Chiến dịch Lá Dong Paris - Saclay

NICOLAS CORNET 19/02/2024 09:23 GMT+7

TTCT - Nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet kể lại câu chuyện một buổi nấu bánh chưng của ông với những sinh viên người Việt trên đất Pháp khi Tết sắp về.

Nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet kể lại câu chuyện một buổi nấu bánh chưng của ông với những sinh viên người Việt trên đất Pháp khi Tết sắp về.

Nấu bánh chưng, hành vi văn hóa ngàn đời của người Việt, được tái hiện cách nửa vòng Trái đất.

Nấu bánh chưng, hành vi văn hóa ngàn đời của người Việt, được tái hiện cách nửa vòng Trái đất.

Một đêm không trăng sao cuối đông năm ngoái, tôi rời trung tâm Paris để đến khu cao nguyên Saclay. Tôi không cho gia đình hay biết về chuyến phiêu lưu đêm muộn này. Tôi đi về phía nam, hướng thung lũng Chevreuse trong một nhiệm vụ bí mật: chiến dịch Lá Dong.

Sau khi đến nơi, trong giá rét căm căm cuối đông, tôi đánh một vòng, đi qua học khu và bãi đậu xe ảm đạm không một bóng người. Khang ra đón tôi. 24 tuổi, tới Pháp năm 2020, anh đang học năm ba ngành kỹ thuật ở Trường Bách khoa Paris.

Nhóm sinh viên Việt Nam theo học ở đây khá đông. Có tất cả khoảng bốn mươi người ở ngôi trường kỹ thuật lừng lẫy nhất nước Pháp này. Uy tín và chất lượng giáo dục xuất sắc của trường đã thu hút sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Đã hơn một thế kỷ trôi qua từ khi người Việt đầu tiên đến học ở trường này. Một số cựu sinh viên rất nổi tiếng, như học giả Hoàng Xuân Hãn đã học ở đây vào những năm 1930.

Học khu này mới toanh. Chúng tôi cùng nhau vào phòng dành cho hoạt động của sinh viên quốc tế. Được sưởi rất ấm, căn phòng trang hoàng thật vui tươi những dây hoa trang trí và cờ từ khắp các quốc gia. Mọi nhóm sinh viên đều được sử dụng phòng này.

Nay là chủ tịch hội sinh viên Việt Nam ở đây, anh học vật lý ở Trường Bách khoa, quê Hội An. Giọng miền Trung của anh nổi bật so với hầu hết các bạn trong nhóm vốn là người Bắc. Trầm tĩnh, tươi cười, ấm áp, anh tỏ ra là người rất có trách nhiệm.

Sau phần giới thiệu thật ngắn gọn: "Chú này là nhiếp ảnh gia quan tâm tới Việt Nam", tôi đã có thể bắt đầu chụp ảnh hoạt động của các bạn. Lý do đưa tôi đến đây là do tôi đang góp sức cho một cuốn sách viết về mối quan hệ đặc biệt và kỳ thú giữa văn hóa và ẩm thực của người Việt Nam.

Tôi bắt chuyện với những người trẻ tuổi ở đây, họ đang bận rộn nấu món bánh chưng nổi tiếng. Với nhiệm vụ đấy, hiểu biết của tất cả các kỹ sư tương lai này đều được thử thách. Thật tự nhiên, một số hội thảo mini đã thực hiệnTtại chỗ. Họ phân công mỗi người một việc: vài người cắt lá dong, những người khác gấp lá trong chiếc khuôn gỗ tạo thành khối lục diện cho chiếc bánh, rồi những người khác nữa chuẩn bị nguyên liệu.

"Ở đây bọn cháu phải đi mua lá dong - Nay nói - Phải xuống tận quận 13 (khu châu Á ở Paris), mà lá thì rất đắt. Ở nhà, cháu chỉ việc ra vườn hái là có...".

Ngọc, một người bạn của cả nhóm, giải thích tỉ mỉ cho tôi: "Trước hết chú phải trải một lớp gạo nếp dưới cùng, rồi tới đậu xanh và thịt ba chỉ, rồi phía trên lại là một lớp đậu xanh và gạo nếp nữa. Rồi tất cả được gói chặt lại trong lớp lá".

Cuối cùng, cần những tay "buộc lạt chuyên nghiệp" để buộc những nút thật chặt cho chiếc bánh thật kín - yếu tố then chốt để nấu thành công một chiếc bánh chưng. Tú Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành máy học, kể với tôi: "Ở nhà cháu, ở Thanh Hóa, rồi Hà Nội, cả nhà sẽ tham gia nấu bánh chưng, nhưng chỉ ông nội mới buộc lạt và siết cho bánh chặt được".

Dũng, sinh viên ngành toán quê Thanh Hóa, ngồi cách đó một quãng. Thấy anh ngồi học trong khi bạn bè đang chia sẻ niềm vui của quê nhà, tôi nghĩ chắc anh nhập học muộn nên phải học bù. Nhưng không phải vậy, do rất mê toán, anh tình cờ bắt gặp một ý tưởng và muốn bắt tay vào giải ngay.

Trong hai tiếng đồng hồ cùng nhau gói bánh, các sinh viên chia sẻ những câu đùa, nhận xét mấy chiếc bánh, người khen là "hoàn hảo", người chê là "nhìn lạ quá". Chúng tôi ca ngợi những "đầu bếp hạng nhất" và "đúng chuẩn Việt Nam" trong niềm tự hào làm ra những chiếc bánh chưng đẹp đẽ "chẳng kém gì ở nhà".

Thử thách này là công việc chân tay rất thú vị cho những sinh viên xuất sắc ở đây, những kỹ sư tương lai, những nhà toán học, vật lý học, chuyên gia về laser, hạt nhân và các công nghệ, để họ quen thuộc hơn với công việc của hai bàn tay. Những chiếc điện thoại di động khiến cảnh tượng đấy trở nên "bất tử" khi trời ngày càng khuya ở Pháp và những bạn bè cùng gia đình các bạn ở Việt Nam bắt đầu thức giấc.

Một số người xả hơi trong khi đợi bạn gói xong bánh. Họ tụ tập thành nhóm chơi đá cầu, banh bàn (bi lắc) hay bi da.

"Nhóm cháu được tổ chức tốt - Nay nói - Vài tuần trước, lấy tư cách chủ tịch hội sinh viên, cháu đã xin bộ phận an ninh của trường đốt lửa để nấu bánh, để họ không nghĩ là có người lạ vào học khu đốt lửa. Họ chấp thuận và hôm nay mọi người có thể thoải mái".

Chúng tôi tới nơi nấu bánh dự định. Gần tòa nhà, các sinh viên còn thì thầm, nhưng ngay khi đã ở chỗ vắng, những tiếng cười và la hét đùa nghịch bắt đầu vang lên. Để đưa chiếc nồi lớn đầy nước và bánh chưng tới nơi đốt lửa, các sinh viên đã mượn một xe đẩy hàng siêu thị. 

Trong tiếng bánh xe và kim loại lanh canh, họ đi qua khu bãi đỗ xe không người. Rồi họ tới ven một hồ nước hình sừng trâu và bắt đầu nổi lửa. Vài cuối tuần trước đó, vài bạn đã được phân công đi gom củi khô trong một khu rừng gần đấy. Họ cũng gom cả các loại ván gỗ bỏ đi, mua củi ở siêu thị để đốt đống lửa đầu tiên. Lửa vươn cao và lan nhanh, ngóng chờ nồi bánh.

Ảnh: hse.ru

Ảnh: hse.ru

Ở Việt Nam vài năm trước, hầu hết sinh viên này sống ở các thành phố lớn hay những tòa chung cư. "Giờ ở Việt Nam gần như không thể đốt một đống lửa to thế này ở thành phố khi Tết đến! - Khoa nói - Ở đây ít ra bọn cháu còn có thể tụ tập nấu bánh chưng bên bếp lửa. Cháu nhớ ở quê nội mình, ngày Tết, mọi thứ đều xoay quanh bếp lửa".

Xung quanh đống lửa, không khí Tết đã thật sự về. Phần thịt ba chỉ còn thừa được cắt nhỏ ra, dùng những chiếc que vừa vót nhọn xâu vào và đặt cạnh nồi bánh, một món nướng ngon lành được các bạn chia nhau trong khi chờ bánh chín. Bắt đầu có người cất tiếng hát, xen vào là những tràng cười giòn tan. Đêm nay sẽ dài...

Những ngày sau đó, các bạn mời các sinh viên khác trong trường, đủ mọi quốc tịch, các anh chị ở khóa trên, cùng thưởng thức một mảnh nhỏ văn hóa và truyền thống Việt Nam này.

Cách nửa vòng trái đất so với xứ sở Việt Nam, những hành vi văn hóa đã không biết bao đời được tái hiện, mối dây gắn kết tinh thần và cảm xúc với đất mẹ. Trong những người Việt Nam trẻ trung này, một số thỉnh thoảng vẫn nói các bạn thấy "mất kết nối với truyền thống", và "chỉ muốn ngồi nhà lướt mạng xã hội", hay "lên mạng suốt ngày". 

Nhưng quanh bếp lửa và nồi bánh chưng ở đây, cùng những kỹ sư Saclay tương lai, tôi nhìn thấy những người Việt, bên cạnh bạn bè họ, hạnh phúc sống lại những niềm vui giản dị và xa xưa. 

Cách xa cha mẹ, làng mạc và những khung cảnh diệu kỳ trong nước, các bạn vẫn cho thấy sức sống của cộng đồng, những niềm vui chung đơn sơ, trong mùi bánh chưng phảng phất chào mời đầy hứa hẹn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận