"Vẽ để những người bạn Việt Nam luôn ở bên tôi"

TTCT - Nhà thơ cựu binh Mỹ Kevin Bowen vừa trở lại Việt Nam để tham dự một sự kiện văn hóa đặc biệt: cuộc triển lãm những bức chân dung ông vẽ các nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ Việt Nam.

Từ trái sang: nhà văn Bảo Ninh, nhà thơ Kevin Bowen, nhà văn Trần Anh Thái, nhà văn Bruce Weigl và nhà thơ Tô Nhuận Vỹ - Ảnh: Quế Mai

* Triển lãm của ông diễn ra khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, từng tham chiến ở Việt Nam, cũng vừa đến thăm hữu nghị Việt Nam. Là người từng tham chiến, khi trở về Mỹ ông đã tìm mọi cách để đưa những nhà văn Việt Nam sang Mỹ trong bối cảnh mối quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ vẫn chưa bình thường hóa và đã gặp không ít khó khăn. Ông nhớ gì về những ngày tháng đó?

- Giống như nhiều người Mỹ từng bị điều động sang Việt Nam trong chiến tranh, tôi đã cảm thấy một điều gì rất đặc biệt về xứ sở này và con người nơi đây. Nhưng giống như những người Mỹ khác, tôi phải xoay xở trong một biển thẳm cách biệt mênh mông của ngôn ngữ và văn hóa.

Trải nghiệm điều đó khi là một người lính, tôi trở về Mỹ và nhìn thấy một đất nước Việt Nam khác được mô tả bởi truyền thông và trong sự tưởng tượng của người Mỹ. Tôi biết rằng để cắt nghĩa được trải nghiệm của chính mình, tôi phải tìm cách nào đó để lấp đi biển thẳm của sự cách biệt, và rằng đối với đất nước tôi, công việc đó cũng quan trọng không kém.

Chúng tôi đã gặp sự phản kháng, diễn ra ở nhiều nơi khác nhau. Ở Mỹ lúc đó có những người nghĩ rằng Việt Nam vẫn còn giam giữ tù binh Mỹ và không chịu trao trả xác những người Mỹ đã chết. Và có những tổ chức của người Việt tại Mỹ muốn ngăn chặn bất cứ sự trao đổi hoặc đối thoại nào giữa Mỹ và Việt Nam. Họ muốn công chúng Mỹ thấy một hình ảnh của Việt Nam đông cứng cùng thời gian và trong một quá khứ đầy tức giận.

Tôi nhớ một lần, một nhóm người Việt và Mỹ tụ tập phản đối bên ngoài nơi chúng tôi đọc thơ. Nhà thơ Carolyn Forche ra ngoài và mời họ vào nghe. Rất lâu sau, một hay hai người lặng lẽ vào. Tôi nghĩ họ ngạc nhiên khi những gì họ đang nghe được là văn học, là thơ ca, chứ không phải là thông tin tuyên truyền. Và sau đó nhà thơ Carolyn Forche đã ký tặng tập thơ của cô ấy cho một trong những người cầm đầu nhóm phản đối.

Tôi nghĩ cuối cùng thì chúng tôi phải để chính hành động của chúng tôi nói lên tất cả, để con người xích lại gần nhau.

34 bức tranh chân dung của các văn nghệ sĩ Việt Nam do nhà thơ Kevin Bowen vẽ bằng chất liệu sơn dầu sẽ được triển lãm tại số 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội từ ngày 16 đến 18-12-2013. Triển lãm mang tên Một gương mặt của lịch sử. 

Nhà văn Lê Lựu cũng có một sức hấp dẫn khó cưỡng. Tôi nhớ rằng ông ấy đã đến thăm những trung tâm cựu binh khác nhau và gặp gỡ nhiều cựu binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam. Những cuộc gặp ấy thường bắt đầu khá căng thẳng vì các cựu binh thường đề cập đến việc Việt Nam không trao trả tù binh. Nhưng câu chuyện rồi cũng chuyển hướng các trải nghiệm chiến tranh của hai phía.

Những người Mỹ cảm thấy tò mò về Lê Lựu và cuối cùng họ bị ông ấy cảm hóa. Thật xúc động khi tôi chứng kiến điều này. Cuối cùng, tính nhân bản của con người đã thắng.

* Vậy những văn nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ đã đem theo và sẻ chia những gì với công chúng Mỹ, thưa ông?

- Những trải nghiệm của họ. Những câu chuyện của họ. Những tác phẩm của họ. Việc dịch một phần những tác phẩm ấy thật quan trọng vì cần phải có người trình bày các bản dịch tiếng Anh sau khi họ đã trình bày bản tiếng Việt.

Khi bạn nghe thấy chính tác giả trình bày một tác phẩm, bạn sẽ cảm thấy một mối liên hệ đặc biệt và trực tiếp đối với tác giả và tác phẩm đó. Nó tạo ra cơ sở cho sự đối thoại. Và các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ Việt Nam cũng đem sang Mỹ rất nhiều thứ khác.

Tôi nhớ nhà thơ Nguyễn Duy đem theo những chiếc bát và thìa gỗ, chiếu và rổ tre từ làng quê ông. Khi đến thăm một trường học hay đọc thơ cho công chúng nghe, ông bày những thứ đó xung quanh phòng. Rồi ông bắt đầu bằng việc nói rằng những thứ này đến từ làng quê của ông. Chúng dường như là những thứ vô tri vô giác, nhưng qua thơ ca chúng có thể sống dậy, hàn gắn mọi thứ - cuộc sống của ông, cuộc sống của làng quê ông và của xứ sở Việt Nam.

Tôi nhớ rằng khi tôi nghe Nguyễn Duy đọc thơ lúc đó, tôi đã cảm thấy những đồ đạc của làng quê ông sống dậy ngay trước mắt tôi.

* Khi nào ông bắt đầu vẽ chân dung của những nhà văn Việt Nam và tại sao? Ông đã vẽ những ai?

- Tôi bắt đầu vẽ chân dung sau khi một cú ngã làm tổn thương một phần não trái của tôi. Tôi không thể nhớ lâu bất cứ điều gì vì thế việc viết và đọc, hai công việc đã trở thành cuộc sống của tôi, trở nên vô cùng khó khăn. Tôi rất khổ sở vì điều đó. Với sự giúp đỡ của Leslie vợ tôi, tôi bắt đầu vẽ.

Vẽ chân dung là cách làm cho những người mà cuộc đời và công việc của họ quan trọng với tôi luôn ở bên tôi vào thời điểm mà tôi thường phải cô độc một mình. Chân dung cũng là cách tìm về cảm giác của trái tim và phát hiện những cách quan sát thế giới mà chỉ văn chương mới có thể đem đến. Cách quan sát thế giới độc đáo của những văn nghệ sĩ là những điều mà tôi tìm kiếm trong những bức họa chân dung.

Tôi đã vẽ nhiều người lắm: Phạm Tiến Duật, Vũ Tú Nam, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Lương Tử Đức, Ma Văn Kháng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Y Ban, Nguyễn Quyến, Trần Đăng Khoa, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đức Mậu, Chính Hữu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Duy, Chu Lượng, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan, Lê Văn Thảo, Bảo Ninh, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Ý Nhi, Nguyễn Quang Sáng, Lê Lựu, Đỗ Chu, Võ Quê, Tô Nhuận Vỹ, Thu Bồn...

Chân dung Bảo Ninh - Ảnh: Ảnh nhân vật cung cấp

Nguyễn Quang Sáng - Ảnh: Ảnh nhân vật cung cấp

Phan Thị Vàng Anh - Ảnh: Ảnh nhân vật cung cấp

Đỗ Chu - Ảnh: Ảnh nhân vật cung cấp

* Ông đã có những trải nghiệm đặc biệt nào khi thực hiện những bức họa này?

- Mỗi trải nghiệm đều khác nhau. Tôi vẽ trên cơ sở những tấm ảnh chụp. Điều này thường có nghĩa rằng phải lục lại những thùng đồ đạc và album ảnh để tìm những tấm ảnh cũ, để hồi phục trí nhớ, làm cho kỷ niệm sống lại. Điều này thật kỳ diệu vì càng ngày tôi càng thấy mình đang ở trong một căn phòng đang được đầy lên bởi sự hiện diện của những người bạn.

Tôi bắt đầu vẽ dưới tầng hầm trong mùa đông và khi mùa hè đến, tôi chuyển giá vẽ ra hiên nhà. Tôi làm thế trong một số năm trước khi thuê một xưởng vẽ để sử dụng cùng với vợ tôi.

* Tham dự cuộc triển lãm đặc biệt những chân dung chính ông vẽ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, cảm giác của ông thế nào?

- Tôi cảm thấy rất vinh dự. Thật tuyệt vời là lần này tôi về cùng vợ tôi, bà Leslie. Gần 25 năm trước, năm 1988, chúng tôi đến Việt Nam lần đầu tiên. Bà ấy đã chụp ảnh những trại trẻ mồ côi và những trung tâm dành cho thương binh và người khuyết tật. Chúng tôi đã đến Hà Nội, Huế và TP.HCM. Đất nước các bạn lúc đó rất khác, lúc đó còn nghèo lắm. Mọi việc đều rất khó khăn.

Ở một cách nào đó, buổi triển lãm và những bức chân dung này đánh dấu một chặng đường mà chúng tôi đã đi qua trong suốt 25 năm. Đó là một chuyến hành trình kỳ diệu của cuộc đời chúng tôi, sự giàu có mà chúng tôi đã trải nghiệm được trong việc đón tiếp và chia sẻ những năm tháng của cuộc đời mình với rất nhiều nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ Việt Nam.

* Ông vẫn tiếp tục vẽ chứ và ông đang vẽ ai?

- Vâng, chắc chắn là tôi tiếp tục vẽ. Tôi yêu thích việc đến xưởng vẽ của mình. Tôi đang vẽ rất nhiều bức chân dung. Tôi đang vẽ Nguyễn Khoa Điềm và rất nhiều người khác.

* Hằng năm ông đều trở lại Việt Nam. Điều gì khiến Việt Nam quan trọng với ông thế? Dự án tiếp theo của ông đối với Việt Nam là gì?

- Việt Nam và Ireland là hai chiếc cột chống đỡ cuộc đời tôi. Tôi nhớ khi Myles - con trai tôi - còn bé, thầy của cháu đã yêu cầu mỗi học sinh trình bày về gốc gác của mình với cả lớp. Myles đã nói với tất cả rằng một nửa gốc gác của nó là người Ireland, một nửa là người Việt Nam.

Về những dự án, tôi hi vọng chúng tôi sẽ phát triển được nhiều hơn những dự án dịch thuật, tập hợp và đào tạo được một thế hệ những dịch giả trẻ. Giám đốc mới của Trung tâm William Joiner - ông Tom Kane, rất hiểu Việt Nam và thật ra đã sống ở Việt Nam một vài năm. Ông ấy muốn mở rộng việc trao đổi văn hóa và phát triển những dự án mới trong các lĩnh vực sức khỏe cũng như văn hóa.

Tôi nghĩ rằng tương lai phía trước khá sáng sủa.

* Xin cảm ơn nhà thơ Kevin Bowen.

Vài nét về nhà thơ Kevin Bowen

Tham chiến ở Việt Nam từ năm 1968-1969, khi về nước, nhà thơ Kevin Bowen theo học tại Trường đại học Massachusetts Boston trước khi lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành văn học Anh tại Đại học State University of New York. Trong nhiều năm, ông là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến tranh và những hậu quả xã hội William Joiner.

Ông là tác giả tập thơ Chơi bóng rổ với Việt cộng và đã tổ chức dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam ấn hành ở Mỹ. Ở Việt Nam, tập thơ Khúc hát thành Cổ Loa của ông đã được xuất bản. Kevin Bowen được trao giải thưởng văn hóa Phan Chu Trinh năm 2010. 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận