Chủ nghĩa tối giản và nhà cho dân tị nạn

LOAN PHƯƠNG 09/08/2017 21:08 GMT+7

Với kiến trúc sư người Nhật Bản Shigeru Ban, chủ nghĩa tối giản còn có một ý nghĩa rất thiết thực và nhân văn: xây nhà cho người tị nạn.

Những nghệ sĩ tối giản tạo ra các tác phẩm giảm thiểu những chi tiết thừa, chỉ giữ lại những gì thiết yếu đáp ứng được cả về công năng lẫn thẩm mỹ. Những người sống tối giản nhấn mạnh việc sở hữu càng ít đồ đạc càng tốt.

Với các nghệ sĩ và cả những thị dân tối giản, đó là cách thể hiện cái tôi của họ hay để hướng tới một cuộc đời nội tâm sâu sắc hơn. Nhưng với dân tị nạn ở Kenya, đó có thể là vấn đề của sự sống và cái chết.

Đó là một trường phái nghệ thuật, hội họa, âm nhạc, điện ảnh, văn chương, kiến trúc… rất hiện đại. Và cả một phong cách sống của thời mới gắn với những tên tuổi lẫy lừng như Mark Rothko, John Cage, Agnes Martin, Vương Gia Vệ hay Ernest Hemingway, nhưng với kiến trúc sư người Nhật Bản Shigeru Ban, chủ nghĩa tối giản còn có một ý nghĩa rất thiết thực và nhân văn: xây nhà cho người tị nạn.

Ông Shigeru Ban học hỏi từ dân địa phương để chuẩn bị cho dự án mới của ông.-Ảnh: inhabitat.com
Ông Shigeru Ban học hỏi từ dân địa phương để chuẩn bị cho dự án mới của ông.-Ảnh: inhabitat.com

Từ làm nhà bằng giấy

Kiến trúc sư Shigeru Ban làm nên tên tuổi với những sáng tạo tối giản: giành giải thưởng Pritzker 2014, được coi là Nobel của giới kiến trúc, với công trình Trung tâm Pompidou-Metz và trước đó nổi tiếng vì sử dụng bìa cactông và gỗ để xây những căn nhà tránh thảm họa chi phí cực thấp.

Mới đây nhất, vào giữa tháng 7, ông Ban đã đăng ký tham gia thiết kế hàng nghìn chỗ trú ẩn cho một khu trại tị nạn lớn ở Kenya, nơi ông phải làm việc trong những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt với nguồn lực eo hẹp.

Từng nổi tiếng với việc xây nên những thánh đường và nhà hát giao hưởng hoàn toàn từ giấy, ông Ban hiện đang thiết kế 20.000 căn nhà mới cho các nạn dân trong một dự án hợp tác với tổ chức của Liên Hiệp Quốc UN Habitat tại trại tị nạn Kalobeyei ở vùng Turkana.

Trước đó, ông từng vẽ các thiết kế giúp người tị nạn có thể dễ dàng tự xây nơi trú ẩn ở Rwanda sau cuộc diệt chủng năm 1994, ở Nepal năm 2015 sau một trận động đất lớn. Những căn nhà giấy của ông còn được sử dụng ở Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Haiti và Ấn Độ trước đó.

Khu nhà ở cho người tị nạn mà ông Ban thiết kế. (Ảnh: Archdaily.com)

Đến xây nhà cho dân tị nạn

Ở Kenya, ông Shigeru Ban nói mục tiêu của ông là thiết kế những nơi ở đủ đơn giản để người dân có thể làm theo và tự duy trì chỗ ở đó cho chính họ, một triết lý thiết kế rất điển hình cho lối sống tối giản của người Nhật.

Trại tị nạn Kalobeyei có 400.000 dân và sẽ còn tăng thêm nữa. “Điều then chốt ở đây là thiết kế và xây dựng nơi ở mà không có các giám sát kỹ thuật, sử dụng các vật liệu sẵn có ở địa phương và thân thiện với môi trường.

Điều quan trọng không kém là các căn nhà phải được bảo trì bảo dưỡng dễ dàng bởi chính người ở” - ông Ban nói sau khi tới thăm Kalobeyei tuần trước.

Trại tị nạn này, một sáng kiến giữa chính quyền tỉnh Turkana và Chương trình người tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), được lập nên năm 2015 với hi vọng tạo ra một nơi mà nạn nhân và cộng đồng địa phương có thể hòa nhập với nhau.

Một người tị nạn trung bình sống tới 16 năm trong một khu trại, theo UNHCR, và một trong những cách cải thiện chất lượng cuộc sống tốt nhất cho họ chính là cải thiện điều kiện ở các khu trại. Dân tị nạn ở trại Kalobeyei chủ yếu tới từ Nam Sudan và Somalia. Ông Ban sẽ cho xây thử 20 căn nhà mẫu để thử nghiệm từ tháng 8.

Công việc là cực kỳ khó khăn. Hiện không có chuyến bay dân dụng trực tiếp nào tới Kalobeyei và giao thông đến đó chỉ có duy nhất đường bộ qua những chuyến xe suốt ba ngày trời từ thủ đô Nairobi, khiến việc chuyên chở vật liệu cực kỳ khó khăn.

Nhà tị nạn ở Ấn Độ (Ảnh: ArchDaily.com)

Tại chỗ, ông Ban sẽ phải làm việc trong điều kiện khí hậu nóng rát, lượng nước cung cấp ít ỏi và mùa mưa hay có lũ quét đang đến. Tuy nhiên, trang chủ của UNHCR nói “nếu có ai đó sẵn sàng cho công việc này thì đó chính là ông Ban”.

Ông cũng đã ăn ngủ ở Kalobeyei, gặp những người tị nạn, tìm hiểu kết cấu nền móng và các tòa nhà đã có ở đó cho dự án của mình. Ông Shigeru Ban nói để đạt được mục tiêu, ông bắt buộc sẽ phải học hỏi từ dân bản địa.

“Chúng tôi rất biết ơn sự ủng hộ của Shigeru - cao ủy UNHCR ở Kenya Raouf Mazou nói - Cung cấp cho nạn dân nơi trú ẩn bền vững là chìa khóa để giải quyết nhu cầu của hàng nghìn người tị nạn ở Kalobeyei. Mối quan hệ đối tác thành công như thế này sẽ giúp trao thêm quyền cho người tị nạn và giảm sự phụ thuộc của họ, mang tới cho họ những căn nhà ổn định và bền chắc.

Điều đó cũng sẽ góp phần quan trọng cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội ở Kalobeyei, mang lại lợi ích không chỉ cho những người mất nhà cửa mà cả cộng đồng địa phương”.

Hóa ra nghệ thuật - ngay cả những thứ tưởng chừng cao siêu - và đời sống không cách xa nhau như thế.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận