Văn hóa không tiêu tốn tiền

ĐĂNG BẨY (THEO GAZETA.RU) 15/01/2014 04:01 GMT+7

TTCT - Nữ tiến sĩ Irina Bokova - nguyên bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bulgaria - vừa tái đắc cử chức tổng thư ký Tổ chức Văn hóa, giáo dục, khoa học của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử đứng đầu UNESCO. Trả lời phỏng vấn tờ gazeta.ru, bà cho thấy quan niệm mới của UNESCO về văn hóa...

Phóng to
Tổng thư ký UNESCO Irina Bokova

Ngày 12-11-2013, bà được bầu lại vào cương vị người đứng đầu UNESCO nhiệm kỳ thứ hai... Trong nhiệm kỳ mới này, bà chuẩn bị có những cải cách gì?

- Đầu tháng 11-2013 UNESCO công bố báo cáo về chính sách kinh tế trong văn hóa... Mục đích chủ yếu của báo cáo này là làm cho thế giới biết kỹ nghệ văn hóa, hay còn gọi là kỹ nghệ sáng tạo, có ý nghĩa to lớn và ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội. Trong vài năm gần đây, giá trị trao đổi văn hóa vật thể đã được quy thành tiền, theo đánh giá của chúng tôi là hơn 60 tỉ̉ USD. Và cứ mỗi năm con số đó lại tăng lên.

* Nghĩa là ở UNESCO đã xem xét đến thị trường nghệ thuật?

- Không hẳn là như thế. Khi công bố con số đó, chúng tôi muốn chứng minh giữa kỹ nghệ văn hóa với xã hội có một mối liên hệ, nó quan trọng đến đâu, chiếm vị trí nào và có ảnh hưởng ra sao trong xã hội, để cho ngành nào trong kỹ nghệ văn hóa đã được công nhận là có triển vọng thì sẽ được nhà nước mình ủng hộ.

Qua các ví dụ, chúng tôi muốn chứng minh văn hóa bây giờ đã trở thành một kỹ nghệ, tạo nên không chỉ những công trình văn hóa mà cả công ăn việc làm cho con người, giúp các nhóm xã hội liên kết với nhau, tìm ra sự đồng nhất của mình. Nó đóng vai trò to lớn trong việc gắn kết xã hội, đặc biệt là khi nói đến những xã hội có nền văn hóa đa dạng và phong phú hay những nước có đông dân nhập cư.

Chính kỹ nghệ văn hóa bây giờ đang ảnh hưởng đến môi trường xã hội và định hình nó nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Và văn hóa ở bất kỳ nước nào cũng là một bộ phận làm việc của nền kinh tế quốc gia.

* Bà nói về “kỹ nghệ sáng tạo”, vậy những xu hướng mới nào trong văn hóa được UNESCO đưa vào báo cáo, ngoài những xu hướng cổ điển?

- Văn hóa không giẫm chân tại chỗ mà phát triển không ngừng, nên chúng tôi đưa vào khái niệm “sáng tạo”. Ví dụ ở những nước phát triển kinh tế rất nhanh như Brazil, Trung Quốc, Indonesia, người ta không gọi là Bộ Văn hóa, mà là Bộ Kỹ nghệ văn hóa, hay “creative industries” (kỹ nghệ sáng tạo).

Kỹ nghệ sáng tạo ở những nước đó mang lại khoảng 10% tổng thu nhập quốc dân. Nền kỹ nghệ đó tất nhiên tính cả du lịch, trong đó có du lịch văn hóa với nguồn thu từ sử dụng các di tích, di sản văn hóa, những nghề truyền thống của dân và đồ lưu niệm bán được.

* Còn những gì nữa được đưa vào khái niệm kỹ nghệ sáng tạo?

- Trong kỹ nghệ văn hóa có cả design, bao gồm thiết kế công nghiệp, thời trang, công nghiệp điện ảnh, những sự kiện văn hóa khác nhau như: festival ca nhạc, festival thanh niên và tất cả những gì liên quan đến nghỉ ngơi giải trí. Chính trong các lĩnh vực đó trên toàn thế giới mỗi năm xuất hiện ngày một nhiều công ăn việc làm.

Nếu nói về di sản phi vật thể thì văn học và truyền thống dân tộc được phát huy cũng đang chiếm vị trí vững chắc trong đời sống xã hội. Nói chung là tất cả những gì liên quan đến tính sáng tạo…

* Trên thực tế, bà đang nói đến sự thoát ly khỏi quan niệm thông thường về văn hóa và đối tượng văn hóa như hội họa, điêu khắc, nhà hát…

- Vâng! Văn hóa và các đối tượng của nó bây giờ rộng lớn hơn rất nhiều so với những xu hướng mà ta đã quen. Văn hóa là sự sáng tạo, có thể được biểu hiện cả trong sự pha trộn các xu hướng, ví dụ trong địa chính trị đô thị hay trong tổ chức các hoạt động quần chúng, nói chung là tất cả những gì gắn với tính sáng tạo.

* Vậy mục tiêu cuối cùng của báo cáo UNESCO là gì?

- Giúp công nhận một thực tế: văn hóa bây giờ không phải là xài tiền, mà hoàn toàn ngược lại. Văn hóa có thể mang lại thu nhập - cả hai phương diện kinh tế và xã hội, đó là cách đầu tư hoàn được vốn, nhưng muốn thế hiển nhiên nó phải được ủng hộ. Hiện nay, chính kỹ nghệ văn hóa đang đảm bảo mối liên hệ giữa các giai tầng xã hội.

Cần phải từ bỏ nhận thức cũ rằng văn hóa là lãnh địa tinh túy, rằng nghệ thuật là thứ quý giá và chỉ những người ưu tú mới sử dụng nó. Văn hóa không phải là đối tượng khu biệt hấp thu nguồn lực của xã hội, mà ngược lại chính nó tạo nên và nối kết môi trường xã hội, làm công bằng xã hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận