Về tướng Phạm Xuân Ẩn: Đầu tiên và hơn hết, ông ấy là một người yêu nước

THANH TUẤN THỰC HIỆN 29/04/2014 01:04 GMT+7

TTCT - Tháng 5-2005, lần đầu tiên một vị tướng tình báo của Việt Nam xuất hiện trên trang bìa tạp chí uy tín bậc nhất nước Mỹ The New Yorker - nổi tiếng với các bài điều tra và phóng sự công phu.

Phạm Xuân Ẩn, phóng viên tạp chí Time, đang thì thầm vào tai Robert Shaplen - phóng viên của tờ The New Yorker. (Từ trái sang: Cao Giao - phóng viên tờ Newsweek, Phạm Xuân Ẩn, Robert Shaplen, Nguyễn Đình Tú - báo Chính Luận, Nguyễn Hưng Vượng - phóng viên tờ Newsweek) - Ảnh: Richard Avedon

Bài báo có tựa đề “The spy who loved us” (Tay điệp viên yêu chúng ta) viết về tướng Phạm Xuân Ẩn, cựu phóng viên của tạp chí Time và Reuters và là một điệp viên xuất sắc. Thomas Bass, tác giả bài báo thành công này, đã nhận được hợp đồng của NXB Public Affairs để viết tiếp cuốn sách về ông Ẩn.

Cuốn sách nhận được những khen tặng đặc biệt từ nhiều tác giả danh tiếng và độc giả nhiều nơi. Từ Tunisia, ông Bass đã trả lời phỏng vấn riêng của Tuổi Trẻ Cuối Tuần khi cuốn sách vừa được dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam.

Tôi nói chuyện với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, tác giả một trong những cuốn sách đầu tiên về ông Ẩn (Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời, NXB CAND 2002). Bà khen cuốn sách của ông là hay và cho rằng ngòi bút phân tích sắc sảo của ông đã khắc họa một chân dung sâu hơn về Phạm Xuân Ẩn trong khi cuốn sách của Larry Berman có góc độ của nhà sử học. Phát hiện nào khiến ông hứng thú nhất khi viết cuốn sách này?

- Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải là tác giả quan trọng hàng đầu về Phạm Xuân Ẩn. Cuốn sách của bà là chỉ dẫn quan trọng cho tất cả chúng tôi, những người theo bước chân bà viết về ông. Ông Ẩn là nhân vật khác thường, nhưng cuộc đời ông là một bí ẩn gói ghém trong những câu hỏi hóc búa. Ông là một trong những điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ 20 và cuộc đời của một điệp viên luôn là một bí mật.

Rất nhiều người trong chúng tôi đã hỏi đi hỏi lại những câu hỏi giống nhau để cố dựng lên chân dung về cuộc đời ông.

* Vậy đâu là sự khác biệt giữa cuốn sách của ông với các cuốn sách khác cùng viết về ông Ẩn?

- Cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn làm điệp viên bắt đầu được biết đến sau cuốn Flashbacks (Những hồi tưởng) của nhà báo kỳ cựu Đài CBS Morley Safer từ năm 1991 rồi đến cuốn sách của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải năm 2002. Sau đó là cuốn sách của Jean Claude Pomonti. Nhà sử học người Mỹ Larry Berman xuất bản cuốn hồi ký chính thức của ông về Phạm Xuân Ẩn vào năm 2007 (cuốn Điệp viên hoàn hảo - Perfect spy).

Cuốn sách của tôi The spy who loved us (Tay điệp viên yêu chúng ta, xuất bản năm 2009) tiếp cận nhân vật từ góc độ khác. Tôi dành nhiều giờ nói chuyện với ông Ẩn, từ đầu những năm 1990 cho đến tận khi ông mất vào năm 2006.

Khi chúng tôi gặp nhau sau khi bài báo trên The New Yorker được đăng năm 2005 (với cùng tựa đề “The spy who loved us”), ông Ẩn có khen rằng tôi đã viết về ông trên góc độ như một người Việt, từ bên trong của những gì ông cố gắng đạt được với tư cách là một người yêu nước và một điệp viên. Khi nhớ lại nhận xét này của ông, tôi rất buồn vì nó đánh dấu chấm hết cho những trao đổi giữa chúng tôi.

Ông ấy hoặc đã tiết lộ quá nhiều hoặc tôi đã biết nhiều quá, điều đó không bao giờ biết rõ được.

* Cuốn sách có những tiết lộ gì mới so với bài báo?

- Cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn rất khác so với bài báo. Tôi dùng bài báo trên The New Yorker như bệ phóng cho cuốn sách. Phạm Xuân Ẩn từng làm việc cho The New Yorker, là trợ tá cho Robert Shaplen, người phụ trách châu Á khi đó của tờ báo. Ông Ẩn rất tôn trọng tờ báo và muốn xuất hiện trên tờ tạp chí này.

Khi tôi ngồi trong phòng khách nhà ông, khối lượng thông tin tôi thu thập lớn gấp 10 lần lượng tin cần cho bài tạp chí - dù The New Yorker có những bài viết rất dài (bài của T.Bass về ông Ẩn trên tờ báo dài gần 10.000 chữ). Rồi tôi trở lại Việt Nam để coi phản ứng của ông với những gì tôi viết và để hỏi ông sâu thêm. Đó là khi sự thật mà tôi tìm kiếm - những sự thật về ông Ẩn - tự bộc lộ.

* Ông cố tình để vài trang sách trắng trong cuốn sách, tại sao vậy? Vẫn còn nhiều trang bỏ trống trong cuộc đời ông Ẩn mà ông còn muốn biết?

- Chúng ta sẽ không bao giờ biết đầy đủ về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn cho đến khi được tiếp cận kho dữ liệu của cơ quan tình báo và đọc những báo cáo mà ông Ẩn từng viết trong suốt cuộc đời điệp viên dài và cực kỳ thành công của mình. Nhưng kể cả khi đó, việc hiểu thật sự môi trường chính trị và văn hóa, chứ đừng nói động cơ cá nhân của ông Ẩn, sẽ rất khó mà tái hiện được.

* Cuộc gặp nào với ông Ẩn mà ông nhớ nhất? Có khoảnh khắc nào ông vẫn nhớ như in?

- Đó là khoảnh khắc ông Ẩn nói những gì tôi viết khác biệt so với những gì người khác đã viết về ông, rằng tôi viết câu chuyện của ông từ góc độ như một người Việt. Rằng bằng cách nào đó mà tôi đã vào được trong đầu ông, tiệm cận được động cơ ban đầu của ông. 

Tôi cũng biết nhiều thông tin bất ngờ về công việc điệp viên của ông - về những công việc trước năm 1975 nhưng đồng thời cả những công việc của ông sau năm 1975. Không thông tin nào trong số này từng xuất hiện trong các cuốn hồi ký khác.

Cuốn sách về ông Phạm Xuân Ẩn của Thomas A. Bass được NXB Nhã Nam và Hồng Đức dịch ra tiếng Việt với tựa Điệp viên Z21 - Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ (xuất bản tháng 3-2014). 

Ông Bass xuất hiện tại Hanoi Cinematheque vào ngày 20-5 để giới thiệu cuốn sách này.

* Vậy ông có biết tại sao ông Ẩn từ chối gặp ông sau cuộc gặp cuối cùng hồi tháng 1-2006? Tôi có nghe về sự không hiểu nhau giữa hai bên.

- Một lần nữa, chúng ta quay lại câu nói của ông Ẩn, rằng tôi viết hồi ký về ông từ góc độ người Việt, từ bên trong. Tôi có những nguồn tin rất sâu nói về danh sách dài những huân huy chương ông Ẩn được trao sau khi ông được cho là đã nghỉ hưu, không còn làm điệp viên nữa. Điều này phải chăng ông Ẩn vẫn còn là điệp viên cho đến ngày ông qua đời?

Tôi chỉ biết là sau khi đưa ra nhận xét đó, ông Ẩn nói chúng tôi không thể gặp nhau được nữa. Tôi đã biết quá nhiều và ông không thể tiết lộ thêm được nữa. Cuộc đối thoại của chúng tôi buộc phải chấm dứt. Anh có thể tưởng tượng tôi đã buồn thế nào khi lần cuối cùng bước qua cánh cửa ở khu vườn nhà ông Ẩn. 

* Tôi nói chuyện với con trai ông Phạm Xuân Ẩn về cuốn sách của ông, anh ấy nói “cần phân biệt những gì là suy luận của ông Bass và những gì thật sự do cha tôi nói”. Ông có phản ứng gì về những điều này?

- Tôi rất kính trọng Hoàng Ân. Anh ấy là người nhạy cảm và thành đạt, giống cha mình. Nhưng cuốn sách của tôi có thể gây khó cho anh. Đã có một cuốn hồi ký chính thức về ông Ẩn đang được viết khi đó (sách của Larry Berman), còn cuốn sách của tôi thì khác.

Thomas A. Bass - Ảnh nhân vật cung cấp

* Điều gì đặc biệt đến vậy về ông Ẩn, với tư cách một nhà báo - nghề chính của ông, một điệp viên và một người yêu nước?

- Cuốn sách của tôi có rất nhiều câu chuyện về người điệp viên đặc biệt này. Ông là người có biệt tài dí dỏm, trí tuệ sắc sảo, một người kể chuyện xuất chúng và một trong những nhà phân tích sắc sảo nhất của thế kỷ 20. Ông là nhà báo lớn và là một điệp viên vĩ đại. Ông đạt đỉnh cao nhất ở hai nghề rất khó. Cùng lúc đó, ông không bao giờ mất đi sự hài hước, tình yêu với quê hương, sự cảm thông với con người. Ông ấy là hình mẫu cho tất cả chúng ta.

* Chúng ta đã thấy cả sự cảm thông và đôi khi là tức giận từ những người bạn và đồng nghiệp cũ của ông Ẩn khi biết ông ấy là điệp viên trong chiến tranh. Từ những nghiên cứu của ông, ông có nghĩ công việc làm tình báo của ông Ẩn khiến các bài báo của ông ấy bị bóp méo hay không còn đúng sự thật?

- Câu hỏi rất hay. Nó đi đúng vào bản chất của vấn đề. Nhà báo và điệp viên thường có công việc giống nhau. Liệu nghề này có bị ảnh hưởng vì ông ấy theo đuổi nghề còn lại? Phạm Xuân Ẩn vẫn luôn nói ông chưa bao giờ nói dối, rằng những gì ông nói với người Mỹ cũng y hệt những gì ông nói với những đồng nghiệp điệp viên Việt Nam.

Có thể ông nói với người Mỹ ít hơn những gì ông nói với người Việt - đó là lý do mà chúng ta nên được tiếp cận với kho dữ liệu của cơ quan tình báo. Chúng ta cần so sánh những báo cáo mà ông Ẩn gửi cho Henry Luce (người sở hữu và chủ bút của tạp chí Time) với những gì ông gửi tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

* Ông rõ ràng đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi cho cuốn sách. Tôi thấy cuốn sách mới của nữ nhà báo Beverly Deepe gần đây, đến phần về ông Ẩn hầu hết trích lại những gì ông viết. Đâu là những lời khen hay bình luận khiến ông hài lòng nhất?

- Lời khen lớn nhất đến từ Phạm Xuân Ẩn, sau khi ông đọc bài báo trên tờ The New Yorker - nền tảng cho cuốn sách của tôi. Tôi đã cố đảm bảo mọi thứ đều đúng nhưng cuối cùng vẫn có một lỗi. Tờ The New Yorker rất nổi tiếng với đội ngũ soát lỗi của họ, một người soát lỗi đã gọi ông Ẩn và nói chuyện nhiều tiếng đồng hồ để trao đổi lại về bài viết (của tôi).

Khi phần sửa được gửi lại cho tôi, tôi nhận thấy người soát lỗi viết sai nơi sinh của ông Ẩn. Tôi sửa lỗi và nghĩ rằng vậy là đã xong. Nhưng khi bài báo được in ra, cái lỗi vẫn còn nguyên, được in ra trên cả triệu bản. Tôi phải xin lỗi ông Ẩn và sửa lỗi này khi cuốn sách được in lại. Nhưng một lỗi như vậy khiến ai trông cũng ngớ ngẩn.

* Ông có ý nói trong cuốn sách rằng khó mà biết được ông Ẩn thật sự làm việc cho ai. Giờ ông vẫn tin điều này hay ông có kết luận nào khác hơn?

- Ông Ẩn đầu tiên và hơn hết vẫn là một người yêu nước, chiến đấu vì đất nước của mình. Không ai nên nghi ngờ điều này dù ông có bao nhiêu người bạn Mỹ hay dù ông có ngưỡng mộ những khía cạnh nhất định của văn hóa Mỹ.

* Ông Ẩn từng liều lĩnh sự an toàn của mình để cứu giúp nhiều người bạn trong những tình huống khó khăn (*). Có gì đó thêm phần bí ẩn về ông Ẩn?

- Có rất nhiều điều bí ẩn về cuộc đời Phạm Xuân Ẩn. Ông là một người bạn trung thành, một người có đạo đức và thẳng thắn, những điều này đôi khi gây khó cho chính cuộc đời điệp viên của ông.

Cuộc đời thật, cuộc đời sống bởi những lý tưởng mãnh liệt nhất, thì luôn đầy rẫy những mâu thuẫn. Chúng ta cố gắng giải quyết các mâu thuẫn một cách tốt nhất - và đó chính là bài học mọi người thấy khi đọc về cuộc đời ông Ẩn. 

Viết về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn luôn là thách thức với những người cầm bút. Ở thời điểm xuất bản năm 2002, "Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời" của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải được coi là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam “lôi” ông Ẩn và những công việc của ông ra ánh sáng. 

Để làm được cuốn sách, bà đã mất hơn 10 năm cho việc phỏng vấn, thu thập tài liệu cũng như xin phép xuất bản.

 “Đó là cuốn sách quan trọng nhất của cuộc đời tôi, cuốn sách thể hiện ông Ẩn - một con người Việt Nam, vừa nhân văn, vừa hiện đại” - bà Ngọc Hải nói.

* Giai đoạn nào của ông Ẩn cuốn hút ông nhất?

- Cuộc đời lúc đầu của ông Ẩn rất lý thú, việc ông hình thành các niềm tin về cách mạng, rồi việc ông học nghề điệp viên - mà chính ông học từ một tay tình báo cự phách khác của Mỹ là Edward Lansdale.

* Trong cuộc gặp cuối cùng với ông, ông Ẩn nói: “Tôi đã hoạt động trong bóng tối. Tôi chết trong bóng tối”. Cuộc đời ông ấy dường như thể hiện điều này? Vẫn còn đầy bí ẩn, nhiều sương khói và vô số tấm gương ảo như ông từng viết?

- Cuộc đời ông Ẩn sẽ rõ ràng hơn nữa nếu chúng ta được phép tiếp cận những báo cáo ông từng viết trong cuộc đời làm điệp viên của mình. Các báo cáo này quy mô và quan trọng hơn nhiều những bài báo mà ông Ẩn từng viết.

* Ông nói rằng ông viết theo kiểu Việt Nam, đôi khi linh động giữa thời gian và quan điểm. Điều đó có ảnh hưởng tới góc độ báo chí của ông khi viết cuốn sách?

- Tôi nghĩ là có. Cuốn sách không có độ đích xác như kiểu một cuốn hồi ký chuẩn mực. Nó vẫn có những bí ẩn, nó mời gọi sự suy luận, phỏng đoán. Đây là điều khiến ông Ẩn là nhân vật đa diện và đáng chú ý tới vậy. Bản thân ông Ẩn cổ xúy sự bí ẩn và suy đoán này. Đó vừa là nghề của ông, đương nhiên, nhưng đó cũng là những yếu tố rất căn bản của cuộc đời.

* Ông bắt đầu quan tâm tới câu chuyện Việt Nam và câu chuyện của ông Ẩn như thế nào?

- Tôi gặp ông Ẩn trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam năm 1992. Đó là vinh dự lớn khi được đi qua cánh cổng ngay khu vườn nhà ông rồi hứng thú trò chuyện hàng tiếng đồng hồ khi ông nhớ lại những câu chuyện từ cuộc đời đặc biệt của ông. Tôi tiếp tục quay lại thăm ông nhiều lần ở Sài Gòn và nhiều lần đề nghị được viết bài về ông cho The New Yorker.

Điều này rõ ràng được ông Ẩn quan tâm vì ông từng làm cho tạp chí này trong chiến tranh và ông hiểu vị trí của tờ báo. Cuối cùng, ông xin được phép để nói chuyện chính thức với tôi - ông vẫn trong quân đội và vẫn phải tuân thủ mệnh lệnh của tổ chức. Ngay khi nghe tin này, tôi nhảy lên máy bay và rồi tôi lại đứng đó bấm chuông nơi chiếc cổng xanh ở vườn nhà ông Ẩn.

* Ông khuyên độc giả là nên đọc với hai ống kính - một điệp viên yêu nước Mỹ và là một người nguy hiểm. Lời khuyên này đúng với độc giả Mỹ. Với độc giả Việt Nam thì sao?

- Độc giả Việt Nam cũng cần hai ống kính. Họ nên hiểu tại sao Phạm Xuân Ẩn yêu nước Mỹ và họ nên hiểu động lực đằng sau tình yêu đất nước của ông, tại sao ông Ẩn lựa chọn trở thành điệp viên để chiến đấu chống nước Mỹ.

* Sau 5 năm, ông có muốn bổ sung gì cho cuốn sách về ông Ẩn?

- Tôi xin kêu gọi lần nữa việc cho phép các nhà sử học được tiếp cận các giấy tờ chính thức về ông Ẩn. Đây sẽ là hành động rất dũng cảm và quan trọng của Chính phủ Việt Nam.

Tôi rất mừng là cuốn sách đã được xuất bản bằng tiếng Việt, dù phải rút gọn đi. Việt Nam mới chính là độc giả thật sự cho cuốn sách của tôi - Phạm Xuân Ẩn là người yêu nước của các bạn. Ông là người hùng của các bạn và đây là câu chuyện các bạn nên cổ vũ.

* Ông đang viết cuốn sách gì? Có gì liên quan tới Việt Nam không?

- Gần đây tôi làm việc tại Bắc Phi, cố gắng làm một bài điều tra ở Tunisia nhưng Việt Nam vẫn ám ảnh tôi. Tôi sẽ trở lại Việt Nam vào tháng 5 này.

* Xin cảm ơn ông.

 Tôi có bốn chuyến đi dài tới Việt Nam - mỗi chuyến kéo dài trong vài tuần. Tôi bấm chuông nhà ông Ẩn vào buổi sáng rồi ngồi với ông trong phòng khách trong khi ông kể về cuộc đời làm báo, làm điệp viên của mình rồi lôi sách từ trên giá xuống để minh họa những gì ông nói.

Đến trưa, khi trong nhà đã đầy mùi bữa trưa được chuẩn bị, tôi thường cố xin phép nhưng ông Ẩn thường bằng cách này, cách kia tiếp tục kể cho đến 2, 3 hay 4 giờ chiều. Rồi chúng tôi đi qua vườn, nhìn ngắm lũ chim và gà chọi của ông. Cho đến khi mệt nhoài rồi thì tôi có thể rời đi qua cánh cửa ở vườn.

Ông Ẩn là người kể chuyện có tài bậc nhất thế giới. Được ngồi cạnh và nghe ông diễn giải về lịch sử Việt Nam luôn tạo hứng thú đặc biệt. Tôi đã cố thể hiện cảm xúc này trong cuốn sách của mình. Nhưng sẽ là điều kỳ diệu nếu ông vẫn còn sống để kể thêm những câu chuyện của mình. 

(Thomas Bass)

(*): Theo nhiều tài liệu, ông Ẩn từng giúp trùm mật vụ Sài Gòn Trần Kim Tuyến ra đi, từng bay sang Campuchia để cứu một người bạn - Robert Sam Anson và nhiều người khác nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận