TTCT - Ngày 15-5 năm nay, Trung Đông kỷ niệm 75 năm biến cố Nakba - sự kiện mà xã hội và vùng đất sinh sống của người Palestine bị tước đoạt và tàn phá vào năm 1948 dưới tay các lực lượng vũ trang Do Thái - theo hai cách khác nhau.

Người dân Ả Rập và Palestine hồi tưởng ngày mất đi quê hương, trong khi nhà nước Israel ăn mừng ngày lập quốc. Một ngày, hai ý kiến đối lập và rất nhiều nỗ lực đã đổ ra vô ích tìm cách bắc cầu cho hai quan điểm đó. Tuổi Trẻ Cuối Tuần giới thiệu một góc nhìn từ cộng đồng Ả Rập ở khu vực Trung Đông.

Nakba trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "thất bại" hay "bước thụt lùi". Người Ả Rập đã sống qua rất nhiều những bước thụt lùi như vậy, suốt bao thế hệ.

Trong những năm tháng đó, 750.000 người Palestine đã bị trục xuấtkhỏi nhà cửa, ruộng vườn và đất đai của họ. Các nước Ả Rập đã mở cửa cho những nạn nhân, cả các nước láng giềng Ai Cập, Jordan và Syria, lẫn những nước khác ở xa hơn.

Nửa thế kỷ trước

Khi các đạo quân Ả Rập tìm cách giành lại đất đai đã mất, họ hứng chịu thêm một thất bại nữa và lại mất thêm đất đai, chủ yếu là ở Ai Cập (bán đảo Sinai) và Syria (cao nguyên Golan), vào tay Israel sau cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967. 

Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được thông qua nhất trí tuyệt đối ngày 22-11-1967, căn cứ chương VI Hiến chương Liên Hiệp Quốc, khẳng định "không chấp nhận hành động thâu tóm lãnh thổ bằng chiến tranh và yêu cầu nỗ lực vì một nền hòa bình công chính và lâu dài ở Trung Đông để mọi quốc gia trong khu vực có thể sống trong an ninh".

Ảnh: The Daily Beast

Ảnh: The Daily Beast

Nghị quyết xác lập hai nguyên tắc cơ bản: (1) Rút lực lượng vũ trang Israel khỏi các lãnh thổ chiếm đóng; (2) ngừng mọi hoạt động chiến tranh, tôn trọng và công nhận chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của mọi nhà nước trong khu vực cùng quyền của họ được sống hòa bình trong những đường biên giới an toàn và được công nhận, không bị đe dọa bởi các hành động vũ lực.

Trong sáu năm sau đó, Israel đã không đáp lại nghị quyết của LHQ. Tháng 2-1973, tổng thống Ai Cập Anwar Sadat (1918-1981) đề xuất giải pháp toàn diện cho tranh chấp Ai Cập - Israel, được bí mật chuyển cho bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger. 

Dù đề xuất đó đáp ứng hầu hết đòi hỏi của Israel, thủ tướng Israel Golda Meir (1898-1978) đã từ chối. Israel không chịu trả lại những lãnh thổ họ chiếm đóng vào năm 1967. Lập trường của bà Meir vẫn không thay đổi khi vào tháng 4-1973, giới lãnh đạo Israel đã hiểu rõ giải pháp duy nhất còn lại là chiến tranh.

Ngày 6-10-1973, quân đội hai nước Ai Cập và Syria khởi phát cuộc chiến đòi lại lãnh thổ - chiến tranh Yom Kippur. Sau chiến tranh, ngày 9-11-1977, Sadat khiến cả thế giới bất ngờ khi tuyên bố sẽ thương lượng về hòa bình với Israel ở bất cứ đâu, thậm chí là Jerusalem. Không lâu sau đó, chính quyền Israel mời ông phát biểu trước quốc hội nước này - bài phát biểu mở ra bước đi đầu tiên trong tiến trình hòa giải Israel - thế giới Ả Rập.

Những nỗ lực hòa giải vô ích

Dù bấy giờ hầu hết các nước Ả Rập phản đối hành động của Sadat, tẩy chay Ai Cập và chuyển trụ sở Liên đoàn Ả Rập từ Cairo sang Tunisia, ông vẫn ký Hiệp ước Camp David với Israel, dưới sự bảo trợ của Mỹ, để xây dựng "Khuôn khổ hòa bình ở Trung Đông" và "Khuôn khổ để đi đến hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel".

Sau nhiều năm bị chối bỏ, giới ngoại giao Palestine cố gắng đi theo con đường của Sadat. Hiệp ước Oslo, gồm hai thỏa thuận giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và nhà lãnh đạo Yasser Arafat (1929-2004), được ký kết, khởi động tiến trình hướng tới nền hòa bình lâu dài, đáp ứng "quyền tự quyết của nhân dân Palestine": PLO công nhận Israel và Israel công nhận PLO là đại diện của người dân Palestine.

Lúc bấy giờ, PLO, Phong trào giải phóng quốc gia Palestine (Fatah), Phong trào kháng chiến Hồi giáo (Hamas), Tổ chức thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ, nhóm lớn thứ hai ở Dải Gaza, sau Hamas), đều đại diện cho người Palestine. 

Sau hiệp ước Oslo, chiếm ưu thế ở Gaza là Hamas và Fatah. Một trong những hệ quả lớn của hiệp ước là sự ra đời của Nhà nước Palestine, với nhiệm vụ quản trị nhà nước cho người Palestine ở một số vùng thuộc Bờ Tây và Dải Gaza; và sự công nhận quốc tế với PLO.

Nhưng PLO chỉ xây dựng được một khuôn khổ quản trị mong manh, không có quyền hành thực tế đáng kể ở Bờ Tây, trong khi Dải Gaza vẫn do Hamas cai quản. Israel tiếp tục phớt lờ sự công nhận Nhà nước Palestine và quyền tự quyết, cũng như quyền của người dân Palestine được trở về đất đai quê hương mình. 

Chính quyền Israel tiếp tục xây dựng những khu định cư Do Thái trên đất Palestine, thậm chí ở cả Bờ Tây và Đông Jerusalem - một trong những nguyên nhân chính gây ra các cuộc xung đột Israel - Palestine gần đây.

Cộng đồng quốc tế, bao gồm Hoa Kỳ, tin rằng hành động này của Israel là bất hợp pháp. Nhưng gần đây Washington đã thay đổi thái độ, nhất là sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tuyên bố chính quyền Mỹ không còn coi các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây là bất hợp pháp.

Những gì các tay súng Hamas đã làm ngày 7-10-2023 là hệ quả trực tiếp của hai nguyên nhân: thất bại của các giải pháp hòa bình và cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Israel, không chỉ bằng cách xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ Palestine họ chiếm đóng, mà còn vào hội đường Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, điểm cuối cùng trên hành trình Isra của nhà tiên tri Muhammad, một trong những nơi thiêng liêng nhất của người Hồi giáo.

Ai lựa chọn chiến tranh?

50 năm sau cuộc chiến tháng 10-1973, Hamas đã nổ súng trong cuộc chiến giải phóng của riêng họ. Và hiện giờ Israel đang báo thù bằng cách phong tỏa hoàn toàn, cắt điện nước và mọi nhu yếu phẩm cho Gaza. Người Palestine cần công lý chứ không phải báo thù.

Nhà nước Israel ra đời đã dẫn tới sự thay đổi hoàn toàn cơ cấu dân số của một vùng đất từng sống rất hòa bình thời Đế chế Ottoman. Sau Thế chiến 1 và thất bại của Đế chế Ottoman, Tuyên bố Balfour 2-11-1917 nói Anh ủng hộ "thành lập ở Palestine một quốc gia cho người Do Thái". Đó là quà tặng do một người không sở hữu vùng đất đấy tuyên bố, như lời các sử gia Ả Rập.

Tuyên bố Balfour, được đưa ra sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà lãnh đạo phong trào phục quốc Do Thái ở London thật ra không được như hy vọng của họ. Họ còn muốn Palestine trở thành quốc gia của riêng người Do Thái, trong khi tuyên bố nói rõ rằng "không được phép xâm phạm những quyền dân sự và tôn giáo của các cộng đồng không phải Do Thái đang hiện diện ở Palestine". 

Tuy nhiên, tài liệu đó chẳng nói gì về quyền chính trị hay quốc gia của các cộng đồng đấy! Bước đi chủ động của Sadat hướng tới hòa bình và các thỏa thuận của PLO thời Arafat đã thất bại.

Những năm gần đây, một số nước Ả Rập đã bình thường hóa quan hệ với Israel, chỉ dấu mà Hamas hiểu là những hứa hẹn hòa bình và công lý cho người Palestine coi như đã sụp đổ. Năm 1973, Golda Meir và nội các của bà đã lựa chọn chiến tranh, và 50 năm sau, lịch sử đang lặp lại với Benjamin Netanyahu và nội các Israel hiện giờ.■

Vào lúc tôi đang viết những dòng này (16-10-2023), lực lượng Israel sắp mở một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza, sau khi đã phong tỏa hoàn toàn dải đất này, cắt điện, nước, nhiên liệu và nguồn cung thực phẩm cho 2,3 triệu dân cư nghèo khó ở đó. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói với binh lính ở gần hàng rào Gaza: "Hamas muốn thay đổi, họ sẽ được thay đổi. Gaza sẽ không còn gì hết". Các chuyên gia về Trung Đông tin rằng cuộc xung đột sắp bước vào giai đoạn tàn phá hơn nhiều, nhưng kết cục chiến tranh là không có gì chắc chắn khi các phe phái khác có thể tham gia, dẫn tới một cuộc chiến không bao giờ kết thúc.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận