Vất vả con đường lên chuyên

HUY THỌ 28/01/2016 04:01 GMT+7

TTCT - Ngày mai, nếu nhà tỉ phú người Mỹ Malcolm Glazer - người sở hữu nhiều cổ phiếu nhất ở Manchester United - bỗng dưng tuyên bố: “Tôi phản đối cách điều hành của Hiệp hội Bóng đá Anh về Giải Premier League, đồng thời nhận thấy trọng tài ép Manchester United dữ quá, vì vậy tôi quyết định không đầu tư nữa và giải tán đội Manchester United”.

Dĩ nhiên, điều đó không thể nào xảy ra được. Bởi số tiền mà Malcolm đầu tư vào Manchester United là bạc tỉ đôla, mà đồng tiền gắn liền với núm ruột nên làm sao bỏ đơn giản như thế được.

Nhưng quan trọng hơn, nếu Malcolm không thích đầu tư vào bóng đá thì cứ việc rút lui bằng cách bán các cổ phiếu của mình, chứ không bao giờ có quyền giải tán đội bóng.

Nhưng với thể thao Việt Nam thì khác. Một ông chủ bỏ ra một đống tiền để lập một đội bóng, nhưng khi không thích nữa thì giải tán!

Câu chuyện này xảy ra khá nhiều trong bóng đá và mới đây là bóng chuyền, khi ông chủ của Tập đoàn Đức Long quyết định giải tán đội Đức Long Gia Lai khiến các VĐV bơ vơ trong những ngày gần Tết Bính Thân.

Suy cho cùng, thể thao của hôm nay cũng chẳng khác gì thể thao của thời bao cấp. Ngày xưa, một vị lãnh đạo của một công ty, một địa phương thích món gì thì lập tức thứ ấy nổi đình đám.

Chính vì vậy mới có chuyện cùng một địa phương, một công ty, hôm qua thì thể thao phát triển mạnh mẽ nhưng ngày mai thì dẹp hết, chuyển sang phát triển phong trào văn nghệ! Đơn giản bởi sếp cũ về hưu và sếp mới lên không cùng sở thích với người tiền nhiệm.

Các nhà quản lý thể thao Việt cho rằng muốn thể thao phát triển, chỉ có một con đường là phải chuyên nghiệp. Nhưng chuyên nghiệp là thứ không thể có trong một sớm một chiều mà phải dày công gầy dựng, chưa kể còn phụ thuộc vào cả xã hội. Bởi thật khó xây một ốc đảo chuyên nghiệp trong đại dương nghiệp dư.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận