Chuyện dài thu "thuế dẫn bài" từ Google, Facebook

NGUYỄN VŨ 11/07/2023 09:42 GMT+7

TTCT - Liệu việc bắt các tập đoàn công nghệ trả một loại phí tạm gọi là "thuế dẫn bài" có khả thi, sòng phẳng và có giải quyết được khó khăn của báo chí?

Ảnh: AAP, Reuters

Ảnh: AAP, Reuters

Các báo không thấy đòi nhưng các nước, gần đây nhất là Canada, đã hay sẽ thông qua luật lệ buộc các doanh nghiệp công nghệ như Google hay Meta phải trả tiền cho báo chí khi đăng đường dẫn tới các bài báo. Liệu việc bắt các tập đoàn công nghệ trả một loại phí tạm gọi là "thuế dẫn bài" có khả thi, sòng phẳng và có giải quyết được khó khăn của báo chí?

Hiện nay người dùng Facebook thường chia sẻ tin của báo, kèm theo vài dòng bình luận. Trên Google, trong kết quả tìm kiếm của người dùng cũng thường có tít báo, đoạn mở tin và đường dẫn. 

Mới nhìn qua, cách dẫn tin của Facebook hay Google giúp lan tỏa tin tới một lượng độc giả lớn hơn nhiều lần; nếu người dùng nhấn vào đường dẫn, họ sẽ được chuyển tới trang tin của tờ báo, tạo cơ hội để báo tăng người đọc, bán quảng cáo. Trong thực tế, dòng tiền quảng cáo ào ạt chảy về túi Google hay Meta, chỉ còn một ít rơi vãi cho các báo.

Đó là lý do các nhà lập pháp Canada cho rằng cần có luật để tạo sân chơi bình đẳng hơn giữa các gã công nghệ khổng lồ đang hút hết tiền quảng cáo và giới báo chí ngày càng khó khăn.

Nhiều nước muốn thu

Hạ tuần tháng 6, Quốc hội Canada thông qua Luật C-18, còn gọi là Đạo luật tin tức trực tuyến (Online News Act) quy định các công ty như Google hay Meta (công ty mẹ của Facebook) phải trả tiền cho các nơi xuất bản tin tức trực tuyến nếu trên nền tảng của họ có chia sẻ nội dung tin và đường dẫn đến tin.

Mặc dù luật phải đến 6 tháng nữa mới bắt đầu có hiệu lực, Meta đã dọa sẽ sớm cắt, không cho người dùng Facebook và Instagram tại Canada chia sẻ tin tức báo chí nữa. Nói cách khác, Facebook không cho hiển thị tin tức trên nền tảng của họ nữa, lấy đâu ra nội dung cũng như đường dẫn để trả "thuế dẫn bài". Đó là cách Meta tuân thủ luật mới!

Dù không nói rõ khi nào, Meta cho biết họ sẽ áp dụng cách cấm vận này trước khi luật có hiệu lực. Meta cho rằng nội dung liên quan đến tin tức báo chí chỉ tạo ra một tỉ lệ doanh thu rất nhỏ trong tổng doanh thu quảng cáo của họ nên cấm hẳn tin tức xuất hiện trên Facebook sẽ rẻ hơn tuân thủ đúng câu chữ của luật mới. Văn phòng ngân sách Quốc hội Canada ước tính theo luật mới, các báo ở Canada sẽ thu được chừng 329 triệu đô la Canada mỗi năm.

Đại diện Google trình bày về cải tiến của Google News tại sự kiện I/O năm 2018. Một nghiên cứu uớc tính doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số trên nội dung tin tức của Google trong năm 2017 bằng cả ngành báo Hoa Kỳ. Ảnh: AndroidAuthority

Đại diện Google trình bày về cải tiến của Google News tại sự kiện I/O năm 2018. Một nghiên cứu uớc tính doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số trên nội dung tin tức của Google trong năm 2017 bằng cả ngành báo Hoa Kỳ. Ảnh: AndroidAuthority

Trước Canada, năm 2021 Úc cũng đã thông qua đạo luật tương tự, trở thành nước đầu tiên buộc Meta và Google phải trả tiền cho tin tức xuất hiện trên nền tảng của họ. Sau đó nhiều nước khác, trong đó có Anh, Mỹ, Nam Phi, Brazil cũng cân nhắc các đạo luật với cùng mục đích.

Khi người Úc còn đang bàn để soạn thảo luật, Meta đã dọa và thử nghiệm cấm người dùng nước này chia sẻ tin tức của báo chí, không kể quốc nội hay quốc tế. Lúc đó dư luận xôn xao vì không biết Meta viết mã chương trình như thế nào mà cấm luôn nội dung các trang web của công sở, các tổ chức từ thiện, các dịch vụ khẩn cấp. 

Dù phải điều chỉnh các địa chỉ bị cấm chia sẻ nội dung và sau đó gỡ lệnh cấm, động thái của Meta có tác động lên Chính phủ Úc, phải thỏa hiệp, viết lại luật để nội dung sau cùng "nhẹ gánh" hơn cho các công ty công nghệ.

Đến cuối năm ngoái, Bộ Tài chính Úc tổng kết một năm thực thi luật và cho biết có trên 30 hợp đồng thỏa thuận giữa báo chí Úc và các nền tảng công nghệ, chủ yếu là Google và Meta với tổng giá trị chừng 200 triệu đô la Úc, đạt chừng 61% toàn bộ thị trường dự kiến. 

Có một sự khác biệt lớn giữa Google và Meta vì Meta chỉ ký với 13 tổ chức báo chí, còn Google ký với 23 nơi; các nơi này có thể xuất bản nhiều đầu báo hay có nhiều kênh truyền hình.

Nhưng thu không dễ

Bài học rút ra từ việc thực thi luật là các tờ báo nói chung luôn ở thế yếu khi đàm phán với Google hay Meta. Và ngay khi đàm phán thành công, họ cũng thường giấu kết quả vì không muốn đồng nghiệp biết số tiền Google hay Meta đồng ý trả cho họ.

Các tập đoàn báo chí lớn ở vị thế đàm phán thuận lợi hơn các tờ báo nhỏ, thậm chí nhiều tờ báo không đáp ứng các tiêu chí do luật đặt ra để buộc các doanh nghiệp công nghệ phải ngồi vào bàn đàm phán. Có báo cho biết số tiền họ nhận được từ Google chỉ đủ để tuyển thêm một phóng viên.

Điều nguy hiểm là cả hai luật của Canada và của Úc đều yêu cầu các nền tảng công nghệ đàm phán với các báo. Điều này dễ dẫn đến chuyện các nơi này ưu tiên cho các tờ báo phù hợp với mục tiêu kinh doanh của họ, thậm chí từ chối đàm phán với các báo họ cho là không phù hợp cho nền tảng. Tự nhiên luật trao cho Google hay Meta một quyền năng rất lớn, ảnh hưởng lên hướng phát triển báo chí của một nước.

Với Luật C-18 của Canada, các chuyên gia cho rằng cần phân biệt sự khác nhau giữa Google và Facebook nên không thể đánh đồng hai nơi này làm một. Meta cho biết trong nội dung người dùng đăng tải trên Facebook, các nội dung có dẫn tin báo chí chỉ chiếm 3% những gì xuất hiện trên tường nhà người dùng. 

Đúng là dẫn tin trên báo không được Facebook ưu tiên trong thuật toán, các mẩu có đường dẫn như thế có độ tương tác rất thấp. Ngược lại, vai trò của báo chí đối với mô hình kinh doanh của Google lại rất quan trọng nên Google có thể sẽ dễ dàng đi đến thỏa thuận với báo chí hơn.

Ảnh: FT

Ảnh: FT

Trước khi Canada thông qua Luật C-18, hồi tháng 3 Google đã thử nghiệm trong vòng năm tuần, trong đó chừng 4% người dùng ở Canada không được tiếp cận tin tức báo chí khi họ tìm kiếm thông tin trên Google. 

Tại một buổi điều trần trước Quốc hội Canada, đại diện cho Google nói kết quả tìm kiếm có dẫn link đến tin tức trên báo chí chỉ chiếm 2% các kết quả tìm kiếm nói chung. Ngược lại trên Google News - nơi tin tức các báo được giới thiệu và dẫn link, Google không bán quảng cáo nên không có doanh thu.

Trong thông báo phát ra sau khi Canada thông qua Luật C-18, Google nói các quan ngại được Google trình bày trước đó đã không được lắng nghe, như đề nghị chỉ trả tiền cho nội dung hiển thị chứ không phải đường dẫn. Ý của Google là họ sẵn sàng thương lượng để trả tiền cho báo chí khi hiển thị trên Google News chứ không trả tiền cho đường dẫn trên kết quả tìm kiếm.

Gốc rễ vấn đề

Tạm gác chuyện "thuế dẫn tin" sang một bên, cái khó Google hay Meta gây ra cho báo chí không phải nằm ở chuyện dẫn tin hay không cho dẫn tin. Điều quan trọng hơn là hai gã khổng lồ này đã làm xáo trộn thị trường quảng cáo, phá vỡ các mô hình cũ, thu gom gần hết doanh thu quảng cáo, chỉ chừa một phần nhỏ nhưng lại chia đều cho rất nhiều nơi, trong đó báo chí chỉ là một địa chỉ.

Rất có thể dưới mô hình mới này, một nhân vật có ảnh hưởng được cả triệu người theo dõi trên YouTube có thể thu hút quảng cáo chẳng kém gì một kênh truyền hình lâu năm. Thử hỏi với hàng ngàn nhân vật như thế hoạt động suốt ngày đêm, các đài truyền hình truyền thống làm sao cạnh tranh nổi trong thu hút quảng cáo.

Google trong vai trò làm nơi trung gian giữa các nơi hiển thị quảng cáo, trong đó có báo chí và các nơi cần đất để quảng cáo. Đóng vai trò trung gian này, Google liên tục tổ chức các cuộc đấu giá để hai bên gặp nhau, hàng tỉ cuộc như thế mỗi ngày, không một tờ báo riêng lẻ hay một doanh nghiệp cần quảng cáo nào có thể tự đảm đương nổi.

Google đứng giữa thu hoa hồng nên hưởng một tỉ lệ rất lớn trong tổng doanh thu quảng cáo, bóp lại nguồn thu của các báo. Như một thông tin nền hỗ trợ cho Luật C-18, Canada cho biết từ năm 2008 đến nay đã có 474 đơn vị báo chí đóng cửa; từ năm 2008 đến 2020, doanh thu của báo chí sụt giảm đến 6 tỉ đô la.

Một số chuyên gia báo chí cho rằng giải pháp soạn luật như Canada hay Úc không hiệu quả bằng thành lập một quỹ độc lập trực tiếp hỗ trợ báo chí. Nguồn tiền cho quỹ này có thể từ thuế đánh trên doanh thu quảng cáo của các nền tảng công nghệ. Tờ Common Dreams dẫn lời một chuyên gia cho rằng sắc thuế 1% đánh lên doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Mỹ sẽ tạo ra một quỹ trị giá 2 tỉ đô la đủ để khuyến khích một nền báo chí có trách nhiệm xã hội hơn là loại báo chí câu view hay chuyên đăng tin giả.

Ngoài Canada, hồi đầu năm nay Bộ Tư pháp Mỹ và tám tiểu bang kiện Google ra tòa với cáo buộc công ty này lạm dụng vị thế độc quyền để hưởng lợi trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Riêng bang California thông qua một đạo luật buộc các doanh nghiệp công nghệ trả tiền cho báo chí khi phân phối sản phẩm báo chí. Tại đây Meta cũng dọa sẽ không cho hiển thị tin tức trên Facebook và Instagram nữa nếu luật được thông qua.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận