Bóng đá nữ: Thay đổi cuộc đời trên ghế giảng đường

NGUYÊN KHÔI - HUY ĐĂNG 17/07/2023 11:20 GMT+7

TTCT - Trong sự đổi thay tích cực của bóng đá nữ ngày nay, không thể không nhắc đến vai trò của việc học.

Bóng đá là môn thể thao luôn bị xem là môi trường khó khăn dành cho việc học, bởi cầu thủ tốn rất nhiều thời gian để tập luyện. Với cầu thủ nam, họ thường vẫn còn được đi học văn hóa ở các học viện bài bản, thì các cô gái lại không có được điều kiện này.

Thanh Nhã đã ghi một bàn thắng quý giá vào lưới tuyển Đức. Ảnh: Getty Images

Thanh Nhã đã ghi một bàn thắng quý giá vào lưới tuyển Đức. Ảnh: Getty Images

Thay đổi tư duy

Dù có tốt nghiệp trung học phổ thông, cuộc sống nặng gánh lo toan khiến nhiều nữ cầu thủ không thể sắp xếp thời gian cho việc học cao hơn nữa sau này.

Nhưng tình hình đang thay đổi. Bắt đầu từ những năm 2000, đội ngũ ban huấn luyện của Tao Đàn đã xác định cần phải cho cầu thủ học hết tối thiểu là trung học phổ thông. Ông Trịnh Công Phương, HLV thể lực của đội khi đó, nói: 

"Nhiều cầu thủ cố gắng đi học văn hóa ở trường bình thường vào buổi sáng, chúng tôi cho phép và vui vẻ tập thêm với các em vào buổi tối. Chúng tôi gắn bó với bóng đá nữ nhiều năm, đã thấy qua nhiều tình cảnh thương tâm rồi. Vì sau khi giải nghệ họ khó lòng kiếm được công việc nào khác. Có được thêm bằng cấp, làm HLV cũng dễ".

Hai thập niên qua, việc học của các cầu thủ nữ ngày càng được nâng cấp. Thành công của thế hệ cựu danh thủ như Kim Chi, Ngọc Châm, Thanh Khiết - những người theo đuổi nghiệp huấn luyện sau khi giải nghê - đã truyền động lực cho thế hệ đàn em. 

Lần lượt những ngôi sao hiện tại như Thùy Trang, Tuyết Dung, Hải Yến… đều đã tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao, Huỳnh Như đang chờ lấy bằng của ĐH Sư phạm, khoa giáo dục thể chất.

Trong số đó, tiền vệ Nguyễn Thị Bích Thùy của CLB TP.HCM là một cái tên đặc biệt, khi cô quyết định chọn học ngành quản trị kinh doanh của ĐH Hoa Sen. Sau khi tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup, ĐH Hoa Sen tặng học bổng cho các tuyển thủ của TP.HCM. 

Trường này cũng mở ra ngành kinh tế thể thao, với ba chuyên ngành quản lý các loại hình kinh doanh thể thao, quản lý chăm sóc sức khỏe, quản trị truyền thông và marketing thể thao. Bích Thùy trở thành người hiếm hoi mạnh dạn vượt qua ranh giới thông thường với các nữ cầu thủ.

Cô chia sẻ ban đầu muốn học thú y, nhưng để tận dụng cơ hội từ suất học bổng của ĐH Hoa Sen, cô đã chọn ngành quản trị kinh doanh - lĩnh vực mà tiền vệ 29 tuổi này thấy hào hứng. "Còn đi đá bóng, ở độ tuổi còn trẻ, tôi chưa suy nghĩ đến vấn đề học nhiều đâu. Tôi nghĩ cứ cống hiến, một ngày nào đó thành công, đủ ổn định thì sẽ đi học. Việc ĐH Hoa Sen dành học bổng cho tôi là đúng lúc và đúng thời điểm", cô gái quê Quảng Ngãi nói.

Tin vào nghị lực các cô gái

Bận tập luyện rồi thi đấu liên tục cho CLB nữ TP.HCM và đội tuyển nữ Việt Nam, nên Bích Thùy không thể đến trường học bình thường như các sinh viên khác. ĐH Hoa Sen cũng khuyên cô tân sinh viên chọn học trực tuyến. Bích Thùy bắt đầu học từ tháng 5-2022. Sau một năm học, cô mới đến trường được 6 lần, 2 lần trong đó là để giao lưu, 4 lần còn lại là đến thăm thầy cô và chuẩn bị cho việc học.

Dân thể thao mà học kinh doanh, nên khó khăn là điều khó tránh khỏi. Bích Thùy cũng thừa nhận theo học kinh doanh rất khó khăn, vì như một người tay ngang. May mà các thầy cô ở ĐH Hoa Sen giúp đỡ Bích Thùy rất nhiều. 

Cô kể: "Buổi học của tôi bắt đầu vào 18h30 và kết thúc vào 21h. Nhưng thường tôi hay "out" sớm. Bởi sau buổi tập, chúng tôi phải qua phòng bác sĩ vào buổi tối để được massage hồi phục cơ. Thầy nghe thế cũng thông cảm. Ở Giải nữ Đông Nam Á 2022, tôi còn bị COVID-19 phải cách ly khó có thể học trực tuyến, thầy cô cũng quan tâm và tạo điều kiện. Thầy gởi bài cho tôi coi lại. Nếu trúng đợt thi thì tôi xin thi sau".

Bích Thùy đã hoàn thành năm học đầu tiên và không nợ môn nào. Nhưng bước vào năm thứ hai với nhiều môn chuyên ngành như kế toán, quản trị và thống kê, cô lo ngại sẽ không theo kịp chương trình học vì tính toán nhiều quá. Tuy nhiên cô cho biết sẽ cố gắng hết sức.

Tiến sĩ Phan Võ Minh Thắng, trưởng khoa kinh tế - quản trị, khen cô sinh viên đặc biệt của mình: "Thành tích học tập của Bích Thùy khá tốt. Nhà trường tất nhiên có tạo điều kiện cho Thùy, nhưng hoàn toàn không ưu ái về kết quả học tập, bản thân Thùy cũng luôn sắp xếp để ưu tiên việc học. Tôi nghĩ chúng ta không nên có định kiến rằng VĐV thì sẽ học không tốt. Trên thực tế, các bạn nữ tuyển thủ quốc gia là những người có nghị lực phi thường. Nếu các bạn tập trung vào chuyện học, tôi tin họ đều có thể học tốt".

Đội tuyển nữ Việt Nam tích cực chuẩn bị cho kỳ World Cup lần đầu tiên tham dự. Bích Thùy cũng vì thế phải xin không học trong thời gian này. Cô nói: "Tôi xin cô hiệu trưởng chấp nhận dừng tất cả lại để chuẩn bị tốt nhất cho World Cup nữ 2023. Cô đồng ý ngay. Các trận đấu ở World Cup nữ 2023 sắp tới, cô bảo sẽ sắp xếp tổ chức cho toàn trường xem để cổ vũ tôi và đội tuyển nữ Việt Nam".

Bích Thùy cho biết cô cũng đang tích cực học tiếng Anh (Anh văn giao tiếp 2) và cảm thấy "khó ơi là khó". 

Cô chia sẻ: "Học ở ĐH Hoa Sen, tiếng Anh là trên hết, đạt được điểm chỉ tiêu đưa ra thì mới được ra trường. Nói thật là tôi rất thích học Anh văn, tôi có voucher miễn phí 100% học phí, nhưng chưa thu xếp được thời gian để theo học. Trước đây, tôi có thuê giáo viên dạy kèm riêng một lần rồi, nhưng bận đi thi đấu nên tôi lại bỏ. Sắp tới, tôi sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để học tiếng Anh. Nó không chỉ giúp tôi đủ điểm ra trường mà còn chuẩn bị tốt cho tương lai".■

11/23 tuyển thủ học đại học

Trong số 23 cầu thủ dự World Cup nữ 2023, có 11 cầu thủ đã và đang học đại học. Trong số này, Huỳnh Như, thủ môn Trần Thị Kim Thanh và hậu vệ Nguyễn Thị Mỹ Anh đang học Đại học Sư phạm TP.HCM. Nguyễn Thị Bích Thùy học Đại học Hoa Sen. Còn Trần Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Tuyết Dung, Phạm Hải Yến, Thái Thị Thảo, Nguyễn Thị Thanh Nhã, Ngân Thị Vạn Sự, Trần Thị Hải Linh học Đại học Thể dục thể thao. Trong đó, Thùy Trang, Tuyết Dung, Hải Yến đã tốt nghiệp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận