World cup và Euro của một thế giới khác

LONG HẢI 27/07/2016 20:07 GMT+7

TTCT - Euro 2016 sẽ mãi được nhớ đến bởi câu chuyện cổ tích của các quốc gia nhỏ như Xứ Wales hay Iceland. Nhưng liệu bóng đá có phải là cách thức thể hiện tinh thần dân tộc?

Một trận đấu ở Conifa với các khán đài vắng tanh và những cầu thủ nghiệp dư -conifa.org
Một trận đấu ở Conifa với các khán đài vắng tanh và những cầu thủ nghiệp dư -conifa.org


Trong khi định nghĩa chính xác một quốc gia là gì còn nhiều tranh cãi, thì có vẻ tất cả đều nhất trí rằng mỗi quốc gia cần có một đội bóng đá (số thành viên của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) là 211, nhiều hơn Liên Hiệp Quốc - 193). Abkhazia là vùng đất mới nhất đang dò dẫm đi trên con đường đó.

Từ Conifa

Astamur Adleiba đang khởi xướng cho phong trào từ bóng đá đi tới chủ quyền ở vùng đất tại dãy Caucasus, dân số 240.000 người đã tuyên bố ly khai khỏi Gruzia. Adleiba rất quyết tâm. Anh là người tổ chức chính của giải Conifa World Football Cup ở Abkhazia cuối tháng 5 vừa rồi.

Đó là giải vô địch cho các đội tuyển của những vùng lãnh thổ chưa được thừa nhận và không được FIFA kết nạp. Các đội tham dự là Quebec, vùng lãnh thổ nói tiếng Pháp của Canada; cộng đồng người Triều Tiên ở Nhật Bản; Nam Ossetia; cộng đồng người Kurd ở Iraq... “Tôi muốn cho thế giới thấy chúng tôi thật sự là một quốc gia độc lập” - Adleiba nói.

Dinamo, sân nhà vừa được tân trang của đội bóng cùng tên, là một trong vài công trình hiện đại ở Sukhumi, thủ phủ của “quốc gia” đang bị quên lãng. Đến Abkhazia, người ta có cảm giác đi lạc vào một tiểu thuyết ma thuật của Nga phiên bản lỗi.

Những dinh thự đổ nát mang phong cách thời Stalin cùng hàng cọ dài trên những con phố như đang ngủ, một nửa trong số đó bị bỏ trống từ cuộc xung đột ly khai sau khi Liên Xô sụp đổ. Xa xa về phía đông sân bóng là tòa nhà quốc hội 13 tầng, được phục dựng từ vụ cháy trong chiến tranh.

Trụ sở Liên đoàn Bóng đá Abkhazia ở dưới tầng hầm tòa nhà đó. Abkhazia giống nhiều nước thời Liên Xô, phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ tài chính, bảo vệ cũng như thực phẩm và rượu nhập khẩu từ Nga. Hàng triệu du khách Nga đến đây hằng năm để thăm thú các bãi biển và những tàn tích cũng đem lại nguồn thu quan trọng.

Trong các nước thành viên Liên Hiệp Quốc, mới bốn quốc gia (gồm Nga, Venezuela, Nicaragua và Nauru - một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương) đã công nhận Abkhazia kể từ khi họ tự tuyên bố độc lập sau cuộc chiến Nga - Gruzia năm 2008.

Cũng như Abkhazia, 11 đội khác tham gia Conifa là những cộng đồng và vùng lãnh thổ không được quốc tế công nhận, không có đội tuyển bóng đá riêng. Cả giải chỉ có vài cầu thủ đá chuyên nghiệp, 10 người có kinh nghiệm thi đấu quốc tế, chơi tại các nền bóng đá hẻo lánh như Na Uy, Armenia hay Iraq.

Chỉ 4/24 đội đại diện cho một nhà nước không được thừa nhận. Abkhazia là vùng lãnh thổ duy nhất có quan hệ ngoại giao thực thụ với một đối tác cũng là nhà nước quốc tế.

Tới chủ nghĩa dân tộc trong bóng đá

Bóng đá hiện đại gắn chặt với niềm tự hào quốc gia. Quốc gia càng nhỏ, khi thành công càng được nể phục, càng tự hào về những gì các cầu thủ của họ làm được. Nhưng ranh giới giữa lòng tự hào và chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong bóng đá rất mong manh.

Trong khi “vũ điệu Viking” của Iceland được tán thưởng ở Pháp thì những màn ẩu đả đổ máu giữa hai phe hâm mộ Anh - Nga hay cảnh ném pháo sáng xuống sân của Croatia thật đáng xấu hổ. Nhưng toàn cầu hóa đã thay đổi rất nhiều bộ mặt các đội tuyển quốc gia.

Roman Neustädter, tiền vệ sinh ở Ukraine, lớn lên ở Đức, được nuôi dạy bởi người cha từng là tuyển thủ Kazakhstan, được “biệt phái” vào đội tuyển Nga ngay đêm trước khi Euro khai mạc với một sắc lệnh đặc biệt do đích thân Tổng thống Vladimir Putin ký.

Lý do: Nga rất cần một tiền vệ trung tâm, và Neustädter là người tốt nhất. Phong trào thay đổi quốc tịch bóng đá bắt nguồn từ các cầu thủ Brazil. Rất nhiều ngôi sao từ quốc gia xuất khẩu cầu thủ số 1 thế giới này đã nhập quốc tịch và chơi cho đội tuyển các nước, từ Đức, Ý, Tây Ban Nha, tới Nhật Bản, Việt Nam (thủ thành Phan Văn Santos).

Thất bại và chiến thắng của các trận bóng đá vẫn được coi là ẩn dụ thành bại của một quốc gia. Báo chí và người hâm mộ Anh xem thất bại của tuyển Anh trước đội bóng tí hon Iceland với dân số chỉ 323.000 người (bằng thành phố Leicester của Anh) là biểu tượng cho sự hỗn loạn của công tác điều hành tại quốc gia này, không khác gì vụ trưng cầu ý dân Brexit diễn ra bốn ngày trước đó.

Một số vùng lãnh thổ như Puerto Rico, Hong Kong, Macau... vẫn được FIFA kết nạp. Tháng 5 vừa rồi, tổ chức này chào đón hai thành viên mới là Kosovo (được 108 thành viên Liên Hiệp Quốc công nhận, tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008) và Gibraltar (vùng lãnh thổ của Anh).

Nhưng còn nhiều thành viên khác bị FIFA từ chối, gồm Đảo Man, vùng lãnh thổ thuộc quyền cai quản trực tiếp của Hoàng gia Anh, với sự tự trị lớn hơn Gibraltar; hay Kiribati, là thành viên Liên Hiệp Quốc nhưng chưa phải FIFA; và tất nhiên cả Abkhazia.

Phong trào ly khai

“Những người Kosovo đã giành được độc lập. Chúng tôi mừng cho họ - Adleiba nói - Nhưng tại sao mọi người vẫn chưa công nhận chúng tôi, và tại sao chúng tôi lại không được công nhận?”. Mục tiêu của Conifa là tạo ra một sân chơi mới cho những ai không phải thành viên FIFA.

Năm tới, nơi dự kiến đăng cai giải đấu là “các nước cộng hòa nhân dân” được thành lập ở đông Ukraine trong cuộc chiến 2014-2015. Conifa lần đầu tiên tổ chức ở Thụy Điển năm 2014, sáng kiến của Per-Anders Blind, một trọng tài làm việc bán thời gian và là thành viên của một cộng đồng người Sami bản địa tại vùng phía bắc Scandinavia, Lapland.

Lần đó, Conifa phải chạy đôn chạy đáo xin thị thực cho những cầu thủ của đội Darfur, đại diện của những người tị nạn Somalia chạy sang Cộng hòa Chad vì chiến sự và thanh trừng sắc tộc. Đội Darfur thủng lưới tới 61 bàn chỉ sau 4 trận ở giải, nhưng cuối giải họ nhận được phần thưởng tuyệt vời: chính quyền Thụy Điển đồng ý cho cả đội ở lại tị nạn chiến tranh.

Với đội tuyển Abkhazia năm đó, phần lớn các cầu thủ là những người có quốc tịch Nga, qua một chương trình Nga cấp hộ chiếu cho dân Abkhazia để họ đi lại thuận tiện hơn. Nhưng Abkhazia chỉ có thể đưa tới Thụy Điển một đội hình 13 người do không thể xin được thị thực.

Năm 2015 còn tệ hơn, Abkhazia buộc phải bỏ giải bởi Gruzia gây áp lực với nước chủ nhà Hungary và các cầu thủ Abkhazia không được nhập cảnh. Năm nay thì Adleiba đã kéo được giải đấu về quê nhà.

Chính quyền Abkhazia đã chứng tỏ được năng lực của họ trong chiến dịch giành quyền đăng cai, bên cạnh sự hỗ trợ tài chính từ Matxcơva. Sân Dinamo gần như được xây mới với kinh phí 650 triệu rúp (hơn 10 triệu USD), trong đó vốn đối ứng của Abkhazia là 25 triệu rúp (gần 400.000 USD).

Không như Euro hay World Cup, giải đấu cũng mang danh quốc tế này, “nước chủ nhà” chắc chắn thua lỗ. Những cổ động viên “quốc tế” tới sân là hai người Anh lập dị.

“Tất cả bạn bè của tôi đều nghĩ tôi bị điên” - Kevin O’Donovan, một tài xế xe buýt từ Cambridge, nói. Những nỗ lực kiếm tiền từ bản quyền truyền hình cũng thất bại. Thật dễ hiểu, không một nhà nước chủ quyền nào muốn thấy một đội bóng của vùng lãnh thổ đang đòi ly khai thi đấu và ăn mừng chiến thắng. Ngay việc tới được Abkhazia là cả một thách thức.

Con đường hợp pháp duy nhất là đi tàu hỏa xuyên đêm từ Tbilisi (thủ đô của Gruzia) rồi đi bộ tiếp hoặc... đi xe lừa kéo qua một cây cầu bỏ hoang đến biên giới. Nhà tổ chức khuyên các đội nên đi đường dễ hơn qua biên giới với Nga.

Nhưng trước sự phản đối quyết liệt của Gruzia, chỉ Somaliland chọn đường này, nhưng 18 gã đàn ông da đen ngồi trên xe buýt vượt qua biên giới không khỏi tránh được sự nghi hoặc từ lính biên phòng Nga. Họ bị chặn lại và chỉ được giải thoát sau khi những cuộc điện thoại qua lại với ban tổ chức giải ở Abkhazia.■

“Bóng đá không liên quan gì tới chơi đẹp. Nó gắn liền với sự thù hận, ganh ghét, kiêu căng, bất chấp luật lệ và niềm vui của sự khổ dâm được nhìn thấy bạo lực: nói cách khác, bóng đá là chiến tranh không có tiếng súng” - văn hào George Orwell, cũng là một nhà báo, miêu tả quá trình phát triển của bóng đá từ một trò chơi giải trí trở thành “sự leo thang của chủ nghĩa dân tộc” như thế trong tiểu luận nổi tiếng của ông: The sporting spirit (tạm dịch: Tinh thần thể thao).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận