Cuộc khủng hoảng ở Pháp: Đi tìm gốc rễ của bạo lực

DANH ĐỨC 10/07/2023 15:25 GMT+7

TTCT - Một tuần sau vụ thiếu niên 17 tuổi Nahel M. thiệt mạng trong một vụ kiểm tra giao thông hôm thứ ba 27-6 vì bị cảnh sát bắn, nước Pháp vẫn đang oằn mình trong cơn bạo động.

Sau những hậu quả ghê gớm, người ta bắt đầu nhìn lại một bối cảnh xã hội đang phân hóa cùng cực.

Khuya thứ hai 3-7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin cùng đến ủy lạo cảnh sát và hiến binh tại một đồn cảnh sát Bessières trong quận 17, vốn là doanh trại của đơn vị chống tội phạm (BAC) cùng các đại đội cảnh sát cơ động (CRS, BRI) ở khu vực Bắc Paris.

Ảnh: The New York Times

Ảnh: The New York Times

Lập lại trật tự

Sau nửa đêm, ông Macron và ông Darmanin còn đến Sở Cảnh sát Paris. Bộ trưởng Darmanin tuyên bố chắc nịch: "Chúng ta sẽ không để ai đâm nền Cộng hòa". 

Thông điệp của Điện Elysée và Bộ Nội vụ Pháp tối thứ hai 3-7 là rất rõ sau một tuần hỗn loạn khiến cảnh sát phải bắt giữ gần 4.000 người kể từ hôm thứ sáu 30-6, trong đó có 1.244 vị thành niên, và 374 người phải ra hầu tòa ngay lập tức. 

Đây là chuyến đi ra ngoài Điện Elysée đầu tiên của ông Macron từ sau khi vụ khủng hoảng nổ ra. Dường như ông Macron cũng được khuyên đợi tình hình yên chút hãy ra ngoài công cán: tính đến 23h30 tối 3-7, đã chỉ bắt giữ có 17 người, giảm so với 40 vụ đêm chủ nhật 1-7, giảm rất nhiều so với hơn 400 vụ đêm thứ năm tuần trước 29-6.

Trong ngày, ông Darmanin còn đến một số thành phố trong nước Pháp để thị sát. Tại Reims, ông tuyên bố: "Trật tự đang được tái lập", đồng thời ra lệnh giải ngân ngay 20 triệu euro để thay thế các camera giám sát bị đập phá. Reims là một trong những thành phố bị đập phá nhiều nhất, riêng Reims đã bị đốt tới 3 bưu điện trong tổng số 20 cái bị đốt trên toàn quốc tuần rồi.

Cùng ngày, Bộ trưởng ủy nhiệm phụ trách Nhà ở và đô thị Olivier Klein cũng đến thăm tòa thị chính Clichy-sous-Bois, nơi khởi sự vụ rối loạn ngoại ô trên quy mô toàn quốc năm 2005 kéo dài ba tuần lễ. 

Tại đây, ông Klein nói: "Không thể chấp nhận kiểu bạo lực tự hủy diệt này, và cần sự hiện diện của cảnh sát, sự chia sẻ trách nhiệm của bậc phụ huynh, các dân biểu, những người làm chính trị, trở lại với lý trí để có thể nghĩ đến kết thúc bạo lực". 

Đúng 12h trưa, dân chúng khắp nước Pháp tề tựu trước các tòa thị chính để biểu thị sự gắn bó với các bộ máy nhà nước và luật pháp.

Trước đó, vào buổi sáng, các thị trưởng cánh hữu Pháp đã tập trung bên cạnh thị trưởng L'Hay-les-Roses Vincent Jeanbrun, mà gia đình đã bị tấn công đêm chủ nhật 2-7 bởi một đám người lái một chiếc xe húc vào nhà, rồi đốt xe cùng các đồ dễ cháy, như thùng rác bằng nhựa. 

L'Hay-les-Roses là thị trấn thuộc tỉnh Val-de-Marne, chỉ cách cửa ô Gentilly khoảng 5km. Trước ông này, nữ thị trưởng thị trấn Pontoise ở gần Paris, bà Stéphanie Von Euw, bị tấn công hôm thứ năm 29-6 sau khi bà đến ghi nhận thiệt hại do vụ cháy một rạp hát. Hai kẻ bạo loạn nhảy lên xe và bắt đầu đập phá. 

Bà Von Euw cuối cùng cũng tự thoát ra được khỏi xe, hiện bị ù tai phải và bỏng nhẹ mắt cá chân phải. Thị trưởng La Riche, gần Tours, bị đốt xe công vụ. Thị trưởng Cholet, Gilles Bourdouleix, cũng báo rằng ngôi nhà cũ của ông đã bị "lục tung" và "mọi thứ đã bị phá hủy".

Tính đến sáng thứ ba 4-7, theo Liên đoàn Cảnh sát quốc gia Alliance Police Nationale, đã có 11.113 thùng rác nhựa bị đốt (chất gây cháy lớn nhanh và dễ kiếm), 1.059 tòa nhà công sở bị đốt hay phá, 254 bót cảnh sát bị tấn công, 772 nhân viên cảnh sát và hiến binh bị thương, 35 lính cứu hỏa bị thương, 1 lính cứu hỏa chết khi đang làm nhiệm vụ. 

APL gọi đây là "một cuộc chiến tranh du kích trong thành phố". Tất cả là cơ sở cho nhận xét của ông Macron hôm 29-6: "Bạo lực nhắm vào các đồn cảnh sát, trường học, tòa thị chính, chống lại nền Cộng hòa, là không chính đáng".

Lập lại trật tự không phải là "sân riêng" của chính phủ Macron. Đối thủ về nhì ở vòng hai bầu cử tổng thống năm ngoái Marine Le Pen nay cũng ra sức hô hào lập lại trật tự, tái lập nền Cộng hòa, và thêm điều mà ông Macron không chủ trương hay tránh né là dừng chuyện cho nhập cư một số nhóm dân tộc.

Tờ Le Monde 4-6 chạy tít: "Bạo loạn đô thị: Kín đáo, Marine Le Pen muốn tận dụng bất ổn để tái tập trung". Tờ Le Figaro chạy tít tương tự: "Marine Le Pen muốn chơi lá bài nền Cộng hòa". 

Một nhân vật cực hữu khác là Eric Zenmour hiện cũng đang chơi lá bài dân tộc cực đoan: "Trong những người bạo loạn, có 1/3 là trẻ vị thành niên. Một số người không được nhập quốc tịch Pháp cho đến khi đủ 18 tuổi. Tôi đề xuất rằng bất kỳ sự tham gia nào vào cuộc bạo loạn với hành vi phạm tội chống lại cơ quan đại diện nhà nước, tòa nhà công cộng, quan chức dân cử, cơ quan thực thi pháp luật hoặc lính cứu hỏa, sẽ là cơ sở để khước từ quốc tịch Pháp".

Hình ảnh ông Macron bị người biểu tình mang ra bêu riếu. Ảnh: Getty Images

Hình ảnh ông Macron bị người biểu tình mang ra bêu riếu. Ảnh: Getty Images

Thật trùng hợp, một người thân cận của chính khách này là Jean Messiha mới mở lạc quyên hỗ trợ viên cảnh sát đã nổ súng sát hại thiếu niên Nahel, và đến ngày thứ ba đã quyên được hơn 1 triệu euro, trong khi quỹ lạc quyên cho chính Nahel mới chỉ có khoảng 200.000 euro, tạo ra một cuộc tranh cãi trong xã hội, làm tiền đề cho những phân hóa hơn nữa.

Ai là ai trong những vụ xuống đường

Những phiên xử đã được tổ chức cấp kỳ, như tại Strasbourg, những bản án tù giam từ 4 đến 10 tháng đã được tuyên: một thanh niên 26 tuổi bị bắt vì bước ra khỏi một cửa hàng quần áo hiệu Zara với một túi quần áo thiệt to, đã khai trước tòa rằng thấy cửa hàng bị đập phá, nên bước vô quơ đồ đạc.

Còn tại tòa án thành phố Senlis, trong 10 người tuổi từ 19 tới 28 phải ra tòa, có hai người có tiền án, tiền sự, và một sinh viên luật bậc cử nhân. Một thanh niên khác 19 tuổi bị kết án 15 tháng tù treo, kèm 24 tháng quản chế, vì đã nã súng bắn pháo bông vào hiến binh. Từng bị tòa án vị thành niên kết tội vì dọa giết cảnh sát, thanh niên này giải thích: "Tôi muốn thu hút cảnh sát... cho vui thôi".

Liên đoàn Giới chủ Pháp (Medef) thì báo cáo có hơn 200 cơ sở thương mại, 300 chi nhánh ngân hàng và 250 tiệm bán thuốc lá bị đập phá khắp nơi. Medef đã có thể nhận xét tổng quát về cách thức ra tay của những người xuống đường lần này: "Với phương thức hoạt động là bạo lực tuyệt đối, mọi thứ đã bị đánh cắp trước khi phóng hỏa thiêu hủy, kể cả máy tính tiền".

Với 3.164 vụ bắt giữ như APL đã loan báo, các án tuyên ở tòa, và mô tả của Medef, có thể so sánh vụ này với vụ gây rối năm 2005. 

Lần đó, cũng bắt đầu từ việc ba thiếu niên (một 15 tuổi và hai 17 tuổi) bỏ chạy khi bị cảnh sát xét giấy tờ ở thị trấn Clichy-sous-Bois, rồi vô núp trong một trạm điện, để rồi hai trẻ bị điện giật chết, trẻ thứ ba cũng bị điện giật nặng song thoát ra được và về nhà báo tin. 

Vụ việc càng phức tạp hơn khi ba ngày sau, cảnh sát ném lựu đạn cay ở cổng một thánh thất Hồi giáo sau khi bị trúng nhiều vật lạ. Sự cố thứ nhì này làm bùng nổ chuỗi phản kháng bạo động lan ra toàn quốc, khiến Chính phủ Pháp khi đó phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Sau 9 ngày trật tự mới được vãn hồi và tổng cộng đã có 2.921 vụ bắt giữ, cùng 3 thường dân thiệt mạng. Lần đó, hai cảnh sát bị truy tố về tội "không giúp người hoạn nạn" khi thấy các nạn nhân vô trạm điện và nói với nhau: "Tụi nó vô đó, khó lòng thoát mạng". 

Còn lần này, một cảnh sát đã chĩa súng thẳng tay bóp cò khi thấy thiếu niên lái xe đạp ga chạy trốn. Năm 2005, hai cảnh sát kia được tòa cho rằng không đủ chứng cớ buộc tội nên được thả ra. 

Bấy giờ, nhà xã hội học Didier Lapeyronnie cho rằng: "Bản án sẽ được hiểu là sự phủ nhận sâu sắc công lý không chỉ bởi người thân, mà nói chung là bởi người dân của các khu dân cư thuộc tầng lớp lao động". Còn lần này, viên cảnh sát nổ súng bị truy tố tội ngộ sát.

Giữa một bên là cảnh sát và bên kia là những nhóm người xuống đường đòi công lý, còn có cư dân các địa phương. Một tuần sau sự cố, Đài RTL rất quen thuộc nêu một số phản ứng của dân địa phương, dân xã La Verrière (trong tỉnh Yvelines, tây nam Paris): 

"Đêm thứ tư rạng thứ năm, những kẻ trùm đầu đã nhắm vào hai trường học. Họ bước vào khuôn viên nhà trường rồi nổi lửa đốt một số thùng rác để cho ngọn lửa tàn phá các tòa nhà. Mọi thứ tan thành mây khói, tập vở, túi đựng viết, các bản vẽ, chỉ còn lại một đống tro tàn... Tất cả chúng tôi đều đau buồn cho đứa trẻ đã bị giết (Nahel), nhưng đó không phải là phản ứng đúng đắn. Người ta đang đốt chính nơi người ta đang sống. Chính nơi mà con em họ đang đi học bị thiêu rụi! Thật bi thảm cho các cháu, giờ không được đi học! Các con đâu có dính dáng gì tới các vụ kia!".

Ảnh: France 24

Ảnh: France 24

Trẻ con và người lớn

Không chỉ trẻ con bị tai bay vạ gió, mà cả người lớn. Đài RTL mô tả một người lao động da màu: "Hai tay vác hai túi, Saïd rời cửa hàng tạp hóa khu phố. Kể từ thứ sáu tuần rồi, anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cuốc bộ. 

"Xe của ông chủ bị đốt, tôi sẽ khỏi đi làm ít nhất 6 tháng vì bọn họ", Saïd thất vọng nói. "Tôi hiểu câu chuyện, nhưng không thể viện cớ để làm vậy. Chúng tôi lớn lên ở đây, chính nước Pháp giúp đỡ chúng tôi. Đập phá, đốt bỏ có ích gì"".

Ảnh: Axios

Ảnh: Axios

Khác với các cuộc xuống đường trước đây, mà gần đây nhất là vụ phản đối luật hưu trí hồi đầu năm, vốn đều có những lý do, mục đích thực tế: phản đối cái gì, đòi điều gì, tại sao; những vụ xuống đường tuần rồi không mang tính mục đích, mà chỉ khơi khơi tự cho là đòi công lý và thực thi công lý cho vụ Nahel bị bắn chết. Bởi vậy, ông Macron giờ mới đòi "tất cả các bậc cha mẹ phải chịu trách nhiệm" và "nền Cộng hòa không có ý định thay thế họ".

Trong một cuộc phỏng vấn vào thứ bảy 1-7 với tờ Le Parisien, Bộ trưởng Tư pháp Éric Dupond-Moretti đã nói về các biện pháp trừng phạt đối với trẻ vị thành niên, cũng như cha mẹ của chúng. "Có thể xử phạt người làm cha mẹ không? Trong Bộ luật Hình sự, thực sự có một điều khoản từ những năm 1950", ông nói.

"Thời đó, điều khoản này đặc biệt nhắm vào các bậc cha mẹ gây nguy hiểm cho con cái bằng những tấm gương ác độc, thói quen say xỉn hoặc hành vi sai trái nghiêm trọng. 

Sau này, cách diễn đạt luật pháp đã thay đổi một chút: "Cha mẹ có khả năng phải ngồi tù hai năm và chịu phạt 30.000 euro khi họ thiếu nghĩa vụ pháp lý đến mức ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn, đạo đức hoặc giáo dục của con cái họ". 

Trên thực tế, điều khoản này không được áp dụng. Trước hết, do thẩm phán có các biện pháp khác để trừng phạt hoặc giúp đỡ cha mẹ trong trường hợp giáo dục con em không thành công. Kế đến, cũng cần chứng minh được mối liên hệ nhân quả nhất định giữa hành vi phạm tội của trẻ vị thành niên và sự lơ đãng của bậc cha mẹ".

Những lằn ranh xung đột

Vấn đề là dường như trong một số nhóm xã hội, dân tộc, thậm chí tôn giáo, có những quan tâm, thói quen, tập quán khác, nên những xử thế trong đời sống xã hội cũng khác. 

Có thể lấy các số liệu tỉ lệ phạm tội ở Pháp năm 2019 của Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia (Insee): năm 2019, 93% dân số ở Pháp là người Pháp, còn 7% là người nước ngoài; song chỉ 82% những người có "công chuyện" với cảnh sát và hiến binh là người Pháp, còn tới 18% là người nước ngoài - mà trước đó năm 2016 mới chỉ là 16% (Sécurité et société, Insee Édition 2021).

Chi tiết hơn, Insee cho biết người gốc châu Phi chiếm đa số trong số người nước ngoài "có công chuyện" với giới hữu trách: 58% số trường hợp, dù chỉ chiếm 43% tổng số người nước ngoài cư ngụ tại Pháp, còn những người đến từ một nước EU chỉ chiếm 17%, trong khi lại chiếm đến 32% tổng số người nước ngoài cư ngụ tại Pháp.

Có thể hiểu thêm câu chuyện trên bằng một vài số liệu khá: học lực các nhóm theo gốc gác. Khảo cứu của Yaël Brinbaum về "Lộ trình học vấn của trẻ em nhập cư cho tới bằng tú tài: Cội nguồn và giới tính" cho thấy con em nhập cư gốc Phi cận Sahara, đặc biệt là các em nam, thường nhiều khả năng sẽ có con đường học vấn đầy cạm bẫy: học lại một năm ở tiểu học, kết quả học tập kém hơn ở lớp 6, ít đậu tú tài hơn và ra trường mà không có bằng cấp...

Tuy nhiên, sẽ là "độc nhãn" nếu cho rằng người nhập cư là "vấn đề của mọi vấn đề". Đến đây, câu chuyện chuyển sang lĩnh vực khác: đối kháng giàu - nghèo trong bối cảnh khoảng cách quá lớn - vấn đề không chỉ của nước Pháp.

Theo Pauline Delance của Insee, trong một nghiên cứu công bố năm 2018, thì vào năm 2016 tại Pháp, có 10,7 triệu người thuê nhà ở xã hội, chiếm 16% tổng nguồn cung nhà ở. Độ tuổi trung bình của người thuê nhà ở xã hội là 50. 

Mức sống trung bình của họ là 15.100 euro, thấp hơn mức trung bình cả nước. Tỉ lệ nghèo với những người thuê nhà ở xã hội cao hơn so với các nhóm cư trú khác - lên tới 35%, so với 23% ở những người thuê nhà tự do và 7% với chủ sở hữu nhà ở.

Ảnh: BBC

Ảnh: BBC

Ở chiều ngược lại, đến 9,8% nguồn cung nhà ở tại Pháp vào năm 2022 là những ngôi nhà thứ hai, theo Statista. Trong năm 2021, để mua ngôi nhà thứ hai ở Pháp phải có mức thu nhập trung bình hằng năm là 85.950 euro. 

Các ngôi nhà này đặc biệt phổ biến ở vùng bờ biển Đại Tây Dương và các vùng miền nam Pháp, đặc biệt có hơn 560.000 ngôi nhà thứ hai chỉ riêng ở vùng Occitanie. Vấn đề là giá các ngôi nhà thứ hai này tăng đột biến, khiến chính dân địa phương chưa có nhà và muốn mua nhà cũng "ú ớ" vì thấy mình bị loại khỏi thị trường bất động sản và thậm chí đôi khi bị đuổi khỏi bản quán của họ, như ở xứ Basque.

Mâu thuẫn nhà ở này là một trong những mầm mống xung đột xã hội mà chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne gần đây đã cố đưa ra vài biện pháp làm dịu bớt qua điều chỉnh điều kiện vay tín dụng, kéo dài các khoản vay lãi suất bằng không, đặt trần lãi suất các khoản vay mua nhà... (Les Echos 13-6).

Những vấn đề hiện nay ở Pháp không chỉ là hậu quả của vài sự cố, mà là diễn biến chung cuộc của một số quá trình. Cũng không phải là đặc thù Pháp, mà cũng có thể nhìn thấy "bản sao" ở đây, ở kia. ■

Trong tình hình hỗn loạn này, vấn đề mâu thuẫn màu da cũng không tránh khỏi được nhắc tới. Và nay là thời cơ với ứng cử viên tổng thống về ba ở vòng một năm ngoái Jean-Luc Mélenchon (được 21,95% số phiếu, thua sát nút ứng viên cực hữu về nhì Marine Le Pen - 23,15%, và thua ông Macron - 29%). Ông này, tự nhận là cực tả, chủ trương ôn hòa với người theo Hồi giáo, nên thu được 69% số phiếu của nhóm này. Ông tuyên bố sau vụ bắn chết Nahel trên: "Bọn chó giữ nhà ra lệnh cho chúng tôi kêu gọi giữ bình tĩnh. Chúng tôi kêu gọi công lý. Hãy dẹp cuộc điều tra cháu bé Nahel đáng thương. Ngưng việc gã cảnh sát giết người cùng kẻ đồng lõa đã ra lệnh nổ súng". Phát biểu này của Mélenchon bị chỉ trích nhiều. Rốt cuộc, một viên đạn không chỉ đã sát hại một trẻ vị thành niên, mà còn đang "bóp cổ" xã hội Pháp với biết bao phe phái và lập trường chống nhau như hiện nay. Trong mạch không tin nhau đó, có dấu hỏi liệu phát đạn đó có là do viên cảnh sát tự ý hay do ai chỉ đạo? Chuyện ngoài lề, một ngày trước vụ nổ súng, ông Macron còn mạnh miệng chê bai "vụ chính biến cho thấy nước Nga đang chia rẽ nội bộ", qua hôm sau thì ông "á khẩu" luôn tới giờ!
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận