Báo sinh viên đăng bài, chủ tịch trường từ chức

XÊ NHO 02/08/2023 07:20 GMT+7

TTCT - Hãy đoán thử xem tít bài báo "Chủ tịch Đại học Stanford bị điều tra vì sai phạm trong nghiên cứu" được đăng ở đâu?

Trang chủ The Stanford Daily ngày 1-8-2023.

Trang chủ The Stanford Daily ngày 1-8-2023.

Hãy đoán thử xem tít bài báo "Chủ tịch Đại học Stanford bị điều tra vì sai phạm trong nghiên cứu" được đăng ở đâu? Không phải trên các tờ báo lớn như Washington Post hay Los Angeles Times. Bài báo này, cùng các bài điều tra khác dẫn tới tuyên bố từ chức của chủ tịch trường Stanford vào tuần trước, được đăng trên tờ báo của sinh viên trường này - Stanford Daily.

Những cáo buộc đối với tiến sĩ Marc Tessier-Lavigne đã xuất hiện từ những năm trước trên PubPeer - một dạng diễn đàn khoa học - nhưng chỉ rộ lên sau khi Stanford Daily đăng một loạt bài đặt vấn đề nghi ngờ cách tiến hành các nghiên cứu tại những phòng thí nghiệm do ông lãnh đạo.

Tháng 11-2022, Stanford Daily đăng bài, cho rằng các công trình nghiên cứu do TS Tessier-Lavigne làm tác giả chính có những hình ảnh bị chỉnh sửa. Đến tháng 2 năm nay, một bài báo nữa cáo buộc một nghiên cứu khác của ông này có giả mạo dữ liệu… Hàng loạt bài viết như thế do sinh viên tự điều tra và đăng tải trên tờ báo của nhà trường, tấn công đích danh chủ tịch trường, buộc hội đồng tín thác Stanford phải mở cuộc điều tra độc lập.

Cuộc điều tra kéo dài mấy tháng do các nhà khoa học bên ngoài Stanford tiến hành kết luận không có bằng chứng cho thấy TS Tessier-Lavigne đã giả mạo số liệu nhưng đúng là các công trình nghiên cứu của ông này chủ trì có nhiều vấn đề, không đạt chuẩn mực nghiên cứu khoa học, dẫn tới các sai sót đáng kể trong ít nhất 5 công trình nghiên cứu.

Chừng đó cũng đủ để TS Tessier-Lavigne tuyên bố sẽ từ chức từ cuối tháng 8 tới, đồng thời phải đăng đính chính hay rút lại một số bài nghiên cứu từng đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng. Nên biết các nghiên cứu này đã công bố từ lâu, trước khi ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Đại học Stanford từ năm 2016.

Phóng viên viết bài khơi mào cho cuộc điều tra độc lập là Theo Baker, năm nay 18 tuổi. Vào tháng 2 vừa rồi, giải thưởng George Polk trong báo chí trao giải đặc biệt cho Baker, người trẻ nhất từng nhận giải này, cho loạt bài điều tra về các công trình nghiên cứu có vấn đề của Tessier-Lavigne. Anh là con trai của hai nhà báo làm cho tờ New York Times và New Yorker. 

Trả lời phỏng vấn báo San Francisco Chronicle, Baker cho biết anh phải bỏ ra 1.000 giờ vào mùa thu năm 2022 để phỏng vấn nhiều chuyên gia và ngụp lặn trong hàng đống tài liệu nghiên cứu để viết các bài về vụ Tessier-Lavigne trong khi vẫn phải lên lớp, làm bài tập và dự các kỳ kiểm tra. Tổng biên tập tờ Stanford Daily nhận xét về nhà báo sinh viên năm nhất này: "Gọi hàng trăm cú điện thoại và bị từ chối trả lời đòi hỏi một năng lượng rất lớn".

Theo Baker nhận giải George Polk.  Ảnh nhân vật cung cấp cho Los Angeles Times

Theo Baker nhận giải George Polk. Ảnh nhân vật cung cấp cho Los Angeles Times

Trong một diễn biến liên quan, Đại học Northwestern vừa sa thải huấn luyện viên chính môn bóng đá Pat Fitzgerald sau khi cũng chính tờ báo sinh viên của trường này đăng bài về các tệ nạn bắt nạt trong đội bóng nhà trường. 

Bài viết tường thuật chi tiết các vụ ma cũ bắt nạt ma mới như bắt cởi truồng, lạm dụng tình dục… Bài báo cáo buộc nhà trường lại không chịu điều tra tới nơi tới chốn, chẳng hạn chỉ ngưng chức huấn luyện viên trưởng của ông Fitzgerald trong hai tuần. 

Hai ngày sau tờ báo sinh viên đăng tiếp một bài về tệ nạn phân biệt chủng tộc trong đội bóng, và cùng ngày thì trường Northwestern sa thải ông Fitzgerald. Đáng nói là cuộc điều tra của các nhà báo sinh viên cũng dẫn tới một vụ kiện trong đó cựu tuyển thủ đội bóng kiện Northwestern và ông Fitzgerald đã dung túng nên cầu thủ này bị đồng đội bắt nạt, hành hung và phân biệt chủng tộc.

Báo của sinh viên trong các trường đại học đóng một vai trò quan trọng trong đời sống ở trong khuôn viên nhà trường. Dù chuyện điều tra các sai phạm của lãnh đạo nhà trường hiếm khi xảy ra, các tờ báo thường chuyển tải ý kiến của sinh viên về mọi khía cạnh hoạt động của nhà trường, tạo ra những áp lực buộc lãnh đạo nhà trường phải chú ý.

Tuy nhiên do báo phụ thuộc vào nguồn tài chính do nhà trường cấp nên thường chịu áp lực khi chọn đề tài phản ánh, bằng không sẽ bị cắt kinh phí. Chẳng hạn ngân sách của tờ Sunflower, một tờ báo sinh viên thuộc Trường đại học công Wichita, bị cắt giảm từ 105.000 đô la xuống còn 55.000 đô la vào năm 2018.

Một nghiên cứu năm 2018 của Lindsie Trego, sinh viên luật Đại học North Carolina, cho thấy 60% các tờ báo ở các trường đại học công của Mỹ báo cáo ít nhất một biểu hiện nhà trường kiểm duyệt nội dung các bài báo trong vòng 1 năm trước đó. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận