Những người hùng cần được tiếp sức

HỒNG VÂN 27/04/2024 04:28 GMT+7

TTCT - Trên thế giới có khoảng 20 triệu người nhặt rác, ve chai, phần lớn ở Nam Á và Đông Nam Á - một lực lượng phi chính thức chưa được nhìn nhận đúng trong các nỗ lực phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn.

Công nhân một sáng kiến phân loại rác ở Malaysia đang làm việc. Ảnh: The New Straits Times

Công nhân một sáng kiến phân loại rác ở Malaysia đang làm việc. Ảnh: The New Straits Times

Họ góp phần không nhỏ trong cuộc chiến chống rác thải nhựa. Họ là một trong những người phân loại rác tại nguồn đầu tiên, đóng góp vào chuỗi tái chế. Nhưng cuộc sống họ bấp bênh, không được bảo vệ, thu nhập thấp. Họ là những người nhặt rác. 

Trên thế giới có khoảng 20 triệu người như thế, phần lớn ở Nam Á và Đông Nam Á - một lực lượng phi chính thức chưa được nhìn nhận đúng trong các nỗ lực phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn.

Nhờ lực lượng này, hàng chục triệu tấn phế liệu còn giá trị "suýt" bị đưa đến các bãi chôn lấp đang quá tải hoặc tệ hơn là xả ra môi trường được hồi sinh. 

Bất chấp những đóng góp có ý nghĩa lớn về xã hội và môi trường, vai trò của lực lượng thu gom rác phi chính thức thường bị bỏ qua và đánh giá thấp do những tồn tại mang tính lịch sử. 

Xưa nay, họ không được xem xét trong các kế hoạch quản lý rác của quốc gia. Nhiều chương trình, dự án với các quy mô khác nhau đang cố gắng thay đổi điều này.

Cần thêm công nhận và hỗ trợ

Thế giới đang đứng trước vấn nạn lạm dụng đồ nhựa với khoảng 400 triệu tấn mỗi năm (số liệu của OECD năm 2021) nhưng chỉ chưa đến 10% được tái chế. 

Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết trong số 10% nhựa được tái chế này, khoảng 60% - tương đương 27 triệu tấn - là do 20 triệu công nhân xử lý rác thải phi chính thức trên toàn cầu thu gom. 

Đóng góp của họ là vô cùng đáng kể vì đã giúp đường phố, sông ngòi, biển cả trên hành tinh được sạch hơn, góp phần bảo vệ sức khỏe của chúng ta và các sinh vật biển.

Cũng theo UNDP, thế giới đang tạo ra 2 tỉ tấn chất thải rắn đô thị mỗi năm. Ít nhất 1/3 số rác này không được quản lý và xử lý đúng cách. Ở các nước đang phát triển - nơi không có hệ thống thu gom rác chính thức hiệu quả - lực lượng nhặt rác phi chính thức này là xương sống của quá trình thu gom, phân loại và đưa rác trở lại nền kinh tế.

Những năm gần đây, UNDP và nhiều tổ chức khác thường xuyên vận động các chính phủ công nhận và phát huy vai trò của người lao động thu gom rác phi chính thức và tính đến họ trong quá trình hoạch định chính sách.

UNDP khuyến nghị khi xây dựng chính sách và phân bổ kinh phí quản lý rác, các địa phương cần ghi nhận vai trò của những người thu gom rác không chính thức. 

Công nhận và có cơ chế hỗ trợ họ là một công cụ chính sách thiết thực, tiết kiệm chi phí đồng thời cải thiện quản lý rác và hòa nhập xã hội. Chính sách phải cụ thể, trực diện vào những vấn đề thiết thân của người lao động là sức khỏe và thu nhập.

Người ve chai tham gia phân loại rác trong dự án được Plastic For Change hỗ trợ.  Ảnh: Plastic For Change

Người ve chai tham gia phân loại rác trong dự án được Plastic For Change hỗ trợ. Ảnh: Plastic For Change

UNDP chỉ ra những điều chúng ta tận mắt chứng kiến: người thu gom rác không chính thức làm việc trong điều kiện khắc nghiệt và thường xuyên gặp rủi ro. Họ bới rác bằng tay không từ các bao rác hoặc bãi rác bốc ra mùi hôi thối. Do không mặc đồ bảo hộ cơ bản, họ dễ bị thương, mắc bệnh hô hấp hoặc dị ứng. 

Họ cũng có nguy cơ bị bệnh nghiêm trọng, mãn tính như ung thư, tiểu đường hoặc rối loạn chức năng sinh sản di tiếp xúc với chất thải chứa hóa chất độc hại. Họ cũng không có an sinh xã hội hoặc tiền lương ổn định mà phụ thuộc vào những gì kiếm được trong ngày.

Cơ quan này kêu gọi các chính phủ hướng tới việc đưa lao động thu gom rác không chính thức vào hệ thống chính thức và thiết lập quy trình để thay đổi cách thu gom: từ bới trong thùng rác, bãi rác sang phân loại tại nguồn và thu gom tận nhà để cải thiện đáng kể điều kiện làm việc của người thu gom rác phi chính thức.

Những người nhặt rác không chính thức cũng xứng đáng được đền bù cho các dịch vụ thu gom và tái chế của họ, theo quan điểm của UNDP. Tổ chức này đề nghị để trả tiền cho các dịch vụ của người thu gom rác không chính thức như xem xét thành lập một quỹ quốc gia, thu phí từ nhà sản xuất, trên cơ sở quy trách nghiệm mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền". Tiền thuế và phí thu từ việc sử dụng nhựa cũng có thể cấp cho quỹ này.

Trong khi chờ chính sách...

Andrew Almack, người sáng lập của Tổ chức Plastics for Change (Ấn Độ), cho rằng bất chấp những khuyến nghị từ các cơ quan uy tín bậc nhất trong bối cảnh các quốc gia và những công ty toàn cầu phải nâng cao mục tiêu tái chế nhựa, đời sống và điều kiện làm việc của lao động thu gom rác không chính thức hầu như không được cải thiện. 

Để mang lại những thay đổi mang tính cơ bản, cần có sự tiên phong và phối hợp với nhiều bên liên quan trong chuỗi cung ứng như cách Plastics for Change và một số tổ chức đang thí điểm.

Là một doanh nghiệp xã hội, ở Ấn Độ, Plastics for Change mua rác thải nhựa từ những người thu nhặt rác theo hình thức "thương mại công bằng" (fair trade). Với người thu gom và xử lý nhựa, Plastics for Change cung cấp môi trường làm việc an toàn hơn, tuân thủ và quản trị tốt các tiêu chí về xã hội và môi trường với giá mua tốt hơn, theo phóng sự của Thomson Reuters.

Các công ty cung ứng hàng tiêu dùng gia đình là đối tác của Plastics for Change được đảm bảo nhựa tái chế họ mua có thể truy xuất nguồn gốc và đảm bảo các tiêu chuẩn đạo đức. 

Từ năm 2015, mô hình này giúp những người yếu thế ở Ấn Độ, đa số là người già, phụ nữ có thu nhập, từ đó cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng, tiếp cận giáo dục, nước sạch,... cho họ. 

Cho đến nay, Plastics for Change Ấn Độ đã thu gom được hơn 10.000 tấn rác, cải thiện cuộc sống của 9.900 người ở hơn 300 cộng đồng.

Mô hình tương tự, có tên The Circulate Initiative (Sáng kiến tuần hoàn) ở Malaysia đặt mục tiêu phân loại rác có trách nhiệm. Đây là sáng kiến dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi - giúp người cũng là giúp mình - do Coca-Cola và Tổ chức Minderoo tài trợ. 

Việc thu gom rác giúp cải thiện sinh kế của những người thu gom và cũng giúp các công ty mua được nhựa tái chế, đảm khả năng thành công của cam kết tăng tỉ lệ tái chế trong bao bì.

Bên cạnh những sáng kiến của khối tư nhân, Malaysia cũng đã công bố lộ trình nhựa bền vững giai đoạn 2021-2030, trong đó thừa nhận sự tham gia của người lao động phi chính thức trong chuỗi giá trị tái chế nhựa. 

Quốc gia Đông Nam Á này có liên minh trách nhiệm của nhà sản xuất (PRO) gọi là Liên minh tái chế Malaysia. Luật về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) dự kiến sẽ có hiệu lực ở Malaysia năm 2026. Khi đó, các nhà sản xuất có dùng bao bì nhựa sẽ phải thu gom rác sau tiêu dùng. 

Điều này nghĩa là họ phải đầu tư tăng tỉ lệ tái chế hoặc thu hồi rác thải bao bì của mình. Annerieke Douma, giám đốc chương trình The Circulate Initiative, nói bà hy vọng vào các đàm phán về hiệp ước nhựa toàn cầu. Đây sẽ là một công cụ có tính ràng buộc về pháp lý, từ đó, sẽ có nhiều sự công nhận hơn với vai trò của những người thu gom rác tái chế trên toàn cầu.

Một nhóm dọn rác thải trên sông ở Indonesia. Ảnh: Ogyre

Một nhóm dọn rác thải trên sông ở Indonesia. Ảnh: Ogyre

Còn ở Indonesia - quốc gia có gần 5 triệu tấn nhựa không được thu gom hoặc phải ra bãi rác mỗi năm - Tổ chức Sungai Watch dùng phao chắn để gom rác trên sông, sau đó phối hợp với các nhóm cộng đồng để phân loại và tái chế rác. 

Nhà sáng lập Sam Bencheghib cho biết: "Indonesia có thể là một trong những quốc gia có số người nhặt rác lớn nhất thế giới. Nhiều địa phương ở Indonesia không có đủ cơ sở hạ tầng xử lý rác, các hộ gia đình thường đốt rác hoặc vứt xuống sông. Người thu gom ve chai đa số chỉ mua loại nhựa có giá trị cao, như chai PET. Những loại nhựa ít giá trị như túi ni lông, hộp xốp... sẽ không được mua và trở thành rác". 

Với tiêu chí không kén chọn, Tổ chức Sungai Watch thu gom hơn 2.000kg nhựa/ngày, phân loại thành 30 nhóm vật liệu khác nhau. Họ có mạng lưới hơn 100 người và thành viên được trả lương cao hơn đáng kể so với người thu gom rác thông thường.

Sungai nhận được tài trợ một phần từ các thương hiệu có chính sách giảm thiểu ô nhiễm nhựa, không phải những công ty mượn danh tài trợ các chương trình tái chế để "tẩy xanh".

Ở Brazil, chính phủ hỗ trợ người nhặt rác không chính thức tổ chức thành hơn 1.000 hợp tác xã và cung cấp thiết bị (như xe tải mới) và hỗ trợ kỹ thuật tái chế cho họ để giúp họ tăng quy mô thu gom rác. 

Mô hình này được xem là đã "thay đổi cuộc chơi" bên cạnh việc nỗ lực cải thiện năng lực tái chế và nâng cao nhận thức về việc tiêu thụ quá mức đồ nhựa.

Chiị Riza. Ảnh: Jhesset O. Enano

Chiị Riza. Ảnh: Jhesset O. Enano

Khi bình minh chưa ló dạng, ở thành phố Quezon, Philippines, Riza Santoyo đã bắt đầu một ngày mới. Người phụ nữ 34 tuổi chở 4 đứa con trên chiếc xe ba gác theo lộ trình thường ngày.

Đầu tiên, Riza đưa hai cô con gái lớn, 12 và 10 tuổi, đến trường còn bé gái 6 tuổi và cậu con trai 4 tuổi sẽ cùng mẹ đi làm. Dọc đại lộ Timog, thấy các túi rác bên đường, Riza nhanh chóng dừng xe xem xét - đây là công việc của cô - một người lượm ve chai.

Các túi rác chứa thập cẩm các loại rác nhưng Riza có thể bới ra những thứ có giá trị rất nhanh chóng: vỏ chai nhựa, lon nhôm rỗng, bìa cứng, giấy, một số phế liệu điện tử và kim loại.

Chị để những gì vừa nhặt được cạnh hai đứa trẻ trong thùng xe và chuyển sang những túi rác tiếp theo. Riza phải nhanh tay trước khi xe chở rác đến gom và chở các túi rác đến bãi rác.

Riza là một trong hàng nghìn người Philippines kiếm sống bằng nghề nhặt phế liệu từ đồ bỏ đi của người khác. Những phụ nữ như Riza thậm chí còn dễ bị tổn thương gấp đôi khi họ vừa phải đảm việc (gom) rác vừa phải giỏi việc nhà nhưng ít cơ hội tiếp cận các cơ hội kinh tế để thoát nghèo.

Những người hùng cần được tiếp sức- Ảnh 5.

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận