Ba anh em nhà Abraham

ĐỖ KH. 15/04/2024 10:01 GMT+7

TTCT - Do Thái, Ki-tô và Hồi giáo là ba tôn giáo cùng dòng độc thần Abraham ở Trung Đông, chung khu vực và xuất xứ. Họ cùng thờ một đấng tối cao Yahve, Thượng đế, hay Allah. Tổ phụ Abraham hay Avraham hay Ibrahim trong 3 tôn giáo này cũng là 1 người.

Ảnh: The Atlantic

Ảnh: The Atlantic

Những đảo Ông Hoàng (Adalar) ở trước thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) rất đẹp. Tôi đang ở bến phà Buyakada, trên đảo lớn nhất, thì giật mình. 

Bỗng đâu xuất hiện 5-7 thanh niên râu ria mặc áo dài đen tuyền đến chân làm hết hồn, thoạt nhìn tưởng khủng bố IS (Nhà nước Hồi giáo) trên đường hành quân. Nhưng họ không phải Hồi giáo vì có đeo thập giá và là một nhóm tu sĩ của chủng viện Ki-tô Chính thống giáo Aya Yorgi trên đảo đang tính đáp phà về đất liền.

Nếu bạn là người Hồi và kiêng cữ thức ăn theo đúng đạo thì ở New York bạn không có vấn đề gì cả. Bang này có trên 2 triệu người Do Thái, tức trên 10% dân số. Để phục vụ kiêng cữ của họ về thực phẩm, tới lon nước ngọt Coca Cola cũng phải hợp giáo luật (kosher). 

Nhưng thế thì dính dáng gì đến người Hồi? Người Hồi có luật về thực phẩm của họ (halal) và luật này rộng rãi hơn kosher. Bất cứ món gì đạt tiêu chuẩn kosher đều khắt khe và cao hơn tiêu chuẩn halal.

Tam giáo đồng nguyên

Người Hồi thấy nhãn kosher là cứ việc nhắm mắt ăn uống vui vẻ, trong khi người Do Thái ngoan đạo thì nhắm mắt khó khăn, có thể ăn đỡ thực phẩm halal ở Tân Cương chẳng hạn, còn hơn ăn mì xá xíu hay tiểu long bao. 

Thế ra người Hồi và người Do Thái lại giống nhau sao? Phụ nữ Hồi che tóc, điều đó ai cũng biết. Phụ nữ Do Thái cũng che tóc, điều đó ít người biết hơn, bởi vì ra đường họ đội tóc giả để che tóc thật!

Một bận tại phi trường Houston (Mỹ), đứa con tôi bảo, sau lưng mình có mấy phụ nữ Hồi, nhưng lại là người Đông Á. Các con tôi ở Mỹ thuộc thế hệ 11-9, tức thời điểm tinh thần bài Hồi lên cao và biết đâu mươi bà cô Hồi giáo này sắp cướp máy bay. 

Họ mặc áo dài đến chân màu xám, che kín người đến cổ tay, cổ áo và che cả tóc bằng khăn đội đầu. Nhưng họ là người Đông Á thật chứ không phải là người Ả Rập, và họ nói gì tôi cũng hiểu. 

Đó là một đoàn ma sơ người Việt Nam. Ma sơ thì hiền như ta biết chứ đâu có dữ. Nhưng thế thì tại sao nữ tu Công giáo lại mặc áo như phụ nữ Hồi? Hay phải hỏi, tại sao người Hồi lại trang phục như tu sĩ Ki-tô và kiêng ăn bún chả thịt nướng như người Do Thái?

Do Thái, Ki-tô và Hồi giáo là ba tôn giáo cùng dòng độc thần Abraham ở Trung Đông, chung khu vực và xuất xứ. Họ cùng thờ một đấng tối cao Yahve, Thượng đế, hay Allah. 

Tổ phụ Abraham hay Avraham hay Ibrahim trong 3 tôn giáo này cũng là 1 người, chỉ là tên đọc trại theo giọng Hà Nam, Quảng Ngãi, hay Sóc Trăng mà thôi. Jerusalem vì vậy là đất thánh của cả 3 tôn giáo.

Ảnh: The Times of Israel

Ảnh: The Times of Israel

Dĩ nhiên họ có những dị biệt và ra đời trong 3 giai đoạn khác nhau, 3.000 năm trước, 2.000 năm trước, và 1.400 năm trước. Đạo Hồi là phiên bản cuối và với người Hồi, Cựu ước hay Tân ước đều là sách Thánh. 

Người Do Thái và Ki-tô được họ gọi là "tín hữu cùng sách Thánh". Giê-su (Isa) được Hồi giáo thờ là "Đấng Cứu thế" (al Mahsi, Messiah), theo lời thiên sứ Mohammad: "Trong cõi này và ở cõi sau, ta gần gũi nhất là với Giê-su, con của Mary".

Cái gọi là văn minh "Do Thái-Ki-tô" của Tây phương là đến từ Trung Đông. Sự thực này không hiển nhiên chút nào bởi văn minh đấy đến Việt Nam lại là qua phương Tây. 

Có bận tôi nghe một người Việt hỏi một người Lebanon: Thế người Pháp cũng mang đạo Ki-tô đến nước bạn à? Cô Lebanon trả lời: Không, Ki-tô khởi thủy ở đây mà! 

Tại thành Saida (Lebanon ngày nay), Chúa Giê-su từng giảng đạo, thành Antioch (Syria ngày nay) là nơi từ "Ki-tô hữu" xuất phát và Giê-su là người Nazareth, sanh tại Bethlehem như ta biết, là Palestine ngày nay, chứ chưa hề đặt chân đến Vatican. 

Văn minh Tây phương trước đó về mặt tôn giáo là Hy Lạp - La Mã với "Trời" là Zeus/Jupiter trên đỉnh Olympus. Các bộ lạc Anh - Đức - Pháp thì thờ thần sấm thần búa Thor hay Odin.

Việc phục trang, che tóc là truyền thống khu vực của người Canaan, tổ phụ của các dân tộc cùng nguồn Do Thái và Ả Rập. Nó dựa trên những điều kiện địa phương, thời tiết và phương tiện sẵn có, có gòn thì dệt vải, không thì mặc váy rơm, có tằm thì mới có yếm tơ. 

Trong các thập niên trước, phụ nữ Tây phương, nhất là ở khu vực nông thôn, còn thói quen dùng khăn che tóc khi ra đường. Ở các vùng Ki-tô Chính thống giáo, như Nga, khăn che tóc rất thông dụng, chí ít là khi vào nơi thờ phượng, để bày tỏ sự kính cẩn. 

Nếu ngày nay, nó thông dụng hơn ở khu vực Hồi giáo thì là vì truyền thống đó được giữ gìn hơn, thế thôi.

Khăn choàng đầu là phục sức phổ biến của phụ nữ Ki-tô Chính thống giáo. Ảnh: Russia Beyond

Khăn choàng đầu là phục sức phổ biến của phụ nữ Ki-tô Chính thống giáo. Ảnh: Russia Beyond

Và những xung đột hiện tại

Mấy tháng nay, việc phê bình Israel trong chiến tranh Gaza hay được gắn nhãn "bài Do Thái". Từ này tiếng Anh là "anti semite" tức là bài trừ tộc "semite". Thực ra từ này chỉ cả các tộc Do Thái lẫn Ả Rập, gốc từ nhân vật "Shem" là một trong 3 người con của Noah trong Cựu ước. 

Ishmael trong Cựu ước là con của Abraham và được coi là tổ phụ của người Ả Rập. Câu chào tiếng Do Thái "shalom" trong tiếng Ả Rập là "as salamu aleykum", cùng một gốc "salam".

Lấy thí dụ về tên người thì thủ tướng đầu tiên lập quốc Israel là David Ben Gurion. Còn một ông Ả Rập nổi tiếng tên là Osama bin Laden. "Ben" hay "bin" nghĩa là "con của" hay "thuộc tộc". 

Dạng tên này rất phổ biến ở người Do Thái và Ả Rập. Một ông Ben khác giờ hay được nhắc là Benyamin Netanyahu, thủ tướng Israel. Tiếng Ả Rập thì ông là Binyamin. Những tương đồng như vậy, y phục, món ăn, ngôn ngữ, tôn giáo là đương nhiên, vì cùng khu vực xuất phát. 

Do Thái và Ả Rập là hai dân tộc anh em và bà con từ ngàn xưa. Mâu thuẫn mà ta đang thấy chỉ có từ 1948, tức khi chủ nghĩa Zion đòi thành lập một quốc gia Israel trên đất Palestine ra đời.

Vào đầu thế kỷ 8, đế chế Hồi giáo Ummayad cai trị Al Andalus (Tây Ban Nha) cho đến cuối thế kỷ 15 và là một nền văn minh huy hoàng trong khi phần Bắc Âu còn tăm tối Trung cổ. 

Dưới đế chế Hồi này, người đạo Do Thái sống vui vẻ và về mặt văn hóa phát triển rực rỡ dưới chế độ "dhimmi", tức "người được bảo vệ". 

Người Do Thái phải đóng thuế ít hơn, không phải đi nghĩa vụ quân sự và được tự do tôn giáo. Đây là chính sách chung của Hồi giáo với các tôn giáo khác.

Khi Ki-tô giáo chiếm lại Al Andalus và đẩy người Hồi về Bắc Phi thì họ trục xuất luôn người Do Thái. Tại Jerusalem chẳng hạn, khi các hiệp sĩ Thánh chiến Ki-tô giáo chiếm Thành Thánh từ tay người Hồi, thì họ tàn sát người Hồi, "máu chảy ngập đến mắt cá chân". Còn người Do Thái tại Jerusalem thì sao? 

Họ rút vào đền Do Thái tử thủ và bị các hiệp sĩ giết luôn không còn một mống. Người Ki-tô Ai Cập cũng bị trục xuất vì bị cho là "Ki-tô dị giáo". Điều này có nghĩa là dưới chế độ Hồi giáo, chí ít tại thành Jerusalem, người Do Thái sinh sống và có nơi thờ phượng, người Ki-tô Chính thống Ai Cập cũng sinh sống và có nhà thờ. 

Khi Thánh chiến thành công thì họ bị giết và đuổi đi. Thế đến khi người Hồi chiếm lại Jerusalem thì sao? Người Do Thái và Ki-tô Ai Cập lúc đó mới theo người Hồi vào thành trở lại.

Ảnh: wsj.com

Ảnh: wsj.com

Tại Bắc Phi, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, hay khu vực Iran ngày nay, người Do Thái chung sống ngàn năm với người Hồi không có vấn đề. 

Họ là một cộng đồng bình thường, tham gia các hoạt động kinh tế và văn hóa và không hề có các vụ bắt giết tập thể như thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở Âu châu. 

Thánh chiến thứ nhất (cuối thế kỷ 10), khi lên đường chiếm lại Jerusalem, đi qua chỗ nào ở Âu châu có người Do Thái, là các hiệp sĩ Thánh chiến tiện tay giết sạch, khiến đây được coi là cuộc diệt chủng Do Thái lần thứ nhất.

Sang thế kỷ 20 thì 6 triệu người Do Thái bị diệt chủng ở Âu châu dưới tay Đức Quốc xã. 1 triệu người Do Thái sinh sống tại Ả Rập và 300.000 người nữa ở Iran cơ bản không sao. 

Cũng thời đó tại Pháp, đền Hồi của Paris chứa chấp 100 người Do Thái dưới hầm trốn tránh nhà chức trách Đức chiếm đóng và làm giấy khai sinh Hồi giáo giả cho họ. Sao lại có chuyện lạ lùng này? 

Tại Paris có một số người Do Thái gốc Algeria. Khi gặp nạn Quốc xã, họ cầu cứu đồng hương, cùng xã cùng làng ở Bắc Phi. Đền Hồi Paris giúp họ trong tinh thần đồng hương Algeria đó, không phân biệt tôn giáo. Có nguồn cho rằng 1.700 người Do Thái được làm giấy giả Hồi và câu chuyện là biểu tượng của sự gần gũi giữa người Hồi và người Do Thái Algeria. ■

Về mặt tôn giáo, 3 đạo này khác nhau chỗ nào? Đối với đạo Do Thái xuất hiện đầu tiên thì Giê-su Ki-tô không phải là đấng cứu thế hay thiên sứ, cũng không phải tiên tri.

Phần đạo Hồi ra đời muộn nhất nên công nhận tất cả tiên tri và thiên sứ đến trước. Giê-su Ki-tô trong Hồi giáo là Đấng Cứu thế nhưng không phải con trời, vì chỉ có một Thượng đế.

Người Hồi không tin Phục sinh, cũng như một số phái Ki-tô khác. Thông điệp của Hồi giáo là thông điệp cuối cùng của Đấng Tối cao và sứ giả cuối cùng là Mohammad.

Những khác biệt này không nhỏ, nhưng chỉ là dị biệt trong nhà, chứ không khác nhau trời vực như các tôn giáo gốc Âu hay gốc Ấn, gốc Đông Á.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận