Tựa vào gốc anh đào mà ngủ

TTCT - Tôi bớt hào hứng khi ban tổ chức xếp ông vào chương trình ra mắt sách của tôi. Ông, một nhà văn Hàn Quốc danh tiếng, ở tuổi tám mươi mà đi lại nhanh nhẹn mạnh mẽ.

Phóng to

Hầu như ở diễn đàn nhà văn quốc tế nào cũng thấy ông có mặt, đi cùng một bà vợ đồng niên, cứ thế hai ông bà dắt nhau đi, khi ông vừa ngồi họp vừa ngủ thì bà nhẫn nại ngồi canh cho ông ngủ, có khi đưa tay lên bóp mũi ông nếu như ông ngáy ra tiếng. Tôi đã nhìn thấy cái cảnh bà bóp mũi ông như thế trong liên hoan nhà văn quốc tế ở Thụy Điển.

Làm thế nào ông có thể dẫn chương trình cho buổi ra mắt sách của tôi được, nếu như ông cũng ngủ như thế. Mỗi nhà văn nước ngoài đến dự liên hoan ở Hàn Quốc được bố trí một nhà văn bản địa làm người dẫn chương trình. Ngỏ ý xin thay thế bằng một nhà văn khác thì không tiện. Thôi thì cũng đành.

Nỗi lo của tôi hóa thành sự thật ngay lập tức. Vừa mới mở đầu, ông nói ngay, xin lỗi quý vị, tôi mắc bệnh ngủ, tôi có thể vô phép mà ngủ trong mấy phút nữa, nhưng có bạn đồng nghiệp của tôi đây sẽ trao đổi cùng quý vị, một đồng nghiệp đến với chúng ta từ Việt Nam, ông ấy thì luôn luôn tỉnh táo. Vẫn còn được một câu đùa.

Y như rằng, chỉ mười phút sau, tôi quay sang thì thấy ông đã nhắm mắt, cằm gục xuống ngực, nhưng tư thế ngồi khá thẳng thắn phẩm hạnh. Cặp kính lão giảm bớt sự vô phép của đôi mắt nhắm.

Thế là tôi phải đơn thương độc mã chiến đấu suốt hai giờ đồng hồ giữa một khán phòng vài ba trăm độc giả. Lẽ ra ông không ngủ thì còn có người đưa đẩy đẩy đưa, giới thiệu dăm ba câu, bình phẩm đôi ba đoạn, trích đọc một vài phần trong cuốn sách ra mắt, đặt dăm bảy câu hỏi với tác giả để làm mồi cho độc giả lên tiếng đối thoại. Lẽ ra. Nếu ông không ngủ.

Nhưng thực tế là ông đã dồn hết gánh nặng vã mồ hôi sang tôi. Vã mồ hôi thật. Một mình tôi và cô phiên dịch cabin ngồi đâu đó một góc khán phòng. Tôi tiếp nhận qua tai nghe lời cô dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Anh, rồi tôi trao đổi lại với độc giả. Chúng tôi muốn biết nhà văn Việt Nam có được viết những điều mình nghĩ hay không? Câu này được.

Chúng ta có cùng hoàn cảnh bị chia cắt đất nước thành hai miền, chúng tôi chia sẻ và cảm phục vì các bạn đã thống nhất được đất nước, chủ đề ấy có in đậm trong văn học của các bạn hay không? Câu này được. Ở Hàn Quốc mới có vài ba cuốn văn học Việt Nam xuất bản trong mấy năm gần đây, tôi đến dự cuộc ra mắt này vì tò mò, xin ông giới thiệu đôi nét về văn học Việt Nam hiện nay. Câu này cũng được. Xin ông cho biết ông nghĩ gì khi có nhà văn tuyên bố rằng những gì ông ta viết đều chỉ là chuyện bịa?

Người đã ngủ được khoảng bốn mươi phút hóa ra đã tỉnh dậy từ lúc nào. Ông thò tay tắt cái công tắc điện micrô trước mặt tôi rồi ghé vào tai tôi: Anh thấy không, độc giả bao giờ cũng hỏi những câu thật là ngu.

Ông thì thầm nói thêm: Tôi không bao giờ nhận lời tiếp xúc với độc giả.

Lâu lâu sau khi cuộc giao lưu kết thúc, tôi vẫn phải ngồi ký lưu niệm vào sách. Ông thì đã ngủ được ca hai, đã tỉnh dậy lần thứ hai và được bà dắt ra khỏi hội trường. Tôi ngồi ký sách, vừa phô nụ cười thường trực với người mua sách, vừa có bộ mặt hơi ngây ngô sao nhãng vì vẫn nghĩ đến câu nói của ông, không bao giờ tiếp xúc với độc giả. Vậy ông nhận lời ban tổ chức đến ngồi giao lưu với tôi làm gì?

Rồi tôi hiểu ra. Nhờ ông mà cuộc ra mắt sách của tôi mới đông người đến thế. Nhà văn lão thành cực kỳ nổi tiếng. Nhiều tiểu thuyết của ông dựng thành phim nghệ thuật gây tiếng vang ở các liên hoan phim quốc tế. Người ta đến để gặp nhà văn danh tiếng quốc tế. Ông lại còn nổi tiếng vì bệnh ngủ. Người ta đến để tò mò xem ông ngủ.

Buổi chiều, ngồi bên bến cảng ở Incheon, ông chỉ cho tôi hòn đảo nhỏ trong vịnh, ngay trước mặt. Đấy là đảo Wolmi, đảo Nguyệt Vĩ. Năm 1950 tướng Mỹ Douglas McAthur đưa quân Liên Hiệp Quốc đổ bộ bằng đường không xuống đấy, tập kích vào phía sau phòng tuyến của quân Bắc Triều Tiên khiến họ phải rút chạy về miền Bắc. Tôi nói vậy thì tôi phải đi. Ông bảo để ông dẫn tôi đi.

Ôi ông già tám mươi lại xăm xăm dẫn tôi đi sang đảo. May mà ông không ngủ giữa đường. Ở chân núi, phải nhấc chân bước qua một cái thanh sắt thấp chắn gần chỗ cầu cảng, ông không giơ chân lên được. Chân ông chỉ có thể bước ngang, chỗ đầu gối bị căng cứng hay thừa acid uric thế nào đấy. Bà vợ cũng tám mươi phải ngồi xuống, cầm cổ chân ông nhấc lên đưa qua cái thanh chắn, đặt xuống đất, vững vàng rồi bà mới nhấc nốt chân kia lên, lại đưa qua cái thanh chắn mà sang.

Sáu mươi năm trước là cuộc đổ bộ của một viên tướng Mỹ. Sáu mươi năm sau là cuộc đổ bộ lần thứ hai xuống đảo, lần này là của một nhà văn.

Ông kể mới năm ngoái ông sang Nhật, được mời đến nhà một đồng nghiệp, một nhà văn cũng thuộc diện thích tự do cá nhân, không thích tiếp nhận người đọc vào cuộc sống riêng tư của mình. Nhưng ông Nhật đã mời ông Hàn đến nhà. Câu đầu tiên ở ngưỡng cửa, khi hai ông cúi gập mình chào nhau, ông Nhật nói, tôi xin lỗi vì những gì người Nhật đã gây ra cho đất nước ông từ thời chiến tranh.

Ông kể rồi bảo, ta dừng ở đây thôi, cuộc đổ bộ của ta chỉ dừng ở chân núi, còn con, cuộc đổ bộ của con là phải ở trên kia, trên đỉnh núi ấy. Ông gọi tôi là con, my son, tôi không nghe nhầm.

Tôi dợm bước định đi lên thì ông bảo, ta cũng xin lỗi vì những gì người Hàn Quốc đã gây ra trong chiến tranh Việt Nam. Tôi đứng im một lát. Ông cũng đứng im một lát. Bà nhìn ông như sẵn sàng đỡ nếu ông bất ngờ nhắm mắt ngủ. Thôi, lên núi đi con, ông bảo.

Bà cũng nhìn ông sẵn sàng như vậy trong tiệc chiêu đãi tối. Thị trưởng Seoul mở tiệc chiêu đãi các nhà văn. Tiệc ngồi theo kiểu ngồi xếp bằng tròn truyền thống. Ông vừa ăn được vài thìa xúp thì buông cái thìa, cằm gục xuống, tựa lưng vào tường mà ngủ. Bà lấy cái khăn ăn, chấm chấm quanh mép cho ông, rồi vỗ vỗ vào tay ông như vỗ ru ngủ. Ngủ giữa buổi tiệc cả vài trăm người chuyện trò rôm rả xung quanh. Rồi mai này, nói dại, nhỡ ra không phải ông đi trước mà là bà đi trước, ai sẽ ở bên cạnh vỗ yên giấc ngủ cho ông.

Hai ngày sau, các nhà văn được đưa đi tham quan vùng Hadong, phía đông của dòng sông. Sông Seomjingang Thiềm Tân Giang từ thượng nguồn xuống đến Hadong là hai mươi lăm cây số, hồng rực một dải dài màu hoa anh đào. Ban tổ chức diễn đàn văn học quốc tế chủ ý chọn thời điểm cuối tháng tư đang mùa hoa để chiêu đãi hoa anh đào cho nhà văn các nước.

Núi Jirisan Tri Dị Sơn từ lâu đời đã đi vào văn chương xứ Hàn, vào thơ ca nhạc họa, núi bây giờ cũng ngập trong sắc hồng anh đào. Hoa anh đào Nhật trong trẻo hơn. Hoa anh đào Hàn ấm áp hơn. Nhắc đến anh đào, người ta chỉ nhớ đến anh đào Nhật, vậy là thêm một việc phải làm cho Bộ Quảng bá hình ảnh Hàn Quốc vốn rất năng động trong nhiều năm qua.

Các nhà văn được đưa vào ở trong một quần thể chùa Hàn. Chùa làm dịch vụ du lịch. Du khách có thể ngụ lại đôi ba ngày cho đến mươi ngày một tuần. Buổi tối được xem chương trình dân ca, vài ba ca sĩ, dăm bảy loại nhạc cụ đàn sáo trống phách. Ba giờ sáng thức dậy nghe kinh kệ rồi thực hành thiền định theo hướng dẫn của các sư. Sáng ra thì tham gia vào việc chùa, làm công quả cho chùa.

Tôi theo các nhà văn vác balô lên núi. Vợ chồng nhà văn lão thành ở lại ngôi chùa chân núi. Rải rác từ chân núi lên là một quần thể chùa, đếm được chín ngôi chùa tất cả. Chùa này lên chùa kia là phải trèo gần trăm bậc đá. Chùa thấp thoáng ẩn hiện giữa rừng anh đào và dâu tây. Trước mỗi phòng khách, các sư để một rổ dâu tây, một cử chỉ đón khách, quả dâu nào cũng to như trái đào, chín mọng đỏ rực rỡ. Mỗi du khách được phát một bộ quần áo màu trắng xanh của nhà chùa. Bây giờ thì tất cả trông đã ra người nhà chùa.

Đêm lạnh. Nhiệt độ ngoài trời xuống dưới mười độ. Nhưng trong phòng thì rất nóng. Nằm xuống sàn gỗ, nhưng sàn gỗ nóng không nằm được. Phải trải lên sàn một tấm chăn mỏng để lót, thế mà vẫn nóng, lại phải lót thêm lên đấy mấy bộ quần áo đem theo thì mới đỡ nóng.

Tự đùa, kiểu này sáng mai các sư phải vào từng phòng, lôi từng du khách ra, xếp trước cửa phòng như xếp cá nướng. Tôi ra ngồi trước thềm, quấn chăn kín người, tay đặt lên cái rổ dâu tây để cảm nhận cái lạnh bên ngoài trời đêm. Giờ mới hiểu vì sao các sư không để rổ dâu tây vào trong căn phòng nóng như rang.

Tôi cứ quấn chăn như thế mà đi vòng xung quanh khu nhà khách. Rồi phát hiện ra hệ thống sưởi truyền thống kiểu Hàn. Nhà được xây cao hơn mặt sân khoảng một mét, ở bên dưới lòng đất có một hệ thống đường hầm nho nhỏ luồn lách qua các phòng. Hơi nóng được dẫn đi trong ấy, luồn qua các ngóc ngách bên dưới ấy, cứ thế mà làm nóng nền nhà. Cung cấp hơi nóng cho đường ngầm là một cái bếp than hoặc bếp củi.

Sáng sớm, nghe kinh kệ xong, tập thiền định xong, tôi xuống chân núi chào bình minh với nhà văn lão thành. Ông đã ngồi trước thềm từ bao giờ, mũ lông che kín tai, một tay đặt lên rổ dâu tây đúng kiểu tôi đã ngồi trong đêm. Những quả dâu tây to khác thường hình như sinh ra chỉ để cho người ta đặt tay lên đấy, cảm thấy cái lành lạnh ram ráp chứ không hẳn đã cần để ăn.

Rồi ông và tôi mỗi người cầm một cái chổi cán dài đi quét sân chùa cùng mọi người. Bà vào bếp giúp nhà chùa làm bữa sáng cho du khách. Những du khách khác, người thì đi giúp mở hàng chục cánh cửa to nặng, người thì đi tưới cây hái quả.

Sân chùa rộng mênh mông, đấy mới chỉ là cái sân của một ngôi chùa thôi. Chín ngôi chùa trên sườn núi thì chỉ leo cho hết cũng mất cả ngày. Ông và tôi vừa quét lá sân chùa vừa trò chuyện. Lát sau có thêm bà từ trong bếp ra góp chuyện. Rồi vui chuyện đến đà tự nhiên tôi chuyển đề tài về người đọc.

Ông nhắc lại câu nói hôm trước, người đọc khi giao lưu bao giờ cũng có những câu hỏi thật ngu. Bà đỡ lời, có thể đã khác rồi ông ạ, người viết bây giờ có khi đã không theo kịp người đọc, người viết vẫn ở chỗ cũ trong khi người đọc lại trưởng thành thật nhanh.

Ông dựng cái cán chổi vào một gốc anh đào cổ thụ, rồi bảo đấy là bà đang nói chuyện ở một xứ mà nền văn học chưa phát triển, ở đấy người đọc mới trưởng thành nhanh hơn người viết.

Tôi hiểu nhà văn như ông thường chỉ viết cho bạn đọc vô hình ở đâu đó. Nhà văn vừa viết vừa hình dung ra người đọc khóc cười cùng với mình, người đọc đang gật gù tâm đắc hoặc bị kích động bừng bừng. Chỉ cần hình dung thế thôi. Khi người đọc phá vỡ quy ước của riêng ông, người đọc xuất hiện hữu hình, ấy là khi nhà văn thất vọng. Sự thất vọng cho cả đôi bên. Ông luôn tránh cho mình sự thất vọng ấy.

Độc giả đích thực thì cũng giống như nhà văn đích thực, luôn ở đằng sau bức bình phong trang sách mà không bao giờ xuất hiện hữu hình. Người đọc bước qua ranh giới, bước ra đằng sau trang sách sẽ thất vọng vì ông, thấy ông ngồi gục cằm xuống ngực mà ngủ chẳng hạn.

Giờ thì ông tựa vào bên cạnh cái chổi cán dài, nhúc nhích người một tí rồi tựa hẳn vào thân cây anh đào. Chỉ trong chốc lát ông vẫn đang đứng mà đã nhắm mắt. Bà nhẹ nhàng đứng vào bên cạnh cho ông thêm một điểm tựa và đưa mắt nhìn tôi. Ông đã ngủ. Hình hài vẫn đấy mà như người không còn ở đấy nữa.

Cáo lỗi

Ngay sau khi đăng truyện ngắn Âm mưu ký tên người viết là Thu Hiền (trên TTCT số đề ra ngày 22-9-2013), TTCT đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả cho biết sự giống nhau về nội dung, văn phong của Âm mưu với truyện ngắn Cái thùng con của nhà văn Pháp Guy de Maupassant.

TTCT đã kiểm tra và xác nhận Âm mưu đã sử dụng và Việt hóa nội dung (chỉ thay đổi phần kết) tác phẩm Cái thùng con, bản chuyển ngữ của dịch giả Lê Hồng Sâm, in lần đầu tiên trong Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX, tập 2 của NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, năm 1986. Làm việc với người viết, Thu Hiền ở Đà Nẵng đã thừa nhận với TTCT “ảnh hưởng” của Chiếc thùng con lên Âm mưu của mình. Với truyện ngắn đạo văn này, TTCT không trả nhuận bút.

TTCT thành thật xin lỗi bạn đọc và dịch giả Lê Hồng Sâm vì sơ suất này.

TTCT

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận