Vợ hổ trở thành "hoa khôi"

TTCT - Kể từ năm 1996, giải thưởng Orange (Orange Prize for Fiction) được trao hằng năm vinh danh cuốn tiểu thuyết hay nhất viết bằng tiếng Anh, xuất bản tại Anh, của tác giả nữ ở bất kể quốc gia nào trên thế giới.

Người thắng giải được nhận pho tượng đồng “Bessie” và 30.000 bảng Anh (xấp xỉ 1 tỉ đồng). Đây được coi như cuộc tuyển chọn “hoa khôi“ cho văn chương tiếng Anh.

Phóng to

Tea Obreht với tác phẩm đoạt giải Orange - Ảnh: wordpress.com và ebay.com.au

Năm nay giải thưởng Orange đã thuộc về nữ nhà văn Mỹ Tea Obreht với tác phẩm đầu tay The tiger's wife (Vợ hổ). Mới 26 tuổi, Tea Obreht trở thành cây bút trẻ nhất được ghi danh vào lịch sử 16 năm của giải Orange.

Tác giả trẻ với chất liệu dư thừa

Tác giả có họ tên thật là Tea Bairakterevic, sinh năm 1985 tại Belgrad, Nam Tư, chạy loạn sang Cyprus và Ai Cập, từ đó nhập cư Hoa Kỳ năm 1997, hiện đang theo học khoa viết văn Trường đại học Tổng hợp Cornell (bang New York). Bút danh Tea Obreht được ghép từ tên thật với họ của ông mình, một người xuất thân từ Slovenia nhưng đã qua đời và để lại nỗi ám ảnh khôn nguôi cho cháu gái.

Nhân vật chính trong Vợ hổ là Natalia Stefanovich - một nữ bác sĩ trẻ làm việc tại một nước nào đó thuộc bán đảo Balkan, nơi vừa trải qua cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Cô luôn khao khát tìm hiểu cuộc đời của ông mình nên quyết tâm điều tra cho rõ hoàn cảnh bí ẩn nào đã buộc ông phải chết.

Hai ông cháu Natalia và các nhân vật khác sống trong một đất nước bị chiến tranh tàn phá, nhưng bất chấp bom rơi mìn nổ xung quanh, những đứa trẻ vẫn uống vẫn ăn vẫn không nản chí và người lớn vẫn chăm chỉ làm những công việc thường ngày. Đọc Vợ hổ có thể thấy tác giả tuy trẻ nhưng dư thừa chất liệu và đã chủ động chọn lọc để đưa vào sách.

Trả lời phỏng vấn của Đài VOA, Tea Obreht cho biết: trước khi viết cô đã thu thập rất nhiều tư liệu, phác thảo một số nhân vật, nhưng sau những cân nhắc, cuối cùng cô đã lược bớt, chỉ duy trì ba tuyến truyện chính, mỗi tuyến có điểm xuất phát riêng và cô phải đan cài chúng vào nhau sao cho thật hài hòa.

Tác giả coi cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình là “khúc ca bi tráng về những kẻ thù, về mối tương quan giữa chúng với những cái chết”, dám tố cáo thẳng thừng những hành động dã man phi nhân tính, đồng thời đề cao sự rộng lượng và tình yêu của con người.

Tái hiện một thực tế khốc liệt, song trong Vợ hổ Tea Obreht cũng xây dựng được một số nhân vật siêu phàm: một người lang thang bất tử, một con hổ trong tao loạn thời chiến đã sổng vườn thú về sống ngay bên cạnh một làng đông dân cư, trong đó có người ông của nữ nhân vật chính và một người đàn bà tự xưng là vợ hổ.

Phong cách tác giả thể hiện qua cuốn sách này được đa số nhà phê bình văn học liệt vào trường phái hiện thực huyền thoại. Bản thân Tea Obreht cũng thừa nhận có duyên nợ với trường phái văn chương này: cô được sinh ra và sống thuở thiếu thời ở Balkan cũng như ở Cyprus, Ai Cập - những vùng đất rất giàu huyền thoại và văn học dân gian, giữa những con người có cuộc sống hằng ngày gắn liền với vô vàn mê tín lạ thường.

Và khi đã lớn, cô mê mẩn đọc những nhà văn Serbia tiền bối Ivo Andric, Milorad Pavic và những nhà văn nước ngoài Isak Dinesen (Đan Mạch), Ernest Hemingway (Mỹ), Gabriel Garcia-Marquez (Colombia), Roald Dahl (Anh), Mikhail Bulgakov (Nga)…

Một bài tập tại trường

“Vợ hổ là một cuốn sách phi thường, Tea Obreht là một tác giả phi thường - khi trao giải, bà trưởng ban giám khảo Bettany Hughes, một sử gia kiêm người dẫn chương trình truyền hình, nhận xét - Cô có biệt tài quan sát và nhận biết thế giới, biết đan cài khéo léo những câu chuyện huyền thoại vào một khối thống nhất và, qua tính cách sôi nổi của người phụ nữ, cô đã dẫn người đọc chúng ta vào một thế giới Balkan đầy những bi kịch, mâu thuẫn, xung đột”.

Rất sung sướng với giải Orange, song Tea Obreht vẫn trung thành với quan niệm “đáng sợ nhất trong đời là tính tự mãn và sự ảo tưởng”, chỉ dám coi Vợ hổ là một “bài tập tại trường” của mình. Cô sinh viên viết văn sửa soạn viết cuốn tiểu thuyết thứ hai, song chưa chắc sẽ lại dùng thủ pháp từng mang lại thành công cho cuốn trước. “Không thể viết tiểu thuyết theo đề cương vạch sẵn, phải hiểu nhân vật của mình sâu hơn so với mức câu chuyện cho phép, và phải nung nấu hết sức chi tiết cho cuốn sách tương lai”.

Hiện nay Tea Obreht được tạp chí The New Yorker bình chọn là một trong 20 nhà văn dưới 40 tuổi tài năng nhất của Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận