"Công nghệ thấp" không có nghĩa là kém "thông minh"

HOA KIM 04/11/2023 06:21 GMT+7

TTCT - Những giải pháp thủ công, nói không với công nghệ hiện đại đang được một số thành phố áp dụng để bù đắp cho những khiếm khuyết của chính quyền số hóa.

Bàn hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế của PEU. Ảnh: Twitter Đơn vị tiếp cận công chúng trực thuộc Văn phòng thị trưởng New York.

Bàn hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế của PEU. Ảnh: Twitter Đơn vị tiếp cận công chúng trực thuộc Văn phòng thị trưởng New York.

Trong khi các đô thị hướng tới phát triển thông minh và số hóa như một yêu cầu tất yếu của tương lai, việc xây dựng một môi trường đầy ắp công nghệ không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho tất cả các nhóm dân cư, nhất là những người không có khả năng và điều kiện để theo kịp sự phát triển ấy. 

Đôi khi cách tiếp cận ít công nghệ (low-tech) lại là một giải pháp dung hòa hiệu quả, ngay cả khi nó khiến thành phố trông có vẻ kém thông minh hơn.

Mang chính sách đến gần dân

Đều đặn mỗi thứ ba, Jessica Ramgoolam lại đến Thư viện công cộng New York (NYPL), bày biện bàn ghế tại một góc nhỏ rồi bắt đầu ngày làm việc mới bên chiếc laptop và những xấp tờ rơi chất thành chồng. 

Là nhân viên Đơn vị tiếp cận công chúng (PEU) trực thuộc Văn phòng thị trưởng New York, nhiệm vụ của cô và các đồng nghiệp là thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi các chương trình công.

Phần việc cụ thể của Ramgoolam là hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế do chính phủ tài trợ. PEU được thành lập từ năm 2015 dưới thời thị trưởng Bill DeBlasio, đóng vai trò như một lực lượng "đặc nhiệm" sâu sát nhất tới từng cộng đồng dân cư nhằm tăng cường tỉ lệ ghi danh các chương trình công ít người tham gia. 

Nhiệm vụ này sinh ra một phần là do sự nhiêu khê của các thủ tục hành chính và đòi hỏi về độ thông thạo công nghệ nhất định vốn là khó khăn của các nhóm yếm thế - dù họ là đối tượng cần tiếp cận các gói hỗ trợ chính phủ nhất.

Trước khi có PEU, người dân New York cần hỗ trợ phải gọi đến đường dây nóng 311 hoặc đích thân đến văn phòng quản trị nhân sự thành phố để nhận sự trợ giúp. "Không may là vẫn có những nguồn lực của thành phố không được sử dụng hết, gây lãng phí. Có nguồn lực (để giúp) và có người cần giúp đỡ, nhưng vấn đề là cần tìm ra cách kết nối họ với nhau" - tạp chí MIT Technology Review dẫn lời Adrienne Lever, giám đốc điều hành PEU.

Các nhóm đối tượng chính của PEU bao gồm người thu nhập thấp và người cao tuổi, nhiều người trong số họ không có điều kiện tiếp cận máy tính hoặc ra khỏi nhà, chứ chưa nói đến kết nối Internet để nộp hồ sơ công trực tuyến. Đối với những nhóm cư dân này, tự mình điền và gửi đi thành công một biểu mẫu Google đơn giản cũng là điều xa xỉ.

Các nền tảng chính phủ điện tử thường phức tạp và rối rắm hơn nhiều so với một biểu mẫu Google. Lấy ví dụ từ chương trình miễn trừ tăng giá thuê nhà dành cho công dân cao tuổi (SCRIE) của thành phố New York. 

Chương trình này cho phép người trên 62 tuổi được duy trì mức tiền thuê nhà cố định tùy theo thu nhập và không bao giờ tăng, ngay cả khi chủ nhà tăng giá thuê. Phần chênh lệch nếu có sẽ được chính quyền bù cho chủ nhà thông qua khấu trừ thuế.

Trong năm 2023 tính đến tháng 10, PEU đã chủ động tiếp cận và hỗ trợ khoảng 20.000 người dân New York đủ điều kiện tham gia gói hỗ trợ này. Một trong số đó là một người mất một phần năng lực thể chất và nhận thức sau một cơn tai biến và không thể tự mình điền mẫu đơn trực tuyến cũng như nhờ trợ giúp qua điện thoại theo những kênh hỗ trợ truyền thống.

"Gõ từng nhà" trong thời đại số

Các chương trình như SCRIE thường là sản phẩm của nhiều phiên họp bàn giấy giữa các nhà làm chính sách với lập trường chính trị khác nhau, đặt ra những yêu cầu, quy định và định nghĩa pháp lý phức tạp để thỏa hiệp giữa các bên. 

Kết cục thông thường là những chương trình mang ý nghĩa tốt đẹp lại chỉ được thực thi nửa vời hoặc với quá nhiều rào cản đến nỗi người cần chúng nhất lại không thể tiếp cận. SCRIE chỉ có gần 76.000 người tham gia tính đến năm 2019 dù chính quyền thành phố ước tính số lượng người đủ điều kiện vào khoảng 135.000.

Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều chương trình công khác ở New York. Tệ hơn nữa, việc mỗi chương trình phúc lợi có một hệ thống đăng ký khác nhau và được quản lý bởi một cơ quan công quyền khác nhau khiến số lượng thủ tục hành chính mà một công dân cần nắm bắt là rất lớn và ngày càng tăng.

Quãng đường từ chính sách đến thực thi vẫn luôn là thách thức của mọi chính quyền, và người ta thường mặc định sự hỗ trợ của công nghệ có thể khiến nó dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi công nghệ mang đến những cơ hội chưa từng có để thu hẹp khoảng cách giữa các chương trình chính phủ và đối tượng mà chúng phục vụ, nó cũng mang đến những thách thức chưa từng có.

"Làm sao ta có thể hiện đại hóa mà không bỏ ai lại phía sau? Làm sao tăng cường khả năng tiếp cận mà không tạo gánh nặng quá mức lên công dân? Làm sao tăng hiệu suất và khiến các dịch vụ trở nên dễ sử dụng hơn mà vẫn bảo vệ dữ liệu nhạy cảm?" - MIT Technology Review nêu ra những thách thức của ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực công.

Nhân viên PEU "gõ từng nhà" để phổ biến thông tin. Ảnh: PEU

Nhân viên PEU "gõ từng nhà" để phổ biến thông tin. Ảnh: PEU

PEU sớm nhận ra triển khai các biện pháp ít sử dụng công nghệ là giải pháp cần thiết và hiệu quả để mang mọi người vào hệ sinh thái công nghệ cao, thông qua tiếp cận nhất quán và đa kênh để làm giảm đi gánh nặng đối với những người dân thành phố phải đương đầu với bộ máy hành chính quan liêu. 

Đơn vị quyết định áp dụng các chiến thuật tương tự như trong một chiến dịch vận động tranh cử: gõ cửa từng nhà, gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email, và tổ chức các sự kiện công cộng để chia sẻ về các dịch vụ công của thành phố cũng như giúp mọi người ghi danh.

Hình thức tiếp cận tùy thuộc đối tượng: người trẻ thường chỉ cần nhắn tin là đủ, người lớn tuổi có thể cần thêm hỗ trợ tận nhà đối với những trường hợp không phản hồi tin nhắn. Để đến với những người không thể tiếp cận bằng những cách trên, nhân viên PEU phối hợp với các tổ chức cộng đồng để đặt bàn hỗ trợ ngay tại các không gian công cộng như thư viện để gặp gỡ họ trực tiếp.

Dù là bằng hình thức nào, nghiên cứu của PEU chỉ ra mọi người có nhiều khả năng đăng ký các chương trình của chính phủ hơn khi chính quyền thành phố chủ động tìm đến họ. Chẳng hạn, những người nhận tin nhắn mời tham gia chương trình ưu đãi phí sử dụng dịch vụ giao thông công cộng Fair Fares ở New York có khả năng đăng ký cao hơn đến 46% so với những người không được tiếp cận. Những người đủ điều kiện và phản hồi tin nhắn thậm chí có khả năng đăng ký cao hơn 168%.

Giải pháp "dốt" cho thành phố thông minh

Khi công nghệ ngày càng ăn sâu vào cuộc sống thì có một trào lưu dường như đi ngược lại xu thế, đó là phát triển các "thành phố dốt" (dumb city). Khái niệm này không nói đến một thành phố lạc hậu hoặc khước từ hoàn toàn các tiến bộ công nghệ, mà là vận dụng khéo léo các giải pháp quy hoạch đô thị từ quá khứ để giải quyết những vấn đề của đô thị ngày nay, thay vì tìm đến những công nghệ thời thượng như trí tuệ nhân tạo, máy học hoặc dữ liệu thời gian thực.

“Nông trại nổi”, sử dụng kỹ thuật trồng trọt chinampas của nền văn minh Aztecs trong thế kỷ 14, ở Mexico. Ảnh: Arca Tierra

“Nông trại nổi”, sử dụng kỹ thuật trồng trọt chinampas của nền văn minh Aztecs trong thế kỷ 14, ở Mexico. Ảnh: Arca Tierra

Shoshanna Saxe - người khởi xướng khái niệm này từ một bài xã luận đăng trên báo The New York Times năm 2019 - cho rằng việc bà nhấn mạnh chữ "dốt" là để làm đối trọng với "thông minh" trong bối cảnh nhiều người thường cho rằng "cứ đổi mới sáng tạo là phải gắn liền với công nghệ", theo trang City Monitor.

Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) là một trường hợp điển hình ứng dụng thành công giải pháp không cần công nghệ để giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị. Nhờ thiết kế "thành phố bọt biển" của đơn vị kiến trúc Obermeyer với những mảng xanh được sắp xếp để hấp thụ nước vào mùa mưa và cung cấp nước vào mùa khô, Vũ Hán có thể tái sử dụng đến 70% lượng nước mưa tự nhiên mỗi năm đổ xuống khu vực này. Một dự án khác ở Thanh Đảo thì xử lý nước thải sinh hoạt bằng cách cho nó chảy qua một khu vực công viên để thảm thực vật tại đây trở thành chiếc máy lọc nước khổng lồ.

Tại Mexico, một kỹ thuật trồng trọt mang tên chinampas từng được nền văn minh Aztecs sử dụng vào khoảng thế kỷ 14 đang được hồi sinh một cách hiệu quả ở thủ đô Mexico City.

Kỹ thuật này bao gồm sử dụng các lớp đất, cây lau sậy và các vật liệu nổi khác để tạo ra những hòn đảo nổi trên mặt nước giúp cung cấp nguồn dinh dưỡng ổn định cho cây trồng. Hơn 700 năm sau khi kỹ thuật này được phát minh, nó vẫn chứng minh tính hiệu quả khi đang trở thành nguồn cung nông sản sạch tại chỗ chủ yếu cho một số cộng đồng bản địa.

Saxe cho rằng các hướng tiếp cận sử dụng ít công nghệ đáng tin cậy hơn, ít có khả năng gặp sự cố, và cũng rẻ hơn rất nhiều. "Mọi người đang nhận ra chúng ta đang lãng phí thời gian và tiền bạc để theo đuổi những ý tưởng không hiệu quả" - Saxe nói với City Monitor.

Dĩ nhiên không thể kỳ vọng trở về thời kỳ trước khi công nghệ phát triển là giải pháp cho mọi vấn đề của đô thị hiện đại. Jentsch (giám đốc Obermeyer) tin rằng sự kết hợp hợp lý giữa giải pháp thông minh và giải pháp "dốt" sẽ là hướng đi mà các thành phố có thể cân nhắc. "Chúng ta sẽ có cả những giải pháp công nghệ cao và ít công nghệ khi hướng về tương lai" - ông khẳng định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận