Võ Hạ Trâm: ​Tự gánh vác và chịu trách nhiệm với ước mơ của mình

TUẤN KHANH THỰ HIỆN 19/03/2015 02:03 GMT+7

TTCT - Ở thời điểm âm nhạc thị trường hiện nay, Võ Hạ Trâm là một trường hợp đặc biệt: cô chọn việc du học để thực hiện ước mơ giảng dạy thanh nhạc và dàn dựng sân khấu kiểu Broadway.

Ca sĩ Võ Hạ Trâm trong một buổi trình diễn ở TP.HCM - Ảnh: Quang Định

“Trâm đã lớn lên rất nhiều từ ngày bước chân vào thị trường âm nhạc năm 17 tuổi. Giờ thì Trâm hiểu nghệ sĩ nghĩa là phải làm việc nhiều hơn và tránh được ảo tưởng về danh vọng tức thì” - Võ Hạ Trâm nói. Cuộc trò chuyện với cô cho thấy những điều hết sức thú vị trong giấc mơ đời của trái tim nghệ sĩ.

Trong thị trường âm nhạc hiện nay, khi người ta kiếm được tiền tỉ để mua xe hơi, hàng hiệu... thì Trâm dành tiền du học. Có khi nào bạn bè gọi đó là suy nghĩ không thức thời?

- Tôi yêu nhạc bằng suy nghĩ thực tế. Ngay cả việc tự mình đi hát, làm việc thêm để dành dụm kiếm tiền cho những năm du học cũng là điều rất thực tế. Tôi không vòi vĩnh gia đình.

Ước mơ của mình thì mình sẽ gánh vác, chịu trách nhiệm với nó. Ở nhà không ai theo ngành này cả nên tôi phải tự mình suy nghĩ cho tương lai. Tuy nhiên ba má rất ủng hộ tôi. May mắn là tôi không mê đắm của cải hay những thứ làm giàu, làm đẹp cho mình.

Và có thể cá tính của tôi từ đầu là vậy nên không ai, kể cả những khán giả quen biết, ngạc nhiên về chuyện tôi đơn giản và thực tế trong sự nghiệp của mình.

 Tôi bất ngờ khi nhận ra Võ Hạ Trâm có một tư chất hết sức thông minh trong tiếng hát của mình. Chính vì thích thú tiếng hát của cô mà khiến tôi ngẫu hứng viết cả một album mới để cô trình bày. Có những chỗ tôi để cho cô tự tính toán cách trình bày như một thách thức nghề nghiệp, rất vui là Võ Hạ Trâm đã kiên nhẫn tìm tòi và tự mình mở ra những cách hát hết sức mới mẻ.

Nhạc sĩ Bảo Chấn

Hơn hai năm đứng bên lề dòng chảy liên tục của thị trường âm nhạc, đó có là một bất lợi so với các ca sĩ khác không? Hơn nữa, khi có rất nhiều người làm ra tiền và đổ vào công cuộc quảng bá cho riêng mình?

- Tôi thích đứng lên bằng khả năng của mình hơn là dùng tiền bạc để tạo danh tiếng, cũng không muốn dùng tiểu xảo để tìm chỗ đứng trên thị trường. Không ít người tham gia thị trường âm nhạc dùng tiền của để thành đạt tạm thời hơn là dựa vào chính khả năng của mình. Bằng cách đó thì mọi thứ dễ dàng bị nhấn chìm trong một thời gian ngắn.

Tôi không tạo ra những fan club ủng hộ ầm ĩ mà có thể họ sẽ quên mình nay mai, nhưng hôm nay tôi tự tin rằng mình đã có những khán giả riêng. Họ tìm đến nghe tôi - dù có thể là ít so với lẽ thường, nhưng đó là những người yêu quý và muốn thưởng thức giọng ca của tôi nhiều hơn là đến để nhìn cái áo hay cách trang điểm của tôi trên sân khấu.

Thật ra tôi từng phải chấp nhận để những người hâm mộ ra đi do không đáp ứng yêu cầu của họ, khi họ muốn tôi phải hát những bài hit của thị trường, hát những kiểu nhạc đang thịnh hành... Nhưng nhờ đó, còn lại là những người chia sẻ tình yêu âm nhạc của tôi, chắt lọc hơn.

Võ Hạ Trâm sinh năm 1990, đoạt giải thưởng Ngôi sao tiếng hát truyền hình năm 2007, tốt nghiệp á khoa khoa thanh nhạc của Nhạc viện TP.HCM năm 2014. Các album đã thực hiện: Hát (2008), Sóng (2011)... Cô hiện đang học thạc sĩ khoa music theatre tại Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ) từ tháng 8-2014. Là giọng tiếng Việt của vai Anna trong phim Let it go (bản lồng tiếng). Dự án trong năm 2015: album thể nghiệm cùng nhạc sĩ Bảo Chấn.

Ảnh: Tuấn Khanh

Vậy thì đã có một Võ Hạ Trâm hôm nay rất khác với ca sĩ đoạt giải Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2007?

- Dạ, đã khác rất nhiều. Năm 2007 sau khi đoạt giải, tôi háo hức ra album, chỉ mong mình có sản phẩm trên thị trường. Võ Hạ Trâm lúc đó chỉ muốn khẳng định mình, muốn xuất hiện trước khán giả... nhưng sau khi ra album Hát (2008), tôi nhận ra những háo hức đó vô nghĩa, những ham muốn đó trẻ con và sẽ bóp chết tình yêu âm nhạc thật sự của mình nếu không có một mục đích nhất định ngoài chuyện đi tìm danh vọng.

Đó là lý do mà tôi chỉ cùng với ca sĩ Triệu Lộc ra album Sóng (2011) cho đến nay như một cách hâm nóng công việc của mình bên cạnh việc học.

Thậm chí một số chương trình trò chơi thực tế trên truyền hình, tôi cũng từ chối. Hình ảnh có thể giúp quảng bá mình nhưng cũng làm mình mất thời gian và làm nô lệ cho bề ngoài. Nhận ra được điều đó không dễ, phải mất nhiều năm lớn lên và tỉnh táo tôi mới có được suy nghĩ này.

Nhiều người cũng trách là tôi không khéo lo chuyện PR trên báo chí. Nhưng không ít phương tiện truyền thông hiện nay chỉ muốn nhân chuyện ca hát của mình mà khai thác về đời tư, tạo những xìcăngđan... chứ không phải là những cuộc trò chuyện mang tính nghề nghiệp. Chính vì vậy mà tôi cũng làm phật lòng nhiều người khi từ chối các cuộc phỏng vấn, chụp ảnh...

 Võ Hạ Trâm là biểu hiện của một nghệ sĩ sống tư duy và đầy tinh thần làm việc. Trong đời một ca sĩ, có tiếng hát hay không phải tất cả, quan trọng là tinh thần mạnh mẽ. Tiếng hát hay mà không có tinh thần thì chỉ có làm nô lệ cho đám đông. Võ Hạ Trâm là một trong những nghệ sĩ trẻ hiếm hoi có tinh thần rất tự chủ. Thật đáng mừng nếu âm nhạc Việt Nam có thêm một giảng viên thanh nhạc trẻ và đầy tinh thần như Võ Hạ Trâm.

Tạ Minh Tâm (phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM)

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chọn học sâu hơn về giảng dạy là do bạn không thành công trong biểu diễn đơn thuần nên phải chuyển hướng?

- Nếu thất bại trong đời biểu diễn, tôi đã không thể tự mình kiếm ra vài tỉ đồng để đóng tiền du học trong một thời gian ngắn như vậy. Thậm chí lúc này tôi đang phải dời việc học vài tháng để đáp ứng một số lịch diễn đã định trước.

Chuyện chuyển sang học sâu hơn về thể loại Broadway musical và giảng dạy sau này là một phần kết quả việc trò chuyện với thầy Tạ Minh Tâm ở Nhạc viện TP.HCM. Thầy có nói một điều làm tôi suy nghĩ rất nhiều sau khi tốt nghiệp đại học: “Nếu con chọn con đường hẹp sẽ rất đông vui nhưng cạnh tranh vô cùng và cũng ngắn ngủi. Còn nếu chọn con đường rộng, tuy cô đơn như đó là lẽ sống và con sẽ đi hoài trên con đường riêng đó của mình”.

Đúng là chen vào thị trường lúc này thật thú vị, nhưng tôi đã đủ tỉnh táo nhận ra rằng cuộc đời mình không phải là một cuộc đua mà là một sự nghiệp được tính toán.

Đã có một ước mơ nào ấp ủ sau khi học xong, Trâm có thể chia sẻ?

- Tôi đang nghĩ đến một chương trình nhạc kịch kiểu Broadway ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp. Tôi sẽ dàn dựng trên sân khấu lớn và chọn vai, đào luyện cho những ca sĩ trẻ có cùng chí hướng.

Nghe thì hay nhưng mọi thứ còn xa lắm vì để có một lớp nghệ sĩ trình diễn kiểu Broadway phải mất vài năm cật lực. Nhưng tôi vẫn hi vọng. Cuộc đời phải có những thách thức như vậy mới thú vị chứ, phải không anh?.

 

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận