Xem "I lost my body" của Jérémy Clapin: Hành trình hoạt hình hiện sinh

DU LÊ 18/02/2020 18:02 GMT+7

TTCT - Dẫu trượt Oscar năm nay trong hạng mục phim hoạt hình xuất sắc nhất, nhưng I Lost My Body với câu chuyện về một bàn tay bị cắt lìa tìm cách gắn, theo nghĩa đen và nghĩa bóng, trở lại với chủ nhân Naoufel, một chàng trai giao pizza tìm cách định hướng lại cuộc đời sau thảm kịch, xứng đáng được coi là bản ngụ ngôn thi vị và xúc cảm nhất. Và đây mới là phim hoạt hình của năm.

 

Naoufel, một chàng trai trẻ gốc Morocco, đang nằm trên sàn xưởng mộc. Một con ruồi bay vo ve để tìm kiếm xung quanh, những con mắt đỏ ngầu như màu ngọc như chỉ cho ta biết chỗ máu vẫn còn túa ra khỏi cổ tay đã bị cắt lìa của Naoufel.

Câu chuyện cổ tích u sầu và cũng đầy chất thơ ấy bắt đầu chỉ ít giây sau khi chàng trai trẻ ở Paris giữa những năm 1990 bị bạo liệt “tách lìa” khỏi bàn tay. Và đấy cũng là câu chuyện về một người đi tìm cho mình cách làm sao để cảm thấy trọn vẹn một lần nữa.

Điều giúp Naoufel trụ vững lại là một giải pháp lãng mạn: ký ức. Cùng nhau, Naoufel và bàn tay phải của cậu lần lượt cảm nhận về thế giới xung quanh. Những hạt cát chuội qua ngón tay, nước tắm vẫy tóe lên lòng bàn tay, những phím đàn trơn láng của cây piano mẹ đang dạy cậu đàn. Thời thơ ấu của Naoufel - trong gam màu trắng đen như thể vẽ bằng bút chì - mang chúng ta vào câu chuyện tình yêu giữa cậu bé và bàn tay của mình.

Nhưng rõ ràng có lý do vì sao phim có tên gọi Tôi mất đi cơ thể, chứ chẳng phải Tôi mất một bàn tay. Góc nhìn, ngay từ tựa phim, đã khác.

Hành trình của những cảm xúc tương phản hòa hợp

Jérémy Clapin và Guillaume Laurant, đồng tác giả, làm bộ phim dựa trên chính tiểu thuyết Bàn tay hạnh phúc (Happy Hand) của Guillaume được xuất bản năm 2006.

Bộ phim là một chuyến du hành qua một Paris dưới nét vẽ tay của Clapin, không óng ánh như Ratatouille, không ngả vàng như The Triplets of Belleville, mà gập ghềnh phiền toái xám xịt, bởi đấy là từ góc nhìn của một… bàn tay đã bị cắt lìa.

Ảnh:
 

Bàn tay, dẫu đứt lìa khỏi một cơ thể, lại đủ đầy như một con chim bị rơi khỏi tổ, dò đường bằng cảm nhận, nhìn và nghe để chạy thoát và lênh đênh suốt hành trình tìm lại cơ thể ban đầu. “Tôi thích tương phản cảm xúc của khán giả xem phim. Để tạo một cảm giác bất an, khó ở cho họ, như chính cảm nhận của bàn tay” - vị đạo diễn giải thích. Bởi vậy, cách tốt nhất để thưởng lãm I Lost My Body là giữ một cái đầu lạnh.

I Lost My Body là bộ phim full-length đầu tiên của Clapin, cũng là lần đầu tiên anh chuyển thể tác phẩm của một tác giả khác. Năm 2011, Clapin gặp nhà sản xuất Marc du Pontavice, người đang muốn thực hiện một bộ phim truyện hoạt hình và sẵn lòng trao cho Clapin rất nhiều tự do trong quá trình làm phim.

“Tôi yêu điện ảnh vì tôi được tự do. Đó là lý do tôi phải tìm cho bằng được kỹ thuật làm phim này, để cho ra một tác phẩm gần với phim người đóng. Tôi có camera thật, nhưng nhân vật được xử lý bằng máy tính, CG giúp cho mẫu có thể linh hoạt chuyển động. Nó buộc phải có góc nhìn vô cùng chân thật. Tôi cũng muốn khía cạnh hình ảnh của phim trông giống như tranh vẽ, giống với đời thật hơn là CG".

Điều gây ra cảm hứng lớn nhất cho Clapin về tác phẩm gốc, là góc nhìn của bàn tay. “Về hình ảnh, nó giống như một bộ phim về một người bị thu nhỏ. Chúng ta cần phải cảm thấy nhỏ bé, phải tái tạo góc nhìn ấy. Góc máy thấp, camera gần như chạm vào sàn nhà, âm thanh cũng theo góc nhìn ấy - tức những vật gần mặt đất sẽ có tiếng lớn hơn hẳn”, anh nói.

 

Bàn tay không thể nghe thấy gì cả, nhưng đó mới chính là ma thuật của điện ảnh. Nó lắng nghe thế giới theo một cách rất khác với chúng ta: tiếng rú của loài chuột nghe như một con quái vật, tàu điện phát ra âm thanh cực kỳ đinh tai, tất cả những âm thanh ở gần bàn tay đều cực kỳ to và rõ. Và hành trình ấy mang lại điều gì đó siêu hình. “Đầu phim, Naoufel đang bế tắc, cuộc sống của cậu ấy hoàn toàn chẳng có động lực nào. Bàn tay thì ngược lại, nó muốn được phản kháng, đấu tranh với định mệnh, nó muốn được tìm tới một nơi khác”.

Bộ phim được đặt giữa một thời vẫn sử dụng máy ghi âm, điện thoại bàn và niên giám điện thoại. “Tôi không cần phải có khía cạnh số của thế giới trong bộ phim. Tôi muốn cái gì đó tay chân hơn, chắc chắn không giống với thế giới chúng ta đang sống ngày hôm nay. Tôi không muốn bàn tay gọi Uber hay gửi dòng tweet, mà là một giai đoạn hợp lý hơn như thập niên 1990, cái giai đoạn đóng băng mãi mãi không bao giờ chuyển động nữa, liền trước giai đoạn số” - Clapin chia sẻ.

Chiêm nghiệm xúc động về mất mát và tìm kiếm bản thể

“Tôi đọc tiểu thuyết đó, và điều thu hút tôi chính là sự đảo ngược tất cả của mất mát: cơ thể chẳng đánh mất bàn tay, mà chính là bàn tay đánh mất cơ thể - Clapin giải thích lý do anh chấp nhận làm bộ phim - Ý tưởng này rất lạ, nhưng cũng vô cùng thách thức”.

Khác với cuốn tiểu thuyết vốn để bàn tay là nhân vật kể chuyện, bộ phim sử dụng những hồi tưởng để hình thành trải nghiệm song song giữa bàn tay và của cơ thể. Naoufel ám ảnh với âm thanh ngay khi nhận được thiết bị thu làm quà tặng, và bắt đầu thu âm những tiếng động xung quanh nhà. Và trong tiểu thuyết, bàn tay sử dụng xúc giác để chuyển động, trong phim thì không.

“Tôi cần Naoufel và bàn tay kết nối với nhau nhưng không thông qua cảm giác, cũng không thể bằng lời nói hay thậm chí biểu hiện của nét mặt” - Clapin nói. Nhưng chiều sâu cảm xúc mà Clapin có thể chuyển tải chỉ thông qua cách bàn tay di chuyển và tương tác với thế giới là một trong những điểm thành công nhất của bộ phim. “Tôi nghĩ có một kết nối tự nhiên mà chúng ta đều có khi chứng kiến một cái gì đó tự động sống dậy - chúng ta muốn cho nó phải tiếp tục sống […] Tôi muốn bàn tay phải thể hiện tự do mới mẻ của mình, để có thể đón nhận những vị trí mới mà chúng ta không quen sử dụng với đôi tay của mình”.

Cách đạo diễn quy chiếu theo góc nhìn của bàn tay như một bộ phim hành động có tẩu thoát, đánh nhau gay cấn, cả những khoảnh khắc dịu ngọt...trong một quy mô nhỏ hơn rất nhiều, trong những góc nhìn như góc nhìn của mắt người, ngôi thứ nhất thấp bé, khiến bộ phim vừa lạ lẫm vừa buồn bã đến nhói đau, vô cùng xúc động và giàu ý nghĩa. Hành trình cô độc của bàn tay như phản chiếu cảm giác cô độc và đoái mong của Naoufel về một nơi chốn, về một ai đó để nương tựa.

Và như vậy, kỳ thực nó đang nói, đang kể về chính con người chúng ta, cách tìm kiếm bản thân, cách chúng ta phải làm để có thể tồn tại, đối mặt số phận và định mệnh, cách chúng ta vật lộn để dò tìm lẽ sống, theo Clapin. “Tôi muốn họ thực nghiệm một điều mới mẻ và lạ lẫm, một trải nghiệm thực sự. Ngày nay, hệ thống xã hội dường như có chút khan hiếm những điều kỳ lạ. Nhưng tôi xem những thứ kỳ lạ là những thứ đẹp đẽ, chúng ta ai cũng chút nào đó kỳ dị. Đó là lẽ vì sao thi ca còn tồn tại”.

Ảnh:
 

Đoạn kết của bộ phim, theo đúng truyền thống Pháp, không đưa ra bất kỳ giải pháp nào ngoài một trường không tưởng, vô tận. Cái kết thâm thúy và mơ hồ đó vừa khít với thực tại này, bởi chẳng ai trong chúng ta biết tương lai sẽ có gì. Nhưng bất kỳ ai có thể cuốn mình theo logic của giấc mơ, mộng tưởng mà bộ phim yêu cầu chắc chắn sẽ tìm thấy một trường ca giải tẩy về cuộc đấu tranh tìm kiếm cái đẹp giữa một thế giới buộc chúng ta phải bỏ những bản thể của chính mình lại phía sau.■

Clapin tự nhận anh chú trọng rất nhiều phần âm nhạc trong phim vì chúng quan trọng từng chút một với I Lost My Body chẳng hề kém phần thị giác, chúng cần thiết đối với hành trình và cảm nhận bản thể của Naoufel.

Hơn thế, Clapin muốn âm nhạc nâng bối cảnh đô thị hằng ngày thành một thứ gì đó huyền bí hơn. Anh hoàn toàn tin tưởng vào bản năng dẫn dắt mình tới Dan Levy, thành viên nhóm indie electropop The Dø, bởi tư duy giai điệu của anh và bởi những bản phối vừa tự nhiên nhưng cũng giàu chất điện tử: phần âm nhạc của Dan Levy đảm trách cực kỳ tốt, khi gieo rắc thánh thót từng vẻ đẹp âm thanh vào từng khoảnh khắc, khi ở dạng ambience nhuốm màu không gian, khi khác là những xung động nghịch tại như hai giai điệu tìm kiếm lẫn nhau trước khi bắt gặp nhau.

“Nếu như bộ phim là một hành tinh, tôi nghĩ sáng tác của Dan chính là vũ trụ khiến hành tinh ấy xoay trở trơn tru. Hai nhà thiết kế âm thanh Manuel Drouglazet và Coste Anne-Sophie đã làm rất tốt phần thiết kế, nó không giống với bất cứ âm thanh hiện thực hay tự nhiên nào cả, mà hết sức hữu cơ. Khán giả phải cảm nhận được tiếng máu chảy và sự khẩn trương của bàn tay. Chúng tôi tìm cách tạo nên một ngôn ngữ nằm giữa một bên là thiết kế âm thanh và bên còn lại là âm nhạc. Âm thanh trong phim phải tham gia tương đương sự tham gia của máy quay để khai thác cảm nhận cuộc sống mới mẻ này. Bàn tay không chỉ cảm nhận thành phố như chúng ta cảm nhận, mà cuộc sống mãnh liệt hơn nhiều chiếu từ cảm nhận của bàn tay”.

"Tôi muốn bộ phim sẽ mang khán giả đến nơi nào đó mà họ chẳng dự định, một nơi chốn thuộc về quá khứ, nằm lẩn khuất đâu đó bên trong họ." (Đạo diễn Jérémy Clapin)

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận