Xót... nhưng xin đừng bi quan

ĐẶNG ANH 13/06/2012 04:06 GMT+7

TTCT - Hiện nay không ít người chê ngành sư phạm cũng như xem thường nghề giáo. Thật nghịch lý khi nghề dạy người và xây dựng nhân cách con người lại bị xem thường.

Phóng to
Rất nhiều nhà giáo tạo được sự tin yêu trong lòng học trò và sự tôn trọng của xã hội nhờ năng lực và lòng yêu nghề - Ảnh: H.T.V.

Cho nên khi đọc bài viết của một giáo viên trong nghề, tôi rất thông cảm và hiểu suy nghĩ chua chát của tác giả: “Tôi là giáo viên nhưng chưa bao giờ khuyên một học trò giỏi chọn ngành sư phạm”. Nhưng tôi cũng có chút không đồng tình với tác giả vì anh là một phần nguyên nhân cho những tư tưởng của học trò kiểu như bạn kia học giỏi nhưng đăng ký thi sư phạm (ý chê ngu?).

Không động viên thì thôi đằng này làm cho những học trò muốn theo con đường nghề giáo thêm phần nhụt chí vì dư luận bạn bè, thầy cô. Dù đó là những ứng xử rất con người, rất thực tình, nhưng đứng trên lập trường là một nhà giáo, anh có nên làm như vậy chăng?

Đọc bài viết, tôi cũng cảm thấy xót xa như anh nhưng tôi không bi quan. Có thể anh đã không chịu mở rộng tấm lòng để suy nghĩ hay chính anh đã định kiến về sự tự ti của mình mà cho là tình hình chung của ngành sư phạm là vậy. Riêng tôi, tôi gặp và được học với nhiều nhà giáo mà từ tình yêu và niềm say mê của họ với nghề khiến tôi đôi phần muốn bước chân vào nghề sư phạm.

Tôi có một người anh chung trường trên tôi một khóa, là một học sinh giỏi gần như toàn diện tất cả các môn, đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi tỉnh lẫn quốc gia. Nhà anh có mẹ theo nghề giáo, vì có hiếu với mẹ nên anh nghe lời mẹ học sư phạm. Lúc đầu, như lời anh kể, quả thật anh cũng rất chông chênh, hụt hẫng. Gần đây tôi gặp lại anh, được biết nhờ năng lực, anh được nhận vào một trường THPT chuyên của TP.HCM. Hoàn toàn bằng năng lực!

Khi anh nói chuyện về công việc hiện tại, về những cô cậu học trò “nhứt quỷ nhì ma”, tôi thấy ánh mắt anh rạng ngời niềm hạnh phúc và say mê. Tôi không cho rằng anh chỉ là trường hợp cá biệt, mà tôi tin nhiều nhà giáo cũng như anh, có thể lúc đầu họ chông chênh thật nhưng trái tim và niềm say mê là trên hết.

Với riêng tôi, tôi đánh giá cao công việc của những thầy cô đang thầm lặng làm việc trồng người cho xã hội. Ông bà ta từng dạy “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Ở đời, nghề nào cũng cao quý, làm gì cũng được miễn chân chính và tâm mình thanh thản là quý nhất. Xin gửi đến tác giả và quý thầy cô một vài lời chia sẻ, tình hình nghề giáo hiện nay làm chúng ta xót xa và buồn nhưng xin đừng bi quan.

Nghị lực làm thầy

Quá nửa đời người làm nghề dạy học tôi thấy yêu cầu phải có thầy giỏi là vô cùng bức thiết. Trước đây, rất nhiều người vào nghề này thật ra do không đủ sức vào các ngành nghề khác. Số thi thẳng vào sư phạm rất ít.

Xã hội đôi khi chưa nhìn nhận đúng vị trí của thầy cô dù lúc nào cũng đánh giá giáo dục là quan trọng. Những năm trước đổi mới, giáo viên nhìn công chức các ngành khác mà ước ao được đối xử công bằng. Phòng thống kê - kế hoạch huyện có năm nhân viên lại được hưởng chế độ phân phối như một trường trung học có 50 thầy cô. Năm người của phòng mỗi tháng được phân phối một vỏ xe đạp thì trường học dù 50 người cũng vậy.

Bây giờ Nhà nước đã giúp cải thiện đời sống giáo viên rất nhiều, chuyện như trên đã là quá khứ. Thế nhưng việc ngành sư phạm chưa thu hút được người giỏi vẫn tồn tại. Số giáo sinh về thực tập hằng năm cứ làm chúng tôi nao lòng. Trình độ các em còn nhiều điều phải bàn. Nhiều em kỹ năng đứng lớp còn nhiều mặt yếu nhưng đánh giá kết quả thực tập cuối đợt bao giờ các em cũng nhận được những lời có cánh để tạo thuận lợi khi làm hồ sơ tốt nghiệp.

Vẫn có lòng tin vào ngày mai của ngành giáo dục sẽ thay đổi tích cực hơn kể cả sự chăm lo cho đời sống người thầy, cũng như vị thế nghề dạy học trong xã hội. Đừng để nghị lực người thầy bị bào mòn vì chuyện kinh tế thị trường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận