TTCT - Tài nguyên nước sông Hồng nước ta được hình thành phần lớn từ phía Trung Quốc. Trong 10 năm trở lại đây, thượng nguồn các sông Đà, Thao, Lô phía sát biên giới Việt - Trung, Trung Quốc đã xây dựng các nhà máy thủy điện gồm bảy nhà máy trên thượng nguồn sông Đà, tám nhà máy trên thượng nguồn sông Lô - Gâm và một nhà máy ở thượng nguồn sông Thao.

Suối Ngòi Đum thuộc phường Bắc Cường (TP Lào Cai) ngập mênh mông nước  -Phạm Ngọc Triển
Suối Ngòi Đum thuộc phường Bắc Cường (TP Lào Cai) ngập mênh mông nước -Phạm Ngọc Triển

Như vậy, Việt Nam lại là nước nằm ở hạ lưu các hồ chứa của Trung Quốc nên nguồn nước vào Việt Nam có nhiều thay đổi, đặc biệt nhiều điều tiết xả đột xuất gây lũ bất thường và trong mùa kiệt dòng chảy bị suy thoái rất nhiều, khiến chúng ta phải chuẩn bị phương án đối mặt với thách thức này.

Do thủy điện Trung Quốc điều tiết bất thường tạo lũ lên đột ngột tại trạm Lào Cai với biên độ 1,4m trong ngày 10-10 và với biên độ 3m chỉ trong sáu giờ từ 7g-13g ngày 11-10.

Nhìn lại quá khứ, có thể thấy phía Trung Quốc đã có hoạt động tích nước. Tháng 3 đến tháng 5 các năm 2006, 2007, 2008 hồ chứa phía Trung Quốc đã giữ nước nhiều hơn khi nước ta đang thiếu nước, thể hiện ở các dấu hiệu sau: đường quá trình mực nước các tháng này giảm hẳn và có dấu hiệu không phát điện.

Các hồ chứa phía Trung Quốc đã giữ lại một lượng nước nên lưu lượng đến hồ Hòa Bình liên tiếp xuất hiện các trị số nhỏ nhất lịch sử tháng 3 và tháng 4. Đặc biệt, lưu lượng ngày 31-3-2007 là 145 m3/s - giá trị thấp nhất trong liệt số liệu tháng 3 của 100 năm qua; ngày 4-4-2007 là 140 m3/s - giá trị thấp nhất trong liệt số liệu quan trắc tháng 4 của hơn 100 năm qua.

Các nhà máy thủy điện phía Trung Quốc làm việc theo chế độ điều tiết ngày đêm nên dao động mực nước giữa giờ cao điểm và thấp điểm trong ngày rất lớn. Trong khi đó, công tác dự báo thủy văn lưu vực sông Hồng ở Việt Nam đang gặp khó khăn rất lớn.

Nguyên nhân có thể kể đến là: thiếu thông tin số liệu thủy văn mùa lũ thượng nguồn sông Lô phía Trung Quốc nên chất lượng dự báo vùng này rất thấp, chỉ đạt 50-60%.

Thiếu thông tin số liệu thủy văn mùa cạn các trạm sát biên giới phía Trung Quốc, gây khó khăn trong việc khai thác hợp lý nguồn nước mùa cạn.

Thiếu trạm thủy văn sát biên giới trên rất nhiều sông. Thiết bị quan trắc mực nước còn lạc hậu nên không giám sát được nguồn nước từng giờ.

Thiếu thông tin đóng mở cửa xả các hồ chứa phía Trung Quốc nên việc dự báo lũ thường không chủ động được.

Giải pháp cấp bách là Việt Nam cần xây dựng mới trạm thủy văn trên một số sông, trang bị thiết bị quan trắc tự động tại các trạm sát biên giới Trung Quốc.

Ở vùng thượng lưu sông Hồng chịu tác động mạnh mẽ điều tiết các hồ chứa phía Trung Quốc, đặc biệt trong mùa cạn, biên độ dao động mực nước trong ngày rất lớn, có khi gần 1-1,5m. Nếu quan trắc như chế độ hiện nay sẽ để lọt lưới chân, đỉnh.

Cần trang bị thiết bị quan trắc tự động chất lượng nước để giám sát chất lượng nước vào Việt Nam.

Để chủ động phòng tránh lũ, nâng cao chất lượng dự báo thủy văn cho hệ thống sông Hồng, Việt Nam cần đề nghị Trung Quốc cung cấp thêm cho Việt Nam số liệu mưa lũ của trạm thủy văn Đông Hồ, trên sông Nho Quế (sông Gâm), thuộc tỉnh Quảng Tây.

Việt Nam cần số liệu các trạm trên không chỉ ở mùa lũ mà cả mùa cạn vì rất cần thiết cho việc dự báo lũ đầu mùa và phục vụ tích nước các hồ chứa, cũng như tư vấn khai thác hợp lý nguồn nước mùa cạn.

Ngoài ra, cần đề nghị phía Trung Quốc cấp quy trình vận hành các hồ chứa ở gần biên giới Việt Nam và thông báo bằng văn bản lịch đóng mở các cửa xả trước 12 giờ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận