25/03/2023 05:40 GMT+7

Xe mua 5 triệu đồng, bị phạt 7 triệu nên tôi bỏ xe vi phạm luôn

Câu chuyện các loại xe vi phạm bị tịch thu chờ thanh lý tại nhiều quận huyện của TP.HCM sẽ chưa có hồi kết nếu thiếu quyết tâm mở "lối ra".

Xe mua 5 triệu đồng, bị phạt 7 triệu nên tôi bỏ xe vi phạm luôn - Ảnh 1.

Hàng trăm xe tang vật, xe vi phạm lưu trữ tại kho tạm giữ phương tiện của Công an quận Bình Tân (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) bị phủ bụi, gỉ sét - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cơ quan có nhiệm vụ đề xuất "giải phóng" số xe vi phạm này mong muốn được giải tỏa càng sớm càng tốt. Thế nhưng thực tế cho thấy khó có thể làm nhanh được.

Xe vi phạm "núi chồng núi"

Xe vi phạm giam giữ lâu ngày sẽ nhanh xuống cấp và cả xuống giá do phải "trơ gan cùng tuế nguyệt" hết năm này qua năm khác. Cũng từng có vụ cháy ở bãi giữ xe chờ thanh lý, trách nhiệm nặng nề đặt trên vai khiến những người trực tiếp quản lý luôn phải lo ngay ngáy.

Tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) đã có hai lần đơn vị mua trúng đấu giá đã "quay xe" (bỏ cọc) không nhận tài sản. Chấp nhận mất một ít tiền còn hơn mất thêm nhiều tiền khi những chiếc xe mục nát kia chỉ có thể bán giá rẻ, thậm chí giá phế liệu.

Xe bị tạm giữ nào phải chỉ có xe gắn máy. Xe lôi ba bánh không ít và có cả một số ô tô ra đời cách đây vài chục năm. Cứ mỗi tuần lại bổ sung vài chiếc nên số lượng tăng nhanh, trong khi diện tích kho bãi không "nở" thêm. Khi người vi phạm quyết định bỏ xe thì nguồn thu phí từ chuyện xe bị lưu kho sẽ là số 0, phổ biến ở những trường hợp "dính" nồng độ cồn cao khi kiểm tra.

Trong khi chi phí thuê mặt bằng cùng vô số hoạt động nhằm duy trì điểm giữ xe không hề nhỏ. Địa bàn vùng ven dù sao cũng dễ tìm vị trí thuê làm kho bãi, các quận trung tâm lại càng đau đầu vì khó tìm mặt bằng và giá thuê quá cao. Xây dựng nhà kho hẳn hoi để tránh mưa nắng thì phát sinh chi phí khác.

* Anh Trần Hoàng (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM):

Vì sao tôi phải bỏ xe?

Buổi tối muộn tháng 12-2021, sau tiệc cuối năm với các đồng nghiệp, tôi chạy xe máy về nhà. Tổ CSGT yêu cầu tôi thổi vào máy đo nồng độ cồn. Tôi được thông báo lỗi của tôi sẽ bị tạm giữ xe, phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 22 đến 24 tháng.

Xe của tôi (BKS 66L5-66xx) chỉ là xe Wave Trung Quốc đã cũ, tôi mua lại vào năm 2019 với giá 5 triệu đồng.

Nghe mức phạt quá cao, nên nhân lúc cán bộ CSGT ghi biên bản tôi bỏ đi luôn. Đến giờ tôi cũng không biết chiếc xe đó cơ quan chức năng xử lý ra sao. Nhưng sau lần đó tôi cũng sợ, không dám lái xe sau khi nhậu nữa.

Đã có những hiến kế hay của nhiều người nhằm giảm tải cho lực lượng chức năng trong xử lý xe bị tịch thu. Có giải pháp tạm giữ biển kiểm soát, giấy phép lái xe (GPLX) thay cho chiếc xe cồng kềnh, tiết kiệm chi phí việc giữ xe. 

Tuy nhiên, với công nghệ hiện nay, tự chế biển số giả như thật không khó, lại còn có nguy cơ xuất hiện thêm dịch vụ làm biển số "lụi". Bằng mắt thường không thể phát hiện, chỉ khi nào người lái xe vi phạm bị lập biên bản mới biết mánh lới này.

Giữ GPLX cần đảm bảo tuân theo các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. 

Chỉ một số hành vi vi phạm mới áp dụng chế tài tạm giữ bằng lái. Trong trường hợp người lái xe bị lập biên bản do các lỗi không nằm trong diện tạm giữ GPLX, họ có thể bị giữ phương tiện hoặc giấy đăng ký xe, còn tấm bằng lái vẫn được sử dụng để điều khiển chiếc xe khác "cùng dấu". 

Người vi phạm cũng có thể kiện nếu bị giữ GPLX không đúng luật.

Cái khó lớn của cơ quan hữu quan nằm ở một vài thủ tục, thời gian xử lý xe vi phạm. Phải đăng thông báo công khai nhiều lần, mỗi lần cách nhau vài tháng để mời chủ sở hữu phương tiện đến giải quyết. Vậy nhưng, nhiều người vi phạm đã xác định bỏ xe nên sẽ không bao giờ đến trình diện.

Các bước xác minh nguồn gốc xe, giám định số khung, số máy có trùng khớp với biển kiểm soát và tên của chủ phương tiện cũng không thể nhanh. Rồi phải hoàn thành rất nhiều công việc liên quan mới tiến hành họp hội đồng đấu giá, đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá... 

Thời gian từ lúc đưa xe vào tạm giữ đến khi "xuất kho" sẽ khá dài. Những chiếc xe máy "độ chế" thu giữ từ các đối tượng đua xe trái phép, nhìn qua ai cũng đoán nhiều khả năng nằm trong diện tịch thu nhưng không thể làm nhanh.

Cần khẩn trương nghiên cứu cải tiến và rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục cần có. Đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và tiết kiệm công sức, tiền bạc, tránh lãng phí.

Sáng 24-3, đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM tiếp tục khảo sát theo kế hoạch tại Công an quận Bình Tân và Đội quản lý thị trường địa bàn quận về công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện hành chính bị tạm giữ, tịch thu.

Trước đó, từ ngày 14-3, đoàn giám sát Ban Pháp chế tổ chức khảo sát trực tiếp việc này ở nhiều quận huyện. Ban Pháp chế sẽ khảo sát thông qua báo cáo của tất cả các quận, huyện còn lại trên địa bàn TP.

Mục đích khảo sát, giám sát chuyên đề trên của Ban Pháp chế nhằm đánh giá thực tế và đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả về công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện hành chính bị tạm giữ, tịch thu trên địa bàn.

Xe vi phạm đấu giá còn thua sắt vụn: Ai chịu trách nhiệm?Xe vi phạm đấu giá còn thua sắt vụn: Ai chịu trách nhiệm?

Công an huyện Hóc Môn (TP.HCM) vừa đưa ra đấu giá để bán thanh lý 954 xe vi phạm với giá khởi điểm 479 triệu đồng, tương đương khoảng 500.000 đồng/xe máy. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online xót xa đặt ra câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm về sự lãng phí này?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên