “tư cách” văn hóa của nó.

Một góc chợ Long Biên. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường

Ngoài Conde Nast Traveler, chợ Long Biên còn xuất hiện với tư cách của một danh thắng ở rất nhiều địa chỉ uy tín: đạt 5 sao trên trang web đánh giá du lịch hàng đầu thế giới TripAdvisor, được bảo chứng bởi bảng xếp hạng du lịch Michelin (kiểm định bởi các chuyên gia của hãng này chứ không phải người dùng bầu chọn).

“Nó không nằm trong danh sách các địa danh buộc phải đến - trang Travel Fish viết - Nhưng một chuyến đi đến chợ Long Biên ồn ào là một cách mê đắm để tiếp cận đời sống của Hà Nội”.

“Bản hòa âm của chợ Long Biên là điều điên rồ và giàu tính giải trí nhất mà tôi từng chứng kiến” - tác giả chuyên về du lịch và ẩm thực Mark Wiens nhận xét. Hầu hết những người khách đến Hà Nội, nếu rẽ qua chợ Long Biên đều tin rằng nó đại diện cho một tinh thần đặc biệt của Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng, thứ hay được mô tả là “nhịp điệu trong sự hỗn loạn”.

Siêu thị và chợ đầu mối

Ở những quốc gia phát triển nhất tại châu Á, rất nhiều chợ đầu mối rau quả và thịt cá tươi từ lâu đời vẫn hoạt động - không phải vì họ chưa có những mô hình phân phối hiện đại để thay thế. Tại Thái Lan, theo mô tả của báo Telegraph (Anh), tập đoàn siêu thị Tesco đang “chiến đấu” với những chợ rau quả truyền thống của nước này.

Tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, các chợ đầu mối vẫn tồn tại song song với các đại siêu thị cung cấp đồ tươi sống dán tem bảo đảm chất lượng. Hầu hết các nơi này đều đối mặt với vấn đề lớn về quy hoạch đô thị khi không gian sống ngày càng chật chội, đặc biệt là tại Singapore và Hong Kong.

Nhưng lý do để các chợ kiểu này tồn tại là “văn hóa và ký ức xã hội về một không gian đang dần biến mất”, theo tên luận văn của tiến sĩ Galvez Francesca (Đại học Quốc gia Singapore).

Tại Hong Kong, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất châu Á, từ hơn một thập niên qua các cuộc tranh luận về việc “siêu thị có thay thế được chợ đầu mối?” đã dấy lên. Rất nhiều người ủng hộ việc thay thế các chợ đầu mối này. Lý do đơn giản là siêu thị có thể cung cấp cho họ mọi loại hàng hóa với chất lượng được bảo đảm bởi một nhà cung cấp lớn, còn chợ đầu mối ẩn chứa những nguy cơ mất vệ sinh.

Nhưng cũng có nhiều người phản đối: họ tin rằng việc mua bán ở chợ đầu mối là một phần của văn hóa đặc trưng. Theo phe phản đối xóa chợ đầu mối thì điều kiện vệ sinh của chợ hoàn toàn có thể được cải thiện bằng nhiều biện pháp quản lý, chứ không thể là nguyên nhân phủ nhận sạch trơn giá trị của những chợ này.

Năm 2009, sau một loạt các vụ xóa sổ chợ, tờ South China Morning Post từng có một bài xã luận với tiêu đề: “Chính quyền nên tránh xa khỏi những chợ đầu mối”, với tuyên bố rằng đây là một phần quan trọng trong văn hóa của Hong Kong. Cần biết thêm rằng Hong Kong là một trong những nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới và gặp rất nhiều vấn đề về quy hoạch, để thấy rằng nỗ lực giữ những cái chợ truyền thống này là đáng kể.

Sẽ là không chủ quan khi khẳng định rằng ở các quốc gia kể trên, những nỗ lực giữ chợ đầu mối cũng là để đảm bảo di sản tinh thần của những “kẻ chợ” - một thứ tinh thần tồn tại ở nhiều quốc gia châu Á.

Quay trở lại với câu hỏi: tư cách nào cho chợ Long Biên? Nếu coi ngôi chợ này chỉ mang ý nghĩa thương mại thì việc thay thế chợ Long Biên bằng một hệ thống siêu thị là điều nghe cũng hợp lý. Đó cũng là ý kiến của chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: “Nhếch nhác thế, xóa sổ là đúng” (báo Dân Trí, ngày 9-7). Ý kiến này coi việc xóa sổ chợ Long Biên là điều kiện bắt buộc cho một “thủ đô hiện đại”.

Nhưng như đã nhắc đến trong câu chuyện của các siêu đô thị châu Á kể trên, sẽ có những người chấp nhận những giá trị “chưa được hiện đại” của chợ này vì nó là một phần ký ức và văn hóa đặc trưng của họ. Khía cạnh này của chợ Long Biên có thể được nhận ra bởi dòng viết của những người nước ngoài đến thăm Hà Nội, họ thật sự tin rằng nó đại diện cho thành phố.

Khi chợ Long Biên được “nhấc lên đặt xuống” chỉ bởi một công văn của Bộ Công thương, người ta nhận ra rằng vấn đề không chỉ nằm ở chợ Long Biên.

Có thể bản thân chợ Long Biên xứng đáng được thay thế. Nhưng nếu phủ nhận sạch trơn giá trị của tất cả chợ truyền thống, không cân nhắc đến việc chúng đã từng gắn bó với nền văn hóa ra sao, chỉ bằng một phép tính “hiện đại hóa đô thị”, tự khoác cho mình một loại đồng phục bêtông, thì biết đâu ta có thể “rơi vào nhóm người đáng thương không có chút di sản nào bởi toàn cầu hóa” (Ghil'ad Zuckermann).

Mặc dù khu vực quanh bến Nứa - chân cầu Long Biên đã đóng vai trò của một chợ đầu mối suốt từ đầu thế kỷ, chợ Long Biên chỉ chính thức ra đời ít lâu trước đổi mới, có lịch sử khoảng hơn 30 năm. Đến năm 2000, trong quy hoạch chi tiết quận Ba Đình, TP Hà Nội quyết định “xây dựng hoàn chỉnh chợ Long Biên” (đây là thời kỳ mà Hà Nội còn có kiến trúc sư trưởng của TP).

Ngày 7-11-2014, Bộ Công thương công bố dự thảo báo cáo quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn quốc, trong đó xếp chợ Long Biên vào danh sách chợ đầu mối cần di dời, xây mới. Ngày 26-6, bộ trưởng Bộ Công thương ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể mạng lưới chợ toàn quốc 2015-2025, trong đó chợ Long Biên vẫn nằm trong danh sách chợ đầu mối cần xóa bỏ.

Điều này được thể hiện trong phụ lục “Danh mục chợ đầu mối cần xóa bỏ” ban hành kèm quyết định của bộ trưởng. Sau khi gặp phản ứng mạnh từ UBND TP Hà Nội và báo chí, Bộ Công thương mới “đính chính” rằng quy hoạch của bộ chỉ muốn nói rằng “chợ Long Biên sẽ không có chức năng chợ đầu mối” chứ không phải xóa bỏ!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận