Vòm xanh

VĨNH QUYỀN 13/01/2013 22:01 GMT+7

TTCT - Nhà tôi xưa nằm trên một triền đồi ngoại thành Huế. Chiếc sập gụ của ba tôi kê sát cửa sổ. Buổi trưa nằm cạnh ông, tôi im lặng nhìn cành khế lão ngoài hiên đung đưa gần như trước mắt, tay vói chạm tới được.

Bốn mùa đi qua với run rẩy lá xanh nõn, chi chít hoa tim tím, rồi xúm xít trái bằng hạt lựu.

Phóng to
Tranh: Đức Trí

Chúng lớn khá nhanh và cuối cùng lủng liểng như những chiếc đèn lồng vàng mọng. Sau này mỗi lần trông thấy một cây khế lão, bất kỳ ở đâu, tôi lại trông thấy bóng hình ba tôi mặc dù loài cây nào trong khu vườn cũ đều mang hình bóng ông. Còn cây me cổ và phiến đá đen vuông đặt dưới gốc thì lưu giữ năm tháng lớn dần của tôi trong ký ức ông cụ khi tôi phải xa Huế.

Đó là nơi tôi thường ngồi ngóng mẹ thi thoảng ghé thăm không hẹn trước, bà đến lúc sẩm tối và ra đi trong sương sớm. Đó là nơi tôi ngồi học bài, từ tiểu học đến đại học và lén lút đọc thư bọn con gái. Trong một lần chỉnh trang sân vườn có người muốn dịch chuyển phiến đá, ba tôi yêu cầu giữ như cũ và nói ra lời về nỗi nhớ tôi, điều mà ông chưa bao giờ làm. Thế là tôi hiểu ba tôi đã già yếu.

Ngày ông cụ mất, tôi còn lang thang đất người bán những cuốn sách ế ẩm do tôi viết ra và nhà xuất bản thì trả nhuận bút bằng sách.

Thời đó làm gì có điện thoại di động, phải đến lúc gọi về hỏi thăm mới nghe tin dữ. Tôi không về kịp để cho cây vườn cùng chịu tang như đã thầm hứa, bởi chúng là anh em của tôi. Những dải khăn sô trắng khoác buộc lên những người anh em xanh chùng rũ trong sương sớm, vật vờ trong gió chiều sẽ nhân lên trăm lần nỗi đau mất mát của tôi và cũng có thể sẻ chia bớt cho tôi chính nỗi đau mất mát không bù đắp nổi ấy.

Tôi luôn hình dung Huế như thể một khu vườn không bao giờ biết hết ngóc ngách. Nhưng rõ ràng chuỗi đồi thông nối nhịp hình sin suốt một vùng bán sơn địa là đường biên phía tây của khu vườn ấy. Thông Huế là một phần tâm thức tuổi trẻ Huế. Làm sao phai được hình ảnh đồi thông quốc tự Từ Hiếu, đồi thông đại chủng viện Thiên An trong ký ức thời thanh xuân hò hẹn? Tiếng thông reo đã hỗ trợ cho lời tỏ tình vụng dại, phấn thông vàng đã mang chở hạnh phúc cũng như khổ đau của những đôi tình nhân rải rác khắp ngọn đồi xanh lá bốn mùa.

Ở Huế, so với thông, phượng vĩ, bồ đề, mù u, bàng, liễu... thì cây ngô đồng khiêm nhường về tần số xuất hiện. Nhưng trong ký ức tôi cây ngô đồng lại chiếm vị trí quan trọng. Đã nhiều năm tôi tin những nhà phê bình văn học khi cười nhạo các nhà thơ xưa rập khuôn thơ Trung Hoa, mà hình ảnh cây ngô đồng trong thơ Việt là một ví dụ, bởi VN làm gì có ngô đồng? Mãi sau đọc thêm nhiều sách cổ, tôi mới nhận ra họ đúng có một nửa.

Hiện tượng một thời nhại thơ Tàu là có và dễ hiểu, còn nói Việt Nam không có ngô đồng là sai khủng khiếp. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết có lần Trung Quốc tặng vua Minh Mạng hai cây ngô đồng. Nhà vua quý lắm, cho trồng ở hai góc điện Cần Chánh và muốn biết nước ta có loài cây danh tiếng này không. Để trả lời câu hỏi của chính mình, vua sai biền binh cầm mẫu lá ngô đồng Trung Quốc lặn lội vào rừng tìm kiếm.

Hóa ra loài cây quý phái đầy cảm hứng thi ca của Trung Quốc cũng có mặt ở Việt Nam. Vui mừng, vua Minh Mạng cho đem giống ngô đồng nội địa về tô điểm cảnh quan cung điện, lăng tẩm. Niềm tự hào “không thua kém Tàu” còn thể hiện ở việc nhà vua cho chạm khắc cây ngô đồng Việt lên Nhơn đỉnh trong số Cửu đỉnh đúc năm 1835. Dù được phát hiện trên diện rộng, cây ngô đồng chẳng mất đi danh phận cao quý, hoặc vẫn ở ẩn trong rừng già hoặc chỉ mọc trên đất vương giả.

Dân gian không trồng cây ngô đồng, như một mặc định, dù không hề có sắc chỉ cấm kỵ. Thời niên thiếu bị dẫn dụ bởi câu thơ Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu, tôi đã bỏ công đi ngắm ngô đồng trút lá thu vàng. Nhưng rồi thất vọng bởi ngô đồng ngày trút lá không gây mỹ cảm như tôi đã có khi đọc thơ. Đem chuyện ấy nói với ba tôi, ông chỉ mỉm cười.

Một ngày trung tuần tháng hai âm lịch năm sau, ông đưa tôi đến công viên Tứ Tượng bên bờ sông Hương, chỉ vào một cây cao thật là cao, chỉ sót mấy chiếc lá vàng, còn chi chít toàn hoa là hoa, tim tím phớt hồng mơ hồ trong sương mù. Lặng ngắm cây ngô đồng duy nhất giữa công viên đang vào thời điểm mãn khai, ba tôi bảo cây cũng như người, không phải lúc nào cũng phô diễn được giá trị bản thân.

Hai năm trước tôi đã chiết một nhành từ cây khế lão bên cửa sổ ngôi nhà cũ đem trồng ở góc sân hẹp nhà tôi. Từ bàn viết này, tôi có thể nhìn thấy nó nhưng không vói chạm tới được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận