Văn học thế kỷ 21 là một ngành dịch vụ!

PHAN XUÂN LOAN (*) 24/10/2018 20:10 GMT+7

TTCT - Thay cho giải Nobel văn học 2018 tạm hoãn vì vướng xìcăngđan, một giải thưởng mới được Tổ chức New Academy sáng lập để “cứu lấy giải Nobel”.

Văn học đã chết trong thế kỷ 21? -Ảnh: DevianArt
Văn học đã chết trong thế kỷ 21? -Ảnh: DevianArt

 Không may mắn thế, giải “Sách Nga” 2018 đã bị hủy do không tìm được nhà tài trợ. TTCT giới thiệu trả lời phỏng vấn của nhà văn Nga nổi tiếng Mikhail Yelizarov về những vấn đề văn học đương đại của Nga và thế giới.

Cuộc trò chuyện do Svyat Pavlov, tác giả dự án “Dưới băng” - một dự án truyền thông chuyên phỏng vấn những người nổi tiếng để chuyển tải những vấn đề đương đại - thực hiện.

Văn học không ảnh hưởng, mà đang phục tùng cuộc sống

Svyat Pavlov: Người ta thường nói, Nga là đất nước dựa vào văn học, nơi văn chương quan trọng hơn sự việc, và nền tảng của văn bản đang tạo nên thực tại lịch sử xung quanh. Anh nghĩ thế nào, văn học Nga hiện đại đang định hình thực tại trước mắt ra sao?

- Mikhail Yelizarov: Ngược lại chứ, đang hiện diện một thực tế của truyền thông, cái định hình thực tiễn trước mắt, và dưới thực tế này văn chương đang được điều chỉnh. Đúng hơn không phải là văn chương, mà những con người tạo nên nó. Và đây là hậu quả của mô hình thị trường: hạt nhân, bán ngoại vi và ngoại vi. Hạt nhân tạo ra những ý nghĩa. Còn ngoại vi sử dụng những ý nghĩa này, nhưng bản thân nó không thể tạo ra chúng.

Bởi vì Liên bang Nga hiện nay từ quan điểm hạt nhân Xô viết đã chuyển sang ngoại vi tư bản thông thường, nó không còn là nơi phát ra những ý nghĩa về kỹ thuật, tư tưởng lẫn bất kỳ ý nghĩa nào khác.

Nước Nga hiện đại chỉ tái chế những gì xu hướng văn hóa thế giới đang tạo nên, làm ra những khuôn mẫu hay những bản sao vô tính. Do đó văn học Nga hiện đại chỉ đang củng cố hay diễn dịch những gì ở ngoại vi. Nhưng đây không phải là vấn đề chất lượng của văn bản..., đây là cuộc đối thoại toàn cầu mà trong đó nước Nga không tham gia.

Tôi nhắc lại, đầu tiên là thị trường của thực tế trước mắt, theo đó văn học mới được điều chỉnh thích ứng.

Tác giả kịch bản nổi tiếng Yuri Arabov từng nói trong một bài giảng rằng, ở nước Nga hiện đại không có văn học như một hiện tượng, mà chỉ có những nhà văn riêng lẻ, bởi văn học phải tác động đến xã hội, thế nhưng hiện nay nó không gây được một ảnh hưởng đáng kể nào. Ông có đồng tình với đánh giá này không?

- Đây là một hình thái mị dân của phát biểu, rất khó chứng minh hay bác bỏ. Có thể nói về bất cứ đất nước nào rằng nó không có văn học, không có một quá trình văn học, mà chỉ đơn giản là có những nhà văn hay. Một cụm từ rất chung chung, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không phải là một phản ảnh thực tế.

Vậy văn học Nga có ảnh hưởng đến cuộc sống của đất nước?

- Văn học không ảnh hưởng đến cuộc sống. Nó phục tùng cuộc sống. Đơn giản là những ưu tiên đã thay đổi rồi. Tôi không thể nói là có nước nào, Anh, Mỹ hay Pháp, nơi văn bản có thể bằng cách nào đó thay đổi hay biến hình thực tại. Trong thế kỷ 21, văn học trên toàn thế giới là một ngành dịch vụ.

Hóa ra đây là một quá trình đặc trưng cho toàn thế giới, chứ không chỉ ở nước Nga?

- Cho toàn thế giới, đúng. Tôi không quan tâm đến quá trình văn học, mà đúng hơn, tôi quan tâm đến một số nhà văn riêng biệt, một số hiện tượng riêng lẻ.

Thí dụ, tôi quan tâm tới Darya Dontsova (sinh năm 1952, nữ nhà văn chuyên dòng truyện trinh thám vui nhộn, tác giả của 180 đầu sách. Có đồn đại rằng dưới bút danh “Darya Dontsova” là một tập thể các nhà văn), đã nửa năm tôi tìm hiểu xem hoạt động sáng tạo của bà được xây dựng thế nào.

Giải thưởng văn học nổi tiếng “Sách Nga” mà ông từng giành được năm 2008 với tiểu thuyết Người thủ thư, năm nay sẽ không được trao. Các nhà tổ chức không cách nào tìm được người tài trợ. Việc trao/không trao giải thưởng này hay giải thưởng khác có tác động ra sao với quá trình văn học?

- Tôi không hiểu lắm tình hình với “Sách Nga”, bởi giải thưởng văn học không phải là chuyện tiền, mà là chuyện sách... Có giải thưởng Andrey Belyi, nơi người ta thưởng một chai vodka, một rúp và một quả táo, và điều đó đâu cản trở nó tồn tại. Luôn có thể tập trung mọi người và công nhận nhà văn này hay khác mà không cần thưởng tiền. Nếu “Sách Nga” biến mất vì thiếu tiền, có nghĩa là giải thưởng này yếu kém về mặt tư tưởng.

Không khí văn học toàn cầu đã thay đổi

Việc trao/không trao những giải thưởng nhất định ảnh hưởng thế nào lên tiến trình văn học? Việc nhận giải “Sách Nga” hay giải thưởng NOS (Novaya Slovesnost) của Prokhorov tác động lên anh và con đường sự nghiệp của anh thế nào?

- Khi được giải “Sách Nga” tôi đã rất hạnh phúc. Khi đó tôi đã bị sức mạnh huyền diệu của sự công nhận tác động. Lúc ấy, tiền đối với tôi không quan trọng. Còn nói về ảnh hưởng, thì đúng, số bản in đã tăng vọt. Nhưng hiện nay tình hình với văn học đã khác.

Các giải thưởng văn học ở nước ta bắt đầu ảnh hưởng ít hơn đến tiến trình văn học?

- Tôi sẽ không bàn luận đề tài này trong tinh thần: những vụ mùa thất thu hay các nông trang viên lao động ít hơn. Đơn giản là khí hậu văn học toàn cầu đã thay đổi, và ở đó không ai có lỗi.

Nếu nói về giải thưởng văn học chính yếu nhất thế giới, Nobel, thì nhiều trong số những nhà văn được trao giải gần đây không thể không gây tranh cãi. Svetlana Alexievich và Bob Dylan là người chiến thắng, kỳ lạ, anh có đồng ý không (Alexievich là một nhà báo điều tra, còn Dylan là một nhạc sĩ)?

- Giải Nobel trong suốt lịch sử của nó đã bỏ lỡ nhiều cái tên vĩ đại đến nỗi chẳng nghĩa lý gì nếu tự hỏi tại sao là Alexievich hay ai đó... Tolstoy, Borges, Nabokov, Umberto Eco, hay Céline.

Tôi thì tôi sẽ không gọi đó là “giải thưởng văn học chính của thế giới”, mà đúng hơn nên gọi là “giải thưởng an toàn nhất về tài chính”. Có một “quá trình văn học thế giới” quy ước, nhưng tôi thì sống đâu đó bên lề và nói chung tôi không nhìn vào giải Nobel.

Đối với tôi, đó là những đàm tiếu gia đình trong đời sống của những người nào đó xa lạ với tôi, và tôi hoàn toàn bàng quan với những gì xảy ra trong gia đình họ.

Một nhà văn vĩ đại, cũng từng không nhận giải Nobel, Yukio Mishima (sinh năm 1925, văn hào người Nhật, ba lần được đề cử Nobel văn học. Một số tác phẩm: Kim các tự (1956), Sau bữa tiệc (1960), Những ngôi sao đẹp (1962), Bể phong nhiêu (1965). Tự sát bằng cách mổ bụng năm 1970) khẳng định rằng nhiều nhà văn viết về phụ nữ bởi vì họ có vấn đề với phụ nữ. Còn ông ấy viết về cái chết, bởi nếu không có văn học, ông ấy sẽ lao vào đâm chết những người qua đường. Với anh, hoạt động văn học có phải là một hình thức phản chiếu như với Mishima không?

- Tôi không giải quyết những vấn đề nội tại của mình bằng văn học. Đó là việc hiện thực hóa bình thường những khả năng của mình, điều cũng làm tôi vui thích. Ban đầu, văn chương là một thú vui. Khi sự thích thú đã lùi vào hậu cảnh, việc sáng tác trở thành dấu ấn của bản sắc cá nhân. Nếu tôi không viết, sẽ nảy sinh câu hỏi tôi là ai và tôi tồn tại để làm gì.

Anh cho rằng văn học là công việc của đời mình?

- Chúng ta nói thế này nhé, ngoài văn học ra tôi không biết làm gì. Tôi không khai phá được trong mình những khả năng nào khác.

Anh rất hoài nghi với hệ thống tư bản hiện đại. Hay cứ cho là hậu tư bản. Tuy nhiên, nếu thử hoàn toàn nhận định về mặt lý thuyết, thì anh thích sống ở hệ thống nào?

- Tôi thích các mô hình xã hội trong các cuốn sách của (Nikolai) Nosov về Mít Đặc (bộ ba Những cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn, Mít Đặc ở thành phố mặt trời, Mít Đặc trên mặt trăng). Chủ nghĩa cộng sản sinh thái ở phần đầu, và sau đó là chủ nghĩa cộng sản công nghệ. Nhưng vì sự trớ trêu của số phận mà phải lên sống tận mặt trăng.

Như trong sách đó nói, người giàu là những kẻ cướp thật sự. Họ cướp bóc, trốn đằng sau luật lệ, những thứ cũng do chính họ tạo ra, vậy thì có gì khác chứ - họ ăn cướp của tôi hợp pháp hay không hợp pháp. Một công thức thiên tài của Nosov.■

(*) Trích dịch.

Mikhail Yelizarov. Ảnh: Molly Tallant
Mikhail Yelizarov. Ảnh: Molly Tallant

 

Mikhail Yuryevich Yelizarov, 45 tuổi, từng đoạt giải “Sách Nga” (còn được gọi là Booker Nga) 2008 với tác phẩm Người thủ thư. Nhân vật chính là một thủ thư biết được một số quyển sách của một tác giả bị lãng quên có những đặc tính thần bí, và nhiều nhóm độc giả khác nhau đấu tranh khốc liệt để giành giật chúng.


Anh tốt nghiệp khoa triết Đại học Kharkov (Ukraine) và khoa opera của trường chuyên nhạc, theo học ngành đạo diễn truyền hình tại Đức và từ năm 2003-2007 sống và làm việc tại Berlin.

Sự nghiệp văn chương của anh không suôn sẻ: đầu tiên anh làm thơ, nhưng không thành công, sau đó là ca sĩ opera, thử nghiệm trong lĩnh vực văn xuôi và xuất bản tập truyện ngắn Nails, gồm 24 truyện ngắn và một truyện vừa, nhân vật chính là hai giáo dưỡng viên của một trường nội trú dành cho trẻ chậm phát triển.

Truyện vừa lọt vào chung khảo giải thưởng văn học mang tên Andrey Belyi, còn tạp chí Afisha xếp tuyển tập là tác phẩm đầu tay hay nhất năm 2001.

Năm 2003, tiểu thuyết Pasternak của Yelizarov nhận được nhiều đánh giá mâu thuẫn nhau. Tiểu thuyết này giới thiệu nhà văn Boris Pasternak như “quỷ dữ đầu độc nhận thức của giới trí thức bằng những tác phẩm của mình”, và bị một số nhà phê bình đánh giá là “rác rưởi”, tác giả bị dán nhãn “nhà tư tưởng có xu hướng phát xít”.

Nhưng mặt khác, quyển sách được cho là “sự báo thù... cho tất cả những sỉ nhục và xúc phạm với dân tộc Nga, tính cách Nga, đức tin Nga và ước mơ Nga” (Vladimir Bondarenko, báo Ngày Mai). Lev Daniklin gọi cuốn tiểu thuyết là “một chiến binh của triết học Chính thống giáo”.

Năm 2014, cuốn Chúng tôi hút thuốc từ năm 17 tuổi của anh đoạt giải thiện cảm độc giả của giải thưởng “Văn học mới” (NOS). Ngoài văn chương, Yelizarov vẫn tiếp tục biểu diễn những ca khúc mình sáng tác. Anh đang sống ở Matxcơva.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận