17/05/2023 13:29 GMT+7

Viêm loét dạ dày tái đi tái lại, bất ngờ khi biết 'thủ phạm'

Không nhiễm vi khuẩn HP, không hề bận rộn công việc nhưng nhiều người bị viêm loét dạ dày, thậm chí tái đi tái lại mà không biết vì sao.

Bệnh nhân đau dạ dày có khi do suy nghĩ nhiều nhưng ít người nghĩ đến nguyên nhân này - Ảnh: BSCC

Bệnh nhân đau dạ dày có khi do suy nghĩ nhiều nhưng ít người nghĩ đến nguyên nhân này - Ảnh: BSCC

Viêm loét dạ dày uống thuốc hoài không khỏi

Ông P.T.D. (66 tuổi, ngụ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bị viêm loét dạ dày nhẹ từ lúc trẻ. Ngày trẻ, rất lâu ông mới bị đau lại và đều hết đau sau khi bác sĩ cho uống một đợt thuốc.

Những năm mới về hưu, dù bận rộn tối ngày với việc chăm, đưa đón các cháu đi học, sức khỏe ông lại không có vấn đề gì. Hơn hai năm trước, các cháu ông lớn hơn, đứa tự đi học, đứa được ba mẹ đưa đón, ông nhàn hẳn. Ông D. chỉ ngồi ở nhà đọc báo, xem điện thoại, ti vi... Ấy vậy mà, trong lúc "rảnh rang" ông lại phát hiện bệnh dạ dày tái phát.

Ông D. cảm thấy bụng lúc nào cũng trướng, nhiều đêm mất ngủ. Ông từng chia sẻ với những người thân trong gia đình "có những lúc ông chỉ muốn lấy dao rạch bụng ra vì thấy khó chịu quá"!

Lúc đầu, bác sĩ khám và cho ông uống một đợt thuốc, dạ dày ông bình thường trở lại. Nhưng chỉ vài tháng sau, dạ dày lại khó chịu. Lần này, ông đi khám và nhờ bác sĩ tầm soát hết xem ông có thể bị bệnh gì đó nặng không. 

Bác sĩ đã tầm soát hết và khẳng định ông chỉ bị viêm loét dạ dày nhẹ, không có vi khuẩn HP, không bị ung thư dạ dày... Bác sĩ cho rằng ông bị như vậy là do ông suy nghĩ, lo lắng quá mức.

Lúc này, ông D. thành thật kể ông rất lo về căn bệnh của mình, không biết bệnh có diễn tiến ngày càng nặng thêm không, cứ khó chịu thế này chắc sẽ chết nhanh...

Dù đã được một bác sĩ giỏi trong TP điều trị nhưng ông D. vẫn luôn lo lắng và tiếp tục tìm đến 2-3 bệnh viện khác khám. Các bác sĩ đều nói bệnh của ông là do ông suy nghĩ quá nhiều về bệnh, cách điều trị tốt nhất là chính ông phải thay đổi cách nghĩ về căn bệnh này là ông chỉ bị bệnh nhẹ, do vậy không nên quá suy nghĩ, lo lắng.

Nhưng như một vòng luẩn quẩn ông vẫn tiếp tục lo lắng. Hai năm nay ông phải uống thuốc nhiều đợt. Bệnh đỡ sau đó bị đau lại, lại uống thuốc.

Tương tự, bà N.T.H. (44 tuổi, ngụ ở Q.10, TP.HCM) cũng được bác sĩ chẩn đoán bị viêm loét dạ dày nhẹ mà nguyên nhân là do bà bị stress. Bà cũng bị viêm dạ dày nhiều lần, tái đi tái lại. 

Trong một lần khám bệnh, bác sĩ hỏi bà đang lo lắng về điều gì? Hóa ra điều bà lo lắng là bà thấy bạn của con bà học rất giỏi. Con bà đang học cuối cấp mà không được giỏi như vậy nên bà lo lắng.

Dù đã được bác sĩ tư vấn rằng bà bớt suy nghĩ, bớt lo lắng thì bệnh dạ dày mới khỏi được nhưng bà vẫn tiếp tục bị stress với suy nghĩ, lo lắng này. Và bà vẫn phải tiếp tục khám, uống thuốc nhiều đợt.

Cần "vệ sinh" tinh thần

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết có không ít bệnh nhân bị viêm dạ dày do stress. Stress do những hoàn cảnh khách quan, stress từ chính suy nghĩ, lo lắng của bệnh nhân…

Có rất nhiều nguyên nhân gây stress như mất người thân, ly hôn, đến kỳ trả nợ ngân hàng, lo phát triển, mở rộng doanh nghiệp, lo bị bệnh nặng, thậm chí chỉ là lo con mình không học giỏi bằng con người ta hoặc đơn giản chỉ là ăn ngủ không đều đặn… Có 1.001 nỗi lo của bệnh nhân và chính những nỗi lo này đã làm bệnh của bệnh nhân nặng hơn, liên tục tái phát.

Nguyên nhân gây bệnh bác sĩ dễ dàng nhận thấy, cũng đã nói cho bệnh nhân biết để thay đổi nhưng việc thay đổi cách nghĩ của bệnh nhân là việc rất khó khăn. Vì vậy, đã có không ít bệnh nhân phải điều trị trong nhiều năm.

Bác sĩ Phương cho biết viêm loét dạ dày ngoài nguyên nhân do vi trùng HP hoặc do tác dụng phụ của những loại thuốc giảm đau, kháng viêm thì còn do nguyên nhân do tăng tiết axit dạ dày quá mức. Mà sự tiết dịch axit bị ảnh hưởng bởi dây thần kinh số 10.

Những căng thẳng thần kinh, stress, những rối loạn của hệ thần kinh cao cấp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tiết dịch và hoạt động co bóp của dạ dày. Từ đó, dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày và những triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, căng bụng, ợ ngược.

Trước đây, những trường hợp bị loét dạ dày, kháng trị các bác sĩ phải phẫu thuật cắt bớt một vài nhánh của dây thần kinh số 10 thì vết loét mới lành được. Như vậy, việc điều trị viêm loét dạ dày, bên cạnh việc điều trị trúng đích tại dạ dày, còn phải điều trị những rối loạn stress thần kinh kèm theo thì mới điều trị thành công hoàn toàn.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần phải được "vệ sinh" tinh thần như sinh hoạt, ăn, ngủ, nghỉ đúng giờ, hài lòng những gì mình có, bỏ đi những "cái muốn của mình", không nên đặt áp lực cho mình và người thân của mình. Hãy vui vẻ với những gì chính mình đang có. 

Bên cạnh đó người bệnh cần điều trị cùng các chuyên khoa tâm lý, tâm thần kinh thì bệnh dần ổn định.

"Trị liệu lối sống"

TS Ngô Xuân Điệp, trưởng khoa tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết những trường hợp này dù được bác sĩ cho uống thuốc nhưng vẫn trị hoài không hết bệnh vì người bệnh vẫn tiếp tục lo âu, mất ngủ. Chính các stress đã gây ra bệnh nên những người này cần được hỗ trợ về tâm lý. Khi có triệu chứng bệnh dạ dày những trường hợp này cần được điều trị kết hợp giữa điều trị bệnh dạ dày và điều trị tâm lý.

Hiện nay có một phương pháp trị liệu mới là "trị liệu lối sống". Trị liệu về giáo dục, chế độ tập luyện thể thao, dinh dưỡng, trị liệu liên quan đến mối quan hệ trong gia đình… Người bệnh sẽ kể hết cho người điều trị nghe, để người điều trị xem vấn đề của người bệnh ở đâu… qua đó tìm cách hỗ trợ người bệnh.

6 thói quen tốt giúp ngăn ngừa viêm loét dạ dày6 thói quen tốt giúp ngăn ngừa viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày do nhiều nguyên nhân gây ra như nhiễm vi khuẩn H.Pylori, căng thẳng, ăn đồ chua cay, dùng thuốc chống viêm không steroid,…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên